Phía sau giấc mơ tỉ phú
10:29', 2/9/ 2006 (GMT+7)

"Mua vé số đi chú. Mua một tờ trúng năm chục triệu. Mua mười tờ trúng năm trăm triệu. Mua một trăm tờ trúng năm tỉ !". Một lần ngồi uống cà phê với mấy người bạn, tôi thật sự ngỡ ngàng khi người bán vé số mời khách mua như thế.

 

Chờ thần tài gọi tên!!! (ảnh chụp trước Công ty XSKT trong giờ quay số mở thưởng).

 

* "Thần tài gõ cửa" và những xác suất mong manh...

Hiện nay, vé số các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên phát hành trên địa bàn Bình Định mở thưởng hàng ngày đã lên đến cặp tám mươi tờ với giá trị giải đặc biệt bốn tỉ đồng. Riêng vé số Đắk Lắk mở thưởng ngày thứ Ba với cặp một trăm tờ, giải thưởng là năm tỉ đồng! Những con số quả là hấp dẫn với những người muốn trở nên giàu sang một cách nhanh chóng!

Người mua vé số thì hằng hà sa số nhưng người trúng các giải lớn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Một chủ đại lý thừa nhận: từ hồi bán vé số đến giờ, những người mua vé số tại đại lý của chị chưa ai trúng giải đặc biệt. Phần lớn những người trúng giải đặc biệt chỉ tồn tại ở… tin đồn! Khởi phát từ những người bán vé số dạo, sau đó một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn ngàn. "Chỉ là để vui miệng, thỏa cơn ao ước của dân mua vé số và cái chính là để… bán được vé số!" - chị nói. Cách đây không lâu, một công ty xổ số đã đưa lên phương tiện thông tin đại chúng một thông báo với nội dung: vé số của công ty có ký hiệu…, mở thưởng ngày… tại khu vực… có khách hàng trúng giải đặc biệt nguyên xê ri nhưng chưa đến nhận thưởng. Xin mời liên hệ với công ty để nhận thưởng gấp. Chuyện tưởng như đùa nhưng có thật càng khiến nhiều người lao vào mua vé số để tìm vận may!

Mua niềm hy vọng...

Thực ra, cơ hội trúng giải đặc biệt cho người mua vé số rất ít, thậm chí rất mong manh. Một người bán vé số dạo một ngày nhận của đại lý khoảng năm đến bảy trăm tờ, bán được từ một đến hai trăm tờ, số còn lại trả về cho đại lý. Tính ra, hơn hai phần ba lượng vé số không tiêu thụ được mang đi hủy mỗi ngày. Trong khi đó xác suất trúng chia đều cho lượng vé số đã phát hành. Những người mua vé số đều biết đến điều này. Nhưng nó chẳng có ý nghĩa gì khi chuyện mua vé số trở thành một nhu cầu, một thói quen, thậm chí là niềm đam mê. Một người bán vé số dạo kể: "Người ta mua cặp nguyên 80 hoặc 100 tờ là chuyện bình thường. Tụi tui bán thường có mối chớ mỗi lần bán một hai tờ, đi cả ngày sao đủ sống?!".

Chính "cuộc đua" của các công ty xổ số và niềm khao khát được thần tài gõ cửa của nhiều người đã mở ra cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn một mảnh đất sống!

* Đời vé số...

"Nghề bán vé số coi bộ cũng "kén người" dữ lắm. Trẻ, khỏe như em kiếm việc gì khác mà làm. Bán vé số dạo chỉ là nghề của đàn bà, trẻ nhỏ, người già và người khuyết tật" - bà L. bán vé số dạo tại phố cà phê Phạm Hùng khuyên tôi khi biết tôi có ý định "vào nghề" bán vé số.

"Thủ tục" để vào nghề bán vé số dạo khá đơn giản: đến đại lý xin nhận vé số. Người không quen biết phải có tiền thế chân, chứng minh thư hoặc hộ khẩu. Khi đã quen rồi thì tin nhau là chính. Hàng ngày, người bán dạo nhận từ đại lý năm trăm đến bảy trăm tờ vé số. Bán không hết thì trả lại cho đại lý trước giờ quy định là được. Hiện nay, theo tỷ lệ hoa hồng từ đại lý, người bán vé số dạo bán được một trăm tờ (hai trăm ngàn đồng) thì được hưởng hai mươi bốn ngàn. Người nào chịu khó đi, chịu khó chào mời và gặp một chút may mắn thì một ngày bán được hai đến ba trăm tờ (tính cả vé số bóc, vé số cào). Không may mắn thì trung bình cũng được từ một trăm đến hai trăm tờ. Len lỏi với đời, bán vé số dạo cũng coi là nghề tạm… sống được!

"Cực nhọc là một chuyện nhưng phải chịu khó đi, chịu khó mời chào. Một trăm người ngồi uống cà phê có thể có đến bảy mươi người "chịu" mua vé số" - chị S., người có thâm niên gần mười năm bán vé số, tiết lộ. Chính vì chịu khó nên chị bán được nhất, dân vé số dạo khu cà phê đường Phạm Hùng xem chị là "lão làng". Chị kể: vợ chồng con cái từ dưới quê dắt díu nhau lên thành phố, không có việc gì làm chị mới đi bán vé số. Riết rồi thành nghề. "Nghề bán vé số tuy không khá nhưng cũng đủ cho chị nuôi mẹ già, nuôi ba đứa con đang tuổi đi học. Giờ còn "gồng gánh" được chớ mai mốt nghề vé số có đủ sức cho tụi nhỏ học cao hơn nữa không thì không biết…" - chị nói.

 

Mời chào khách mua vé số.

