Môi trường và tài nguyên đầm Thị Nại có được bảo vệ ?
10:3', 2/9/ 2006 (GMT+7)

Đầm Thị Nại rộng trên 5.000 ha được xem là vườn ươm của các loài thủy sản. Thế nhưng, vườn ươm này đang gánh chịu nhiều tác động bất lợi cho môi trường nước. Việc bảo vệ môi trường và tài nguyên của đầm Thị Nại còn nhiều bất cập, nguy cơ suy thoái nguồn lợi thủy sản ven bờ đang là bài toán khó cho nhà quản lý.

* Mối đe dọa môi trường nước từ các chất thải

Rơm rạ sau thu hoạch thả nổi đầy đầm Thị Nại. Ảnh: N.D

Có 2 loại chất thải chủ yếu hiện nay đã tác động lớn đến môi trường và tài nguyên của đầm Thị Nại, đó là: chất thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt. Từ đầu năm đến nay, các vùng nông nghiệp phụ cận đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn, khu Đông huyện Tuy Phước, Phù Cát) và đất mặt nước ven đầm đã xảy ra những bất ổn có liên quan đến môi trường nước, như: Tôm chết do dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước và sản lượng tôm thấp; ruộng lúa thiếu nước tưới lại nổi phèn, nhiễm mặn; rừng trồng ngập mặn chết diện rộng…; bên cạnh đó các vấn nạn xung điện, xiếc máy vẫn tiếp diễn. Tất cả những bất ổn này đều có sự liên quan, tương tác giữa môi trường nước đầm Thị Nại và các vùng ven.

Bình Định đang trên đà phát triển các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề. Tuy nhiên, công tác xử lý chất thải công nghiệp chưa đảm bảo và theo kịp với tốc độ xây dựng và hoạt động của các nhà máy, công xưởng. Đáng kể nhất là 2 khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ, với quy mô 715 ha, hiện có 130 doanh nghiệp đăng ký sản xuất và đã có trên 40 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất với công suất lớn. Thế nhưng hiện nay ít có doanh nghiệp thực hiện việc xử lý nước thải, chất thải đạt mức tối ưu. Nước thải (có hóa chất tẩy rửa, các loại dung dịch dùng trong chế biến…) mang theo một phần các chất thải khác từ nguyên liệu sản xuất hòa vào các dòng chảy và góp cho đầm Thị Nại một thải lượng xấu. Các dòng sông đầu nguồn cũng mang theo một lượng đáng kể chất độc hại cho môi trường sinh thái đầm Thị Nại. Vừa qua, sự cố chất thải của Nhà máy phân vi sinh và Nhà máy cồn đóng trên địa bàn huyện Tây Sơn đã gây ô nhiễm môi trường, trong đó người dân phản ảnh các nhà máy này đã xả nước thải xử lý chưa đảm bảo vào dòng sông Kôn. Ngoài ra, các bệnh viện, trạm xá, các cơ sở y tế trong toàn tỉnh nói chung và ở TP Quy Nhơn chưa có bệnh viện nào có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, nhưng hầu hết đều đưa ra hệ thống thoát nước công cộng và nhập vào đầm Thị Nại.

Rác thải sinh hoạt vẫn là nguồn xâm hại môi trường nước của đầm Thị Nại rất lớn. Dù đã tuyên truyền, vận động mọi người giữ gìn vệ sinh môi trường, nhưng tình trạng vứt rác và cho chất thải xuống dòng nước, vẫn còn là thói quen của nhiều hộ dân sống ven bờ. Rác thải ngập tràn ở các kênh mương như Cầu Bún (chợ Gò Bồi, Phước Hòa), kênh Cây me (Phước Sơn), sông Dinh (Phước Thắng), sông Tranh (Phước Hiệp, Phước Nghĩa)… thuộc huyện Tuy Phước, nhất là vào những thời điểm dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng gia súc… trên các sông, kênh mương xuất hiện nhiều xác động vật, hoặc sau các vụ mùa bà con đã vứt rơm rạ xuống dòng chảy, làm ô nhiễm và gây lấp dòng chảy. Dọc các khu dân cư ven bờ thuộc các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Thị Nại, Hải Cảng (TP Quy Nhơn) có nhiều hộ làm cầu tiêu, nuôi gia súc trên mặt nước, và trực tiếp cho các chất thải xuống dòng nước. Mỗi ngày Đội vệ sinh mặt nước của TP Quy Nhơn vớt hàng tấn rác thải trên mặt đầm.

