BÓNG ĐÁ VIỆT NAM NHÌN TỪ ASIAN CUP 2007 VÀ VÒNG LOẠI OLYMPIC:
Vươn đến những chân trời mới
8:12', 7/10/ 2007 (GMT+7)

Cánh cửa giành vé tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 của đội tuyển Olympic Việt Nam xem như đã khép lại. Nhưng với những gì các học trò HLV Riedl đã thể hiện, cánh cửa vươn đến tầm châu lục đang mở ra rất rộng với bóng đá Việt Nam. Có lẽ những người yêu bóng đá Việt Nam, ai cũng tin rằng điều đó đã đến rất gần.

 

Niềm vui chiến thắng trước những đối thủ mạnh không còn là điều quá hiếm hoi với bóng đá Việt Nam. Ảnh: VNN

 

* Lịch sử thăng trầm

Sau khi các cầu thủ của “thế hệ vàng” như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh… lần lượt treo giày, nhiều người cho rằng bóng đá Việt Nam còn rất lâu mới có thể tìm lại những vinh quang như ở thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Nhưng không lâu sau đó, thế hệ trẻ với những Văn Quyến, Quốc Vượng, Như Thuật… đã làm nức lòng người hâm mộ, khi xuất hiện đầy ấn tượng tại vòng chung kết Giải Bóng đá U16 châu Á năm 2000. Màn trình diễn của những cầu thủ trẻ Việt Nam tại Đà Nẵng năm đó đã làm nức lòng người hâm mộ nước nhà. Không ít người đã tiên đoán rằng, lứa cầu thủ này sẽ là một “thế hệ vàng” trong tương lai không xa. Điều đó không sai, nhưng khi bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể soán ngôi vua của Thái Lan ở đấu trường Đông Nam Á, thì vụ tiêu cực bán độ tại SEA Games 23 của một số cầu thủ đã đánh mất tất cả, quan trọng nhất là niềm tin của người hâm mộ đã gần như trở thành con số không tròn trĩnh.

Thất vọng! Đó là cảm giác chung của những người từng dõi theo những bước chân của các tuyển thủ, những người vẫn “lăn cùng trái bóng” mỗi khi đội tuyển thi đấu ở cả trong và ngoài nước, sau khi sự thật đen tối được phơi bày. Không chỉ vậy, những tiêu cực từ cấp độ CLB cũng dần được phanh phui. Thế là hết, niềm hy vọng một ngày bóng đá Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc ở châu Á và thế giới, giờ chỉ còn là cái dấu chấm đen to tướng. Khán đài trống rỗng, những người đến sân hầu như chỉ để chửi bới trọng tài, cầu thủ, đập phá cho… bớt stress hoặc để… ngủ. Những người lạc quan nhất cũng không thể tin rằng bóng đá Việt Nam có thể vực dậy sau những mất mát quá lớn như vậy.

Chức vô địch Đông Nam Á vẫn là một giấc mơ muôn thuở, vậy thì ASIAN Cup và vòng chung kết Olympic vẫn là một thực tại xa vời. Nhưng cũng như trong một trận đấu bóng đá, tính bất ngờ vẫn là điều tiên quyết, tạo nên một trận cầu hấp dẫn. Chính vào lúc tưởng chừng như “số phận trận đấu” được định đoạt, các chàng trai Việt Nam lại ghi được những “bàn thắng vàng”, làm nên những chiến tích lẫy lừng, hé lộ những tia sáng mới cho tương lai bóng đá Việt Nam…

