Cảnh giác với bệnh còi xương trẻ em
9:47', 7/10/ 2007 (GMT+7)

20-30% trẻ em bị mắc bệnh còi xương, theo các chuyên gia y tế, tỉ lệ này còn cao hơn trong vài năm nữa. Bệnh còi xương không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn hạn chế sự phát triển của trẻ về lâu dài.

* Những quan niệm sai lầm

Hiện nay, bệnh còi xương (còn gọi là bệnh loạn dưỡng xương) rất phổ biến ở trẻ em dưới 3 tuổi, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển hệ xương khớp của trẻ. Điều này xuất phát từ những quan niệm sai lầm của các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc trẻ ngay khi còn nhỏ.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh còi xương khá cao, khoảng 20 - 30% trong toàn quốc và có nguy cơ tăng cao trong những năm tiếp theo. Tại Bình Định, hiện vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về bệnh còi xương ở trẻ em. Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi ở một số bà mẹ có con cho thấy, số bà mẹ hiểu biết về bệnh còi xương rất ít, thậm chí nhiều người còn hiểu sai về căn bệnh này.

Bé Nguyễn Ngọc Thiện (Tuy Phước) mới sinh ra đã nặng 3,5 kg. Bé ăn, ngủ rất tốt nên chị Diệu - mẹ cháu Thiện - càng cố cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Thế nhưng, thời gian gần đây, bé có dấu hiệu ngủ không ngon giấc, ra nhiều mồ hôi, rụng tóc gáy. Đưa bé đi khám, chị Diệu mới biết con mình mắc bệnh còi xương. Trong khi đó, bé Thùy Vân (TP Quy Nhơn) đã 10 tháng tuổi nhưng vẫn chưa mọc răng, chưa biết lẫy, biết bò. Đi khám, bác sĩ cũng kết luận là cháu bị bệnh còi xương.

Có một số bà mẹ cho rằng, việc tắm nắng thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé nên cứ giữ bé trong nhà, không cho tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Do đó, một số bé trông rất bụ bẫm nhưng vẫn mắc chứng bệnh còi xương. Ngược lại, nhiều bà mẹ biết rằng cho trẻ tắm nắng và bú sữa mẹ sẽ tránh được bệnh còi xương, nhưng do công việc bận rộn, phó thác việc chăm sóc con cho nhà trẻ, mẫu giáo cũng dẫn đến hậu quả là trẻ bị còi xương. Do vậy, khi thấy trẻ bị còi xương, nhiều bà mẹ đã tìm cách bổ sung canxi. Tuy nhiên, nếu cung cấp đủ canxi mà thiếu vitamin D thì trẻ cũng vẫn bị còi xương.

* Ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực!

Bác sĩ Võ Văn Trung, Phó trưởng khoa Nhi, BVĐK TP Quy Nhơn, cho biết: “Trẻ bị bệnh còi xương là do tình trạng thiếu hụt vitamin D xảy ra chủ yếu do thiếu ánh nắng mặt trời tác động lên bề mặt da giúp chuyển hóa tiền chất của vitamin D (các chất này có nhiều ở lớp mỡ dưới da) và thiếu cung cấp vitamin D từ thức ăn. Vitamin D có nhiều trong các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như sữa, thịt, trứng, cá và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như nấm, đậu”.

Còi xương là bệnh ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ. Nhưng đa phần các bà mẹ không hiểu biết về bệnh còi xương, thậm chí có nhiều người cũng chưa từng nghe nói đến căn bệnh này, dẫn đến cách chăm sóc và phòng bệnh không đúng. Do đó, không ít trẻ có cân nặng tốt, thậm chí thừa cân nhưng vẫn bị còi xương.

Bác sĩ Trung phân tích: Trẻ không được cung cấp đầy đủ vitamin D thường có các triệu chứng ở hệ thần kinh như ra mồ hôi nhiều kể cả ban đêm, khó ngủ hay giật mình, rụng tóc gáy, chậm biết lẫy, biết bò; hay nôn ói, nấc cụt, có tiếng rít thanh quản; nặng hơn nữa có thể bị co giật do hạ canxi máu. Ngoài ra, trẻ còn có các triệu chứng: như thóp chậm đóng, bờ thóp mềm, bướu trán, bướu đỉnh, chậm mọc răng, răng mọc lộn xộn, lồng ngực hình ức gà, chuỗi hạt sườn, chân tay cong…

Có thể nói, hậu quả do còi xương gây ra là rất lớn. Xương của trẻ có thể bị biến dạng như chân cong, vẹo, vòng kiềng, tay cán vá. Nếu không đề phòng bệnh, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nòi giống sau này. Trẻ sẽ thấp, lùn, nhỏ con, không có cơ hội tiếp cận với những ngành nghề đòi hỏi thể lực.

Bác sĩ Trung khuyến cáo, các bà mẹ không nên xem thường và chủ quan với bệnh còi xương. Để dự phòng bệnh còi xương, ngay từ thời kỳ mang thai, người mẹ nên dành thời gian tắm nắng, đi dạo ngoài trời, chọn thực phẩm giàu vitamin D và canxi. Trẻ sinh ra cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khi đã ăn bổ sung cần cho dầu mỡ vào bát bột để tăng hấp thu vitamin D. Hàng ngày, cần cho trẻ tắm nắng, để lộ chân tay, lưng, bụng và tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào mắt trẻ, tắm từ 15-30 phút lúc nắng sớm; đồng thời cho trẻ uống vitamin D mỗi ngày cho đến khi trẻ biết đi, nhất là về mùa đông, đặc biệt với trẻ sinh non, thiếu tháng, nhẹ cân.

  • Thu Phương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Viết trong mùa Trung thu  (07/10/2007)
Về những cổ vật Chăm khai quật tại tháp Dương Long  (07/10/2007)
Thơ  (07/10/2007)
Nhớ Quy Nhơn giữa chiều Attapư  (07/10/2007)
Lan man chuyện đào ngạch  (07/10/2007)
“Lò” luyện vẽ cho các sĩ tử  (07/10/2007)
Món lạ, đất quen  (07/10/2007)
Thành công nhờ kinh tế gia trại  (07/10/2007)
Đánh người tố giác, hai lâm tặc bị khởi tố  (07/10/2007)
Bình Định khẳng định thương hiệu vàng  (07/10/2007)
Dư âm một mùa giải  (07/10/2007)
Vươn đến những chân trời mới  (07/10/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (07/10/2007)
Một nhiệm vụ cấp thiết  (02/09/2007)
Thăm Di tích Nhà lao Phú Quốc  (02/09/2007)