Nhân kỷ niệm 59 năm, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2006)
Di tích chiến thắng Đồi 10
19:36', 26/7/ 2006 (GMT+7)

Đồi 10 tục gọi là gò Màng Thang, gồm hai ngọn đồi liền nhau, ở độ cao 36m so với mặt biển, thuộc thôn Gia An, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn. Cuối năm 1964 đầu 1965, Mỹ - ngụy chiếm hai ngọn đồi này xây dựng thành chốt điểm, trên bản đồ chúng đặt tên là Đồi 9 và Đồi 10, di tích gọi chung là “Đồi 10”. Nơi đây là một chứng tích lịch sử - lưu niệm những sự kiện, ghi nhận những chiến công cùng sự hy sinh xương máu của 1.344 đồng chí, đồng bào 2 xã Hoài Châu, Hoài Châu Bắc và của những chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 409 Quân khu 5, Sư đoàn 3 anh hùng. Ngày 31-3-2006 Di tích Đồi 10 được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.

 

Di tích Đồi 10 - xã Hoài Châu Bắc - huyện Hoài Nhơn.

 

Đối với địch, Đồi 10 là tấm lá chắn tự nhiên bảo vệ cho chi khu quận lỵ Tam Quan, quan trọng hơn nó còn có vị trí giữ mặt phía bắc của tỉnh Bình Định, ranh giới giữa hai vùng chiến thuật I và II của địch. Chiếm Đồi 10 thì gần như địch khống chế toàn bộ tuyến đường 1 từ Tam Quan đến đèo Bình Đê (khu vực bắc Bình Định). Lực lượng địch chiếm đóng ở đây gồm 2 đại đội bảo an với 200 tên, cùng hệ thống công sự kiên cố, vị trí nằm gần kề quốc lộ 1A nên sự tiếp ứng của địch rất nhanh, vì vậy chúng cho rằng đây là khu vực “bất khả xâm phạm”.

Đầu năm 1965 Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 chủ trương mở chiến dịch Xuân 1965 nhằm tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực địch, phá kế hoạch “dồn dân lập ấp chiến lược”, giành quyền làm chủ ở các vùng nông thôn, nhanh chóng phát triển thế lực chuẩn bị cho những đợt hoạt động tiếp theo. Mở màn cho đợt hoạt động mùa xuân 1965 trên chiến trường Bình Định là trận tập kích của Tiểu đoàn đặc công 409 Quân khu 5 vào cứ điểm Đồi 10.

Bộ đội địa phương chiến đấu, phối hợp với nhân dân Hoài Châu trong cuộc đấu tranh chính trị tại chốt điểm địch ở Đồi 10 năm 1972.

Theo kế hoạch từ 23 đến 24 giờ ngày 7-2 thì phát lệnh nổ súng, điểm phát lệnh tại Đồi 10. Nhưng trong đêm 6-2 tại Đồi 9, các bộ phận hỏa lực của ta tiến sát hàng rào cuối cùng thì tại Đồi 10 các bộ phận vẫn chưa vào đến điểm tập kết. Bất ngờ đến 24 giờ địch bắn 2 phát súng, quân ta bên Đồi 9 tưởng Đồi 10 phát lệnh tiến công như đã định, chỉ sau 3 phút đã chiếm được mục tiêu. Trong khi đó các chiến sĩ đánh Đồi 10 trên đường tiến đã bị thương vong một số, nhưng cũng đã phá xong hàng rào thứ hai. Lúc này địch chống trả quyết liệt, ta lại mất liên lạc với chỉ huy tiểu đoàn. Trước tình hình đó, ta vẫn xông lên đánh mạnh vào cửa mở và đồng loạt xông lên đánh một mạch diệt ba hầm, một lô cốt và cả chỉ huy sở của địch nằm trên cao điểm. Vũ khí hết, anh em dùng vũ khí của địch để đánh địch, những điểm còn lại lần lượt bị diệt gọn, ta hoàn toàn thắng lợi. Với thắng lợi xuân năm 1965 mở đầu bằng trận Đồi 10, đã góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ trên chiến trường miền Nam.

Từ tháng 4-1965 đến năm 1967, để cứu vãn nguy cơ sụp đổ của chính quyền tay sai, Mỹ buộc phải chuyển hướng chiến lược từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”. Tại Khu V, địch huy động 43 trong số 72 tiểu đoàn đánh vào 3 hướng: nam Quảng Ngãi, bắc Bình Định và nam Phú Yên, trong đó Bắc Bình Định là trọng điểm. Với mục tiêu là “tìm diệt” quân chủ lực của ta - sư đoàn 3 Sao Vàng, quân Mỹ mở liên tiếp 3 cuộc hành quân lớn mang tên : “Kẻ nghiền nát” (Masher) vào bắc Bồng Sơn, “Cánh Trắng I và II” (White Wing I and II) vào thung lũng An Lão, Kim Sơn.