 

Đội vệ sinh mặt nước của TP Quy Nhơn hàng ngày phải đi thu gom rác ở ven đầm. Ảnh: N.D

 

* Sự tàn phá, hủy diệt tài nguyên, môi trường bằng các phương tiện

Môi trường nuôi tôm ven đầm Thị Nại bị ô nhiễm, bởi dư thừa hợp chất hữu cơ (sinh ra trong quá trình nuôi tôm), kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Ông Nguyễn Văn Dũng- Trưởng trạm Kiểm dịch thú y- thủy sản huyện Tuy Phước cho biết: "Nhiều mẫu nước nuôi thủy sản, hoặc trước khi tháo ra đầm Thị Nại không đạt chỉ tiêu về ô-xy hòa tan, pH, COD… do sự quá tải của các hợp chất hữu cơ, các chất này do thức ăn thừa, xác thủy sinh vật và chất thải từ tôm. Đây là vấn đề cần cảnh báo cho việc định hướng kiểm soát môi trường mặt nước trong những năm tới". Mặt khác, kim loại nặng và thuốc BVTV đã được phát hiện ở nhiều nơi có dư lượng vượt qua ngưỡng cho phép.

Xung điện (xiếc máy), giã cào, chất nổ, chất độc, đèn cao áp, lưới lỗ nhỏ… đều được một bộ phận không nhỏ ngư dân sử dụng để làm kế sinh nhai. Trong tháng 5 và 6-2006, tại thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa và thôn Lộc Hạ, Nhân Ân, xã Phước Thuận đã phát hiện 4 chiếc giã cào và 31 chiếc xiếc máy hoạt động trái phép trên đầm Thị Nại, lực lượng tuần tra, kiểm soát đã bắt và xử lý một số trường hợp. Hiện vẫn còn nhiều phương tiện hủy diệt nguồn lợi thủy sản của ngư dân trong vùng hoặc ở nơi khác đang ngày đêm lén lút hoạt động trên đầm Thị Nại.

Nói về tác hại của nạn giã cào ven biển miền Trung, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tác An- Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết: "Giã cào gần bờ tàn phá hết các loại thủy sinh, kể cả cỏ biển, rong biển (nó được ví như một nhà máy lọc nước khổng lồ của đại dương), phá vỡ môi trường tự nhiên và tính đa dạng sinh học đáy biển, trứng cá tôm chưa kịp nở ra đã bị vỡ. Bờ biển Bình Định dài 134 km, thông liền với các đầm phá ven bờ, có hàng trăm ghe xung điện, giã cào lớn, nhỏ, hàng ngày mỗi ghe tận diệt sinh vật biển tạp từ vài chục đến vài trăm ký".

 

Đầm Thị Nại nhìn từ phía sông Hà Thanh. Ảnh: Khai Tân

 

