Ở Quy Nhơn, tuy chưa có những trường ôn luyện dành cho các học sinh muốn thi vào các trường đại học có thi môn vẽ, nhưng đã có những lớp luyện vẽ của các họa sĩ, giáo viên mỹ thuật. Chẳng hạn, “lò” của họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền (chuyên viên Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh), của họa sĩ Nguyễn Đình Việt (Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định) và 2, 3 lớp dạy vẽ khác. Đây thực sự là đất để những ai yêu thích môn vẽ và quyết chí đi theo con đường nghệ thuật, có cơ hội học vẽ một cách bài bản, trước khi bước vào các kỳ thi.
|
Lớp dạy vẽ của họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền.
|
* Lò luyện của sĩ tử khối V, H
Ghé qua các lớp học vẽ trong thành phố Quy Nhơn, phải nói, chúng tôi ấn tượng nhất là lớp dạy vẽ của họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền. Không khí của ‘‘lò” luyện vẽ này khá chuyên nghiệp, chỉ nghe tiếng sột soạt của bút chì và tiếng nhạc phát ra từ đầu CD đặt ở góc phòng. Lớp học chỉ chừng 15 học sinh, được bố trí ngồi ở các hàng ghế cao thấp khác nhau, nên đã tận dụng được các góc độ ánh sáng và tầm nhìn vào đầu tượng dùng làm mẫu. Các dụng cụ vẽ, đầu tượng khá phong phú. Những bức vẽ mẫu đạt chuẩn của các học trò đi trước được treo lên tường để làm minh họa. Họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền cho biết, ông mở lớp dạy vẽ từ gần 20 năm nay. Ban đầu, ông chỉ nhận dạy giúp cho con em một số người bạn, người thân thi vào đại học. Dần dà, số học viên đến xin học đông, nên ông mới quyết định mở lớp. Còn lớp của thầy Nguyễn Đình Việt có khoảng 10 học sinh. Do phòng rộng, nên các bạn ngồi thành một hàng dài. Không khí khá tĩnh lặng và các học viên đang đăm chiêu bên giá vẽ.
Phần đông các bạn học sinh đến học tại các lớp học vẽ này là những học sinh lớp 11, 12 đang chuẩn bị thi vào đại học, khối V, H, để trở thành nhà thiết kế, kiến trúc sư, họa sĩ… Trừ lớp học vẽ của họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền, các lớp học vẽ khác trong thành phố mở ra trong vài năm gần đây, khi số lượng và nhu cầu của học sinh muốn thi khối V, H tăng lên.
Bạn Tử Thiên (học sinh lớp 12, Trường PTTH Trưng Vương), đang luyện thi vào Trường đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, theo học họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền cách đây hơn một năm, tâm sự: ‘‘Em thích học vẽ từ hồi còn học lớp 9. Cuối năm lớp 10, khi xác định mình sẽ thi vào Trường đại học Kiến trúc, em tìm lớp của thầy Chơn Hiền để học. Nhờ cách dạy bài bản của thầy, đến nay, kiến thức về môn vẽ và tay vẽ của em đã cứng hơn lên rất nhiều’’. Còn bạn Như Duyên (Phù Cát), học lớp vẽ của thầy Nguyễn Đình Việt để ôn thi vào ngành hội họa, Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định, cho biết: ‘‘Em rất mừng vì ở Quy Nhơn có những lớp dạy vẽ như thế này. Nếu không, tụi em chẳng biết đi học ôn thi ở đâu’’.
Hiện nay, học phí học vẽ khoảng 80.000 đồng/tháng (tuần học 3 buổi). Các bạn học sinh luyện thi vào ngành kiến trúc sẽ được học vẽ hình họa (đầu tượng); thi vào ngành mỹ thuật sẽ học vẽ hình họa và trang trí màu. Dụng cụ vẽ chỉ gồm bản vẽ, giấy, bút chì đối với vẽ hình họa; cọ, màu nước đối với vẽ trang trí.
* Lớp học của năng khiếu và say mê
Năng khiếu là yếu tố quyết định đầu tiên ở người học để theo ngành hội họa, cũng như bất kỳ một ngành nghệ thuật nào khác. Với họa sĩ Chơn Hiền, sau một tháng đến học, nếu nhận thấy học viên nào không có năng khiếu, ông sẽ thẳng thắn góp ý và hướng học viên đó học một ngành khác, phù hợp hơn.
Ngoài mục đích luyện thi cho các bạn học sinh thi đại học, các lớp vẽ cũng là nơi những bạn trẻ yêu thích môn vẽ đến học vẽ. Do vậy, không chỉ có các bạn học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học mà tại các lớp học vẽ kiểu này, chúng tôi còn gặp nhiều bạn học sinh từ lớp 8 đến lớp 10. Mỗi lớp học vẽ thường có khoảng 10 đến 15 học viên, thì có từ 4 đến 5 bạn đang học các lớp 8, 9, 10.
Bạn Mai Thị Phương Thảo (học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Mây) cho biết: “Em rất thích vẽ nên đã bắt đầu học vẽ ở lớp của thầy Việt từ đầu hè và hiện vẫn tiếp tục học”. Còn bạn Phan Quốc An (học sinh lớp 11, Trường Quốc học Quy Nhơn) kể: ‘‘Em thấy khó khăn nhất là thời gian đầu. Hồi đó, một nét vẽ em phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần, nếu không nhẫn nại thì dễ nản lắm. Nhờ thầy dạy bảo tận tình, rồi thường xuyên vẽ thêm ở nhà, nên giờ em đã tiến bộ hơn”.
Theo các họa sĩ, ba bước cơ bản nhất của vẽ hình họa là xác định bố cục, dựng hình, thể hiện sắc độ sáng tối (tô bóng đậm, nhạt). Người mới học thì bước dựng hình quan trọng nhất. Nó là cái cốt lõi để hoàn thiện một bài vẽ đẹp, chính xác và giống mẫu. Để vẽ được, ngoài năng khiếu và kiên trì luyện tập, học viên phải học cách tư duy và sáng tạo, thì bài vẽ mới ‘‘có hồn’’.
Họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền tâm sự: ‘’Điều làm tôi hạnh phúc là không những các em thi đậu đại học, mà có nhiều em, nay đã trở thành những họa sĩ có tiếng ở TP. Hồ Chí Minh”. Bạn Lê Thị Thúy Quỳnh - sinh viên năm thứ hai, Trường đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, người từng học vẽ ở lớp thầy Chơn Hiền - tâm sự: “Lớp học thực sự là nơi rèn luyện bổ ích và hiệu quả. Những kiến thức cơ bản được học ở lớp còn giúp mình học tốt hơn chuyên môn ở trường đại học”.
|