FESTIVAL SINH VẬT CẢNH (SVC) TP. HỒ CHÍ MINH LẦN THỨ II- 2007:
Bình Định khẳng định thương hiệu vàng
8:37', 7/10/ 2007 (GMT+7)

Festival SVC lần thứ II-2007 TP HCM vừa diễn ra vào đầu tháng 9 này rất thành công, bởi chất lượng của hàng nghìn tác phẩm của các thương hiệu mạnh từ mọi miền đất nước hội tụ về. SVC Bình Định một lần nữa gây ấn tượng tuyệt vời cho người xem, giới doanh nhân và các nghệ nhân xứ bạn tại lễ hội; tỏ rõ tiềm năng và tay nghề có đẳng cấp cao của các nghệ nhân Bình Định. Huy chương vàng cho Hội SVC Bình Định tại Festival SVC lần thứ II tại TP HCM là phần thưởng xứng đáng và thuyết phục.

 

Gian trưng bày của SVC Bình Định tại Festival luôn luôn đông khách.

 

* Đam mê nên chấp nhận cái khó

Dù mới tổ chức lần thứ II, nhưng Festival SVC tại TP HCM là lễ hội SVC hoành tráng và uy tín trong nước và quốc tế; nơi hội tụ, giao lưu, trưng bày và thi các tác phẩm nghệ thuật của hàng trăm nghệ nhân Việt Nam và quốc tế về lĩnh vực cây cảnh, thủy sinh, phong lan, bonsai, non bộ, đá cảnh, cá cảnh, thú cảnh…. SVC Bình Định đã từng tham gia Festival SVC tại TP HCM lần thứ I và đã vinh dự đoạt Huy chương bạc cùng với một tác phẩm của nghệ nhân Ngô Tế Thế đoạt Huy chương bạc cá nhân tại lễ hội này. Thành công đó đã kích thích niềm đam mê cho các tổ chức Hội SVC và nghệ nhân Bình Định tìm kiếm, khám phá, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sẵn sàng cho các hội thi, trưng bày SVC phục vụ những người yêu thích SVC.

Khác với năm trước, năm nay không có được kinh phí hỗ trợ của tỉnh, Hội SVC tỉnh Bình Định không đành bỏ qua một kỳ lễ hội SVC, một cuộc cọ xát, thi tài đầy hấp dẫn này, nên đã động viên các nghệ nhân và các huyện hội SVC tự “bỏ tiền túi” để tham gia. Do kinh phí hạn hẹp, nên SVC Bình Định chỉ tham gia một bộ môn cây kiểng nghệ thuật, tuyển chọn gần 70 tác phẩm của 6 nghệ nhân: Phạm Sỹ Sơn, Phước Lộc, Võ Ru Bi, Nguyễn Nghĩa Đàn, Nguyễn Thanh Tân và Ma Hùng Anh với hơn một tuần vận chuyển đi, trưng bày, hội thi, bế mạc, vận chuyển về… đầy vất vả. Suốt những ngày diễn ra lễ hội, gian trưng bày của SVC Bình Định luôn đông nghịt khách, tiền thuê người bảo vệ ở đây thì rất cao, nên các nghệ nhân phải luân phiên mất ngủ để trông coi và quản lý sản phẩm.

* Hội tụ nhiều anh hào làng kiểng

Từ rất sớm, khoảng 2 - 3 ngày trước ngày khai mạc Festival SVC, nhiều Hội SVC, Câu lạc bộ SVC của các tỉnh, TP đã đưa sản phẩm về trưng bày tại Công viên văn hóa Tao Đàn, Q1, TP Hồ Chí Minh, nơi diễn ra lễ hội. Có trên 30 gian triển lãm dành cho các đơn vị trong cả nước. Bình Định được ưu ái dành mặt bằng trên 400 m2 (hơn gấp đôi năm trước) để triển lãm và một khoảng không gian đẹp để trưng bày 10 tác phẩm dự thi. Nghệ nhân Phạm Sỹ Sơn - Thường vụ Ban chấp hành Hội SVC tỉnh- cho biết: “Festival SVC lần thứ I-2006 TP HCM, Bình Định đã đem đến cho lễ hội những điều lớn hơn mong đợi, nên lần này Ban tổ chức lễ hội thống nhất dành không gian rộng lớn cho Bình Định và một số tỉnh, thành phố có thứ hạng cao trong làng kiểng”.

Bonsai, kiểng nghệ thuật vẫn là bộ môn được nhiều người yêu thích nhất và được các đơn vị mang theo với số lượng lớn nhất trong các gian triển lãm. Đặc biệt hơn là những tác phẩm nổi tiếng được các nghệ nhân tên tuổi lâu nay nhắc đến, giờ đều góp mặt trong lễ hội thịnh soạn này. Những tác phẩm kinh điển mang dáng trực, siêu phong, thác đổ… từ các danh kiểng, như: sanh, cừa, tùng La Hán, ngọa tùng, sam, du, cần thăng, nguyệt quới, đa, kim quýt… vẫn được các nghệ nhân, Hội đồng chấm thi và khách tham quan yêu chuộng. Hàng ngàn tác phẩm bonsai, cây kiểng nghệ thuật khác trong lễ hội, mỗi cây mỗi dáng vẻ, mỗi hồn vía riêng biệt, tất cả như những người đẹp trong cuộc thi hoa hậu, rất khó chọn lựa, nhưng cuối cùng Ban tổ chức vẫn chọn ra được người đẹp nhất để trao vương miện.

