Nửa giờ với đạo diễn phim "Những linh hồn phiêu bạt"
Nước mắt của nhân văn, nhân bản
9:22', 2/9/ 2006 (GMT+7)

Trên chuyến tàu Bắc- Nam ngày 26-7-2006, hai ngày sau khi bộ phim tài liệu "Những linh hồn phiêu bạt" được phát sóng trên VTV1, một người đàn ông cao quá khổ bước vào khoang giường nằm của bốn hành khách vừa có cuộc hội ngộ tình cờ (cả bốn người đều là nhà báo). Theo chân ông là một người Âu trắng trẻo, mắt nâu sáng lấp lánh. Họ chính là Lê Tuấn Anh (Hãng phim Tài liệu- Khoa học trung ương) và Boris Lojkine (Nhà sản xuất phim người Pháp)- hai đồng đạo diễn của phim "Những linh hồn phiêu bạt"- bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam dưới góc nhìn của con người thời hậu chiến, đang gây xôn xao dư luận suốt mấy ngày qua. Cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên trên tàu Thống Nhất đã giúp chúng tôi có được Nửa giờ với đạo diễn phim "Những linh hồn phiêu bạt".

 

Từ trái qua: Đạo diễn Lê Tuấn Anh, tác giả và Boris Lojkine.

 

Hướng về phía hai phóng viên TTXVN (có quen từ trước), Lê Tuấn Anh nói gần như khóc: "Các cậu đã đọc báo hôm nay về "Những linh hồn phiêu bạt" của bọn mình chưa? Họ làm mình xúc động quá!". Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ những bài báo viết về phim tài liệu này. Boris và Lê Tuấn Anh cho biết hai anh đang trên đường vào Quảng Trị để tham gia cuộc giao lưu với nhân dân địa phương- nơi từng được chọn là bối cảnh chính của bộ phim tài liệu đang gây xúc động này. Tôi hỏi:

* Điều gì thôi thúc các anh tiếp tục chọn đề tài về chiến tranh khi mà chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm nay và đề tài này cũng đã có quá nhiều phim khai thác?

- BORIS LOJKINE: Năm 1993, tôi đã làm bộ phim tài liệu đầu tiên tại Việt Nam "Những người ở lại" về cuộc sống hiện tại của các cựu chiến binh. Phim đã hoàn thành, nhưng không làm vơi đi những day dứt trong lòng tôi về những phụ nữ chỉ được làm vợ có vài ngày để góa bụa cả đời, những người mẹ sau 30 năm chiến tranh qua đi vẫn chưa chạm tay được nấm mộ của con…. Từ lâu tôi đã nung nấu thực hiện bộ phim về chiến tranh Việt Nam mà không có khói lửa, bom đạn và không dùng tư liệu lịch sử. Tôi cảm với nỗi đau của những gia đình có người thân nằm lại chiến trường, nhất là những phần mộ liệt sĩ chưa tìm được.

- LÊ TUẤN ANH: Khi chúng tôi đi tìm người tài trợ cho bộ phim, thật không dễ gì thuyết phục được những nhà sản xuất phim nước ngoài bỏ tiền ra đầu tư cho loại đề tài này, thế giới hiện đại đang có quá nhiều thứ để người ta quan tâm: nào là nạn khủng bố, phân biệt sắc tộc, ô nhiễm môi trường…, rồi toàn cầu hóa… Nói tóm lại là cuộc chiến tranh Việt Nam dù có quá bi tráng, quá hào hùng nhưng cũng đã xa xôi trong quá vãng nên thật khó thu hút được sự quan tâm của khán giả. Vậy nhưng, chúng tôi vẫn nuôi dưỡng niềm tin vào lý lẽ của mình; chúng tôi sẽ làm một bộ phim tài liệu về chiến tranh dưới cái nhìn thời hậu chiến với thông điệp: Nơi chiến tranh đi qua, dù đã im tiếng súng nhưng những hệ lụy của nó sẽ không bao giờ chấm dứt, mà còn kéo dài di hại đến nhiều năm tháng. Sự lên án chiến tranh đó hẳn có ý nghĩa khi mà mỗi ngày ở thế giới hiện đại lại vang lên những tiếng súng khơi mào chiến tranh ở khắp Đông Tây Nam Bắc. Và cuối cùng chúng tôi đã thuyết phục thành công, chúng tôi đã có nguồn tài trợ để bấm máy và phim đã được chiếu như các bạn đã xem trên ti vi hôm nọ.

