Hồn dân tộc in trong từng nét khảm
11:4', 2/9/ 2006 (GMT+7)

Vốn là đất kinh đô xưa, huyện An Nhơn tập trung nhiều làng nghề truyền thống chứa đựng nét văn hóa của một vùng đất. Một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của vùng đất này là làng khảm xà cừ Cẩm Văn (Nhơn Hưng), với những sản phẩm được tạo nên bởi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân tài hoa.

 

Một góc phân xưởng khảm xà cừ của gia đình cụ Trần Nhi.

 

1. Vừa đặt chân đến làng nghề khảm xà cừ Cẩm Văn, chúng tôi đã cảm nhận được sự phồn thịnh của làng nghề. Tiếng cắc cụp vọng ra đều đều từ những gia đình có nghề khảm xà cừ nghe thật rộn rã. Chúng tôi ghé vào nhà cụ Trần Nhi - nghệ nhân cao tuổi nhất trong làng nghề - trong lúc ông đang hướng dẫn cánh thợ trẻ các thao tác cầm dùi, lia đục sao cho thuần thục, chính xác, nhanh nhẹn. Nhìn những động tác mà ông hướng dẫn, sự chăm chú của cánh thợ trẻ, chúng tôi đã hiểu được giá trị của mỗi sản phẩm khảm xà cừ khi được hoàn thành.

Để hoàn thành một sản phẩm, họ không chỉ làm việc bằng đôi tay mà bằng cả khối óc, tâm hồn của mình, bởi vậy, chúng không chỉ là vật chưng dụng bình thường mà còn chứa đựng, lưu giữ những nét văn hóa cổ xưa, còn đọng mãi trong tâm hồn dân tộc.

Cụ Nhi đưa chúng tôi đi thăm xưởng khảm của gia đình, với ngổn ngang sản phẩm: bàn tủ, câu liễn, bức hoành phi, đồ thờ cúng...  đang được các nghệ nhân trẻ hoàn tất. Trải qua gần 70 năm gắn bó với nghề, đôi tay tài hoa của cụ đã tạo ra không biết bao nhiêu sản phẩm khảm xà cừ với những đường nét hoa văn tinh túy. Cụ Nhi thổ lộ: "Làm nghề này đòi hỏi phải kiên nhẫn, chịu khó và có chút ít năng khiếu, nếu không thì khó mà theo nghề được. Như tôi đây, đã già rồi nhưng khi vắng tiếng đục quen tai thì cũng buồn lắm". Quả như lời ông nói, quan sát các nghệ nhân khi làm việc, chúng tôi nhận thấy, để hoàn thành một sản phẩm, họ không chỉ làm việc bằng đôi tay mà bằng cả khối óc, tâm hồn của mình, bởi vậy, chúng không chỉ là vật chưng dụng bình thường mà còn chứa đựng, lưu giữ những nét văn hóa cổ xưa, còn đọng mãi trong tâm hồn dân tộc.

Anh Trần Văn Hà với tác phẩm của mình.

2. Đời truyền đời, cái đẹp tinh xảo, sắc nét của nghề khảm xà cừ Cẩm Văn đã được các nghệ nhân lưu truyền và ngày một phát huy. Hầu hết nghệ nhân trong làng nghề đều học nghề từ khi tóc còn để chỏm. Anh Trần Văn Hà - 32 tuổi đời, có 19 năm tuổi nghề - nhớ lại: "Tôi học nghề của cha từ khi còn rất nhỏ. 13 tuổi tôi đã khảm được những sản phẩm có hoa văn đơn giản như: khay, đèn, đài, lư hương... Bài học nhập môn cha tôi dạy là: Làm nghề này phải khéo léo và chịu khó học hỏi, nếu không thì dễ thất bại, bỏ nghề". Chỉ tay vào bộ bình phong Tam Sơn vừa mới khảm xong, với những nét hoa văn tinh xảo, anh Hà tâm sự: "Để khảm được những đường nét như vậy là cả một quá trình tìm tòi, nghiên cứu và tôi luyện đấy !". Không biết bao nhiêu lần anh Hà tất bật đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ các làng nghề khảm ở Hà Tây. Tuy nhiên, mỗi lần đi về anh không học hỏi được điều gì nên hồn cả. Thế nhưng, chỉ sau lần nhận được những tấm ảnh chụp những sản phẩm khảm xưa, với những nét họa tiết, hoa văn tinh túy và sắc xảo của một người quen gửi tặng, anh mừng rơi nước mắt. Đây rồi, những hình long, lân, quy, phụng... cách điệu; những phong cảnh cổ xưa, những điển tích điển cố với nét khảm mềm mại, tinh xảo... như đang mỉm cười cùng anh. Anh thầm cảm ơn ông bà tổ tiên cho mình dịp may hiếm có này. Từ những bức ảnh này, cộng với kiến thức có được từ người cha truyền lại, từ sự chịu khó đọc sách lịch sử, văn hóa, anh đã nảy ra ý tưởng đưa các hoa văn cổ và truyền thuyết lịch sử, thắng cảnh vào tác phẩm. Những sản phẩm có mẫu mã mới, mang đậm nét văn hóa Việt Nam, do chính đôi tay tài hoa của anh tạo ra đã lần lượt ra đời. Giá trị của những sản phẩm này không thể đo bằng vật chất, mà là sự kết tinh từ những tinh hoa của bao thế hệ cha ông để lại với sự miệt mài lao động sáng tạo của các nghệ nhân tài hoa, tâm huyết.