 

Với người bình thường, đi bán vé số đã cực, người khuyết tật bán vé số lại càng cực hơn. Khó khăn lớn nhất đối với họ là việc di chuyển. Mà nghề này lại đòi hỏi phải di chuyển nhiều. Anh H. bị liệt hai tay, xấp vé số và sổ dò kết quả phải kẹp vào nách, người mua phải giúp anh từ việc lấy vé số, bỏ tiền vào túi, thậm chí giúp anh cả việc… thối tiền thừa! Trời nắng chang chang, thấy anh đi từng bước tập tễnh, mồ hôi, mồ kê ướt đẫm lưng áo, người đi đường không khỏi chạnh lòng. Anh Lâm quê ở Tây Sơn, bị liệt hai chân từ nhỏ phải di chuyển bằng xe lăn, hàng ngày vẫn rong ruổi khắp các nẻo đường chào mời người mua từng tờ vé số. Anh phân trần: "Biết những người mua vé số thường tập trung ở các quán cà phê nhưng xe lăn của mình đâu có vào được quán cà phê. Phải đi gấp đôi, gấp ba người bình thường mới mong bán được vé số. Thu nhập cũng đủ nuôi mình, còn một ít phụ với… bà xã nuôi con" (anh Lâm có vợ và con trai ở quê). Với nghề bán vé số, không ít người khuyết tật về hình thể vẫn có thể tự tin hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Nhiều người cho rằng, muốn giàu nhanh bằng con đường lương thiện, chỉ có việc mua vé số. Chỉ cần hai ngàn đồng, người ta có quyền cho mình một cơ hội trở thành triệu phú. Và với hai chục ngàn đồng, giấc mơ tỉ phú đã ở kề bên. Và nó gần như trở thành cơn lốc không có điểm dừng...

"Hoàn cảnh đặc biệt" trong "làng" vé số không thể không nhắc đến cụ N. Năm nay bà cụ đã 82 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, hàng ngày vẫn cuốc bộ gần chục cây số để bán vé số. Theo lời kể thì hồi trẻ cụ rời quê xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ vào Quy Nhơn ở mướn. Khi tuổi đã cao không có người thuê mướn nữa thì cụ đi xin ăn; và rồi khi Nhà nước chủ trương thu gom các đối tượng lang thang ăn xin thì nghề bán vé số như là nơi neo đậu quãng đời còn lại của cụ. "Ngày bán hết chừng trăm tờ cũng sống được" - bà cụ cười móm mém khi tôi hỏi về số tiền kiếm được hàng ngày. Đôi chân chậm chạp len lỏi đến từng bàn cà phê, đôi bàn tay run run chìa ra xấp vé số mời chào, có lẽ đến người khó tính nhất cũng không nỡ chối từ. Vậy mà cách đây mấy tháng, có kẻ nhẫn tâm đã lợi dụng bà cụ mắt kém để trục lợi. "Nó đưa bà một trăm ngàn mua mười tờ vé số, biểu bà thối lại tám chục ngàn. Về trả cho đại lý mới biết là tiền giả. Bà không đổi vé số trúng, tụi con có mua giúp bà mấy tờ thì đưa bà đồng tiền nhỏ". Nhìn dáng bà cụ liêu xiêu, khuất lẫn trong những người trẻ tuổi đang nhàn nhã ngồi đốt thì giờ nơi quán cá phê, không thể không nghĩ đến cuộc đời nhiều cám cảnh. Không có con cháu để nương tựa tuổi già, một mai kia đôi chân già nua không còn bước đi được nữa, bà cụ sẽ về đâu?

* Thay lời kết

Nhiều người cho rằng, muốn giàu nhanh bằng con đường lương thiện, chỉ có việc mua vé số. Chỉ cần hai ngàn đồng, người ta có quyền cho mình một cơ hội trở thành triệu phú. Và với hai chục ngàn đồng, giấc mơ tỉ phú đã ở kề bên. Và nó gần như trở thành cơn lốc không có điểm dừng…

Đối với xã hội, nguồn thu từ vé số đã mang về cho ngân sách Nhà nước những khoản tiền lớn. Để từ đó, các công trình phúc lợi xã hội mọc lên ngày càng nhiều: trẻ em vùng sâu, vùng xa được đến trường; người nghèo được khám chữa bệnh, được thụ hưởng những giá trị văn hóa, tinh thần từ các công trình văn hóa xây dựng từ nguồn thu xổ số kiến thiết… Bức thiết hơn là xổ số kiến thiết đã giải quyết nhu cầu công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động đang chọn nghề bán vé số làm kế mưu sinh…

Phía sau những giấc mơ tỉ phú là sự chuyển động tích cực của một bộ phận đời sống xã hội!

  • Phạm Hoài An
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những cuộc tình trong chiến tranh  (02/09/2006)
Hành trình đến trang web dành cho người mắc bệnh máu khó đông  (02/09/2006)
Môi trường và tài nguyên đầm Thị Nại có được bảo vệ ?  (02/09/2006)
Thơ  (02/09/2006)
Đặc xá: Tạo cơ hội cho người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng  (02/09/2006)
Bóc trần đường dây tiêu thụ tiền giả  (02/09/2006)
Tiếp sức thanh xuân cho nghệ thuật truyền thống  (02/09/2006)
Nước mắt của nhân văn, nhân bản  (02/09/2006)
Dưỡng nuôi hy vọng về một nền "quốc võ"  (02/09/2006)
Chuyện Tây học võ... ta  (02/09/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2006)
Di tích chiến thắng Đồi 10  (26/07/2006)
Đi vào những phần việc cụ thể  (26/07/2006)
Thời sự festival  (26/07/2006)
Vương vấn mùa sen cũ  (26/07/2006)