Viết trong mùa Trung thu
9:41', 7/10/ 2007 (GMT+7)

Giở lịch, nay đã là 18 tháng Tám âm lịch. Vậy là Trung thu đã qua được mấy ngày rồi…

* Đón Trung thu trong bệnh viện

Hôm Rằm, tôi đón Trung thu cùng với con trong BVĐK tỉnh. Thằng bé bị đau bụng, xoàng thôi, nhưng đi viện, có bác sĩ vẫn là yên tâm hơn cả. Phòng bệnh con nằm có đến gần chục cháu nhỏ với đủ thứ bệnh. Nằm trong phòng, ở tầng ba, bọn nhỏ ngỏng cổ nghe tiếng trống thùng thùng vọng lên từ dưới đường. Cả phòng gần chục đứa nhỏ, chỉ có 4 là có đèn trung thu thôi. Một lồng đèn quả banh cho cậu bé 2 tuổi, 2 lồng đèn siêu nhân của hai thằng nhóc lớn hơn, 1 lồng đèn mẹ con nhà cún của cô bé. Tất cả đều là lồng đèn nhựa của Trung Quốc, lắp pin vào, ấn công tắc thế là có nhạc, lồng đèn siêu nhân tung ra một thứ âm thanh láo nháo, đèn nhấp nháy sáng choang. Lồng đèn Việt Nam bị lồng đèn của Tàu lấn át đã nhiều năm. Nhưng chừng hai năm trở lại đây, lồng đèn xếp giấy hình con cá, ông mặt trời do Việt Nam sản xuất đã xuất hiện trở lại. Lồng đèn giấy không bền, dễ cháy nhưng trông nó vẫn dễ thương, hấp dẫn hơn lồng đèn nhựa kia. Vậy mà, không ít các ông bố bà mẹ và cả những đứa trẻ vẫn thích thứ lồng đèn công nghệ Trung Quốc hơn. Đơn giản, chúng bền, không cháy như lồng đèn giấy. Ngoài ra, nó có cả nhạc, lại biết di chuyển, cử động. Nếu giữ gìn cẩn thận thì sau Trung thu vẫn còn chơi được.

 

Múa lân ngoài đường phố.

 

Trở lại chuyện đón Trung thu trong bệnh viện. Ở các khoa khác, nơi có trẻ con nằm, thảng hoặc mới thấy vài cô, cậu cầm lồng đèn. Còn lại, phần bị đau, bị chuyền nước, khóc lóc, rên rỉ thì lấy đâu ra sức lực, vui vẻ gì mà chơi lồng đèn. Bà mẹ trẻ quê Phù Cát ở cùng phòng dẫn cậu con trai 3 tuổi đi truyền máu, than: “Cháu nó thấy cái gì cũng thích, đòi mẹ mua lồng đèn. Những 30.000 đồng cho một cái lồng đèn. Bao nhiêu đó, hai mẹ con ăn được hai ngày rưỡi trong bệnh viện. Thương con cũng đành buốt ruột thôi”. Thằng nhỏ bị bệnh thiếu máu bẩm sinh, tháng nào hai mẹ con cũng dắt díu vào bệnh viện để tiếp máu. Thằng bé, thi thoảng cũng được các bạn cho mượn lồng đèn chơi một chặp.

* Và xem lân ngoài đường

14,15,16 tháng Tám âm lịch mới chính Trung thu. Nhưng ngay từ đầu tháng Tám, bọn trẻ, thậm chí cả người lớn đã háo hức, chuẩn bị cho ngày hội trăng rằm. Bọn nhóc choai choai rủ nhau chung tiền mua cái đầu lân nho nhỏ, cũng tập dượt nhảy các kiểu: lân vồ mồi, lân xin tiền và lạy tạ chủ nhà. Rồi đem theo cả chai dầu hỏa, bình xịt làm lân phun lửa. Thế mới ghê! Lân con múa ở xóm giềng. Lân to ra phố, leo thang, phô diễn các kỹ nghệ trình diễn theo tiếng trống thùng thùng dồn dập. Thằng cháu của tôi, từ những năm đầu cấp một đến khi lên cấp hai, vẫn không bỏ thói quen múa lân. Lân xóm nên quy mô nhỏ, song vẫn đủ bộ Tề Thiên múa gậy, Ông Địa bụng phệ theo sau con lân xóm vừa nhỏ vừa ốm tỏng teo. Lại có mấy đứa rồng rồng chạy theo tung hô, chầu rìa. Xóm nhỏ, nghèo tiền nhưng được cái mấy ông mấy bà rất tâm lý. Khi thì được 1.000, 2.000 đồng tiền lẻ. Lúc lại là chai nước ngọt hoặc bì bánh kẹo. Đôi khi, bọn chúng đến mãi, làm người lớn nổi cáu: “Đến gì mà đến mãi thế”.

