Về những cổ vật Chăm khai quật tại tháp Dương Long
9:34', 7/10/ 2007 (GMT+7)

Cụm tháp Dương Long (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn) gồm 3 tháp. Đây là di tích cao nhất, đồ sộ nhất trong hệ thống tháp cổ ở khu vực miền Trung. Một trong những đặc trưng nổi bật nhất và cũng giá trị nhất về mặt nghệ thuật của các tháp Dương Long là gần như tất cả các bộ phận trang trí điêu khắc đều được tạc bằng đá. Có thể nói rằng, không một khu tháp cổ Chămpa nào lại có nhiều tác phẩm điêu khắc đá như Dương Long.

 

Hình tượng thần Brahma, khai quật tại cụm tháp Dương Long.

 

Năm 1985, trong khi dọn dẹp để trùng tu, chống xuống cấp cấp thiết cho ba ngôi tháp này, đoàn trùng tu đã phát hiện ra khoảng chục bức phù điêu đá lớn. Năm 2006, để cung cấp tư liệu phục vụ cho việc trùng tu tôn tạo, quy hoạch khu di tích Dương Long, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã tiến hành khai quật khảo cổ học. Cuộc khai quật đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích phục vụ cho công tác trùng tu. Đặc biệt, đã thu được trên một nghìn tiêu bản hiện vật. Trong đó, đa số là những mảnh hoa văn điêu khắc trang trí trên các tầng tháp, phù điêu hình rắn Naga, sư tử, Makara, voi, hình người cầu nguyện… Đáng lưu ý là một số phù điêu mang đến một thông điệp về tính Ấn Độ giáo của khu tháp Dương Long.

Tại tháp Bắc của khu tháp Dương Long, đến nay đã tìm thấy 2 phù điêu thể hiện thần Brahma. Bức phù điêu thứ nhất khai quật năm 1985, là một tảng đá hình lá nhĩ lớn (cao 1,3m; rộng 0,88m; dày 0,23m) thể hiện một vị nam thần có 3 đầu, 6 tay. Vị nam thần đứng trong tư thế hai chân chùng xuống, hai đầu gối bành khá mạnh ra hai bên, hai tay chính bắt quyết trước ngực. Từ phía hai bắp tay, mỗi bên còn mọc thêm ba tay phụ cầm những vật khác nhau. Tay dưới cầm một con dao găm, tay trên cầm hoa sen, tay giữa cầm một vật gì đó đã bị vỡ nên không nhận ra. Phù điêu thứ 2 khai quật năm 2006, đã bị vỡ, chỉ còn một phần (cao 0,3m; dày 0,15cm; rộng 0,45m), thể hiện một vị nam thần có 3 đầu, đội mũ hình chóp, với ba khuôn mặt mỉm cười hướng về phía trước. Theo thần thoại Ấn Độ, thần Brahma (thần sáng tạo), thường được thể hiện nhiều mặt, nhiều cánh tay, nhìn khắp bốn phương bốn hướng, có nhiều chân đi khắp mọi nơi. Sự tích thần Brahma kể rằng: “ Thần Brahma lấy cái chất sự tồn tại của mình mà nặn ra một người đàn bà. Thần đâm ra thèm khát dục vọng. Người con gái ngượng ngùng ngoảnh mặt sang bên phải. Thần liền hóa phép mọc thêm cái đầu khác để nhìn theo người con gái. Người con gái thấy thế chạy sang trái. Thần lại mọc thêm cái đầu thứ ba nhìn sang bên trái. Người con gái chạy ra đằng sau. Thần lại mọc cái đầu thứ tư nhìn theo. Người con gái hết đường chạy bèn bay vút lên trời. Thần mọc luôn cái đầu ở bên trên để nhìn lên trời theo. Thế là từ đấy thần có 5 đầu. Trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa chúng ta chỉ thấy hình tượng thần Brahma 3 đầu, cái đầu thứ tư phía sau bị che khuất, còn cái đầu thứ 5 bị thần Siva tiêu hủy. Trong nghệ thuật tạo hình điêu khắc Chămpa, chúng ta thường thấy thần Brahma gắn với hình tượng hoa sen. Hình tượng này gắn với truyền thuyết ra đời của thần: thần sinh ra từ một hoa sen mọc từ rốn của thần Visnu, trong khi thần Visnu đang trầm tư trên lưng con rắn Sêsa trôi bồng bềnh trên mặt biển vũ trụ. Một số di tích tháp Chăm ở Mỹ Sơn (Quảng Nam), Huế có vài bức phù điêu thể hiện thần Brahma với đề tài này.

 

Phù điêu thần Siva cùng tiên nữ.

