Trồng dưa đất lạ
10:50', 2/9/ 2006 (GMT+7)

"Dưa ruộng lạ, mạ ruộng quen" - đây là kinh nghiệm được đúc kết qua bao phen trồng dưa thất bát của người nông dân. Bởi vậy, khi nhận thấy đồng đất quê mình đã nhiều năm "gắn bó" với cây dưa, nhiều người ở Nhơn Tân (An Nhơn) và Bình Nghi (Tây Sơn) đã tìm đến những vùng đất mới trong và ngoài tỉnh để thuê đất trồng dưa. Họ chấp nhận cuộc sống "du canh" để kiếm tiền lo cho cuộc sống hàng ngày và nuôi con cái ăn học.

 

Cánh đồng thôn Trung Lý mùa này đã xanh lên những đám dưa bạt ngàn. Ảnh: N.Thái

 

* "Du canh" cùng cây dưa hấu

Nghề trồng dưa hấu phát triển mạnh ở Nhơn Tân và Bình Nghi chừng hơn 10 năm nay, khi một số người trồng dưa ở Khánh Hòa tìm đến đây thuê đất trồng những loại dưa giống mới có năng suất cao như: Hắc Mỹ nhân, An Tiêm... Qua thời gian, người dân địa phương đã học tập được kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư trồng dưa hấu, tuy đây là một nghề dễ "thất bát" nhưng cũng có thể nhanh chóng làm giàu.

Sau nhiều năm, một thửa ruộng trồng đi trồng lại cây dưa, nguồn phân lạc, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích sinh trưởng... liên tục đổ xuống, làm cho đất bị ô nhiễm ở dạng phì dưỡng, cây dưa dễ sinh bệnh và chết. Hơn nữa, do trồng tập trung và cùng một thời điểm nên khi thu hoạch dễ bị ép giá. Nhiều người trồng dưa ở đây đã mạnh dạn tìm đến những vùng đất mới trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Phú Yên, Gia Lai... để thuê đất trồng dưa. Dần dần, ở 2 xã Nhơn Tân và Bình Nghi hình thành lên những tổ, nhóm khoảng hơn 200 hộ chuyên đi thuê đất trồng dưa. Với những người này, hầu như một năm họ ở nhà chừng vài ba tháng vào dịp Tết, vào những tháng mưa, còn lại là sống "du canh" cùng cây dưa. Khi đến đâu là họ che chòi, dựng lều ngay chân ruộng để ổn định việc ăn ở và tiện chăm sóc cây dưa.

Ông Nguyễn Tấn Hưng (Nhơn Tân), một người có thâm niên hơn 4 năm chuyên đi thuê đất trồng dưa, nói: "Cuộc sống nay đây mai đó đã khá quen thuộc với những người như chúng tôi. Mỗi khi di chuyển đến nơi mới, hành trang chúng tôi mang theo là chiếc xe máy, nồi niêu, chăn màn... và một số vật dụng linh tinh khác. Điều quan tâm nhất của chúng tôi là nơi mình đến thuê đất có phù hợp với cây dưa không, chứ không phải không phải là chuyện ăn ở thế nào". Để không lãng phí thời gian, khi đang làm dưa ở nơi này thì người trồng dưa đã tìm liên hệ thuê đất nơi khác cho vụ sau. Một năm họ di chuyển 3 lần, rày đây mai đó, theo cùng mùa vụ, theo cùng cây dưa, một nắng hai sương cùng cây dưa để quả dưa biến thành gạo, thành cơm cho cuộc sống gia đình... Song, không phải chỉ có bấy nhiêu. Người trồng dưa luôn canh cánh bên lòng bao nhiêu nỗi lo. Lo sâu bệnh, lo thời tiết không thuận, mùa vụ thất bát; lo dưa mất mùa, mất giá hoặc trúng mùa rớt giá, lo mồ hôi công sức, vốn liếng đổ ra mà không biết có thu hồi được...