* Nhân vật người phụ nữ tìm mộ chồng trong phim đã làm cho bao người rơi nước mắt và cùng thấm thía nỗi đau chiến tranh, oán hận chiến tranh. Làm cách nào các anh tìm được những nhân vật, những tình huống đắt như vậy ?

- LÊ TUẤN ANH: Sau khi có ý tưởng, chúng tôi đã trải qua nhiều thời gian lang thang khắp các vùng nông thôn Việt Nam, theo chân cựu chiến binh- những người luôn đau đáu tâm nguyện đi tìm hài cốt đồng đội - để đi tìm nhân vật. Khi chúng tôi cùng ông Thơ, ông Đoàn (nhân vật trong phim) đến thăm gia đình bà Tiếp, chúng tôi nhận ra ngay là đã tìm được nhân vật chính của phim, thay vì ban đầu chúng tôi định kiếm tìm nhân vật chính là một bà mẹ liệt sĩ. Bà Tiếp là một nhân vật có nội tâm sâu sắc, cái góc khuất riêng tư trong tâm hồn người đàn bà ấy đã được kìm nén suốt cả cuộc đời để giữ mãi niềm tự hào là người vợ liệt sĩ thủy chung son sắt. Câu chuyện của bà làm cho mọi người, kể cả Boris là người nước ngoài, đều ứa nước mắt, chúng tôi bấm máy ghi trực tiếp toàn bộ cuộc hội ngộ này và tin chắc rằng "cái đinh" của bộ phim đã được xác lập.

 

Bà Tiếp đang khấn tại Nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị (cảnh trong phim "Những linh hồn phiêu bạt").

 

* Điều bất ngờ mà bộ phim muốn đem đến cho khán giả ?

- BORIS LOJKINE: Là tình yêu Việt Nam của một người không phải Việt Nam như tôi.

- LÊ TUẤN ANH: Chính là thủ pháp Cinéma direct. Cách làm phim này không mới với thế giới nhưng ở Việt Nam thì chưa có nhiều đạo diễn sử dụng. Với máy quay phim video kỹ thuật số nhỏ gọn, chúng tôi tiến hành quay phim theo lối ghi hình, ghi âm đồng bộ, trực tiếp, không bố trí dàn dựng…. Tất cả các hình ảnh, âm thanh trên phim đều thu được từ lần bấm máy đầu tiên. Đoạn phim mà các bạn đã xem: cảnh hoàng hôn nghĩa trang, những nén hương cháy loang lổ, tiếng khấn thống thiết của người đàn bà mất chồng: "Ới anh ơi! Cả cuộc đời tuổi xanh của em chờ đợi anh… anh ở đâu về với em… sao tìm nhau khó thế này anh ơi!...", tất cả đều được ghi lại bằng đôi mắt nhòa lệ và nỗi xúc động cao độ của người cầm máy. Chúng tôi hy vọng rằng sự chân thật đến tận cùng của các chi tiết trên phim sẽ làm rung động trái tim khán giả.

* Phải mất bốn năm các anh mới hoàn thành xong bộ phim, kinh phí thì chạy tìm từng chặng, nhà sản xuất lượng trước như thế nào về lợi nhuận mà phim mang lại?

- LÊ TUẤN ANH: Ở nước ngoài, lợi nhuận từ sản xuất phim tài liệu rất thấp, còn ở ta lợi nhuận từ loại phim này luôn là con số âm, nhưng hiệu quả xã hội từ phim tài liệu lại rất lớn, đó là điều không thể đo đếm được. Một thời, những bộ phim tài liệu như "Chuyện tử tế", "Hà Nội trong mắt ai"… đã làm thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá xã hội của nhiều người, nhiều cấp, nhiều ngành; rồi phim "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai" làm dấy lên những cuộc trở về, sám hối chiến tranh của những người từng tham gia chiến tranh phi nghĩa; hay phim "Trở lại Ngư Thủy" đã góp phần lớn trong việc đưa những người nữ pháo thủ anh hùng một thời, bị lãng quên nơi ốc đảo, đến với sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Chúng tôi hy vọng "Những linh hồn phiêu bạt" sẽ để lại những dư âm sâu sắc trong lòng người xem sau khi được trình chiếu.   

