Sông Côn: Dòng chuyển lưu văn hóa
16:22', 3/11/ 2007 (GMT+7)

Cho đến nay người ta đều cho rằng, tất cả những nền văn minh trên trái đất đều xuất phát và được hình thành từ ven đôi bờ các dòng sông. Và cũng như bao dòng sông khác, đôi bờ sông Côn không chỉ đóng vai trò là dòng chảy thủy văn, mà còn sản sinh ra nền văn hóa của nhiều thời đại khác nhau, trong dòng chảy lịch sử ở vùng đất này.

 

Hồ B Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh). Ảnh: V.T

 

* Khởi nguồn một dòng sông

Bắt nguồn từ cao nguyên, chảy qua ba huyện, sông Côn được gọi là sông Tam Huyện. “Sông Tam Huyện ở địa phận ba huyện Tuy Viễn, Tuy Phước và Phù Cát nên gọi tên thế” (Đại Nam nhất thống chí). Dân gian thì gọi con sông này với nhiều tên khác nhau. Phía đầu nguồn, trên núi cao gọi là Tu Krông tức là nguồn sông Krông; chảy qua những vùng thấp gọi là Đắk, khi bắt đầu đổ vào đồng bằng được gọi là Đak Krông Bung. Người Bahnar giải thích: bung tức là bung ra, to như cái bung. Cách lý giải gần như vay mượn của người Việt. Đối với Đak Krông Bung, về phía Tây, trên cao nguyên, còn có Đak Krông Da, tức là sông Ba. Nếu Da có nghĩa là Bà, thì Bung có nghĩa là Ông. Chảy qua địa phận chính của hai xã Vĩnh Thạnh và Định Quang cũ, người ta gọi đó là sông Côn. Hết địa phận hai xã này, trên bản đồ lại gọi là sông Hà Giao. Còn với người dân quê tôi, thì sông Côn vẫn là một danh từ quen gọi.

Với chiều dài 171km, nước sông Côn chỉ lớn vào mùa mưa lụt. Nước lên nhanh và rút cũng nhanh. Bắt nguồn từ trên dãy núi cao, nên sông Côn còn có một hệ thống chi lưu đầu nguồn. Nhiều suối có tên gọi, nhưng cũng có suối không tên, chỉ xuất hiện vào mùa mưa.

Dọc bên đôi bờ sông Côn được gọi địa danh khác nhau, phía Đông bờ gọi là Hữu Giang và phía Tây gọi là Tả Giang. Điều này cho thấy việc đặt tên các vùng đất theo quy luật từ dưới lên thượng nguồn. Tên hai bên bờ sông theo hướng các con đường mà con người men theo trong hành trình đi lên thượng nguồn. Cách đặt tên cũng theo quy luật này. Lúc đầu An Khê là Phú Phong hiện nay, sau lên khai hoang đặt An Khê và An Khê Thượng dùng để đặt tên những vùng đất mới khai hoang. 

 

Sông Côn nhìn từ con đường lên Vĩnh Sơn. Ảnh: V.T

 

* Dòng chuyển dịch, giao lưu văn hóa

Khởi nguồn từ miệt cao nguyên đại ngàn, sông Côn sớm trở thành nơi quy tụ của cư dân thời tiền sử. Họ đã sớm có mặt sinh sống ven đôi bờ sông này, rồi từ đó, sản sinh ra nền văn hóa Bàu Cạn, nền văn hóa thuộc thời kỳ Đá mới, phát hiện ở Pleiku (Gia Lai). Cũng có nhà nghiên cứu gọi đây là nền văn hóa Biển Hồ - nền văn hóa của Nhà nước sơ khai trong “cách mạng Đá Mới”, có thể là cư dân đầu tiên của các tộc người vùng cao nguyên bao la và huyền thoại.

