Chuyện Tây học võ... ta
9:8', 2/9/ 2006 (GMT+7)

Tại Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ nhất vừa qua, ai cũng ngạc nhiên vì không ít võ sinh người nước ngoài biểu diễn võ cổ truyền Việt Nam thuần thục, tinh; ý, thần đủ cả. Nhưng để đạt đến sự thuần thục đó, những môn sinh Tây này đã phải vượt qua không ít khó khăn, nhất là khi so với các môn sinh là người Việt.

* Tây "mê" võ ta

Võ sư Nguyễn Lâm đang hướng dẫn đòn đá cho cô học trò cưng Miliate. Ảnh: L.C

Anh chàng "cao kều" Hibbard Mara đến từ Luxembourg. Năm nay đã 50 tuổi, vậy mà anh mới học võ Việt Nam từ 4 năm nay với võ sư Đồng Văn Hùng (võ phái Tráng sĩ đạo). Hibbard Mara tâm sự: "Trước đây, do mắc công việc nên không có điều kiện tập võ. Rồi một lần, tình cờ gặp thầy Hùng, biết thầy có dạy võ, nên theo học thử rồi đâm "mê" võ cổ truyền Việt Nam luôn từ đó. Học võ cổ truyền Việt Nam, ngoài việc rèn luyện cho thân thể sức khỏe, thích nhất là mình có thể điều khiển được hơi thở, nhịp thở của mình, tức là dần làm chủ được bản thân mình". Hiện nay, mỗi tuần Hibbard Mara luyện với thầy 4 giờ, còn lại chủ yếu anh tự luyện tập.

Nói đến chuyện những người Tây mê võ Việt, không ai không nhắc đến Lasjunies Vivien (có tên Việt do võ sư Hồ Hoa Huệ đặt là Hồ Thiên Long). Lasjunies Vivien năm nay 30 tuổi, nhưng đã 15 năm theo học võ cổ truyền Việt Nam. 5 năm đầu, Lasjunies Vivien theo học võ Vovinam, nhưng 10 năm sau, tiếp xúc với Tinh võ đạo (do võ sư Hồ Hoa Huệ sáng lập), Lasjunies Vivien thích và say mê từ đó. Rồi 7 năm trước, Lasjunies Vivien quyết tâm sang Việt Nam "tầm sư học võ". Hiện nay, mỗi năm, anh chỉ về Pháp 2 tháng để dạy võ, chấm thi cho các võ sinh Tinh võ đạo Pháp mà hiện nay anh là Chưởng môn. Võ đường này hiện có 940 võ sinh đang theo học. Từ tháng 12 năm 2005, cứ một tuần Lasjunies Vivien lại dành 3 buổi tối để dạy võ cho các em nhỏ mồ côi ở Trường Nuôi dạy trẻ mồ côi Long Hoa (TP Hồ Chí Minh).

Những người Việt từng gặp gỡ cô Lynelle Miliate (29 tuổi, người Mỹ) sẽ rất ngạc nhiên với cách chào rất... con nhà võ của cô. Từ một cô gái ốm yếu, sau khi tập Thiếu lâm Kiến An Kungfu ngay tại trường đại học, dưới sự dẫn dắt của võ sư chưởng môn Nguyễn Lâm, nay Lynelle Miliate đã có một sức khỏe tốt và đang tiếp tục học Thạc sĩ về nhiếp ảnh. Lynelle Miliate cho biết: "Ban đầu tôi nghĩ học võ chỉ là để có sức khỏe, nhưng qua 5 năm tập môn võ này, tôi thấy nó rất có lợi cho cả tinh thần và ý chí của con người. Tôi sẽ tiếp tục theo học môn võ này để có thể trở thành một võ sư, mở một võ đường để truyền dạy lại cho những người yêu thích võ thuật".

* Khó khăn từ sự khác biệt giữa các nền văn hóa

Nói về khó khăn của người nước ngoài khi học võ cổ truyền Việt Nam, Hibbard Mara cho biết: "Người châu Âu như mình có thể tạng hơi... bự con, trong khi võ cổ truyền Việt Nam nhanh nhẹn, uyển chuyển nên kể ra cũng khó so với người Việt học võ Việt. Hơn nữa, những bài quyền võ cổ truyền Việt Nam thường có tên tiếng Việt như Đinh tấn, Trảm mã tấn, Hạc tấn... nên khó nhớ và khó hiểu". Còn khi được hỏi vì sao phải sang tận Việt Nam để học võ, Lasjunies Vivien nói: "Sang Việt Nam, tôi được tập võ mỗi ngày, được sống trong không khí võ thuật, lại được tìm hiểu thêm về võ đạo nên không chỉ tiến bộ nhanh mà còn thêm yêu môn võ cổ truyền của người Việt". Còn về những khó khăn với một người Tây học võ Việt, Lasjunies Vivien nói: "Với người nước ngoài như tôi, để học võ cổ truyền Việt Nam, trước hết phải sống, ăn cơm rau như một người Việt Nam. Tức là phải hiểu văn hóa của người Việt Nam". Đó là một tâm sự rất thực, và cũng là khó khăn mà cả thầy ta lẫn võ sinh Tây phải vượt qua khi dạy võ và học võ cổ truyền Việt Nam. Còn võ sư Lý Hoàng Tùng - Chủ tịch Tổng hội Phát triển Võ thuật Thế giới (Mỹ), người đã đào tạo được khoảng 100 võ sinh là người nước ngoài, cho biết: "Dạy võ cho người nước ngoài thực ra cũng không khó khăn hơn gì nhiều so với người Việt, chỉ khác là về ngôn ngữ. Nếu võ sư hoặc huấn luyện viên không thông thạo ngôn ngữ thì sẽ chậm hơn".

