Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Festival Tây Sơn - Bình Định 2007 đã đi vào những phần việc cụ thể. Từ nay đến ngày khai mạc Festival còn hơn một năm, tuy nhiên, với nhiều phần việc, nhất là việc xây dựng các công trình văn hóa phục vụ hoạt động của Festival, thì thời gian như vậy cũng không thể xem là dài...
|
Bảo tàng Quang Trung sẽ được điều chỉnh quy hoạch và xây dựng thêm một số công trình để phục vụ Festival. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
* Kịch bản: vừa sử thi, vừa tổng hợp
Kịch bản lễ khai mạc Festival sẽ do NSƯT Vũ Hoài, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, viết. Theo ông Văn Trọng Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, “Chủ đề của kịch bản sẽ là phát huy truyền thống Bình Định, vươn tới tương lai”. Để thể hiện chủ đề này, tác giả kịch bản có học kinh nghiệm từ kịch bản hai festival của hai địa phương bạn vừa tổ chức gần đây nhất là Festival Huế và Festival Biển Vũng Tàu 2006. Trong đó, kịch bản Festival Huế mang tính tổng hợp các chương trình biểu diễn của các đoàn, kịch bản Festival Biển Vũng Tàu mang tính sử thi.
Cụ thể, lễ khai mạc diễn ra trong khoảng 60 phút, ngay tại bãi cỏ trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Mở đầu buổi lễ, sau âm thanh rộn rã, vang động của dàn trống chiến, hình tượng hoàng đế Quang Trung xuất hiện với 400-500 quân Tây Sơn, 4-6 voi và 20-30 ngựa. Mục đích chính là tạo nên cái nền truyền thống cho lễ hội. Sau các thủ tục khai mạc (diễn ra chưa tới 10 phút), sẽ đi vào nội dung chính của phần hội của lễ khai mạc gồm 3 lớp. Lớp một “Bình Định miền quê yêu dấu”, gồm hai màn, diễn ra trong khoảng 20 phút. Màn 1 “Bình Định biển trời huyền diệu” sẽ thể hiện lại truyền thuyết Ghềnh Ráng Tiên Sa nhằm tạo nên chất lãng mạn, huyền diệu; và diễn màn trình tường theo đúng nghi lễ đặc trưng của tuồng với 150 nhân vật gồm cả binh sĩ, cung nữ, tướng sĩ..., qua đó, giới thiệu Bình Định như một trong những cái nôi của nghệ thuật tuồng. Màn 2: “Bình Định miền đất võ”, biểu diễn võ nhưng dưới hình thức nghệ thuật, thể hiện niềm tự hào về truyền thống thẳm sâu của miền đất võ.
Lớp 2 “Quy Nhơn hội tụ lòng người” cũng diễn ra trong khoảng 20 phút. Lớp này gắn kết phần biểu diễn các đoàn nghệ thuật trong nước tham gia Festival, thể hiện sự hội tụ lòng dân cả nước với phong trào nông dân Tây Sơn. Trong đó, “Ngày hội hoa đào” sẽ do Nhà hát Thăng Long (Hà Nội) biểu diễn; “Nữ chúa rừng xanh” do Đoàn nghệ thuật Đam San (Gia Lai) biểu diễn; “Sóng Rạch Gầm - Xoài Mút” do Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Tiền Giang biểu diễn. Khép lại lớp này là màn múa lân - múa rồng do Đoàn Nghệ thuật Cung đình Huế biểu diễn.
Lớp 3, “Hội tụ và phát triển” thể hiện khát vọng vươn lên, tiềm năng và các cơ hội phát triển của Bình Định. Màn: “Đại dương vẫy gọi”, ca ngợi tinh thần lao động của ngư dân và giới thiệu tiềm năng biển của Bình Định, “Cầu Nhơn Hội khát vọng”, thể hiện không khí lao động ở công trình tầm vóc thế kỷ này của Bình Định dưới hình thức sân khấu chồng múa, tạo hình ảnh như Quang Trung đang cưỡi ngựa đi trên cầu; nhịp điệu múa “Vươn tới tương lai” tạo điểm nhấn về khát vọng và niềm tin ở sự phát triển của Bình Định trong tương lai. Kịch bản này vừa mang tính sử thi, vừa kết hợp được chương trình biểu diễn của các đoàn tham gia Festival, thể hiện được những nét đặc trưng của Bình Định với phong trào nông dân Tây Sơn, đất Võ, đất Tuồng, con người Bình Định hôm nay... và nêu lên hướng phát triển trong tương lai mà điểm nhấn chính là Khu Kinh tế Nhơn Hội.
Đến thời điểm này, đề cương kịch bản lễ khai mạc cơ bản đã hoàn thành. Theo dự kiến, ngày 25 tháng 7 tới, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh sẽ báo cáo cho UBND tỉnh kịch bản chi tiết. Ngoài ra, các hoạt động như dâng hương tại đền thờ Tây Sơn tam kiệt (Bảo tàng Quang Trung), đêm hội hoa đăng trên đầm Thị Nại đều sẽ xây dựng thành những kịch bản riêng.
|
Tái hiện hình ảnh vua Quang Trung cưỡi voi vào Thăng Long tại Lễ hội kỷ niệm 115 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, tổ chức tại Tây Sơn (Bình Định). Ảnh TL
|
* Chỉnh trang đô thị: cần làm ngay
Để tổ chức thành công Festival, bên cạnh công tác chuẩn bị nội dung các hoạt động, một công việc được quan tâm nhất, cần tiến hành khẩn trương nhất hiện nay, là chỉnh trang đô thị và xây dựng, nâng cấp các công trình phục vụ Festival: nâng cấp mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử, xây dựng các hạng mục tại Bảo tàng Quang Trung, xây dựng đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân; sửa chữa nhỏ, đầu tư trang thiết bị Nhà hát Tuồng Đào Tấn; nâng cấp các di tích trên địa bàn Quy Nhơn như tháp Đôi, đình Cẩm Thượng, chùa Ông Nhiêu, tượng Trần Hưng Đạo... Trong đó, Bảo tàng Quang Trung hiện đang trong quá trình điều chỉnh về quy hoạch và xây dựng thêm một số công trình như nhà lá mái Bình Định, nhà rông Tây Nguyên, nhà phục vụ ẩm thực Bình Định, bãi đỗ xe... Riêng khu vực bến Trường Trầu, hiện đang lập dự án giải phóng mặt bằng. Công trình nâng cấp mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử đang lập thiết kế quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết và sẽ do Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12 năm nay. Các cơ quan chức năng và địa phương hiện cũng đã khảo sát, chọn địa điểm, vị trí xây dựng đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân tại thôn Phú Xuân, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn.
Nhìn chung, bên cạnh việc chuẩn bị nội dung, chỉnh trang đô thị là công việc mất nhiều thời gian nên cần được tiến hành khẩn trương nhưng phải đảm bảo về chất lượng xây dựng lẫn “tầm văn hóa”. Bên cạnh đó, cũng cần có sự phân cấp cho các địa phương, chẳng hạn, những công trình trên địa bàn Quy Nhơn sẽ do thành phố Quy Nhơn tiến hành nhưng phải có sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn.
|