Mối quan hệ giữa những người đến thuê đất và người dân địa phương cũng khá hòa thuận, họ nương tựa lẫn nhau để mưu sinh. Đối với người dân địa phương, khi có người đến thuê đất trồng dưa họ rất phấn khởi, bởi họ có thêm thu nhập từ việc cho thuê đất và tiền làm công cho những chủ dưa. Ông Nguyễn Văn Tiến (Bình Nghi), đang thuê đất trồng dưa ở thôn Trung Lý (Nhơn Phong - An Nhơn), cho biết: "Do việc đi lại xa xôi, nên chỉ một số người dắt con cháu đi theo làm phụ, còn lại chủ yếu là thuê công tại địa phương. Tùy theo mỗi nơi mà giá thuê nhân công có khác nhau, nhưng thường lúc nào cũng cao hơn giá tại địa phương. Bởi thế, đến đâu chúng tôi cũng nhận được tình cảm, sự giúp đỡ của bà con địa phương trong sinh hoạt cũng như việc bảo vệ ruộng dưa".

 

Vận chuyển dưa đi tiêu thụ. Ảnh: N.Thái

 

* Niềm vui trên đồng dưa mới

Về thôn Trung Lý, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì cánh đồng lúa hai vụ lẽ ra mùa này phải trỉa bắp, đậu phụng... nay lại là những đám dưa xanh bạt ngàn. Ông Lê Văn Thinh, một hộ cho thuê đất ở đây bảo: "Bà con chúng tôi cho thuê đất với giá 350.000 đồng/sào/vụ. Với giá cho thuê như vậy thì thu nhập còn cao hơn mình trỉa bắp, trỉa đậu, lại không tốn công chăm sóc, khỏi lo mưa nắng mất mùa, vừa được tiền, vừa rảnh rỗi để làm chuyện khác". Không riêng gì ông Thinh, cả cánh đồng rộng hơn 15 ha dọc theo triền sông Côn đoạn chảy qua thôn Trung Lý mùa này mọi người đều cho thuê trồng dưa.

Phần lớn những vụ dưa trồng trên đất mới (trước đây trồng các loại cây không dây) đều trúng lớn. Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, năm nay giá dưa bình quân khoảng 2.000 đồng một kg, mỗi ha thu được 40 tấn, cá biệt có khi lên đến 50 tấn. Như vậy với 1 ha, sau khi thanh toán tất cả công cán, mỗi vụ (2,5 tháng) thu được khoảng 12-15 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa hay trỉa bắp, trỉa đậu thì trồng dưa thu nhập cao hơn gấp 4-5 lần. Song, cũng có nhiều lúc thất bát do "mưa không thuận, gió không hòa". Tuy nhiên, nhờ chịu khó làm ăn và một năm làm 2-3 vụ nên sau mỗi năm tổng kết phần lớn người thuê đất trồng dưa đều có lãi. Qua khảo sát của chúng tôi ở 18 hộ thuê đất trồng dưa tại thôn Trung Lý, phần lớn bà con đều có cuộc sống khá giả, có tiền lo trang trải cuộc sống gia đình và lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn nhờ nghề trồng dưa. Ông Hưng tâm sự: "Ngày trước, chưa đi thuê đất trồng dưa, cuộc sống gia đình tôi khó khăn lắm. Nhưng bây giờ, nhờ những đồng tiền lãi từ trồng dưa mà tôi nuôi được 2 đứa con đang học đại học".

  • Nhơn Thiện
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chợ Rượu - Chợ phù hoa  (02/09/2006)
Phía sau giấc mơ tỉ phú  (02/09/2006)
Những cuộc tình trong chiến tranh  (02/09/2006)
Hành trình đến trang web dành cho người mắc bệnh máu khó đông  (02/09/2006)
Môi trường và tài nguyên đầm Thị Nại có được bảo vệ ?  (02/09/2006)
Thơ  (02/09/2006)
Đặc xá: Tạo cơ hội cho người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng  (02/09/2006)
Bóc trần đường dây tiêu thụ tiền giả  (02/09/2006)
Tiếp sức thanh xuân cho nghệ thuật truyền thống  (02/09/2006)
Nước mắt của nhân văn, nhân bản  (02/09/2006)
Dưỡng nuôi hy vọng về một nền "quốc võ"  (02/09/2006)
Chuyện Tây học võ... ta  (02/09/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2006)
Di tích chiến thắng Đồi 10  (26/07/2006)
Đi vào những phần việc cụ thể  (26/07/2006)