Dự án "Sân khấu học đường":
Tiếp sức thanh xuân cho nghệ thuật truyền thống
9:28', 2/9/ 2006 (GMT+7)

Năm 2003, dự án "Sân khấu học đường" được triển khai tại Bình Định. Việc thực hiện dự án "Sân khấu học đường" đã thu được những thành quả đáng khích lệ…

 

Trích đoạn tuồng "Tiết Cương - Lan Anh" do học sinh Trường THCS Quang Trung biểu diễn. Ảnh: T.X

 

* Từ một ngôi trường đi tiên phong

Tiền đề cho thành công sau này của dự án "Sân khấu học đường" tại Bình Định là những nỗ lực đưa sân khấu truyền thống vào trường học tại Trường THCS Quang Trung- Quy Nhơn. Được sự ủng hộ về mọi mặt từ Ban Giám hiệu nhà trường, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thuần - giáo viên âm nhạc, đã thành lập "Câu lạc bộ (CLB) em yêu dân ca" vào năm 1990. Mục đích ban đầu của CLB là dạy cho các em những bài hát dân ca 3 miền. Sau thành công của CLB này, nhạc sĩ Hữu Thuần đã nghĩ đến việc bảo tồn các loại hình sân khấu truyền thống vốn được xem là rất đặc trưng của Bình Định, bằng việc đưa Tuồng và Bài chòi vào trường học. Giai đoạn đầu, trường chỉ chọn những học sinh là con em của các diễn viên, nghệ sĩ hai đoàn nghệ thuật truyền thống trong tỉnh, vốn có sẵn "gen nghệ thuật truyền thống" để tập hát Tuồng và ca Bài chòi. Để tránh ảnh hưởng đến việc học, mỗi tuần các em chỉ tập một tiếng vào sáng thứ Năm. Dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, các em đã mau chóng tiếp cận được và hết sức say mê với các loại hình nghệ thuật truyền thống này. Trên cơ sở đó, từ năm 1995, Trường THCS Quang Trung đã chính thức đưa Tuồng và Bài chòi vào trong nhà trường như là một hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh. Hằng năm, các hội thi văn nghệ của trường, học sinh các lớp 8, 9 đều tham gia ít nhất là một tiết mục Tuồng hay Bài chòi; thậm chí, có năm có 9 trích đoạn Tuồng. Tính ra, từ năm 1996 đến nay, Trường THCS Quang Trung đã dựng được hơn 50 trích đoạn Tuồng. NSƯT Hòa Bình - Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn, nhận xét: "Việc Trường THCS Quang Trung làm "sân khấu học đường" từ trước khi dự án được triển khai lâu là một "hiện tượng" đáng khen ngợi không chỉ trong phạm vi Bình Định mà cả nước".

* Và thành công bước đầu của một dự án

Trong một chuyến công tác về Bình Định, TS-NSND Phạm Thị Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, đã được xem các em thiếu nhi diễn tuồng. Cảm động trước sự nhiệt tình và niềm say mê của các em với sân khấu truyền thống, bà đã đề nghị triển khai dự án "Sân khấu học đường" tại Bình Định. Và từ trung tuần tháng 8 năm 2003, dự án chính thức được triển khai ở Bình Định.

Bước 1 của dự án được mở đầu tại Trường THCS Bình Tường (Tây Sơn). Hai đêm diễn giao lưu và phần hỏi - đáp về nghệ thuật Tuồng của Nhà hát Tuồng Đào Tấn phần nào cuốn hút sự quan tâm, tìm hiểu của các em học sinh với sân khấu truyền thống. Hai buổi giao lưu tại Trường THCS thị trấn Bình Định và Trường THCS Quang Trung (Quy Nhơn) cũng rất thành công, tạo ấn tượng và tình cảm ban đầu cho các em học sinh khi đến với "Sân khấu học đường".

Qua bước 2, các tổ chuyên môn gồm các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Tuồng Đào Tấn bắt đầu đến các trường để giảng dạy nghệ thuật Tuồng. Các trích đoạn Quang Trung lên ngôi, Bao Công gặp Quách Hải Thọ, Trưng Nữ Vương đề cờ... được chọn đưa vào giảng dạy vừa mang tính nghệ thuật cao, có tính giáo dục; vừa phù hợp với khả năng tiếp thu của các em. Sự hết lòng truyền dạy của các nghệ sĩ, sự say mê và tự giác tập luyện của học sinh, đã giúp việc tiếp thu của các em đạt hiệu quả. Sau 3 tháng, các trích đoạn khi diễn đều đạt chất lượng. Đặc biệt, có hai tiết mục được dàn dựng khá công phu và độc đáo là độc tấu Trống trận Quang Trung do Lê Hoài Nam (Trường THCS Quang Trung) biểu diễn và trích đoạn Tiết Cương - Lan Anh do Nguyễn Thái Anh (8 tuổi) và Nguyễn Diệu Linh (9 tuổi) là học sinh Trường Tiểu học Quang Trung biểu diễn. Riêng tiết mục Trống trận Quang Trung đã được chọn biểu diễn khai mạc Giải Võ Cổ truyền Toàn quốc tại Bình Định năm 2005.

