Đoạn cuối một đời võ
16:14', 3/11/ 2007 (GMT+7)

Võ sư Kim Hòa. Ảnh: V.T

Đã nghe tiếng võ sư Nguyễn Kim Hòa (thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) từ lâu, vậy mà tôi chưa có dịp gặp. Một thời gian dài, người võ sư này chừng như đã “rửa tay chậu vàng” hay sao mà không thấy xuất hiện trong giới võ. Vậy rồi, tôi lại nghe, ông đã bị tai biến…

Ngôi nhà của võ sư Kim Hòa nằm ngay góc chợ Phù Mỹ cũ. Tìm đến tận nhà, trước mái hiên, là một ông già đang lẩy bẩy bên tô cháo, miệng lắp bắp, nói chẳng rõ lời. “Ổng bị tai biến từ 4 năm nay. Cơm không ăn được, phải xay nát thành cháo mới nuốt nổi. Nghe thì được, nhưng nói thì không nói được rõ tiếng nữa”- người vợ của ông tâm sự.

Nhìn hình ảnh võ sư Kim Hòa hiện tại, mấy ai tin, đây là một võ sư từng nổi danh sàn đài một thuở. Sinh năm 1938 ở Phù Mỹ, ngày còn nhỏ, võ sư Kim Hòa đã theo học chút ít võ nghệ từ người cha. Đến năm 15 tuổi, ông bắt đầu theo học võ sư Kim Sơn; trước cả các võ sư như Kim Đình, Kim Dũng. Sau này, ông lại tập thêm quyền Anh. Học vài năm, ông rong ruổi đi Huế, Nha Trang, Tuy Hòa; rồi các huyện trong tỉnh thi đấu.

Cái độc đáo của võ sư Kim Hòa là ở cách diễn thế, ra đòn. Võ sư biểu diễn ở đâu, khán giả đều rất mê. Võ sư Trần Quang Diễn (xã Cát Tân, huyện Phù Cát) từng nhận xét: “Tôi rất phục cách đánh của võ sư Kim Hòa. Võ sư Kim Hòa có tam bộ pháp rất dễ thương, nhìn không chán. Đã vậy, mỗi khi đi đấu ở đâu, ổng lại mang theo tấm khăn rất lớn. Ổng trải tấm khăn ra nằm, còn các đệ tử đấm bóp, trông rất chuyên nghiệp và hảo hớn”.

Võ sư Kim Hòa gặp vợ ông cũng từ những lần thượng đài như thế. Bà vốn là người mê võ, rồi mê luôn người đánh võ. “Xem cách đánh của ổng mà thấy mê”- bà nói, không giấu vẻ tự hào. Sau này, khi đã lấy ông, ngay cả khi đã có một, hai người con, nhưng mỗi lần võ sư Kim Hòa biểu diễn ở đâu, bà lại đi theo, cũng chỉ để xem ông đánh.

37 tuổi, võ sư Kim Hòa được nhận bằng võ sư. Rồi cũng từ đấy, ông ít lên đài để dần dần nghỉ hẳn. “Tuổi trẻ, tính ổng thích thì cứ đi rong ruổi đánh đài, để cho vui thôi, chứ đâu phải vì tiền. Chuyện nhà thì đã có tui lo toan bằng những hàng buôn chuyến. Do vậy, ổng cũng đâu ham thâu nhận học trò làm gì. Cả đời, ổng chỉ dạy vài học trò, nay có hai người nghe đâu đã mở võ đường ở Mỹ. Sau này, 5 đứa con trai, cũng có đứa mê võ, tính theo nghề, nhưng tôi gạt phắt đi. Tôi nói: học lấy vài miếng phòng thân, học cho vui thì được, chứ đừng theo nghiệp võ” - vợ ông nói.

 

Cần có chế độ đãi ngộ thích đáng với các võ sư cao tuổi để khuyến khích phong trào tập luyện võ thuật. Ảnh: Hồng Hà

 

Võ sư Kim Hòa vẫn đang lắng nghe câu chuyện. Thỉnh thoảng, ông lại bật khóc, phần vì cảm động khi nhớ chuyện xưa, phần do bệnh tật. Nhìn võ sư Kim Hòa, tự dưng, tôi lại nhớ đến hình dáng liêu xiêu của võ sư Hà Trọng Sơn “Hùm xám miền Trung” một thuở, nay đang sống trong một căn nhà nhỏ ở Tuy Phước. Cả hai võ sư đều đã rong ruổi với những cuộc đấu đài, với những trận thư hùng. Võ sư Hà Trọng Sơn thậm chí còn đoạt chức vô địch tại Hội thi Võ thuật Đông Dương tổ chức năm 1944 ở Đà Nẵng, vô địch miền Trung tại các kỳ hội chợ lớn. Năm 1972, cũng chính lão võ sư là một trong 12 vị đã sáng lập nên Hội Võ thuật Bình Định nhằm khơi dậy truyền thống thượng võ, củng cố và phát triển võ cổ truyền Bình Định. Hay một lão võ sư khác ở Bình Định là võ sư Lê Thành Phiên (làng Đại Chí, xã Tây An, huyện Tây Sơn), học trò của lão võ sư Hồ Ngạnh, năm nay cũng đã ngoại 90 tuổi.

Những võ sư từng một thời ngang dọc sàn đài, đến cuối đời, chỉ còn sống bằng kỷ niệm. Giá như, có một chính sách đối với các võ sư này, nhất là với những võ sư cấp I, như chính sách đối với các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú bên ngành nghệ thuật truyền thống, thì đoạn cuối đời võ của họ sẽ đẹp hơn - tôi tự nhủ.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/11/2007)
Long đong những “đứa con cải thiện”  (07/10/2007)
Quyết liệt với cuộc chiến đẩy lùi TNGT  (07/10/2007)
Ngày xưa, nhà tranh vách đất  (07/10/2007)
Triển vọng từ những dự án hậu titan  (07/10/2007)
Cần gắn kết các yếu tố kinh tế và văn hóa  (07/10/2007)
Tăng cường quản lý kiến trúc và xây dựng đô thị ở Quy Nhơn  (07/10/2007)
Lời của con  (07/10/2007)
Cảnh giác với bệnh còi xương trẻ em  (07/10/2007)
Viết trong mùa Trung thu  (07/10/2007)
Về những cổ vật Chăm khai quật tại tháp Dương Long  (07/10/2007)
Thơ  (07/10/2007)
Nhớ Quy Nhơn giữa chiều Attapư  (07/10/2007)
Lan man chuyện đào ngạch  (07/10/2007)
“Lò” luyện vẽ cho các sĩ tử  (07/10/2007)