* Hành trình khôi phục niềm tin

Lọt vào tứ kết một kỳ ASIAN Cup và vòng sơ loại cuối cùng Olympic, đó là điều mà từ trước đến nay, chưa thế hệ cầu thủ Việt Nam nào làm được. Nhưng điều đó đã được thực hiện gói gọn trong vòng một năm: năm 2007. Đội tuyển Olympic Việt Nam khởi đầu cho những mốc son lịch sử này bằng việc thi đấu ở những vòng sơ loại đầu tiên Olympic Bắc Kinh 2008. Họ thi đấu trong con mắt nghi ngại của số đông cổ động viên. Nhưng những trận cầu máu lửa, những chiến thắng vang dội trước những Afghanistan, Indonesia, Lebanon, Oman (đều ở cấp độ đội tuyển Olympic) để lọt vào vòng sơ loại cuối cùng đã kéo được gần như trọn vẹn niềm tin của người hâm mộ trở lại, “buộc” họ phải có cái nhìn tích cực hơn về bóng đá Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, dù gặp nhiều khó khăn để đoạt chiếc vé vào tứ kết ASIAN Cup trước những “đại gia”: UAE, Nhật Bản và Qatar, nhưng đó cũng là thành tích tốt nhất của đội tuyển Việt Nam tại đấu trường châu lục. Qua đó, chúng ta cũng đã chuyển tải một thông điệp quan trọng: bóng đá Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Rồi những trận đấu đầu tiên tại vòng sơ loại cuối cùng Olympic Bắc Kinh 2008 của các cầu thủ trẻ Việt Nam đã khẳng định lại tất cả những gì mà thầy trò HLV Riedl đã làm được trong năm 2007 đáng nhớ này.

Trước đây, khi Việt Nam thi đấu với những đối thủ mạnh, mục tiêu của chúng ta thường là: hạn chế bàn thua, kiếm một trận hòa hay “mạnh dạn” hơn là làm nên bất ngờ… Nhưng giờ đây, trước những đối thủ sừng sỏ như Olympic Qatar, Olympic Saudi Arabia, người hâm mộ luôn tin tưởng vào một chiến thắng cho Olympic Việt Nam (đặc biệt là khi chúng ta được thi đấu trên sân nhà). Những trận hòa trước các đối thủ này đã đem đến sự nuối tiếc khôn nguôi cho khán giả. Thậm chí, có người đã nói: “Chưa bao giờ chúng ta lại mong thời gian của trận đấu được kéo dài thêm, để Việt Nam có thể giành chiến thắng”. Câu nói đó chứa đựng tất cả: cầu thủ Việt Nam đã trưởng thành hơn rất nhiều sau mỗi trận đấu. Đặc biệt, sự tự tin là điều dễ nhận thấy nhất. Đó cũng là cái được lớn nhất của thế hệ cầu thủ hôm nay. Chúng ta không còn khiếp sợ trước những đối thủ vượt trội về nhiều mặt, đã ra sân là chiến đấu hết mình, để mong đến một kết quả cuối cùng là chiến thắng.

Tuy vậy, chúng ta không phải không có những điểm yếu cần khắc phục. Không nên quá chủ quan, quá bay bổng trước một số thành tích đạt được, mà quên đi vị trí thực tại của mình. Đấu trường SEA Games vào cuối năm nay sẽ là một thước đo cho sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam. Và để góp mặt trong số những đội bóng hàng đầu châu Á, chúng ta vẫn còn phải cố gắng rất nhiều. Trước hết, là cần phải tránh những sai lầm của các lứa cầu thủ trước, thi đấu không chỉ bằng sức lực mà bằng cả con tim và khối óc. Mong rằng thế hệ Công Vinh, Tiến Thành, Vũ Phong ngày nay sẽ đem lại điều mà các cổ động viên Việt Nam mong mỏi bấy lâu: chức vô địch SEA Games và những thành công tiếp theo ở những sân chơi lớn hơn!

  • Vũ Lê
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (07/10/2007)
Một nhiệm vụ cấp thiết  (02/09/2007)
Thăm Di tích Nhà lao Phú Quốc  (02/09/2007)
Trở lại vùng đất anh hùng  (02/09/2007)
Tìm hướng phát triển văn hóa - thông tin miền núi  (02/09/2007)
“Bộ khôn bằng ngựa...”  (02/09/2007)
Chủ động phòng chống lụt bão cho hệ thống đê sông, đê biển  (02/09/2007)
Sau hơn 1 năm vẫn chưa được xử lý rốt ráo  (02/09/2007)
Tôi vẫn tiếp tục công việc “hậu” giáo dục - đào tạo người khuyết tật  (02/09/2007)
Thuê máy tập thể dục  (02/09/2007)
Có một thứ nước uống tên là cà phê  (02/09/2007)
Thơ  (02/09/2007)
Nỗi nhớ  (02/09/2007)
Khúc mưa  (02/09/2007)
“Trích đoạn” nhà thơ Trần Thị Huyền Trang  (02/09/2007)