Những cuộc tình trong chiến tranh
10:23', 2/9/ 2006 (GMT+7)

Trong chiến tranh, nhiều đôi trai gái, vợ chồng đã phải chấp nhận chia ly vì độc lập, tự do của đất nước. Ngày trở về, có người được toại nguyện nhưng không ít người đã phải chịu cảnh dở dang. Chúng tôi chỉ ghi lại hai câu chuyện tình khá cảm động trong thời chiến…

 

Phụ nữ Bình Định tiễn chồng đi tập kết tại bãi biển Quy Nhơn. Ảnh: Tư liệu

 

* Nương nhờ cửa Phật để chờ chồng

Buổi sáng gần cuối hạ, tôi tìm đến nhà của ông bà Nguyễn Sinh Anh và Cáp Thị Hồng Hoa ở ngã tư Lê Thánh Tôn và Tăng Bạt Hổ thành phố Quy Nhơn. Người cháu gái của ông bà bảo: "Bà ngoại đang ở trên gác, còn ông ngoại nặng tai lắm rồi". Nhắc đến chuyện xa xưa, bà Hoa cười, rồi như đắm chìm vào dĩ vãng. Ông Anh vốn quê ở Thừa Thiên Huế, trước năm 1954 ông vô Bình Định hoạt động tại huyện An Nhơn, ở nhà người chị bà con. Bà chị thấy ổng đã lớn, ở trong xóm giềng nên biết tính tình tui cũng hiền hậu. Thế là đánh tiếng mai mối, tôi gật đầu. Thời đó làm gì được tự do tìm hiểu như bây giờ. Lấy nhau hơn một năm, tôi sinh con bé được hai tháng tuổi thì ông ấy lên đường  tập kết.

Cuộc chia tay ngỡ chỉ hai năm đã kéo dài thành hơn 20 năm. Ở quê nhà, bà phải chịu sự quản lý, thúc ép của bọn địch bởi chúng biết bà là "vợ cộng sản". Để tránh địch và cũng vì mưu sinh, bà để con gái ở nhà cho vợ chồng người em nuôi dưỡng, liên tục ngược xuôi buôn bán ở Tây Nguyên, khi thì ở Phú Bổn, lúc lại ở Đức Cơ. Tại Phú Bổn (Gia Lai), bà làm quen với một nhà sư trụ trì tại một am nhỏ. Sau khi đã thân quen, nhà sư trụ trì mới tiết lộ cho bà Hoa sự thật: rằng bà cũng là vợ của người "đằng mình". Bà lập am này là để tránh tai mắt của bọn giặc. Bà khuyên bà Hoa nên nương nhờ cửa Phật để tránh tai mắt của địch. Bà Hoa nghe theo, xin quy y làm phật tử, lấy am phật làm chốn đi về. "Từ đó bọn địch cũng ít để mắt đến tôi vì chúng tưởng tôi là con nhà Phật. Tôi mua một căn nhà trên Phú Bổn, lâu lâu lén về thăm con. Chỉ dám về nhà lúc chạng vạng tối và ra đi vào sáng sớm hôm sau"- bà Hoa kể. Tuy vậy, nhưng mỗi khi cán bộ ở dưới quê An Nhơn "bị động" bà đều sẵn sàng cho họ tá túc dăm bữa nửa tháng, chờ khi nào tình hình yên ắng mới trở về.

"Xa chồng đằng đẵng, lại thân gái dặm trường, làm thế nào bà có lòng tin để chờ chồng?". -"Cứ nghĩ chờ được là được, vậy thôi. Mới lại hồi đó, tui cũng gởi thư cho ổng mà. Qua đường dây, tui biết ổng công tác tại Trường Sơn" bà Hoa nói đơn giản. Dẫu những lá thư bà gởi đều chẳng có hồi âm nhưng đó lại là động lực, là niềm tin để bà chờ đợi ngày chồng trở lại. Còn với ông Anh dẫu xa vợ 20 năm vẫn một lòng chung thủy chờ đến ngày thống nhất.

Đất nước  thống nhất, ngày trở về, ông đã bước vào tuổi 50, bà đã trên 40 tuổi. Hai mái đầu đã điểm bạc nhìn nhau nghẹn ngào, đứa con gái ngày xưa ẵm ngửa trên tay đã ngoài 20 tuổi. Ông và bà chỉ có mỗi mụn con duy nhất. Ông Anh công tác tại Thư viện tỉnh Bình Định đến năm 1986 thì nghỉ hưu. Cách đây 5 năm, người con gái của ông bà đã bị bệnh hiểm nghèo mà chết. Lá vàng phải khóc lá xanh. Ông bà sống cùng với người cháu gái ngoại. Hiện tại, họ sống bằng đồng lương hưu của ông Anh, tính các khoản trợ cấp được trên một triệu đồng. "Hai vợ chồng già tằn tiện sống qua ngày. Nhưng khổ cái người già lại hay đau" - bà Hoa nói khi tiễn tôi ra về.

* Không tình chồng vợ thì tình anh em

Thời ấy, ông là chàng trai mới 20 tuổi, hoạt động cách mạng rộng khắp các địa bàn, từ ở quê (xã Mỹ An, Phù Mỹ) đến các xã khác như Mỹ Thành, Mỹ Lợi, Mỹ Thọ. Anh cũng biết cô- một cô gái đẹp người, đẹp nết tuổi mới đôi tám, vẫn thường lấy mắm ở nhà ông đi bán chợ. Tháng 8-1955, anh bị địch bắt xuống nhà lao Quy Nhơn, tháng 4-1956 lại được thả về. Trong thời gian này, cha mẹ hai bên tác hợp cho đôi trẻ. Dẫu chưa có lễ cưới chính thức nhưng hai bên họ hàng vẫn coi họ như con, cháu trong nhà. Tháng 2-1957, tổ chức cơ sở cách mạng ở Phù Mỹ bị vỡ, một lần nữa anh bị bắt. Trên đường bị địch giải đi, anh gặp vợ chưa cưới đi chợ về, chỉ kịp buông câu "Tôi đi đây", rồi đường ai nấy đi.

