Long đong những “đứa con cải thiện”
11:0', 7/10/ 2007 (GMT+7)

Nhìn đức ông chồng mặc dù vợ con đã đề huề nhưng vì cái thói trăng hoa, vẫn lén lút đi tìm kiếm người tình bên ngoài, nhất là thời buổi đời sống kinh tế được nâng cao, dư luận xã hội cũng thoáng hơn khi nhìn nhận về quyền làm mẹ, về tình dục. Bởi vậy, họ tìm đến các bà góa tuổi sồn sồn, những bà cô quá lứa lỡ thì, thậm chí cả những cô gái cả tin nhẹ dạ. Và hậu quả là những “đứa con cải thiện” xuất hiện khắp nơi, cứ như hạt rau tàu bay được gió đưa đi, mọc khắp vườn rẫy. Cuộc sống những “đứa con cải thiện” kia sẽ ra sao khi mà chúng không được những người bố công khai công nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng?

Chị Y. quen một chàng ở cơ quan và nảy sinh tình cảm đến mức không ngần ngại trao cho chàng tất cả. Khi biết chị có thai, gã kiên quyết chối bỏ trách nhiệm và cưới ngay một cô gái cùng xã. Kiện tụng, chửi bới mãi cũng chẳng có tác dụng gì, chị đành mang mối hận, một mình vượt cạn nuôi con khôn lớn. Năm tháng trôi đi, đứa con càng ngày càng giống anh như đúc, đẹp trai, cao lớn. Cũng có lúc lương tâm anh cắn rứt, anh muốn sửa chữa lỗi lầm nhưng anh không đủ can đảm bởi sợ dư luận đồn đại sẽ ảnh hưởng xấu đến con đường công danh, sự nghiệp trong khi bà vợ anh lại quá ghen. Khi cậu con trai bị tai nạn giao thông, anh gói ghém ít tiền đến bệnh viện tìm. Nhưng anh chỉ đứng bên ngoài phòng chờ, nhìn thấy nhiều người quen, lại quay về. Ngày đứa con cưới vợ, anh bỏ ra quán uống rượu một mình. Còn người con trai, trong ngày cưới đột nhiên chạy vào phòng riêng khóc nức nở bởi tủi thân vì ngày vui không có được người cha.

Trường hợp cậu P. và Q. lại có hoàn cảnh khác. Mẹ hai em là một phụ nữ xinh đẹp nhưng bị bệnh tâm thần nhẹ, nhiều khi không làm chủ được mình. Vậy là gã hàng xóm mặc dù có vợ và 5 con, lâu lâu lại mò sang “ăn bánh quịt tiền” rồi chối bỏ trách nhiệm. Chẳng những gã không hề giúp đỡ nuôi con còn lợi dụng phỉnh phờ vay của bà hai lượng vàng, làm giấy tờ chiếm gần hết vườn ruộng khiến bà lâm vào tình trạng khổ sở, bệnh lại nặng thêm. Lâu lâu bà lại lang thang ngoài đường đi kiện đòi đất, đòi ruộng. P. và Q. lớn lên trong sự cưu mang của bà con xóm làng, bạn bè, thầy cô. Cứ nhìn khuôn mặt khắc khổ già trước tuổi của hai anh em cũng đủ biết cuộc sống của chúng khổ cực đến chừng nào.

Từ lúc 10 tuổi đầu chúng đã biết sạ lúa, bón phân thành thạo. Mùa gặt các em tranh thủ cả đêm trăng gặt lúa. Đứa em mới 6 tuổi đã theo các anh lớn vào rừng cách nhà 3-4 cây số hái bắp chuối rừng về bán lấy tiền mua sách, bút. Rất mừng là kỳ thi đại học vừa qua cháu lớn đã trúng tuyển. Thấy con đường các cháu còn quá vất vả khó khăn, tôi bảo cháu: “Cháu có muốn bác đến nhà ba cháu nói để ông nhận con và giúp cháu học?”. Nhưng P. nhất định từ chối: “Ông ta đã làm hại mẹ cháu, lại cướp cả ruộng vườn, chưa bao giờ ông đoái hoài đến giọt máu của mình, làm sao cháu có thể gọi ông ta là ba được?” - P. nói mà rưng rưng muốn khóc. Quả thật cháu đã sống vất vưởng đói khát, chịu bao nỗi tủi nhục, đắng cay.

Hàng ngày có một cô bé 15 tuổi vẫn thường thay mẹ làm nhân viên bưu điện xã, đến nhà tôi đưa báo. Cô bé cũng là “đứa con cải thiện” không được cha chăm sóc. Ba cháu là thợ hàn, hàng ngày vẫn làm cửa sắt ngay cạnh nhà tôi, vẫn thấy cô bé (là con mình) đi qua, vậy mà cứ nhìn như người xa lạ. Tôi không tin trong họ tình phụ tử đã cạn nhưng tại sao họ không dám dứt bỏ những rào cản vô lý, dang rộng vòng tay đón đứa con ruột thịt của mình? Và lòng tôi cứ day dứt mãi…

Có những “đứa trẻ cải thiện” có cuộc sống may mắn hơn, thậm chí sung sướng hơn, cứ như cậu hoàng tử bị bỏ quên trong rừng sau này được vua cha tìm lại. Có người con sau bao ngày tháng long đong được người cha ân hận tìm cách sửa chữa lỗi lầm, cố làm việc gì bù đắp những thiệt thòi. Chúng ta cầu mong cho các em có được cái kết thúc có hậu ấy. Song đa phần những “đứa con cải thiện” quá thiệt thòi về nhiều mặt, nhất là về mặt tình cảm.

  • Liên Hương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quyết liệt với cuộc chiến đẩy lùi TNGT  (07/10/2007)
Ngày xưa, nhà tranh vách đất  (07/10/2007)
Triển vọng từ những dự án hậu titan  (07/10/2007)
Cần gắn kết các yếu tố kinh tế và văn hóa  (07/10/2007)
Tăng cường quản lý kiến trúc và xây dựng đô thị ở Quy Nhơn  (07/10/2007)
Lời của con  (07/10/2007)
Cảnh giác với bệnh còi xương trẻ em  (07/10/2007)
Viết trong mùa Trung thu  (07/10/2007)
Về những cổ vật Chăm khai quật tại tháp Dương Long  (07/10/2007)
Thơ  (07/10/2007)
Nhớ Quy Nhơn giữa chiều Attapư  (07/10/2007)
Lan man chuyện đào ngạch  (07/10/2007)
“Lò” luyện vẽ cho các sĩ tử  (07/10/2007)
Món lạ, đất quen  (07/10/2007)
Thành công nhờ kinh tế gia trại  (07/10/2007)