* Cần có chương trình bảo vệ tài nguyên, môi trường lâu dài

Cần quy hoạch chặt chẽ các khu vực nuôi trồng thủy sản, áp dụng các tiến bộ khoa học vào nuôi trồng, phòng chống sự lây lan dịch, bệnh cho các loài hải sản, nhất là tôm nuôi, xử lý nước thải và bùn ở các hồ nuôi thủy sản. Tập trung khai thác, đánh bắt xa bờ, chấm dứt khai thác bừa bãi nguồn hải sản bằng các công cụ hủy hoại môi sinh, phá hủy các nơi cư trú của các loài động thực vật biển. Thu gom chất thải ở các tàu thuyền ra vào cảng, kiểm soát ô nhiễm dầu từ các tàu thuyền đi lại trên vùng biển, cửa sông. Ngăn chặn các hành vi thải trực tiếp các chất ô nhiễm ra biển thông qua hệ thống sông, kênh mương. Phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái bị ô nhiễm, suy thoái ở đầm phá, bãi triều, cửa sông, các đảo, các rạn san hô ven biển và rừng ngập mặn đầm Thị Nại. Cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản, có biện pháp xử lý thích đáng các hành vi hủy diệt tài nguyên, môi trường đầm Thị Nại. Tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường biển và mặt nước. Tích cực tăng cường công tác khuyến ngư, vận động ngư dân kiên cố hóa phương tiện đánh bắt xa bờ, thoát bỏ tập quán làm sáng, ăn chiều, không có hoạch định cho nghề nghiệp.

  • Ngọc Diên

Đầm Thị Nại có 185 loài thực vật phù du, 64 động vật phù du, 181 loài động vật đáy, 136 loài rong biển và thực vật bậc cao, 100 loài động vật thân mềm, 119 loài cá và 14 loài tôm…

Những loại xung điện, xiếc máy thường gặp trên đầm Thị Nại:

Xung điện có nhiều dạng khác nhau, to nhỏ và cường độ dòng điện phát ra. Loại nhỏ, cả bộ gồm: lưới kéo cực nhỏ (không bỏ sót sinh vật), sợi dây đồng để trần có dây dẫn lên bộ kích điện, bình ắc quy… chỉ cần nhấn bộ kích điện sẽ phát ra dòng điện 220V. Cấu trúc đơn giản gọn nhẹ, chỉ cần 2 người đi hai bên kéo là hoạt động được ở mọi địa hình.

Xung điện loại lớn, người ta đặt ngay trên ghe nhỏ (6 đến 8 mã lực), phía đầu mũi có 2 càng nhũi bằng gỗ dài đến 10 m, xòe rộng từ 5 m đến 7 m, kèm theo bộ lưới cực dày, phía dưới gắn một dây xích sắt lớn vừa dẫn điện từ bộ kích, vừa đưa miệng lưới xuống sát mặt bùn. Mức độ hủy diệt nguồn lợi và môi trường gấp 20 lần so với xung điện loại nhỏ. Mỗi khi xung điện đi qua thì tất cả sinh vật biển không con nào sống sót.

Giã cào hủy diệt đáy biển: Giã cào là loại giã lớn dùng 2 tàu có công suất từ 30-60 mã lực/chiếc, tất cả đều dùng mắt lưới rất dày, phía dưới kèm dây xích rất to, kèm theo 2 tấm sắt (dép giã), hoạt động ở mực nước từ 5-15m. Mỗi khi giã cào đi "càn quét", các thiết bị của giã cào kéo lết dưới đáy nước, làm cho môi trường biển bị tàn phá nghiêm trọng.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (02/09/2006)
Đặc xá: Tạo cơ hội cho người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng  (02/09/2006)
Bóc trần đường dây tiêu thụ tiền giả  (02/09/2006)
Tiếp sức thanh xuân cho nghệ thuật truyền thống  (02/09/2006)
Nước mắt của nhân văn, nhân bản  (02/09/2006)
Dưỡng nuôi hy vọng về một nền "quốc võ"  (02/09/2006)
Chuyện Tây học võ... ta  (02/09/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2006)
Di tích chiến thắng Đồi 10  (26/07/2006)
Đi vào những phần việc cụ thể  (26/07/2006)
Thời sự festival  (26/07/2006)
Vương vấn mùa sen cũ  (26/07/2006)
Chuyện ghi ở Mái ấm tình thương 1-6  (26/07/2006)
Những chuyến xe mùa trăng  (26/07/2006)
Blog: Nhật ký ảo, tâm sự thật  (26/07/2006)