 

Những trích đoạn tuồng được tập và biểu diễn tại trường đã góp phần thu hút sự quan tâm của các em học sinh với nghệ thuật truyền thống. Ảnh: T.X

 

Sự tích cực cộng tác giữa Nhà hát Tuồng Đào Tấn và các trường đã mang đến thành công cho dự án. Trong chương trình tổng kết 5 năm thực hiện dự án vừa được tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua tại Hà Nội, Bình Định là địa phương duy nhất ở miền Trung có đến 2 trích đoạn Tuồng được chọn biểu diễn. Tại buổi tổng kết này, GS. Hoàng Chương - Phó trưởng Ban Chỉ đạo dự án, nhận xét: "Các trích đoạn Tuồng truyền thống rất khó như Hộ sanh đàn, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo hoặc tuồng lịch sử như Trưng Nữ Vương, Quang Trung đã được các em học sinh tỉnh Bình Định biểu diễn rất tốt và được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng nhiều lần. Qua đó cho thấy việc triển khai dự án "Sân khấu học đường" tại một nơi có phong trào Tuồng mạnh như Bình Định là hết sức đúng đắn và gặt hái được nhiều thành công đáng ghi nhận….".

* Giai đoạn mới: cần đi vào chiều sâu

Việc triển khai dự án "Sân khấu học đường" tại Bình Định đã thành công. Tuy nhiên, để sân khấu học đường tiếp tục phát triển sau khi dự án kết thúc cũng là một vấn đề khó, chứ chưa nói đến việc nhân rộng. Thực tế là, thời gian gần đây, ngay tại các trường được chọn triển khai dự án, sân khấu học đường gần như "chìm" hẳn. Ông Nguyễn Đình Thọ - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (mới tách ra từ Trường THCS Quang Trung từ hai năm nay), cho rằng: "Để phong trào nghệ thuật truyền thống trong trường tiếp tục phát triển mạnh, tôi nghĩ cần có sự quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn từ các đơn vị chuyên môn…".

Dự án "Sân khấu học đường" được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt, chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thông tin và Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp thực hiện. Trong 5 năm (2001-2005), dự án được triển khai tại 55 trường học, thuộc 18 tỉnh - thành trong cả nước, với gần 1.000 học sinh trực tiếp tham gia.

Bình Định đã được chọn để tiếp tục triển khai dự án "Sân khấu học đường" giai đoạn 2006 - 2010. Ngay từ bây giờ, Ban điều hành dự án cần nghiên cứu thật kỹ nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện "sân khấu học đường" trong thời gian tới. Phạm vi thực hiện dự án còn phải trải rộng hơn nữa đến nhiều địa phương có phong trào tuồng phát triển mạnh trong tỉnh. Ngoài ra, Bình Định còn là "đất bài chòi" nên việc đưa bài chòi vào dự án xem ra cũng rất cần thiết.

Bên cạnh đó, để sân khấu học đường đi vào chiều sâu, theo TS-NSND Phạm Thị Thành: "Cần lưu ý đến việc đào tạo khán giả trẻ, nhất là học sinh cấp I và II. Bởi lứa học sinh này tuổi đời còn dài, các em sẽ còn thưởng thức và nhân rộng số khán giả lên như những cây con mới được trồng nối tiếp vào những cây cổ thụ đã mọc từ lâu (tức các khán giả lớn tuổi). Có vậy, "khu rừng nghệ thuật truyền thống" mới tràn đầy sức sống và luôn trụ vững được trước dòng chảy của thời gian…".

  • Hoài Thu - Gia Thiện
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nước mắt của nhân văn, nhân bản  (02/09/2006)
Dưỡng nuôi hy vọng về một nền "quốc võ"  (02/09/2006)
Chuyện Tây học võ... ta  (02/09/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2006)
Di tích chiến thắng Đồi 10  (26/07/2006)
Đi vào những phần việc cụ thể  (26/07/2006)
Thời sự festival  (26/07/2006)
Vương vấn mùa sen cũ  (26/07/2006)
Chuyện ghi ở Mái ấm tình thương 1-6  (26/07/2006)
Những chuyến xe mùa trăng  (26/07/2006)
Blog: Nhật ký ảo, tâm sự thật  (26/07/2006)
Thơ  (26/07/2006)
Sóng vỗ lòng ai  (26/07/2006)
Bệnh trầm cảm: Cực kỳ nguy hiểm !  (26/07/2006)
Từ con nghiện trở thành những kẻ mua bán ma túy trái phép  (26/07/2006)