Đặc xá: Tạo cơ hội cho người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng
9:43', 2/9/ 2006 (GMT+7)

Đặc xá (ĐX), ân xá là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với người lầm lỗi biết ăn năn, hối cải, có nguyện vọng tái hòa nhập cộng đồng; đây là truyền thống nhân đạo đáng quý của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay.

 

Lễ công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đợt 2-2005 tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Định.

 

Tỉnh Bình Định rất chú trọng công tác ĐX, ân xá và giúp đỡ người lầm lỗi có cơ hội sớm tái hòa nhập cộng đồng. Đã có nhiều người sau cải tạo đã có cuộc sống ổn định, nhìn chung nguy cơ tái phạm tội rất thấp. Trong 2 năm vừa qua, có 487 phạm nhân là người Bình Định được Chủ tịch nước ĐX, trong đó có 130 phạm nhân thụ hình tại Trại tạm giam Công an tỉnh, 357 phạm nhân thụ hình ở các tỉnh hoặc trại giam của Bộ Công an. Có 471 người trở về địa phương nơi cư trú của họ, 16 người sinh sống ở nơi khác. Qua các đợt kiểm tra của các địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhận thấy các đối tượng sau khi mãn hạn tù về địa phương hầu hết có cuộc sống ổn định, hòa nhập được cộng đồng, số tái vi phạm có 7 trường hợp.

Có thể nêu một vài trường hợp sau khi cải tạo về đã có sự động viên, giúp đỡ của gia đình và địa phương, đã tiến bộ và có đời sống ổn định như: Trường hợp ông Phạm Văn B., nhà ở đường Nguyễn Thái Học, thuộc phường (P) Quang Trung - TP Quy Nhơn, trước đây phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bị án phạt 18 tháng tù, được ĐX về, đã chấp hành tốt các quy định của địa phương, hiện nay là giám đốc một công ty làm ăn có hiệu quả. Trường hợp ông Trần Văn Triệu, ở tổ 9, KV.2, P. Trần Phú phạm tội "giết người", nhận mức án 13 năm tù; cải tạo tốt được đặc xá, về địa phương được sự động viên giúp đỡ của gia đình, các đoàn thể nên rất tiến bộ, hiện tham gia rất tích cực vào các phong trào ở địa phương. Trường hợp Nguyễn Ngọc Khánh, trú ở tổ 3, KV.3, P Trần Phú can tội "cướp tài sản", ra tù đã chấp hành sự quản lý, giáo dục của địa phương rất nghiêm túc, hiện đã lấy vợ, làm nghề biển, có đời sống kinh tế và việc làm ổn định. Tiêu biểu là trường hợp anh Nguyễn Hoàng Phước (sinh 1958, hiện trú tại số 8 Nguyễn Xuân Ôn, KV. 5, P. Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) nguyên Phó chủ nhiệm HTX Xây dựng Lam Sơn. Trong quá trình sản xuất kinh doanh bị thua lỗ dẫn đến hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN", anh Phước bị kết án 7 năm tù. Có lần anh đã nghĩ đến cái kết thúc tiêu cực, nhưng nhìn thấy cảnh những người mãn hạn tù, hoặc được ân xá, ĐX về với gia đình trong niềm vui khôn tả nên anh đã bình tâm trở lại. Nhờ cải tạo tốt, anh Phước đã được ĐX giảm một nửa án phạt. Giờ anh đã khôi phục lại kinh tế hộ, có được cuộc sống ổn định bằng sức lao động chân chính của các thành viên trong gia đình. Anh thổ lộ một cách chân tình: "Ngày trước mình sợ hãi cảnh tù tội đến mức nghĩ dại. Sau khi cải tạo làm cho những người lầm lỡ có điều kiện nhìn lại mình, sống và làm việc gì cũng cẩn trọng hơn. Tôi đã học được nhiều thứ bổ ích trong thời gian cải tạo, có cả nghề chăm sóc cây kiểng"…

