Hành trình đến trang web dành cho người mắc bệnh máu khó đông
10:11', 2/9/ 2006 (GMT+7)

Như chúng ta đã biết, trang Web được giải thưởng "Sáng tạo Việt Nam" này (www.maukhodong.net) do sinh viên Nguyễn Văn Thạnh - đang theo học lớp 02 SH, khoa Hóa trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng - lập nhằm phục vụ thông tin cho hơn 10 ngàn người Việt Nam đang mắc phải chứng bệnh này. Tuy nhiên, có những điều chúng ta chưa biết là cuộc hành trình đến trang Web này là cả một chặng đường đau khổ của Thạnh...

 

Nguyễn Văn Thạnh (bìa trái) và một số bạn học.

 

* Thời thơ ấu đen tối

Mới chỉ 7 tháng tuổi, Nguyễn Văn Thạnh ở thôn Trà Sơn, xã Tây An (Tây Sơn-Bình Định) đã phải "đeo" vào mình một căn bệnh ít người mắc phải: bệnh máu khó đông. Chị Hồ Thị Tuyết Lệ (43 tuổi, mẹ của Thạnh) kể: "Là đứa con đầu lòng nên dù trong điều kiện khó khăn của dân nông thôn nhưng vợ chồng tôi cũng dành nhiều thời gian để chăm sóc cho cháu Thạnh. Lúc vừa 7 tháng tuổi, đang sởn sơ khỏe mạnh, bỗng một hôm mặt cháu sưng to bất thường. Lúc đầu cục sưng chỉ bằng ngón tay cái, chỉ vài giờ sau cục sưng đã to bằng cườm tay. Chưa biết phải đối phó như thế nào với hiện tượng bất thường này thì một ngày sau, cục sưng trên mặt cháu đã to và có màu tím như một trái vú sữa. Vợ chồng tôi hộc tốc đưa cháu đến Trung tâm y tế huyện thì được các bác sĩ cho biết là cháu bị ung độc. Yên tâm là con mình không phải mắc chứng bệnh nguy hiểm gì, cứ lo chữa ung độc. Thế nhưng sau đó cháu thường hay bị chảy máu răng và khi cháu được 1 tuổi rưỡi thì lúc đi chập chững, nếu lỡ vấp té bị một vết thương dù nhỏ thì máu vẫn chảy không ngừng. Mới chừng ấy tuổi mà cháu phải liên tục đến bệnh viện tuyến tỉnh và dù thường xuyên được tiếp máu nhưng càng ngày cháu càng xanh xao, yếu ớt. Đến năm cháu được 4 tuổi thì chúng tôi mới được các bác sĩ của BV Đa khoa tỉnh cho biết là cháu mắc phải căn bệnh máu khó đông. Bệnh này nếu cử động nhiều sẽ bị vỡ mạch máu trong ở các khớp, máu dồn tụ lại và gây đau đớn vô cùng nên suốt những năm cháu học cấp 1, mặc dù nhà chỉ cách trường có 100m nhưng vợ chồng tôi luôn phải thay phiên nhau cõng cháu đi học. Trong quãng thời gian ấy do cháu còn nhỏ nên hễ mỗi khi bị đau nhức là cháu khóc la thoải mái. Tội nhất là khi cháu lên cấp 2, trường cách xa nhà hơn mà cháu thì không thể tự đi xe đạp được, vợ chồng tôi phải lo làm ăn đủ chuyện để chi phí chữa bệnh cho cháu nên Thạnh phải luôn trông chờ vào sự giúp đỡ của bạn cùng lớp. Lúc ấy cháu đã biết mặc cảm nên khi có ba mẹ ở nhà dù có đau nhức đến mấy cháu cũng cắn răng chịu đựng vì sợ chúng tôi lo lắng, đợi khi vợ chồng tôi ra hết ngoài đồng cháu mới la hét thật to cho đã cơn đau trong người. Trước tình cảnh ấy, người trong làng cứ nhỏ to với tôi rằng: "Thôi, cho cháu đi học nữa mà làm gì, thêm cực thân cháu mà bệnh tật như thế thì dù có học cũng chẳng làm được gì!". Vì đau đớn hành hạ nên có lúc cháu phải nghỉ học cả tháng để chữa trị ở bệnh viện nên chán nản và để giảm bớt lo lắng cho chúng tôi, cháu cũng có ý định nghỉ học. Mặc ai nói ra nói vào, mặc khó khăn chồng chất, vợ chồng tôi luôn động viên cháu học kiếm cái chữ và phải ráng học thật giỏi để có thể kiếm phương cách chữa trị cho căn bệnh quái ác này, không chỉ cho bản thân mà còn cho nhiều người khác cùng cảnh ngộ...".

