Kỷ niệm 61 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9
Những bà mẹ xứ dừa
12:36', 2/9/ 2006 (GMT+7)

Mẹ Nguyễn Thị Nối trong ngôi nhà tình nghĩa của mình. Ảnh: H.Y

Hoài Nhơn được mệnh danh là "Đất mẹ anh hùng" với truyền thống hào hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhiều người mẹ đã cống hiến tuổi thanh xuân, xương máu của mình để bóng dừa xanh mãi.

Chúng tôi về thăm quê dừa vào những ngày đầu tháng 8, người dân Hoài Nhơn đang vui mừng chuẩn bị lễ đón nhận Bằng công nhận di tích cấp quốc gia Đồi 10. Đất nước mến yêu này mãi ghi nhớ hơn 11.000 liệt sĩ và hàng trăm người có công với cách mạng. Những vùng đất như Lộ Diêu, Định Bình… gắn với tên tuổi của những người mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Sau 30 năm hòa bình, trong số 732 mẹ VNAH ở Hoài Nhơn và 30 bà mẹ khác đang được đề nghị phong tặng thì chỉ còn có 149 mẹ còn sống. Các mẹ đều ở lứa tuổi trường thọ nên rất ít mẹ còn minh mẫn để nói về chuyện ngày xưa.

Trong chuyến đi công tác này, chúng tôi may mắn tìm gặp được mẹ Nguyễn Thị Nối (80 tuổi) ở thôn Định Bình, xã Hoài Đức. Hiện mẹ đang sống một mình trong ngôi nhà tình nghĩa. Tuy tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn nhưng mẹ vẫn tỉnh táo, minh mẫn kể về sự hy sinh của chồng và 3 người con trai của mình. Đôi mắt rưng rưng, giọng nói ngập ngừng, mẹ nhớ lại như in diễn biến những ngày bị địch quản thúc, lần lượt nghe tin chồng và các con hy sinh. Mẹ kể: "Đứa nào cũng từ biệt mẹ đi chiến trường lúc mới 13 - 14 tuổi. Năm 1966, mẹ đã trở thành góa bụa, bị địch bắt tra tấn và bị quản thúc chặt chẽ. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi thì liên tiếp các năm 1967, 1968 và 1972 mẹ giấu nước mắt khi nghe tin những người con lần lượt hy sinh". Giọng kể của mẹ vẫn mạch lạc theo dòng thời gian. Khi hòa bình trở về, mẹ lặng lẽ đi tìm mộ các con đưa về nghĩa trang của xã. Mẹ vui vì có người đến hỏi thăm nhưng nhắn nhủ rằng xứ dừa này có hàng trăm bà mẹ còn vất vả, chịu nhiều nỗi đau, nỗi cô đơn vì không còn người thân bên cạnh. Mẹ cho là mình may mắn vẫn còn hai đứa con trai ở ngay sau nhà, con cháu vẫn thường lui tới, thăm nom.

 

Ông Đinh Quán và bà Đinh Thị Sá (em ruột ông Quán) đang lần giở lại những kỷ niệm truyền thống của gia đình. Ảnh: H.Y

 

Hoài Nhơn có hơn 43 mẹ VNAH có từ 4-6 con là liệt sĩ và bản thân tham gia nuôi dưỡng cán bộ, làm cách mạng… Về xứ dừa, mọi người vẫn thường nhắc đến những người mẹ VNAH nổi danh một thời như mẹ Đặng Thị Ruộng (xã Hoài Hương), Nguyễn Thị Liếng (Hoài Mỹ), Nguyễn Thị Lợi (Hoài Thanh Tây), Lê Thị Thính (Hoài Đức)… Trong đó, có những mẹ là liệt sĩ, được đồng đội, con cháu truyền lại sử tích hào hùng trong chiến đấu, bảo vệ xóm làng "một tấc không đi, một li không rời". Anh Trần Minh Cảnh (Chủ tịch Hội nông dân xã Hoài Đức), người cháu trực tiếp đi bốc mộ mẹ Thính đã đưa chúng tôi về thăm nhà mẹ và kể về sự hy sinh oanh liệt, chết 2 lần của mẹ. Năm 1969, trong một lần đi đưa lương thực cho đồng chí, mẹ đã bị địch bắt tra tấn và xử bắn, vứt xác ở giữa làng. Đồng đội phục kích để cố đưa xác mẹ về nhưng quân địch hiểm ác đã giấu lựu đạn dưới xác mẹ hòng cài bẫy các chiến sĩ cách mạng và một lần nữa xác mẹ phải chịu tan nát. Ông Nguyễn Xuân Phương - nguyên Chủ tịch huyện Hoài Nhơn và là một trong hai đồng chí theo cách mạng đầu tiên ở xã Hoài Đức - cho biết: "Nếu không có sự hy sinh, lòng dũng cảm của các mẹ VNAH và nhất là mẹ Thính thì tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ và còn sống đến ngày nay".