 

Tảng đá có hình phù điêu, là một mảng trang trí kiến trúc trên cửa giả của tháp bị rơi xuống. Cả tảng đá là một khối trụ dài 1,88m; rộng 0,68m; dày 0,48m thể hiện một câu chuyện thần thoại. Trung tâm phù điêu là một nhóm ba người ngồi. Vị nam thần ở giữa, hai tiên nữ ngồi hai bên. Nam thần ngồi hơi xoay mình sang bên trái, hai tay đưa lên chắp trước ngực như đang chào người phụ nữ quỳ trước mặt mình. Tiên nữ ngồi trước mặt như đang e lệ, cúi xuống. Sát bên phải của nam thần là vị tiên nữ thứ hai đang nép vào phía sau người và cùng chăm chú lắng nghe vị tiên nữ kia nói một điều gì đó. Cả ba nhân vật đều ngồi trong một khung cảnh huyền ảo của những vầng hào quang tạo thành bởi hai thần rắn Naga bọc hai bên, uốn hình phù điêu vào khung hình lá đề. Đây là một bức chạm đẹp với đường nét tinh mỹ, nội dung thể hiện một đề tài khá phổ biến trong thần thoại Ấn Độ. Đó là những cuộc vui chơi cùng các tiên nữ trên núi Kailasa của thần Siva. Truyền thuyết này liên quan đến việc thờ thần Siva với biểu tượng Yony - Linga. Truyền thuyết kể rằng, có một lần có vị đạo sĩ lên núi Kailasa thăm thần Siva, trong khi đó thần Siva đang mải vui chơi cùng các tiên nữ. Do đợi quá lâu không gặp được, vị đạo sĩ đó buông lời nguyền “Hỡi kẻ say mê sắc dục kia, ngươi đã không rời được cám dỗ thì những cái đó sẽ mọc đầy người mi”. Sau lời nguyền, âm vật và dương vật mọc khắp người thần Siva. Thần Siva tỉnh ngộ và cầu xin đạo sĩ bỏ lời nguyền. Sau này người ta dùng hình tượng âm vật và dương vật (Yony – Linga) là biểu tượng của Siva.

Một chiếc lá nhĩ (cao 0,78 mét; rộng 0,88 mét; dày 0,18 mét) khác thể hiện chim thần Garuda. Chim thần được thể hiện bán thân, trong tư thế nhìn thẳng cân đối.  Đây là hiện tượng duy nhất được biết trong nghệ thuật điêu khắc cổ Chămpa được tìm thấy tại Dương Long. Đầu chim đội vương miện hình chóp nón. Hai cánh tay kiểu tay người của chim thần đang ghì mạnh, kéo hai con rắn lại cố gắng bóp nát kẻ thù (rắn) truyền kiếp của mình. Thần thoại kể rằng: Garuda là vua của các loài chim, là kẻ thù của loài rắn. Mẹ của Garuda bị Kađru là mẹ của loài rắn Naga sỉ nhục và bắt làm nô lệ, nên Garuda luôn tìm mọi cách giết rắn để báo thù cho mẹ. Theo truyền thuyết, Garuda là loài chim thần có sức mạnh vô song, là vật cưỡi của thần Visnu  (thần bảo vệ sự sống). Thần Visnu được hình dung như một người đàn ông trẻ đẹp, da mặt xanh đậm có 4 tay. Một tay cầm cái tù và, một tay cầm cái đĩa ném, một tay cầm chùy và một tay cầm hoa sen. Theo thần thoại kể lại : “Trước khi thế giới ra đời, có một làn nước mênh mông vô hạn trùm khắp nơi. Visnu là một chất vận động trong nước. Vì vậy gọi Visnu là Narayana (vận động trong nước). Visnu là một hình người nằm ngủ trên mình con rắn Sêsa hay Ananta (bất diệt) bơi lềnh bềnh trên mặt nước”.

 

Lá nhĩ thể hiện hình tượng chim thần Garuda.

 

Như vậy, qua những hiện vật điêu khắc phát hiện tại khu tháp Dương Long đã cho thấy đây là khu đền thờ Ấn Độ giáo - một tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ mà người Chăm cổ đã tiếp thu. Ba ngôi tháp thờ 3 vị thần tối thượng: Brahma, Visnu và Siva, trong đó tháp Bắc thờ thần Brahma; tháp nam thờ thần Visnu và tháp giữa thờ thần Siva.

Trong ba vị thần được tôn thờ, thần Siva được coi là vị thần có năng lực phá hủy; thần Brahma được coi là vị thần sáng tạo và thần Visnu được coi là vị thần bảo tồn. Trong đó, thần Siva là vị thần tối cao, bởi ngoài thuộc tính phá hủy, thần Siva còn có quyền lực sáng tạo và bảo vệ như thần Brahma và thần Visnu.

Điểm qua một số, hình ảnh trang trí tìm thấy tại Dương Long, cho thấy đây là bộ sưu tập qúy, thể hiện trình độ mỹ thuật cao. Những hiện vật này cung cấp nhiều tư liệu qúy góp phần khẳng định làm sáng tỏ những giá trị văn hóa của khu di tích Dương Long.

  • Hồ Thùy Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (07/10/2007)
Nhớ Quy Nhơn giữa chiều Attapư  (07/10/2007)
Lan man chuyện đào ngạch  (07/10/2007)
“Lò” luyện vẽ cho các sĩ tử  (07/10/2007)
Món lạ, đất quen  (07/10/2007)
Thành công nhờ kinh tế gia trại  (07/10/2007)
Đánh người tố giác, hai lâm tặc bị khởi tố  (07/10/2007)
Bình Định khẳng định thương hiệu vàng  (07/10/2007)
Dư âm một mùa giải  (07/10/2007)
Vươn đến những chân trời mới  (07/10/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (07/10/2007)
Một nhiệm vụ cấp thiết  (02/09/2007)
Thăm Di tích Nhà lao Phú Quốc  (02/09/2007)
Trở lại vùng đất anh hùng  (02/09/2007)
Tìm hướng phát triển văn hóa - thông tin miền núi  (02/09/2007)