* Vượt qua số phận

Anh chị Nguyễn Văn Tuân và Hồ Thị Tuyết Lệ (cha mẹ của Thạnh).

Sau khi tiếp nhận lời khuyên bảo của cha mẹ, từ đó Thạnh không còn đòi nghỉ học nữa mà cố gắng học và đã trở thành học sinh giỏi suốt những năm cấp 2. Lên cấp 3, người bạn từng chở Thạnh đi học đã không còn chung trường, lại phải đi học xa hơn nên Thạnh phải nhờ đến đứa em kề là Nguyễn Tấn Lực (1985) chở đi chở về mỗi ngày. Chặng đường đi học trong những năm này của Thạnh quả là một bi cảnh. Sáng thật sớm, người cha cõng Thạnh ra xe và Lực chở anh đến trường rồi lại cõng anh vào lớp khi sân trường chưa có ai. Tan trường, khi sân trường đã vắng tanh thì Lực lại cõng anh ra xe và chở về. Thạnh lặng lẽ tiếp tục chịu đựng những cơn đau xé người đến thường xuyên và chịu đựng sự mặc cảm bệnh tật trải qua suốt những năm học cấp 3 và cố gắng duy trì danh hiệu học sinh giỏi. Dù cố gắng đến mấy thì trong những năm này Thạnh cũng có một kỷ niệm buồn, đó là vào năm lớp 10. Vì sự đau nhức của bệnh tật nên Thạnh không thể tham gia những giờ học thể dục và vì mới chuyển cấp, thầy cô giáo chưa rõ sự tình của Thạnh nên đó là lý do khiến năm ấy Thạnh không được xếp loại học sinh giỏi vì điểm liệt của môn này. Không nản chí, Thạnh vẫn miệt mài để lấy lại "phong độ" cũ và lại là học sinh giỏi vào năm học sau. Thế nhưng số phận vẫn không buông tha Thạnh, nửa năm sau của năm học lớp 12 Thạnh đổ bệnh nặng phải bỏ lớp, mọi kiến thức, bài vở Thạnh chỉ còn biết trông nhờ vào tấm lòng của những người bạn cùng lớp truyền đạt lại và vẫn cứ tiếp tục học theo "kiểu của mình" trên giường bệnh. Đến kỳ thi tốt nghiệp, Thạnh quyết định rời bệnh viện về quê "ứng thí" trong sự "không hy vọng gì" của ba mẹ. Thế nhưng Thạnh đã không làm ba mẹ thất vọng. Sau đó, Thạnh tiếp tục thực hiện ước nguyện bằng việc ghi danh thi vào trường Đại học Y thành phố HCM. Thế nhưng những thời gian bệnh tật buộc Thạnh phải rời lớp đã làm nên lỗ hổng về kiến thức không cho Thạnh bước vào giảng đường. Cũng trong thời gian đó, sau một cuộc xét nghiệm tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), Thạnh được các bác sĩ ở đây cho biết là bệnh của Thạnh ở Việt Nam chưa có thuốc chữa. Thông tin này đã không làm Thạnh tuyệt vọng mà càng củng cố ước nguyện của em. Thạnh về xin ba mẹ cho học ôn để năm sau tiếp tục dự thi. Năm sau, Thạnh ghi danh dự thi 3 trường: Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, trường ĐH Huế và trường Cao đẳng Tài chính-Kế toán Quảng Ngãi. Năm ấy Thạnh đã đậu cả 3 trường và để thực hiện ước nguyện, Thạnh đã chọn học ngành Hóa trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Mẹ của Thạnh - chị Hồ Thị Tuyết Lệ - tâm sự: "Cháu thi đậu đại học, vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo. Lo là sẽ không có ai chăm sóc cháu trong những cơn đau lúc xa nhà. Thật khổ, vừa bước vào ghế đại học là cháu phải nằm viện liên tục. Lần đầu nhập viện thì cháu được miễn viện phí và tiền thuốc men chữa trị. Thế nhưng khi nhập viện lần 2, sau khi xét nghiệm bệnh viện cho rằng đây là căn bệnh di truyền nên đã không cho miễn phí nữa mà lại còn "truy đòi" khoản phí của lần nằm viện trước. Nhà thì xa, lại khó khăn nên vợ chồng tôi không kịp thời gởi tiền cho con thanh toán. Cũng may là bạn bè và thầy cô của cháu ở trường đã thương tình góp đủ 2 triệu đồng để nộp cho bệnh viện. Không những chỉ có thầy cô giáo trong trường và bạn bè giúp đỡ cháu, cả chị chủ cho thuê nhà cũng giặt giúp đồ cho cháu mỗi khi cháu ngã bệnh. Nhờ những sự cưu mang ấy nên cháu đã vượt qua được năm đầu. Sang năm thứ 2 thì thằng em (Nguyễn Tấn Lực) cũng thi đậu vào trường ấy nên vợ chồng tôi đỡ lo. Năm ngoái con em (Nguyễn Thị Phượng Hằng) lại thi đậu vào trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng nên cháu Thạnh có thêm người đỡ đần trong những năm cuối. Năm 2005, không biết ai bày biểu mà nó gởi thư đến Chủ tịch nước để trình bày tình cảnh khó khăn không chỉ của nó mà chung cho những người mắc bệnh như nó và sau đó được Chủ tịch nước chỉ thị cho các cấp ngành chức năng tạo điều kiện chữa bệnh miễn phí cho những người mắc phải căn bệnh này". Không chỉ có thế, anh Nguyễn Văn Tuân (47 tuổi) - ba Thạnh - cho biết thêm: "Trong kỳ nghỉ hè năm thứ 3 tôi đã nghe cháu Thạnh thỏ thẻ tâm sự là ước gì có thể lập được trang Web về căn bệnh máu khó đông để phục vụ thông tin cho những người mắc bệnh này ở Việt Nam. Biết tâm nguyện của con nhưng tôi có nói với cháu là ba mẹ chỉ đủ tiền nuôi con ăn học và đối phó với bệnh chứ không có tiền cho con thực hiện ước mơ. Cứ ngỡ nó sẽ từ bỏ ý định, không ngờ những cơn đau đớn kinh hoàng và liên tục trong năm học thứ 4 đã thôi thúc nó hoàn thành chuyện đó. Sau khi được báo Thanh Niên đưa tin kêu gọi, những nhà hảo tâm đã hỗ trợ 30 triệu đồng và trong kỳ nghỉ Tết vừa rồi nó bảo với gia đình là sẽ đi Hà Nội để thực thi ước nguyện. Đến lúc ấy mà gia đình tôi vẫn chưa dám tin. Đến khi UBND xã Tây An đưa đến tận nhà tờ báo có tin thằng Thạnh đã thành công trong việc lập trang Web, vợ chồng tôi vừa khóc vừa chạy xuống bưu điện gọi chúc mừng con".