Đôi khi, vẫn ì xèo chuyện lân đánh nhau ngoài đường vì vi phạm lãnh địa. Rồi lân “nằm vạ”, ở lỳ nhà người khi chưa xin được tiền. Chuyện không mới cũng không cũ vì năm nào cũng xảy ra bao nhiêu đó chuyện. Những chuyện lộn xộn, đánh nhau không hay ấy đã làm mất chất dân dã truyền thống của lân, làm cho một số người liên tưởng chuyện lân đã quá đặt nặng chữ “tiền”. “Tránh lân như tránh hủi” - câu bình phẩm tình cờ lọt vào tai, nghe sao quá bất nhẫn! Nhưng sự thật là thế. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!.

Đi kèm với lân bao giờ cũng có các “cổ động viên” tiền hô hậu ủng tích cực.

Nhưng đâu phải lân nào cũng thế. Tại thị trấn Bình Định (An Nhơn) đội lân của Võ đường Đỗ Phước Tuấn năm nào cũng đến múa lân, biểu diễn văn nghệ cho các em nhỏ mồ côi, tàn tật và người già neo đơn ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Các cơ quan, đoàn thể, cá nhân hảo tâm cũng cùng chung tay tổ chức trung thu cho các cháu nhỏ gia đình khó khăn, mồ côi cha, mẹ. Một cậu bé học lớp 3, thấy mấy người trong khu vực đến phát quà, bùi ngùi: “Hồi má con còn sống, năm nào má con cũng đi phát bánh hết á”. Ba nó ngồi ở phía bên kia, nghe con nói vậy, mặt cũng dàu dàu, buồn xo.

* Và Trung thu muộn

Cho đến giờ, những hàng bánh trung thu chưa kịp bán hết đã bắt đầu trưng biển “hạ giá” hoặc đại hạ giá từ 25 đến 50%. Trẻ nhà nghèo, nếu chưa được ăn bánh dẻo, bánh nướng, thì có lẽ đây là cơ hội để được thưởng thức bánh trung thu. Muộn, nhưng dẫu sao còn hơn không. Một chị công nhân kể chuyện: hôm rồi thằng nhỏ nói má mua bánh trung thu, tôi liền át ngay: vài chục ngàn một cái bánh, sao mua đặng. Chờ thư thư vài bữa, bánh hạ giá, nhà mình ăn sau cũng được chớ sao. Mình nghèo mà… Từ bữa chị kể đến nay đã mấy hôm rồi. Không biết hôm nay đã mua được bánh trung thu cho bầy con chưa. Ngược lại, những gia đình hay được biếu xén, quà cáp giờ này vội vã mang khuân hộp to, hộp nhỏ đi cho họ hàng, hàng xóm láng giềng… nhờ ăn giúp. Vợ một sếp mình quen khá thân, năm nào sau rằm Trung thu cũng ca cẩm: “Đã mời mọi người đến khuân đi hết cho mà vẫn còn thừa ở nhà cả chục hộp. Khổ quá, năm nào cũng bóng gió xa xôi đừng biếu quà trung thu nữa, thế mà họ có nghe đâu. Không lẽ Trung thu chỉ có mỗi quà là bánh thôi à?”.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về những cổ vật Chăm khai quật tại tháp Dương Long  (07/10/2007)
Thơ  (07/10/2007)
Nhớ Quy Nhơn giữa chiều Attapư  (07/10/2007)
Lan man chuyện đào ngạch  (07/10/2007)
“Lò” luyện vẽ cho các sĩ tử  (07/10/2007)
Món lạ, đất quen  (07/10/2007)
Thành công nhờ kinh tế gia trại  (07/10/2007)
Đánh người tố giác, hai lâm tặc bị khởi tố  (07/10/2007)
Bình Định khẳng định thương hiệu vàng  (07/10/2007)
Dư âm một mùa giải  (07/10/2007)
Vươn đến những chân trời mới  (07/10/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (07/10/2007)
Một nhiệm vụ cấp thiết  (02/09/2007)
Thăm Di tích Nhà lao Phú Quốc  (02/09/2007)
Trở lại vùng đất anh hùng  (02/09/2007)