Sau khi được ĐX, các đối tượng cần được sự giúp đỡ, quản lý, giáo dục của địa phương. Thượng tá Nguyễn Văn Thảo - Phó Trưởng Công an TP Quy Nhơn - cho biết cách thực hiện công tác này trên địa bàn thành phố: "Nội dung giáo dục pháp luật chú trọng vào phòng ngừa, làm cho các đối tượng được phổ biến, giáo dục hiểu được như thế nào, trường hợp nào là vi phạm pháp luật; bên cạnh đó, nói rõ các chế tài cho từng trường hợp vi phạm. Đó là sự kết hợp giữa phòng và chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Phân loại các đối tượng giáo dục pháp luật gồm: giáo dục chung; giáo dục cá biệt; giáo dục có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ; lấy gương người thật, việc thật để chứng minh giữa cái tốt và cái xấu".

Nhìn chung, việc xã hội quan tâm tạo điều kiện giúp người lầm lỗi sau cải tạo đã làm cho các đối tượng này ổn định bước đầu về mặt tâm lý, yên tâm sống cùng gia đình, làng xóm, bỏ dần mặc cảm để hòa nhập cộng đồng.

  • Nguyên Phương

Ông Nguyễn Đức Trí - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định:

Hội đồng ĐX của tỉnh năm 2006 đã tiến hành xem xét, đề nghị ĐX 20 phạm nhân trong đợt Quốc khánh (2-9), được Hội đồng đặc xá Trung ương chấp nhận, đang trình Chủ tịch nước phê chuẩn. Bình Định chỉ có một điểm cải tạo giam giữ do tỉnh quản lý, đó là Trại tạm giam Công an tỉnh (còn Trại giam Kim Sơn thuộc Bộ Công an), số phạm nhân thụ hình được đề nghị ĐX tương đối ít. Tuy nhiên, tỉ lệ được xem xét ĐX thì rất cao, chẳng hạn năm 2004 - 2005 có 296 phạm nhân cải tạo ở Trại tạm giam, nhưng danh sách đề nghị ĐX 131 người, chiếm gần một nửa. Lần này, tỉnh có 31 phạm nhân cải tạo nhưng đã trình xét ĐX 20 người, gần 2/3 tổng số.

Chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong công tác đặc xá xuất phát từ tinh thần nhân đạo, nghĩa đồng bào, kêu gọi mọi người cùng đùm bọc, cùng tha thứ để người lầm lỗi có cơ hội hối cải và tiến bộ. Khuyến khích người trong trại cố gắng cải tạo tốt để sớm được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước. Về lợi ích kinh tế, quy định việc xét đề nghị đặc xá phải trên cơ sở người phải thi hành án đã bồi hoàn mọi thiệt hại hoặc một phần thiệt hại đáng kể cho người được thi hành án, hoặc cam kết bồi hoàn thiệt hại sau khi được đặc xá. Trong 130 phạm nhân cải tạo tại Trại tạm giam Công an tỉnh được đặc xá năm 2004-2005, trước khi đặc xá còn phải thi hành hơn 1,8 tỉ đồng, nhưng khi có chính sách đặc xá gia đình số phạm nhân này đã tự nguyện thi hành hơn 880 triệu đồng, khắc phục hậu quả cho người bị hại.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bóc trần đường dây tiêu thụ tiền giả  (02/09/2006)
Tiếp sức thanh xuân cho nghệ thuật truyền thống  (02/09/2006)
Nước mắt của nhân văn, nhân bản  (02/09/2006)
Dưỡng nuôi hy vọng về một nền "quốc võ"  (02/09/2006)
Chuyện Tây học võ... ta  (02/09/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2006)
Di tích chiến thắng Đồi 10  (26/07/2006)
Đi vào những phần việc cụ thể  (26/07/2006)
Thời sự festival  (26/07/2006)
Vương vấn mùa sen cũ  (26/07/2006)
Chuyện ghi ở Mái ấm tình thương 1-6  (26/07/2006)
Những chuyến xe mùa trăng  (26/07/2006)
Blog: Nhật ký ảo, tâm sự thật  (26/07/2006)
Thơ  (26/07/2006)
Sóng vỗ lòng ai  (26/07/2006)