Quyết liệt với cuộc chiến đẩy lùi TNGT
10:45', 7/10/ 2007 (GMT+7)

Những năm qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ở tỉnh ta nói riêng, toàn quốc nói chung đã và đang là vấn nạn của toàn xã hội. Tình hình TNGT luôn diễn biến phức tạp, số vụ TNGT cũng như thiệt hại do TNGT gây ra thường xuyên gia tăng. Trước tình hình trên, các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để đẩy lùi TNGT. Những giải pháp nhằm kiềm chế TNGT đưa ra trong lần này quyết liệt và khả quan hơn bao giờ hết.

 

Lực lượng công an ra quân lập lại TTATGT. Ảnh: A.T

 

* Từ vấn nạn TNGT

Cách đây 5 năm, tình hình TNGT ở nước ta bắt đầu diễn biến khá phức tạp. Trước tình hình trên, ngày 19.12.2002, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP về các giải pháp kiềm chế, tiến tới giảm dần TNGT và ùn tắc giao thông. Sau đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng ban hành Chỉ thị số 22-CT-TW ngày 24.2.2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Nhờ đó, từ năm 2003 đến 2005, cả nước đã thực hiện được mục tiêu kiềm chế TNGT. Tuy nhiên từ 2006 đến nay, tình hình TNGT đã gia tăng trở lại và diễn biến khá phức tạp, không theo quy luật nào. TNGT đã và đang trở thành thảm họa của quốc gia. Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2007 toàn quốc đã xảy ra 7.669 vụ TNGT làm chết 6.910 người và gần 6.000 người bị thương, tăng 464 người chết và 42 người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân, toàn quốc mỗi ngày có khoảng 38 người chết và 33 người bị thương do TNGT.

Tương tự thực trạng chung trên toàn quốc, tình hình TNGT ở tỉnh ta cũng luôn diễn biến khá phức tạp. Mặc dù các cấp, ngành, địa phương đã có những nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhưng số vụ TNGT cũng như thiệt hại do TNGT vẫn thường xuyên gia tăng. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, 8 tháng đầu năm nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 229 vụ TNGT, làm 244 người chết và 141 người bị thương; tăng 27 vụ, 15 người chết và giảm 27 người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, TP. Quy Nhơn... là các điểm nóng về TNGT. Không chỉ những tháng qua, thiệt hại do TNGT gây ra trên địa bàn tỉnh ta gần như gia tăng đều trong 3 năm gần đây.

Trung tá Trần Kiến Thiết – Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh - cho biết: “Kết quả phân tích các vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các vụ TNGT chủ yếu xuất phát từ sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân. Trong đó, đa số các vụ TNGT dẫn đến chết người đều do người tham gia giao thông vi phạm một trong những lỗi sau: không đội mũ bảo hiểm (MBH) theo quy định, chạy xe quá tốc độ, điều khiển xe trong tình trạng say rượu bia... Bên cạnh những nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp dẫn đến TNGT là do công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật về TTATGT của một số đơn vị, địa phương có dấu hiệu chùn xuống; cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế”.

* Và những giải pháp quyết liệt

Trước những diễn biến phức tạp về tình hình TNGT trong nước, ngày 29.6.2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15.7.2007. Trên tinh thần Nghị quyết 32, ngay từ đầu tháng 7.2007, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh và các cơ quan chức năng đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế TNGT. Những giải pháp được triển khai trong lần này không chỉ quyết liệt, thiết thực mà còn nhiều sáng tạo, phù hợp với tình hình TTATGT thực tế ở địa phương.

Nét mới trên phố Quy Nhơn. Ảnh: Đào Tiến Đạt

Cụ thể, trong tháng qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra, xử lý và khắc phục những tồn tại về cơ sở hạ tầng giao thông, những điểm đen TNGT trên các tuyến đường bộ và đường sắt. Bên cạnh đó, các ngành Công an, Giao thông vận tải và nhiều cơ quan đã sớm quán triệt Nghị quyết 32 đến từng đơn vị, cá nhân trong ngành. Đặc biệt là việc chấp hành quy định đội MBH. Mặc dù chưa đến thời điểm thực hiện quy định đội MBH khi điều khiển môtô, xe gắn máy, nhưng từ đầu tháng 9. 2007, nhiều ngành đã chủ động triển khai quy định này đến các lực lượng, cá nhân trực thuộc. Quy định đội MBH không phải được triển khai suông mà còn kèm theo quy chế khen thưởng và chế tài rõ ràng. Ông Nguyễn Quả - Chánh Thanh tra Sở GTVT - phân tích: “Việc ngành GTVT đi tiên phong trong việc triển khai thực hiện quy định đội MBH không chỉ là tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật mà còn có ý nghĩa tuyên truyền, sớm tác động đến thói quen và ý thức về việc đội MBH cho người dân tham gia giao thông trong tỉnh trước khi họ thực hiện. Để việc thực hiện quy định đội MBH trên được triển khai một cách nghiêm túc, Sở GTVT đã triển khai nhiều quy định về việc chế tài cũng như khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm hay thực hiện nghiêm túc quy định. Cụ thể, lãnh đạo Sở GTVT giao cho Chánh Thanh tra, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của Sở GTVT thường xuyên đôn đốc, kiểm tra về việc chấp hành quy định đội MBH trong ngành để làm cơ sở cho việc xem xét khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức lao động hàng năm. Đối với những cá nhân thuộc các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ kinh doanh chuyên ngành GTVT, việc thực hiện quy định đội MBH tại các đơn vị này cũng là một trong những cơ sở để hàng năm Sở GTVT đánh giá, khen thưởng về thành tích hoạt động của đơn vị”. Theo ghi nhận của chúng tôi, việc thực hiện quy định đội MBH của các cán bộ, công chức của các ngành GTVT, Công an trong những ngày qua khá nghiêm túc. 