 

Cụ Trần Nhi (bên phải) hướng dẫn con cháu khảm những đường nét hoa văn tinh xảo.

 

3. Sản phẩm và tiếng tăm của làng nghề khảm xà cừ Cẩm Văn không chỉ những người trong tỉnh biết đến mà nhiều người ở các địa phương khác như Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên, Sài Gòn và nhiều người Việt ở nước ngoài cũng tìm đến mua. Sản phẩm của làng nghề làm ra luôn cung không đủ cầu, nên người trong làng nghề làm không hết việc. Cả làng nghề hiện có 5 hộ làm với hơn 50 nghệ nhân, phần đông đều rất còn trẻ, nhưng rất tâm huyết và đều tin tưởng vào tương lai của nghề. Hiện nay, trung bình thu nhập của một nghệ nhân khảm xà cừ khoảng 50.000 đồng/ngày. Anh Trần Văn Hùng, một nghệ nhân có thâm niên trong nghề, thổ lộ: "Nhờ làng nghề hồi sinh và phát triển trở lại, cuộc sống của gia đình tôi đã đỡ khó khăn hơn trước. Hiện giờ mọi khoản chi tiêu trong gia đình tôi đều dựa vào thu nhập từ nghề khảm xà cừ là chính". Rồi anh cho biết: Bây giờ nhà cửa càng xây cất khang trang, hiện đại thì thiên hạ càng khoái chưng đồ khảm xà cừ với những nét hoa văn cổ xưa. Có nhiều khách hàng "sộp" đặt làm những bộ đồ thờ với những họa tiết, hoa văn như: Vinh quy bái tổ, Nhị thập tứ hiếu... có giá trị lên đến hơn 10 triệu đồng. Bởi vậy, tôi luôn dặn mình và các anh em trong làng nghề: Làm sao để mỗi sản phẩm đến tay khách hàng đều phải đẹp, thật chất lượng thì nghề mới tồn tại và phát triển bền vững được !".

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trồng dưa đất lạ  (02/09/2006)
Chợ Rượu - Chợ phù hoa  (02/09/2006)
Phía sau giấc mơ tỉ phú  (02/09/2006)
Những cuộc tình trong chiến tranh  (02/09/2006)
Hành trình đến trang web dành cho người mắc bệnh máu khó đông  (02/09/2006)
Môi trường và tài nguyên đầm Thị Nại có được bảo vệ ?  (02/09/2006)
Thơ  (02/09/2006)
Đặc xá: Tạo cơ hội cho người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng  (02/09/2006)
Bóc trần đường dây tiêu thụ tiền giả  (02/09/2006)
Tiếp sức thanh xuân cho nghệ thuật truyền thống  (02/09/2006)
Nước mắt của nhân văn, nhân bản  (02/09/2006)
Dưỡng nuôi hy vọng về một nền "quốc võ"  (02/09/2006)
Chuyện Tây học võ... ta  (02/09/2006)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2006)
Di tích chiến thắng Đồi 10  (26/07/2006)