Thời gian qua, công tác quản lý kiến trúc đô thị ở Quy Nhơn vẫn còn nhiều bất cập. Trên địa bàn thành phố, đã xảy ra khá nhiều trường hợp lấn chiếm đất đai xây dựng trái phép. Để tăng cường công tác quản lý kiến trúc và xây dựng ở Quy Nhơn, nhiều biện pháp sẽ được triển khai.
|
Quản lý kiến trúc đô thị ở Quy Nhơn vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: Văn Lưu
|
* Sai phạm vẫn còn nhiều
Theo thống kê của TP. Quy Nhơn, hiện vẫn còn 3.508 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép từ năm 2005 trở về trước, chưa được xử lý. Còn trong 6 tháng đầu năm 2007, theo báo cáo của Đội Kiểm tra - Trật tự đô thị TP. Quy Nhơn, đội đã kiểm tra và đề xuất xử lý 512 trường hợp; trong đó, có 163 trường hợp xây dựng trái phép.
Tất nhiên, các vụ vi phạm bị phát hiện và xử lý cũng chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Điều đáng nói là tình trạng lấn chiếm trái phép đất đai, không gian công cộng như lấn chiếm xây nhà trái phép ở khu vực chân núi Bà Hỏa, núi Vũng Chua, núi Xuân Vân, ven đầm Thị Nại và dọc sông Hà Thanh hiện vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Tình trạng các hộ dân xây dựng nhà chưa tuân thủ đúng giấy phép xây dựng, như xây vượt chỉ giới xây dựng, xâm phạm hành lang an toàn giao thông, xây thêm tầng, xây ban công rộng hơn quy định… đang diễn ra phổ biến. Đáng lo ngại nhất là tâm lý “ăn theo” của người dân, thấy nhà bên cạnh xây được thì mình cũng xây. Một số chủ hộ sẵn sàng nộp phạt để xây nhà theo ý mình.
Ngay với những khu mới quy hoạch, bộ mặt kiến trúc và công năng của các công trình được xây dựng không theo đúng quy hoạch đã duyệt. Chẳng hạn, khu biệt thự sân bay nay phần lớn là quán cà phê; khu vực dọc sông Hà Thanh, khu Dân cư Đảo 1A, quy hoạch là khu biệt thự bên sông, nhưng đã trở thành khu nhà phân lô.
Theo ông Đào Quý Tiêu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên nhân của tình hình trên là do chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý kiến trúc xây dựng đô thị. Trong khi ý thức chấp hành pháp luật của người dân không nghiêm; chính quyền địa phương cấp phường, xã lại chưa quan tâm, kiểm tra. Việc xử lý vi phạm còn thiếu kiên quyết và chưa kịp thời. Mặt khác, việc kiểm tra xem công trình xây dựng có thực hiện đúng giấy phép xây dựng được cấp hay không lại gần như bị bỏ quên, nếu có thì cũng không thật chặt chẽ và chủ yếu chỉ với các công trình lớn. Các vi phạm về xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân xung quanh, dẫn đến khiếu kiện mới bị kiểm tra xử lý nghiêm; còn lại chỉ bị xử phạt hành chính.
Mặt khác, theo ông Võ Đường, Đội trưởng Đội Kiểm tra -Trật tự đô thị TP. Quy Nhơn, nhiều trường hợp tuy biết là vi phạm, nhưng lại khó xử lý dứt điểm. Điều này đã tạo tiền lệ cho những vi phạm tiếp theo. Điển hình là tình trạng xây nhà trái phép ở núi Bà Hỏa. Tuy đội đã phát hiện thấy có hiện tượng xây nhà trái phép, nhưng để cưỡng chế, phải đợi quyết định của UBND TP. Quy Nhơn. Trong khi đó, người dân chỉ mất hai ngày là cấp tốc xây xong nhà và dọn đến ở. Việc buộc họ tháo dỡ lại không dễ vì phần lớn đây là những người dân nghèo, không biết phải dọn đi đâu. Hay như trường hợp người dân xây nhà không đúng thiết kế, ban công rộng hơn quy định, nhưng nếu thu nhỏ lại thì không cân đối với các cấu trúc khác, làm mất thẩm mỹ cả khu phố…
* Để bộ mặt đô thị đẹp hơn
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh và TP. Quy Nhơn đã có nhiều biện pháp để tăng cường quản lý kiến trúc đô thị. Ngày 10.2.2006, Ban Thường vụ Thành ủy Quy Nhơn đã ban hành Chỉ thị 03 về việc tăng cường quản lý đất đai - chống lấn chiếm - xây dựng nhà trái phép trên địa bàn TP. Quy Nhơn. Thực tế cho thấy, từ khi Chỉ thị này ra đời, tình trạng lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn thành phố giảm hẳn.
Bên cạnh đó, trong tháng 6.2007, Thanh tra Sở Xây dựng đã thành lập 5 đội thanh tra chuyên ngành gồm 15 cán bộ thanh tra, phụ trách các huyện, thành phố trong tỉnh; trong đó, Quy Nhơn có 5 người. Ông Trần Duy Đức, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, cho biết: Cán bộ thanh tra sẽ làm công tác thanh tra hoặc phối hợp với các phường, xã để thanh tra các công trình xây dựng thuộc địa bàn được phân công. Ông Đức cho rằng, việc có cán bộ thanh tra đóng tại các địa phương sẽ giúp nắm bắt nhanh nhạy tình hình và kịp thời xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, Đội Kiểm tra - Trật tự đô thị TP. Quy Nhơn cũng đã được tăng cường thêm 23 nhân viên, nâng tổng số nhân viên hiện có lên 45 người.
Ngày 27.2.2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 29 về “Quản lý kiến trúc đô thị”. Nghị định đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phải rà soát lại tình hình xây dựng không phép, sai phép, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm và ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị riêng cho mình. Sau khi có thông tư hướng dẫn việc lập, thẩm định và phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng sẽ hướng dẫn UBND thành phố Quy Nhơn và các huyện soạn thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho thành phố, thị trấn của mình; cũng như lập quy hoạch xây dựng, làm cơ sở để quản lý chặt chẽ các công trình xây dựng. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường lực lượng và năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý xây dựng đô thị ở địa phương, bồi dưỡng kiến thức quản lý xây dựng cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách cấp phường, xã.
Ngày 11.9, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn việc lập, thẩm định và phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho khu vực nội thành, nội thị, các khu vực cửa ngõ của các đô thị từ loại đặc biệt đến đô thị loại 5 (thị trấn).
Theo thông tư này, những đô thị loại 2 trở lên phải xây dựng quy chế quản lý đô thị, trong đó quy định cụ thể quản lý kiến trúc đô thị cho từng đường phố, bao gồm: tính chất công trình kiến trúc, khoảng lùi công trình; thống nhất độ nhô và chiều cao của các ban công, ô văng của các dãy nhà liền kề. Quy chế phải có một số khuyến cáo về hình thức kiến trúc (vật liệu xây dựng, màu sắc, hình thức mặt đứng); hình thức các công trình ở các góc phố giao nhau cũng phải được quy định chi tiết. Các tuyến phố mới mở hoặc sắp mở cần phải có nghiên cứu trước về quy định cụ thể kiến trúc cảnh quan hai bên đường. | |