Gần đây nhất là quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về một số biện pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và giảm thiệt hại do TNGT trên địa bàn tỉnh ban hành vào ngày 4.9. Quyết định được ban hành bao gồm các quy định rõ ràng, chi tiết về việc đội MBH; xử lý học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật TTATGT; tuyên truyền; quản lý kết cấu hạ tầng; quản lý bến đò, đò chở khách và khen thưởng, kỷ luật. Đại tá Nguyễn Trung Tâm – Phó giám đốc Công an tỉnh, kiêm Phó ban thường trực Ban ATGT tỉnh - cho biết: “Có thể nói, Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về một số biện pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và giảm thiệt hại do TNGT trên địa bàn tỉnh đã tạo bước đột phá mới trong quá trình chỉ đạo xử lý, giải quyết những vấn đề đặt ra trong công tác đảm bảo TTATGT. Để quyết định trên đi vào cuộc sống, theo tôi, đầu tiên là các cơ quan, chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội cần triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng loạt tới tất cả các cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên... để tạo nên sức mạnh tổng hợp, cho người dân thấy đó noi gương theo thực hiện”.

Có thể nói, những biện pháp cấp bách để kiềm chế TNGT được các cấp, ngành triển khai thực hiện trong những ngày qua khá quyết liệt. Nhưng để TNGT thực sự bị đẩy lùi thì rất cần đến ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của mỗi cán bộ, công chức, người lao động và người dân một cách nghiêm túc.

  • Anh Tú

Một số quy định chi tiết về Quy định một số biện pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và giảm thiệt hại do TNGT trên địa bàn tỉnh vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành ngày 4.9.2007:

Từ ngày 15.9.2007, thực hiện bắt buộc đội MBH khi đi môtô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường trong toàn tỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; cán bộ, công nhân các doanh nghiệp; học sinh, sinh viên.

Bộ phận xử lý chỉ giải quyết trả phương tiện bị tạm giữ khi người vi phạm khai báo đầy đủ thông tin cần thiết để thông báo về cơ quan, đơn vị, khu dân cư người vi phạm TTATGT để kiểm điểm, giáo dục.

Hiệu trưởng các trường THPT, đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm, xem xét kỷ luật buộc thôi học có thời hạn đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe mà điều khiển môtô, xe gắn máy hoặc cố tình vi phạm TTATGT. Hiệu trưởng các trường THCS, tiểu học chỉ đạo kiểm điểm gởi thông báo về gia đình yêu cầu phối hợp giáo dục học sinh vi phạm TTATGT.

Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các trường hợp vi phạm TTATGT là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh và những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm TTATGT, gây TNGT.

Xử lý kỷ luật đối với chủ tịch UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn để xảy ra TNGT do bến đò hoặc đò không đủ điều kiện an toàn; nếu TNGT gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị cách chức, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vào chức vụ lãnh đạo phải xem xét đến trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu trực tiếp của các cơ quan, đơn vị về việc thực hiện Nghị quyết 32 và quy định này...

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngày xưa, nhà tranh vách đất  (07/10/2007)
Triển vọng từ những dự án hậu titan  (07/10/2007)
Cần gắn kết các yếu tố kinh tế và văn hóa  (07/10/2007)
Tăng cường quản lý kiến trúc và xây dựng đô thị ở Quy Nhơn  (07/10/2007)
Lời của con  (07/10/2007)
Cảnh giác với bệnh còi xương trẻ em  (07/10/2007)
Viết trong mùa Trung thu  (07/10/2007)
Về những cổ vật Chăm khai quật tại tháp Dương Long  (07/10/2007)
Thơ  (07/10/2007)
Nhớ Quy Nhơn giữa chiều Attapư  (07/10/2007)
Lan man chuyện đào ngạch  (07/10/2007)
“Lò” luyện vẽ cho các sĩ tử  (07/10/2007)
Món lạ, đất quen  (07/10/2007)
Thành công nhờ kinh tế gia trại  (07/10/2007)
Đánh người tố giác, hai lâm tặc bị khởi tố  (07/10/2007)