 

Hiện nay có rất nhiều người nước ngoài theo học võ Việt Nam. Trong ảnh: Các võ sinh môn phái Sơn Long quyền thuật Pháp - Thụy Sĩ biểu diễn giao lưu với đoàn võ cổ truyền Bình Định. Ảnh: L.C

 

Hiện tại, võ sư Nguyễn Lâm - Chưởng môn Thiếu lâm Kiến An Kungfu- đã được Đại học Northridge (California, Mỹ) mời giảng dạy môn võ này như là một môn giáo dục thể chất. Mỗi năm ông dạy cho khoảng 480 lượt sinh viên tại trường này, chủ yếu là sinh viên nước ngoài. Năm 1997, ông đã mở một võ đường ở Eddy (Mỹ) có đến 90% số võ sinh theo học là người Mỹ. Võ sư Nguyễn Lâm cho biết: "Người nước ngoài rất thực dụng, họ phải biết khả năng của mình thì mới chịu học và chỉ thích học những thứ có thể đem ra áp dụng ngay. Hồi tôi mới dạy võ ở Mỹ, nhiều võ sinh hỏi: thầy tập luyện lâu như vậy chắc có thể chịu đòn giỏi lắm. Để lấy lòng tin các học trò, tôi đồng ý đứng cho các em đấm đá một hồi (dĩ nhiên là ở những chỗ không hiểm), thấy tôi không hề hấn gì, họ mới toàn tâm toàn ý theo học. Người nước ngoài cũng rất thích khi xem những màn biểu diễn đối luyện như: tay không chống binh khí, một chống ba... và thích tập các môn võ có dùng những vật dụng quen thuộc, gần gũi làm vũ khí như: dù, khăn, gậy...". Chính bởi sự đòi hỏi khá thực dụng của các võ sinh nước ngoài mà võ sư Nguyễn Lâm đã phải sáng tạo thêm những bài võ mới thiết thực hơn để dạy cho họ.

* Học võ Việt là học cả võ thuật và võ đạo

Mỗi võ sư có một cách để vượt qua khó khăn này. Võ sư Đinh Trọng Hoàng- Chưởng môn Tinh hoa Việt võ đạo quốc tế (Mỹ), nói về phương pháp dạy võ cho các môn sinh nước ngoài của mình: "Tôi thường dạy môn sinh theo hai lớp. Những người nhỏ tuổi thì truyền thụ kỹ lưỡng về võ cổ truyền. Còn những người lớn tuổi thì dạy kèm theo cho cách dưỡng sinh trị bệnh và ăn uống theo kiểu con nhà võ bởi người nước ngoài thường hay chú trọng đến sức khỏe". Hiện nay, môn phái Tinh hoa Việt võ đạo quốc tế của ông thu hút được khoảng 1.000 môn sinh, trong đó 2/3 là người nước ngoài. Võ sư Hồ Hoa Huệ - Chưởng môn Tinh võ đạo Việt Nam, người từng đi truyền bá võ cổ truyền Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới - tâm sự, các môn sinh nước ngoài rất thích nghe những câu chuyện về các vị anh hùng trong nền võ cổ truyền. Từ đó, các học trò thấm thêm nhiều về võ đạo.

  • Nam Sơn - Lê Cường
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2006)
Di tích chiến thắng Đồi 10  (26/07/2006)
Đi vào những phần việc cụ thể  (26/07/2006)
Thời sự festival  (26/07/2006)
Vương vấn mùa sen cũ  (26/07/2006)
Chuyện ghi ở Mái ấm tình thương 1-6  (26/07/2006)
Những chuyến xe mùa trăng  (26/07/2006)
Blog: Nhật ký ảo, tâm sự thật  (26/07/2006)
Thơ  (26/07/2006)
Sóng vỗ lòng ai  (26/07/2006)
Bệnh trầm cảm: Cực kỳ nguy hiểm !  (26/07/2006)
Từ con nghiện trở thành những kẻ mua bán ma túy trái phép  (26/07/2006)
Bảo tồn nhạc tuồng ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Giữ nhịp cho cung đàn, điệu hát  (26/07/2006)
Một bộ sưu tập tiền cổ phong phú cần được trưng bày  (26/07/2006)
Bức tranh văn hóa dân gian nhiều màu sắc  (26/07/2006)