Hơn 30 năm sau chiến tranh, Hoài Nhơn đang vững bước trên con đường phát triển kinh tế. Lúa đã trổ vàng khắp cánh đồng, dừa vẫn ru mình trong gió, tiếng hát ru con của các bà mẹ trẻ vang xa khẳng định sức sống mãnh liệt, kiên cường của Đất và Người ở xứ dừa. Mọi ưu đãi mà Đảng, Nhà nước dành cho các mẹ VNAH là biểu hiện của lòng tri ân đối với những người đã hy sinh cho đất nước. Những việc làm đó chỉ xoa dịu chứ không thể nào làm lành lặn vết thương của các mẹ.

Hành trình đi thăm các mẹ VNAH của chúng tôi dừng lại ở ngôi nhà của mẹ VNAH Ngô Thị Liệu (83 tuổi, thị trấn Tam Quan). Mẹ Liệu đã nghễnh ngãng không thể kể gì cho chúng tôi biết về truyền thống của gia đình có đến 4 bà mẹ VNAH và 17 liệt sĩ. Ông Đinh Quán (72 tuổi), người cháu đích tôn duy nhất chịu trách nhiệm thờ cúng và nắm giữ tư liệu gia đình cho biết: "Gia đình tôi có 4 bà mẹ VNAH là Đào Thị Châu, Huỳnh Thị Thìn, Trương Thị Điều và Ngô Thị Liệu cùng 17 liệt sĩ hy sinh. Ngay bản thân tôi đã có lúc tưởng chừng không chịu nổi khi cùng lúc nhận được tin báo cha, em trai và con trai hy sinh". Ông Nguyễn Tường Vân, Trưởng phòng Nội vụ - LĐTBXH huyện Hoài Nhơn cho biết: "Hoài Nhơn là một trong những huyện có nhiều mất mát trong chiến tranh ở Bình Định. Do đó, phong trào phụng dưỡng bà mẹ VNAH được các cấp lãnh đạo, chính quyền và nhân dân toàn huyện luôn quan tâm. Những bà mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, đơn vị cả nước nhận phụng dưỡng suốt đời và được tặng nhà tình nghĩa và các chính sách hỗ trợ khác".

  • Ngân Sa - Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn - Bình Định giành chính quyền  (02/09/2006)
Triển khai đồng bộ nhiệm vụ phát triển KKT Nhơn Hội  (02/09/2006)
Nối liền đôi bờ Thị Nại  (02/09/2006)
Những cố gắng vượt thời gian  (02/09/2006)
Yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp  (02/09/2006)
Hồn dân tộc in trong từng nét khảm  (02/09/2006)
Trồng dưa đất lạ  (02/09/2006)
Chợ Rượu - Chợ phù hoa  (02/09/2006)
Phía sau giấc mơ tỉ phú  (02/09/2006)
Những cuộc tình trong chiến tranh  (02/09/2006)
Hành trình đến trang web dành cho người mắc bệnh máu khó đông  (02/09/2006)
Môi trường và tài nguyên đầm Thị Nại có được bảo vệ ?  (02/09/2006)
Thơ  (02/09/2006)
Đặc xá: Tạo cơ hội cho người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng  (02/09/2006)
Bóc trần đường dây tiêu thụ tiền giả  (02/09/2006)