Sự hình thành các nền văn hóa khảo cổ thời đại Đá mới ở nước ta, ở vùng cao nguyên, ngoài yếu tố con người, còn do môi trường địa chất, địa lý quyết định. Đó là thời kỳ biển tiến, biển thoái và phổ biến nhất vào thời kỳ Holocene trong kỷ địa chất cách nay hàng triệu năm. Vùng Vĩnh Thạnh ngày nay, có thể gọi là bậc II, tuy gọi là thềm sông, nhưng thực chất là thềm biển. Người Bahnar Vĩnh Thạnh trong các Hơamon còn kể nhiều câu chuyện dân gian liên quan đến biển... Ký ức tập thể về một cuộc chiến tranh kỳ vỹ với biển cả... Từ Bàu Cạn (Gia Lai), những cư dân xưa theo sông Côn để ra biển khơi, hình thành nên hệ thống Sa Huỳnh, tạo nên hệ thống Bàu Cạn - Sa Huỳnh cách nay trên 2.000 năm. Những cư dân Bàu Cạn - Sa Huỳnh trong buổi đầu hội nhập chiếm lĩnh đồng bằng, có sự tham gia của nhiều cư dân khác nhau, của nền văn hóa khảo cổ từ núi xuống và từ biển vào, hình thành nên những nhóm người thuộc ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo.

Đôi bờ sông Côn từ Vĩnh Thạnh cho đến sát chân Núi Bà (Phù Cát) sản phẩm văn hóa Đông Sơn được phân bố đều khắp. Những trống đồng Đông Sơn tìm thấy trên vùng đất Vĩnh Thạnh, Phù Cát, loại trống Heger loại I, đặc biệt như Gò Cây Thị (Vĩnh Thịnh) sát ngay bến sông Côn đã tìm thấy làng ma của cư dân cổ vùng này, tất cả đều dùng trống đồng Đông Sơn làm quan tài chôn cất người chết. Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng, những chiếc trống đồng Heger loại I có tính bản địa, và ven đôi bờ sông Côn từ rất sớm từng là những trung tâm khai khoáng và luyện kim.

Cũng từ trên đôi bờ sông Côn, một nhà nước cổ đại được hình thành, Nhà nước Champa. Con sông Côn đã chứng kiến một thời phồn thịnh của một quốc gia hùng mạnh. Nơi cuối nguồn của dòng sông trước khi hòa vào biển Đông đã hình thành nên những cảng thị. Chính nơi này trở thành nơi trao đổi giao thương sầm uất giữa Champa với bên ngoài, và cũng chính từ những cửa sông, người Champa đã vươn ra biển khơi, hướng tầm nhìn về đại dương để trao đổi, tiếp nhận văn hóa với bên ngoài - văn hóa Ấn Độ. Những trung tâm chính trị và tôn giáo của người Champa đã ra đời và phát triển trên đôi bờ sông Côn.

Đã qua 400 năm, kể từ khi trở thành vùng đất của Đại Việt, đôi bờ sông Côn vẫn chảy như ngày nào, nhưng dọc theo triền sông, một tầng lớp cư dân của nhiều vùng khác nhau, từ phía Bắc theo chỉ dụ của vua Lê, rồi chúa Nguyễn đưa dân đến khai khẩn và định cư sinh sống, tạo nên làng xóm. Họ mang đến vùng đất mới nhiều nét văn hóa của nhiều vùng quê xứ Bắc, hòa quyện với nền văn hóa của cư dân bản địa, hình thành nên nét văn hóa vùng đất này.

Cũng bởi phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt trong những buổi đầu đến định cư lập nghiệp, sông cũng vì thế, có tính can trường, không chịu khuất phục trước mọi bất công, ngang trái. Dòng sông từng đã cuộn sóng dưới ngọn cờ đại nghĩa, đánh đổ tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn sau 400 năm chia cắt, thống nhất giang sơn, lập nên triều đại Tây Sơn đầy khí phách. Bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, từ các giai đoạn phát triển đỉnh cao đến suy tàn đều có sự chứng kiến của dòng chảy văn hóa này.