Chuẩn bị đánh trả cuộc phản công chiến lược này của địch, đầu năm 1966 Tỉnh ủy Bình Định đã ra lời kêu gọi quân dân toàn tỉnh quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện khẩu hiệu “Tây Sơn quyết thắng”. Trong các ngày từ 29 đến 31-1-1966 tại các thôn Chương Hòa, Cửu Lợi, An Thái, quân ta đã dựa vào làng chiến đấu kiên cường bám trụ đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, diệt 120 tên địch tại Đồi 10. Bộ đội và du kích kiên cường bám giữ Đồi 10 vì là chốt điểm khá quan trọng, nên địch quyết tâm chiếm lại Đồi 10 bằng mọi giá. Bọn chúng tổ chức nhiều đợt xung phong từ nhiều hướng; các chiến sĩ ta đã nhiều lần xông lên đánh giáp lá cà với địch, bằng lối đánh linh hoạt, chốt điểm vẫn được giữ vững. Đến chiều ngày 30-1 trên chốt điểm Đồi 10 chỉ còn lại ba chiến sĩ cách mạng, trong tình thế vũ khí hết đạn, chỉ còn lại 3 quả lựu đạn. Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các anh chiến sĩ cảm tử vẫn kiên quyết bám giữ trận địa đến giây phút cuối cùng. Trong tình thế chốt điểm bị bao vây bốn phía, bỗng trên đỉnh đồi xuất hiện 3 chiến sĩ giải phóng bật đứng dậy khoát vai nhau cùng cất cao tiếng hát bài “Giải phóng miền Nam”. Quá bất ngờ trước hành động đó, bọn Mỹ - Ngụy nhìn nhau sửng sốt không kịp phản ứng. Và rồi, một tiếng nổ vang trời của lựu đạn, ba chiến sĩ cảm tử hy sinh anh dũng trước con mắt khâm phục của quân  thù.

 

Cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân Hoài Châu tại chốt điểm địch ở Đồi 10 năm 1972.

 

Sang cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1968, nhân dân Hoài Châu đã phối hợp với lực lượng chủ lực và du kích tiến hành cuộc đấu tranh chính trị, bao vây căn cứ Đồi 10 với khẩu hiệu “Chống cày ủi, đốt phá ruộng vườn, xóm làng”; “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Chống bắt bớ”... Bọn địch trong căn cứ xả súng bắn vào đoàn biểu tình, nhưng vẫn không ngăn được khí thế của đội quân tóc dài, đoàn biểu tình vẫn cứ tiến lên. Các má không quản ngại hy sinh, xông thẳng vào quân lính. Cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân Hoài Châu ở Đồi 10 diễn ra vô cùng quyết liệt, người trước ngã, người sau tiến lên đấu tranh. Gương hy sinh cao cả của các mẹ, các chị và các em thiếu nhi Hoài Châu đã tô thắm truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương Hoài Nhơn…

Hiện nay, toàn bộ khu vực cứ điểm Đồi 10 đã thay đổi rất nhiều, nhưng ngọn đồi 9 và 10 mang tên Đồi 10 ấy vẫn còn sống mãi trong tâm thức của nhân dân Bình Định. Nơi đây đã ghi nhận biết bao chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tư do cho Tổ quốc. Việc bảo vệ các di tích gốc, các công sự, hầm hào, sân bay còn lại để tăng sức thuyết phục của di tích là điều cần thiết trong khoa học bảo tồn di tích. Di tích Đồi 10 vừa được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng Di tích cấp Quốc gia, đây là cơ sở của việc quản lý, gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích căn cứ vào Luật Di sản văn hóa và Nghị định 92 của Chính phủ.

  • Hồ Thùy Trang

Ảnh trong bài này do T.Trang sưu tầm, chụp lại.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đi vào những phần việc cụ thể  (26/07/2006)
Thời sự festival  (26/07/2006)
Vương vấn mùa sen cũ  (26/07/2006)
Chuyện ghi ở Mái ấm tình thương 1-6  (26/07/2006)
Những chuyến xe mùa trăng  (26/07/2006)
Blog: Nhật ký ảo, tâm sự thật  (26/07/2006)
Thơ  (26/07/2006)
Sóng vỗ lòng ai  (26/07/2006)
Bệnh trầm cảm: Cực kỳ nguy hiểm !  (26/07/2006)
Từ con nghiện trở thành những kẻ mua bán ma túy trái phép  (26/07/2006)
Bảo tồn nhạc tuồng ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Giữ nhịp cho cung đàn, điệu hát  (26/07/2006)
Một bộ sưu tập tiền cổ phong phú cần được trưng bày  (26/07/2006)
Bức tranh văn hóa dân gian nhiều màu sắc  (26/07/2006)
Nơi trao truyền niềm say mê và tinh thần thượng võ  (26/07/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (26/07/2006)