Công trình này bị rút ruột, giám đốc kia ra tòa về tội tham nhũng, băng cướp nọ dùng súng cướp tiệm vàng… Đó là chuyện “trộm cướp” thời nay được báo chí đăng, được những người hiếu sự kể nhân lúc nhàn đàm. Bài này, xin nói chuyện ăn trộm đào ngạch thời xưa để nhớ cái xã hội một thời.
|
Điếm canh ở thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú (Tây Sơn). Ảnh: Hữu Chính
|
Thời xưa, kẻ trộm là những ai? Ông nhà giàu mất búa, liền nghi anh hàng xóm, nhà nghèo, ăn cắp búa; nhưng không, ông đã tìm thấy búa ở trong nhà. Bà con nhà nghèo vẫn bảo ban nhau: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Vậy thì thằng ăn trộm chắc chắn là thằng làm biếng mà muốn ăn xài, thằng du thủ du thực, thằng cờ gian bạc lận, thằng “buôn gian bán lậu”, thằng chuyên đi đêm: “Không gian sao đi tối, không vội sao đi đêm”…
Ăn trộm, ăn cắp, ăn cướp, có gì khác nhau?
Muốn ăn trộm thì phải đào ngạch, lẻn bóng để vào nhà người ta. Nhà ở hồi xưa, phần nhiều là nhà tranh, vách đất, nền đất. Thằng ăn trộm, đêm hôm đến rình, lựa lúc chủ nhà ngủ say, đào ngạch cửa cho có cái lỗ trống đủ lọt người mà chui vào. Chui được vào nhà rồi thì tha hồ mà lấy của cải của người ta (thường thì cây kiềng vàng, đôi bông tai vàng, nồi đồng, đồ sứ Tàu, đồng bạc Đông Dương in hình cô gái gánh dưa…) rồi mang vác, tẩu thoát bằng cửa. “Công đoạn” rình là công đoạn lợi hại. Mọi người trong nhà chưa ngủ say mà chui vào nhà người ta giữa đêm khuya khoắt là vào “cửa tử”. Còn lẻn bóng thì có hai cách. Thứ nhất là mới chập tối, nhà người ta đèn dầu leo lét, thằng ăn trộm lẻn vào nhà, nằm phục sẵn dưới gầm giường hay nép xó cửa, chờ đến nửa khuya chủ nhà ngủ sẽ hành động. Cách thứ hai là đêm khuya, nhân lúc trong nhà có người mở cửa ra đi giải đêm, thằng ăn trộm nấp sẵn đâu đó trong bóng tối, lẻn lẹ vào nhà.
Thằng ăn cắp không hành động táo bạo, nó chờ người ta lơ đãng mà thó của người. Chị đi chợ, anh đi mua vé tàu lửa ở nhà ga đông người bị thằng ăn cắp móc túi. Ăn cắp mà không lanh tay lẹ mắt thì dễ bị người ta bắt. Ăn cắp ngoài chợ mà lỡ bị phát hiện thì cả chợ mỗi người phang một đòn gánh là đủ gãy lưng, dập mật. Thằng ăn cắp “tuần tự nhi tiến”, ban đầu chỉ ăn cắp vặt, nếu không bị phát hiện trừng trị, nó “tích lũy kinh nghiệm”, về sau sẽ ăn cắp lớn, bởi “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”.
Ăn cướp là hình thức chiếm đoạt của cải người ta công khai, giữa ban ngày ban mặt. Kẻ cướp thường không yếu thế (mà còn mạnh là khác), không đơn thân độc mã mà thường tụ tập thành băng nhóm, có tên hiệu, có kẻ cầm đầu (thường gọi là chủ trại), có nơi hùng cứ hiểm trở: “Nhơn rày có đảng lâu la/ Tên rằng Đỗ Dự hiệu là Phong Lai/Nhóm nhau ở chốn sơn đài/ Người đều sợ nó có tài khôn đương / Bây giờ xuống cướp thôn hương/ Thấy con gái tốt qua đường bắt đi” (Truyện Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu). Nhưng trong đời, cũng có thằng ăn trộm bất đắc dĩ, vì nó đói quá (bần cùng sinh đạo tặc). Có thằng kẻ trộm là dân trong làng, có thằng kẻ trộm là dân làng khác đến. Thấy làng nọ sao sinh nhiều kẻ đầu trộm đuôi cướp đi hoành hành khắp chốn, người các làng lân cận cắt nghĩa rằng: Đó là do tổ tiên của làng cất đình theo hướng nghịch với phong thủy. Cách cắt nghĩa này chưa chắc đúng. Đa số đình làng quê tôi mặt ngó về hướng nam.