Trước khi rời khỏi căn nhà tuềnh toàng nằm giữa đồng ruộng của ba mẹ Thạnh, chúng tôi thật sự cảm động khi được biết thêm là đứa con trai út của anh chị là cháu Nguyễn Văn Thống (16 tuổi) vừa lên lớp 10 cũng đang gánh chịu những đau đớn của căn bệnh này cũng như anh mình. Nhưng nhờ tấm gương của người anh nên Thống cũng đang vượt qua số phận, là học sinh giỏi của huyện, và cũng mang tâm nguyện như anh mình hướng tới tương lai.

  • Vũ Đình Thung
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Môi trường và tài nguyên đầm Thị Nại có được bảo vệ ?  (02/09/2006)
Thơ  (02/09/2006)
Đặc xá: Tạo cơ hội cho người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng  (02/09/2006)
Bóc trần đường dây tiêu thụ tiền giả  (02/09/2006)
Tiếp sức thanh xuân cho nghệ thuật truyền thống  (02/09/2006)
Nước mắt của nhân văn, nhân bản  (02/09/2006)
Dưỡng nuôi hy vọng về một nền "quốc võ"  (02/09/2006)
Chuyện Tây học võ... ta  (02/09/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2006)
Di tích chiến thắng Đồi 10  (26/07/2006)
Đi vào những phần việc cụ thể  (26/07/2006)
Thời sự festival  (26/07/2006)
Vương vấn mùa sen cũ  (26/07/2006)
Chuyện ghi ở Mái ấm tình thương 1-6  (26/07/2006)
Những chuyến xe mùa trăng  (26/07/2006)