Lâm Đồng đã mang đến lễ hội những sắc màu đầy ma lực của trăm hoa. Ngoài các cụm lan quý hiếm (nữ hoàng của loài hoa) phục vụ cho cuộc thi phong lan (lan nội và lan gốc ngoại), Lâm Đồng còn đem đến hàng chục các loài hoa khác, tô điểm cho khuôn viên trưng bày và để quảng bá thương hiệu, như: pensée, thạch thảo, dã uyên thảo, lyli, phong lữ, cúc pha lê, hồng, loa kèn, hồng môn…. Một số tỉnh, thành phía Bắc đã đem đến lễ hội một số cành đào nở hoa trái mùa, Bình Định và TP Hồ Chí Minh cũng đã ép một số cây mai cho hoa đúng vào dịp lễ hội, góp thêm cho sự phong phú hương sắc của nhiều vùng, miền.

Hai bộ môn cá cảnh, thú cảnh (chó) chỉ dành riêng cho các đơn vị nước ngoài và TP Hồ Chí Minh, nơi được xem là có phong trào mạnh nhất nước, có tiềm lực tham gia các cuộc thi và biểu diễn quốc tế. Có trên 150 hồ cá cảnh thuộc 4 loại: Dĩa, La Hán, Xiêm và 7 màu, là những giống cá quý, với hàng trăm chi khác nhau, khách có thể “no nê” với vô số sắc màu lộng lẫy.

 

Những tác phẩm xuất sắc của SVC Bình Định tham gia lễ hội SVC lần thứ II-2007 tại TP HCM.

 

* Bình Định đoạt Cúp vàng

Bình Định được xem là một địa phương có phong trào SVC lớn mạnh, đã gây được nhiều tiếng vang trong các kỳ liên hoan, triển lãm SVC khu vực và cả nước. Gian trưng bày của Bình Định nổi bật lên những tác phẩm mang “hồn vía” và phong cách hoa cảnh của dải đất miền Trung nắng- gió, gồm: sam, phi lao, me, linh sam, trắc, cừa, mai xuân…, hầu hết các tác phẩm rất đồng đều về chất lượng, gây ấn tượng với Hội đồng chấm thi và khách tham quan. Bế mạc Festival SVC lần thứ II-2007 tại TP HCM, SVC Bình Định đã bước lên bục cao nhất, với Cúp vàng Hội thi SVC trong lễ hội này.

Niềm vui lớn nhất cho đoàn Bình Định là đã thu hút hàng chục nghìn khách tham quan, thương gia, nghệ nhân đến khu trưng bày. Nghệ nhân trẻ Ma Hùng Anh, 34 tuổi ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước lần đầu tiên tham gia Festival SVC có tầm cỡ lớn này, đã bán một tác phẩm sanh “đại thụ” tại lễ hội với giá 125 triệu đồng. Nhiều tác phẩm khác của gian trưng bày Bình Định được các thương buôn dạm giá trên một trăm triệu đồng nhưng chưa mua được, do các chủ nhân chưa có nhu cầu bán, hoặc chưa được giá.

Qua Festival SVC lần thứ II-2007 tại TP HCM, các nghệ nhân và Hội SVC Bình Định có dịp giao tiếp, thi thố để nhìn nhận lại mình một cách toàn diện hơn, đặc biệt là việc quảng bá thương hiệu và tiếp cận thị trường SVC, một nghề chơi hái ra tiền.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dư âm một mùa giải  (07/10/2007)
Vươn đến những chân trời mới  (07/10/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (07/10/2007)
Một nhiệm vụ cấp thiết  (02/09/2007)
Thăm Di tích Nhà lao Phú Quốc  (02/09/2007)
Trở lại vùng đất anh hùng  (02/09/2007)
Tìm hướng phát triển văn hóa - thông tin miền núi  (02/09/2007)
“Bộ khôn bằng ngựa...”  (02/09/2007)
Chủ động phòng chống lụt bão cho hệ thống đê sông, đê biển  (02/09/2007)
Sau hơn 1 năm vẫn chưa được xử lý rốt ráo  (02/09/2007)
Tôi vẫn tiếp tục công việc “hậu” giáo dục - đào tạo người khuyết tật  (02/09/2007)
Thuê máy tập thể dục  (02/09/2007)
Có một thứ nước uống tên là cà phê  (02/09/2007)
Thơ  (02/09/2007)
Nỗi nhớ  (02/09/2007)