Cô gái vẫn xuống thăm anh đều đặn trong nhà lao. Còn anh, lại thêu khăn, túi xách gởi ra cho người thương. Anh có tên trong danh sách những người bị đi đày ra Côn Đảo. Mẹ chồng khuyên cô-con-dâu-chưa-kịp cưới "Đừng chờ nữa. Nó đi Côn Đảo, biết đâu không có ngày về". Nhưng cô gái vẫn không nói gì, thường xuyên vào nhà lao hơn. Năm 1960, anh bị đày ra Côn Đảo. Ở đảo xa, anh viết thơ về cho người yêu, khuyên: "Em chờ được thì chờ, không chờ được thì đi lấy chồng. Nhưng nhớ: không được lấy người đằng nó…". Năm 1962 ông nhận được thơ người yêu thông báo đã đi lấy chồng. Chồng của cô cũng là người đằng mình. Đến năm 1967, ông lại được tin chồng của cô ấy hy sinh, để lại hai đứa con nhỏ. Năm 1974, khi hai bên trao trả tù binh, chàng thanh niên ngày nào nay đã gần bước sang tuổi 40, được trở về quê hương…

Vợ chồng ông bà Nguyễn Xuân Ái - Đỗ Thị Rê, một trong những cuộc tình trong chiến tranh.

Rằm tháng 6 âm lịch năm đó, hội làng Xuân Thạnh (Mỹ An) vẫn mở, hai người trẻ ngày kia giờ đã gần bước vào tuổi trung tuần, họ gặp nhau tay bắt mặt mừng. Người đàn bà trách: "Ai biểu hồi đó xui em đi lấy chồng". Người đàn ông bảo: "Hồi đó, tui biên thơ nói chờ được thì chờ". Nhưng rồi, bà lại nói: "Dù gì anh vẫn là trai chưa vợ. Còn em đã là gái có chồng, có con. Nhưng em khuyên anh có lấy vợ thì chớ lấy người trẻ tuổi". Ngày ông lấy vợ (8-1975) ở Quy Nhơn, bà vào dự nhưng không kịp. Ông đã đi về quê ở Mỹ An. Bà về Mỹ An thì ông lại sang Mỹ Thọ để kiếm bà. Bà gởi lại quà, kèm theo bức thơ. Trong thơ nói lúc nào bà cũng coi ông như người anh trai…

"Chuyện đến thế rồi sao nữa chú?" - tôi hỏi ông Nguyễn Xuân Ái - Ban Liên lạc tù Chính trị tỉnh bởi chàng trai không ai khác là ông.- Ừ, cũng chẳng biết vì sao mà hai đứa con của  bà ấy lại thương hai đứa con tôi như chị em ruột thịt. Giỗ tế gì hai gia đình cũng lên xuống mời nhau cả, vẫn về quê thăm nhau. Họ hàng hai bên vẫn gọi tôi và bà ấy vẫn như người trong nhà. Bà ấy vẫn lên xuống nhà tôi, nhờ tôi chở đi. Năm 1982, có một cán bộ muốn tục huyền với bà ấy, đến hỏi ý kiến của tôi. Tôi vun vào cho hai người. Họ có với nhau một đứa con.

Hỏi chuyện bà Đỗ Thị Rê - vợ ông Ái bây giờ về cái sự "ớt nào mà ớt chẳng cay…", bà Rê cười, kể:  Hồi đó, ngay từ thời chưa lấy ông ấy, tôi cũng đã có khuyên ông nên trở lại với chị Thắng (người yêu trước của ông Ái tên là Lê Thị Thắng). Rồi chị Thắng gặp tôi tâm sự, nếu không có chiến tranh thì chị đã đến với ảnh rồi. Còn giờ dẫu sao chị cũng đã là người có gia đình, em hãy yên lòng mà đến với anh ấy. Tôi chỉ còn biết nói thôi thì hai chị em mình cứ coi nhau như chị em, đừng ngại lời ra tiếng vào gì cả. Họ hàng vào thăm, có lần thấy chị em tôi ngồi với nhau, họ hỏi tôi "Mày có ghen không?". Trời, gì mà ghen. Đường chỉ chỉ đi, ngõ mình mình đứng. Đừng có suy nghĩ nhỏ nhen chớ. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn như hai chị em...

  • Thu Hà (ghi)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hành trình đến trang web dành cho người mắc bệnh máu khó đông  (02/09/2006)
Môi trường và tài nguyên đầm Thị Nại có được bảo vệ ?  (02/09/2006)
Thơ  (02/09/2006)
Đặc xá: Tạo cơ hội cho người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng  (02/09/2006)
Bóc trần đường dây tiêu thụ tiền giả  (02/09/2006)
Tiếp sức thanh xuân cho nghệ thuật truyền thống  (02/09/2006)
Nước mắt của nhân văn, nhân bản  (02/09/2006)
Dưỡng nuôi hy vọng về một nền "quốc võ"  (02/09/2006)
Chuyện Tây học võ... ta  (02/09/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2006)
Di tích chiến thắng Đồi 10  (26/07/2006)
Đi vào những phần việc cụ thể  (26/07/2006)
Thời sự festival  (26/07/2006)
Vương vấn mùa sen cũ  (26/07/2006)
Chuyện ghi ở Mái ấm tình thương 1-6  (26/07/2006)