Nhưng làm sao chống lại được bọn trộm cướp? - Có nhiều cách. Trước hết, hương chức phải có trách nhiệm lo cho dân. Trong chức việc làng có ông Hương kiểm, ông Trương tuần phụ trách việc trị an; có các toán Dân canh phòng trộm cướp gồm những dân đinh lực lưỡng (mỗi toán có từ 10 - 15 người, tùy ở số dân đinh trong làng nhiều hay ít), do Hương kiểm, Trương tuần trực tiếp chỉ huy. Dân phòng gọi là tuần đinh, được tập luyện võ nghệ, trang bị “võ khí”: dao dài, cây gậy để đánh hạ đối thủ, dây dừa để trói cột, gô đứa gian lại khi bắt được nó… Các toán dân phòng được chia phiên, cứ 1 đêm nằm điếm, 2 đêm ngủ nhà. Đêm nằm điếm để canh phòng tại chỗ và đi tuần khắp trong làng. Điếm cất ở đầu làng 1 cái, cuối làng 1 cái, đặt tên là Điếm canh. Trong mỗi điếm có treo nơi bốn cột 4 mõ làm bằng khúc cây gỗ khoét rỗng ruột - mõ ấy tiếng kêu to, gọi là mõ điếm - và các mõ tre, để khi phát hiện có ăn trộm thì các mõ đều đánh inh ỏi gây náo động lên, báo động cho mọi nhà biết mà tiếp sức với dân canh và uy hiếp tinh thần thằng gian. Những đêm bình yên, mõ điếm vẫn đánh cầm canh vào những lúc sang canh để báo cho dân làng biết đêm đã sang canh mấy mà liệu giấc ngủ cho phù hợp với công việc ngày hôm sau (hồi xưa chia thời gian thành ngày 6 khắc, đêm 5 canh: “Canh một dọn cửa, dọn nhà / Canh hai dệt củi, canh ba đi nằm / Canh tư bước sang canh năm / Trình anh dậy học, chớ nằm làm chi…” - Ca dao). Điếm canh còn gọi là gồm hoặc chòi mòng (nay ít làng còn lại điếm canh). Làng lo chống trộm chưa đủ mà nhà nào cũng phải lo. Nhà giàu cất nhà kín cổng cao tường, nuôi một bầy chó dữ để giữ nhà; chưa đủ, người trong nhà ban đêm còn phải ngủ sẽ thức để canh thằng ăn trộm. Nhà nghèo thì phên liếp, cửa sài cài then… Nghèo cùng cực như Nguyễn Công Trứ thì “Đêm năm canh an giấc ngáy pho pho / Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ” (Hàn cho phong vị phú). Thằng ăn trộm bị bắt, tội nặng thì đóng gông , giải lên quan để đi tù; tội nhẹ thì gọt đầu cho láng, bôi vôi chữ thập, giữ trong làng để giáo dục và bắt làm tạp dịch cho chừa.
Kẻ ăn trộm, ăn cắp, ăn cướp đều là dân hèn hạ, dân tội đồ, bất lương trong làng, trong xã. Còn quan lại là giới chức, thuộc tầng lớp quyền quý, có nhiều bổng lộc… Nhưng nếu quan mà là quan tham đục khoét công quỹ như sâu mọt, như bầy chuột đói thì sẽ bị dân “nêu cao cảnh giác” và xếp quan ngang hàng với bọn ăn trộm, ăn cắp, ăn cướp: “Con ơi, mẹ bảo con này/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” (Ca dao). Làm quan mà biết thương dân thì chẳng những tránh tiếng quan tham mà còn lo được cho dân có ăn để họ không vì nghèo mà vong thân thành đạo tặc.
Không biết kẻ trộm có uy gì mà thường làm cho bọn con nít sợ. Hồi nhỏ, nhiều tối ngồi trong nhà nghe anh Hai, anh Ba kể chuyện thằng ăn trộm, tôi sợ nổi da gà, mắc tiểu không dám ra sân tiểu mà tè thẳng trong đũng quần; lúc đi ngủ chiêm bao thấy ăn trộm lẻn vào nhà là bị cứng miệng, cứng mồm, ú ớ như người mắc gió. Truyện dân gian kể: Con mèo hoang từ đâu trên mái nhà nhảy xuống, tha trộm thịt miếng cỏn con dưới bếp, rồi vụt chạy, nhưng không kịp, nó bị bà chủ nhà đang làm bếp rút cây củi, đánh gãy xương sống. Nhưng một hôm, con cọp trên núi xuống tha mất con heo to, vợ chồng chủ nhà lạy tạ ơn Ông Ba mươi thương tình, chỉ bắt có mỗi con heo! Họ sợ cọp, như bình sinh họ sợ ông quan tham! Bộ máy công quyền mà thối nát thì trộm cướp như rươi, đâu cũng có. Cho nên, xem trong tuồng “Nghêu - Sò - Ốc - Hến”, ông thầy Nghêu hôm đi hầu quan, đến cửa phủ đường thì rút guốc ra, vỗ sạch đất rồi cặp chặt vào nách tiến tới trước quan, vì ông sợ mất guốc.
|