Sang thế kỷ XIX, dòng sông Côn một lần nữa lại cuộn sóng. Vùng đất hai bên bờ sông là căn cứ chống Pháp của nghĩa quân Cần Vương dưới sự lãnh đạo của Mai Nguyên soái. Bên dòng sông lịch sử diễn ra buổi lễ tế cờ của nghĩa quân thề quyết sống mái với giặc Pháp. Dòng sông cũng là nơi nuôi dưỡng, nơi che chở cho nghĩa quân và chứng kiến giờ phút đau thương nhất khi phong trào bị đàn áp dã man. Bên bến sông Thượng Giang cũng đã chứng kiến giây phút gặp nhau trong tình phụ tử, giữa cha và con người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ...  

Thế kỷ XX, thế kỷ của chiến tranh cách mạng, suốt 21 năm chiến tranh chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ, đôi bờ dòng sông Côn một lần nữa dang rộng đôi tay che chở, đùm bọc những đoàn quân, những cơ sở kháng chiến cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng năm 1975.

 

Một khu chăn nuôi của người Bahnar bên sông Côn. Ảnh: V.T

 

* Nơi sông trở về

Từ Sa Huỳnh, từ Champa mấy nghìn năm nay những cư dân ven đôi bờ sông Côn là cư dân nông nghiệp. Họ có một đặc điểm là thích nghi với khí hậu và điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh địa hình, đất đai và thời tiết... và gần như đều chọn cây lúa làm cây lương thực chính.

Sử cũ chép, người Chàm trồng hai vụ lúa. Từ tháng 7 đến tháng 10 trồng lúa trắng trên ruộng bạch điền; từ tháng 12 (tháng Chạp) đến tháng 4 trồng lúa đỏ trên ruộng xích điền. Bình Định không có mùa đông, nên việc trồng dâu nuôi tằm - một loài sâu nhiệt đới - có thể tiến hành quanh năm. Đến đầu Công nguyên, sử cũ đã chép đất Nhật Nam (Trung và Nam Trung Bộ) tằm tơ một năm 8 lứa.

Truyền thống dâu tằm tơ là truyền thống lâu đời trên đôi bờ sông Côn. Xưởng dệt nổi tiếng (Délignon) do người Pháp lập nên đã sản xuất ra thành phẩm nổi tiếng một thời, đã xuất khẩu ra nước ngoài, trở thành niềm ước ao chẳng những của biết bao nam thanh nữ tú, mà còn của tầng lớp thượng lưu thời kỳ đó.

Sông Côn vẫn cứ chảy đổ ra biển Đông như từ bao thế kỷ nay. Nó không chỉ là dòng chảy, mà còn là dòng chuyển lưu văn hóa từ miền xuôi lên miền ngược và ngược trở lại, tạo nên nét văn hóa một vùng đất, để trở thành nền văn hóa Sông Côn xưa và nay.

  • Đinh Bá Hòa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đoạn cuối một đời võ  (03/11/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/11/2007)
Long đong những “đứa con cải thiện”  (07/10/2007)
Quyết liệt với cuộc chiến đẩy lùi TNGT  (07/10/2007)
Ngày xưa, nhà tranh vách đất  (07/10/2007)
Triển vọng từ những dự án hậu titan  (07/10/2007)
Cần gắn kết các yếu tố kinh tế và văn hóa  (07/10/2007)
Tăng cường quản lý kiến trúc và xây dựng đô thị ở Quy Nhơn  (07/10/2007)
Lời của con  (07/10/2007)
Cảnh giác với bệnh còi xương trẻ em  (07/10/2007)
Viết trong mùa Trung thu  (07/10/2007)
Về những cổ vật Chăm khai quật tại tháp Dương Long  (07/10/2007)
Thơ  (07/10/2007)
Nhớ Quy Nhơn giữa chiều Attapư  (07/10/2007)
Lan man chuyện đào ngạch  (07/10/2007)