Cách mạng Tháng Tám ở Quy Nhơn - Bình Định diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng, giành thắng lợi vẻ vang, không hy sinh xương máu. Đó là kết quả của một quá trình trải qua 3 lần tổng diễn tập của phong trào cách mạng suốt 15 năm xây dựng, chuẩn bị lực lượng và lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng bộ tỉnh, là kết tinh của tinh thần yêu nước của nhân dân, Bình Định "địa linh nhân kiệt".
|
Sau khi chính quyền về tay nhân dân, hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng, nhân dân cả nước ta vừa chăm lo xây dựng kinh tế vừa xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Trong ảnh: Các lực lượng vũ trang cách mạng ra sức luyện tập. Ảnh tư liệu
|
Để chuẩn bị điều kiện, giành lấy chính quyền về tay nhân dân, từ đầu tháng 6 - 1945, Mặt trận Việt Minh Nguyễn Huệ đã xây dựng được cơ sở trong công nhân nhà máy dệt Dờ- li- nhông (tại Phú Phong - Tây Sơn), thợ thủ công, trí thức, thanh niên, học sinh, nông dân và binh lính ở Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) và các huyện từ Phù Cát trở vào Quy Nhơn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân yêu nước tham gia. Tháng 7- 1945, vận động lần lượt thành lập các đội tự vệ Công - Nông. Ở Quy Nhơn hầu hết các xí nghiệp, nhà máy như hãng Staca, Sadca, Fiad, Nhà máy đèn, Nhà ga, Cảng và các xã vùng ven đều có đội tự vệ. Ngày 15-8-1945, tin Nhật đầu hàng quân Đồng minh, thời cơ thuận lợi cho Tổng khởi nghĩa đã đến gần. Ở Quy Nhơn lúc này có hơn 600 tên lính Nhật và được tin chúng sẽ tăng cường khoảng 2.000 tên khác từ các tỉnh Tây Nguyên về Bình Định để chờ quân Đồng minh đến giải giáp. Thời gian này tại ga Quy Nhơn đã diễn ra nhiều cuộc họp có ý nghĩa hệ trọng để quyết định những chủ trương cấp bách, hết sức đúng đắn và sáng suốt của Việt Minh. Chiều 21-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa tổ chức một cuộc mít tinh tại giữa ga Quy Nhơn và Đồn cảnh sát của chính quyền bù nhìn (nay là công viên Quang Trung), đã tập hợp đông đảo quần chúng tham dự, tập dượt lực lượng quần chúng, vận động quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, đồng thời ta cũng thăm dò phản ứng của địch và tranh thủ sự đồng tình của binh lính và nhân viên chính quyền của địch ở địa phương; tối 21-8 họp rút kinh nghiệm. Đây là một việc làm có tính táo bạo, thể hiện quan điểm "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", dựa vào bạo lực cách mạng của quần chúng, quần chúng lao động là người quyết định nên thắng lợi, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình chỉ đạo, lãnh đạo cách mạng của Đảng. Ngày 22-8-1945, sau khi phân tích tình hình, quyết định khởi nghĩa ở Quy Nhơn trước, vì đây là trung tâm kinh tế - chính trị, cơ quan đầu não của địch ở tỉnh Bình Định, lực lượng quần chúng ở đây đã được chuẩn bị kỹ, sẵn sàng ủng hộ cách mạng. Từ Quy Nhơn lệnh khởi nghĩa được chuyển đến các địa phương trong tỉnh thông qua điện thoại các nhà ga huy động công nhân và các tầng lớp nhân dân về Quy Nhơn tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.
Sáng ngày 23-8-1945, ngày quyết định lịch sử trọng đại, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của Đảng bộ và nhân dân Bình Định, chính quyền thuộc về nhân dân. Hòa chung với đoàn quân có 25 đội tự vệ sắt (lực lượng nòng cốt và chủ yếu là công nhân) được trang bị khí giới thô sơ như súng lục, súng săn, gươm, dao và cùng với hơn 1 vạn quần chúng nhân dân, rực cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới từ nhiều hướng đổ về Quy Nhơn, tiến vào sân vận động Quy Nhơn dự mít tinh. Sau lễ chào cờ và nghe truyền đạt nội dung, mục đích của Ủy ban khởi nghĩa, tiếp đó biến thành cuộc biểu tình, tuần hành, thị uy đi chiếm tòa tỉnh trưởng, tòa đốc lý thành phố Quy Nhơn, các công sở, đồn cảnh sát, trại bảo an binh… Cuộc khởi nghĩa ở Quy Nhơn - Bình Định diễn ra nhanh chóng, chỉ trong một buổi giành thắng lợi, ta tịch thu được 1.200 súng trường, 4 đại bác và những ngày sau đó các huyện trong tỉnh cũng vận động nhân dân nổi dậy giành chính quyền.
Với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Bình Định đã khẳng định tinh thần yêu nước của nhân dân, nhất là vai trò nòng cốt của giai cấp công nhân, đội tiên phong của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, xâm lược của thực dân Pháp.
|