Bình Định hiện có khoảng 50 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống (gọi chung là làng nghề); trong đó có 38 làng nghề đã được đưa vào danh mục quy hoạch phát triển đến năm 2020 và có không ít nơi được công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề tiểu thủ công nghiệp theo quy định.
|
Lao động nữ của làng tiện gỗ mỹ nghệ (Nhơn Hậu - An Nhơn) đánh bóng sản phẩm. Ảnh: N.T
|
Quy hoạch phát triển làng nghề nhằm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn; đồng thời gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong các sản phẩm và phát triển du lịch; gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững. Phát triển làng nghề là nhằm thu hút lao động, giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống dân cư nông thôn. Sản phẩm của làng nghề truyền thống có ý nghĩa kinh tế để nuôi sống một bộ phận dân cư, đồng thời nó mang lại những giá trị vật thể, phi vật thể phản ánh được lịch sử, văn hóa, xã hội liên quan tới chính người dân làng nghề.
Khi nói đến làng rèn Tây Phương Danh, người ta không chỉ biết đến sản phẩm rèn mà còn nhận biết các thông tin về địa lý, nhân văn, lễ hội truyền thống, lịch sử một làng nghề bên cạnh khu vực kinh thành Hoàng Đế đầy ấn tượng về văn hóa Chăm. Hoặc khi nói đến làng dệt thảm xơ dừa Tam Quan, người ta không chỉ biết rằng nơi đây một thời chuyên sản xuất típ xơ, nơi có rừng dừa bạt ngàn, mà còn biết đến một vùng quê từng sản sinh ra các nghệ nhân hát kết nổi tiếng, một xứ sở hò đối đáp với những bài ca dao dân gian đi vào lòng người. Làng nghề phản ánh quá trình cư dân khai hoang lập làng, phản ánh qua các tập tục, tín ngưỡng, lễ hội và nhiều quy định khác, chứa đựng những giá trị tinh thần đậm nét. Như vậy, ở làng nghề, ngoài yếu tố sản xuất còn mang rất đậm yếu tố văn hóa và phần nào còn có những yếu tố tâm linh phù hợp.
Ngoài những yếu tố kinh tế cần được nghiên cứu để quy hoạch phát triển, làng nghề còn là một di sản văn hóa quan trọng cần được bảo tồn và phát huy trong sự nghiệp phát triển văn hóa của từng địa phương và cả tỉnh.
|
Một hộ ở làng gốm Vân Sơn thuộc xã Nhơn Hậu (An Nhơn) đang sản xuất. Ảnh: Văn Tây |
Ngoài những tiêu chuẩn quy định để công nhận làng nghề, cũng cần chú ý đến hình thức tổ chức quy ước nhằm tôn vinh các nghệ nhân, những người thợ thủ công của các làng nghề. Để đạt được mục tiêu quy hoạch của UBND tỉnh (đến năm 2010 đầu tư đạt chuẩn 19 làng nghề và khôi phục củng cố 19 làng nghề, đến năm 2015 là có 38 làng nghề đạt chuẩn, mỗi năm tạo thêm việc làm cho 2.000 lao động, phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân từ 11 đến 12 triệu đồng/lao động/năm, tiến đến xuất khẩu hàng hóa như rượu Bàu Đá, hàng thủ công mỹ nghệ), cần phải có nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp xác định giá trị văn hóa, giá trị truyền thống của sản phẩm trong cơ chế thị trường hiện nay. Từ đó tạo thế mạnh của sản phẩm truyền thống trên thị trường.
Nghề thủ công truyền thống cũng là một cánh cửa tạo cơ hội việc làm, trong đó có trẻ em nghèo. Ngoài con em của làng nghề được đào tạo theo phương pháp cổ truyền (cha truyền con nối), cần có giải pháp đào tạo nghề thế hệ trẻ. Để đảm bảo mỗi năm tỉnh ta có thêm 2.000 lao động từ các làng nghề thì giải pháp đào tạo nghề là hết sức quan trọng. Giúp cho trẻ em nhận thức được các giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ cũng như vai trò của làng nghề thủ công chính là một phần kích thích niềm đam mê với nghề cho lớp thợ trẻ, để họ toàn tâm toàn ý gắn bó với nghề, tạo được nhiều thế hệ thợ thủ công tiếp nối.
Đất nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự đòi hỏi về kiểu dáng, chất lượng cho các sản phẩm thủ công là tất yếu. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, người thợ thủ công trong tương lai không chỉ giỏi về kỹ thuật, biết gìn giữ mảng màu bản sắc mà còn cần phải có kiến thức tổng hợp về thiết kế, quản lý kinh doanh, tiếp thị… để sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng trong mỗi sản phẩm của làng nghề truyền thống.
Các làng nghề trên địa bàn tỉnh tạm phân thành các nhóm nghề:
Làng nghề chế biến hàng nông sản thực phẩm: làng rượu Bàu Đá Cù Lâm, bún tươi Ngãi Chánh (An Nhơn), bún số 8 Tam Quan (Hoài Nhơn)…
Làng nghề đánh bắt, chế biến hải sản: làng chế biến hải sản Mỹ Thọ (Phù Mỹ), làng chài Hưng Lương (xã đảo Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn)…
Làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: làng nghề dệt thảm xơ dừa Tam Quan Nam (Hoài Nhơn), tiện gỗ mỹ nghệ (Nhạn Tháp, An Nhơn), dệt vải thổ cẩm (Hà Ri, Vĩnh Thạnh; An Trung, An Lão)…
Làng nghề sản xuất dụng cụ, hàng tiêu dùng: làng rèn Tây Phương Danh; gốm Vân Sơn, đúc đồng Bằng Châu (An Nhơn), tăm nhang Xuân Quang, nón ngựa Phú Gia (Phù Cát), nón lá Thuận Hạnh (Tây Sơn), chiếu Chương Hòa (Hoài Nhơn), đan đát Lạc Điền (Tuy Phước)…
Trong 38 làng nghề đã được quy hoạch, phát triển đến năm 2010, có 5 làng nghề được UBND tỉnh chú trọng phát triển du lịch là: làng rượu Bàu Đá Cù Lâm, làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp, làng rèn Tây Phương Danh, làng nón ngựa Phú Gia, làng dệt thổ cẩm Hà Ri. | |