- BORIS LOJKINE: Các bạn không biết tôi thu lợi thế nào đâu! Vì có ít kinh phí nên chúng tôi chọn cách làm phim "ba lô". Một đoàn làm phim gọn nhẹ chỉ có hai người, hai máy quay, hai ba lô và hai xe máy... Và thế là chúng tôi tốn rất ít tiền, nhưng đến được nhiều nơi, gặp được nhiều người, biết được nhiều thứ…, và quan trọng nhất là hoàn thành được bộ phim mà mình mong ước. Tôi muốn giúp thế giới hiểu nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam đẹp như huyền thoại, "Những linh hồn phiêu bạt" sẽ làm cho mọi người hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa và giá trị của sự sống. Cuộc sống sẽ đẹp biết bao khi mỗi sáng thức dậy, chúng ta lại nhìn thấy những nụ cười bè bạn, hay đơn giản là lại có thêm những cuộc hội ngộ tình cờ thú vị như cuộc gặp gỡ của chúng ta trên chuyến tàu hạng ba hôm nay.

  • Ngọc Phương (thực hiện)

Phim kể về hành trình của một người vợ góa và những cựu chiến binh đi tìm hài cốt những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chuyện phim diễn tiến theo hành trình đi tìm hài cốt đồng đội của hai người cựu chiến binh Thơ và Đoàn. Cả bộ phim được kết nối lại bằng những câu chuyện buồn, không có hậu: người không tìm thấy hài cốt, người tìm thấy hài cốt thì thân nhân chẳng có điều kiện đi quy tập về. Ám ảnh hơn cả là chuyện góa phụ Trần Thị Tiếp, 60 tuổi, ở làng quê Bắc Ninh đi tìm mộ của chồng là liệt sĩ Tống Ngọc Lưu. Người phụ nữ héo khô bởi cô đơn và buồn đau suốt hơn 40 năm qua với ký ức về một lời hẹn của người chồng: "Nhất định anh sẽ về với em". Khi xin đồng xu âm - dương tận trong nghĩa trang chiến trường Quảng Trị, tiếng thét gào vật vã đớn đau đến thấu tim gan. Khúc bi ai (dài đến 5 phút phim) cứ quặn lòng người: "Ới anh ơi! Cả cuộc đời tuổi xanh của em chờ đợi anh… anh ở đâu về với em… sao tìm nhau khó thế này anh ơi!...".

Bộ phim không có lời bình, lời dẫn, không có âm nhạc, không phỏng vấn, tất cả đều là âm thanh tự nhiên của lời thoại nhân vật, tiếng xe cộ, lời khấn và tiếng khóc… (Cinéma direct); các tình tiết cứ trôi một cách tự nhiên như chính tâm trạng, câu chuyện cuộc đời của nhân vật.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dưỡng nuôi hy vọng về một nền "quốc võ"  (02/09/2006)
Chuyện Tây học võ... ta  (02/09/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2006)
Di tích chiến thắng Đồi 10  (26/07/2006)
Đi vào những phần việc cụ thể  (26/07/2006)
Thời sự festival  (26/07/2006)
Vương vấn mùa sen cũ  (26/07/2006)
Chuyện ghi ở Mái ấm tình thương 1-6  (26/07/2006)
Những chuyến xe mùa trăng  (26/07/2006)
Blog: Nhật ký ảo, tâm sự thật  (26/07/2006)
Thơ  (26/07/2006)
Sóng vỗ lòng ai  (26/07/2006)
Bệnh trầm cảm: Cực kỳ nguy hiểm !  (26/07/2006)
Từ con nghiện trở thành những kẻ mua bán ma túy trái phép  (26/07/2006)
Bảo tồn nhạc tuồng ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn: Giữ nhịp cho cung đàn, điệu hát  (26/07/2006)