Tiền cổ trên tàu đắm tại cửa biển Hà Ra:
Một sưu tập phong phú, đa dạng
16:33', 3/11/ 2007 (GMT+7)

Thợ lặn tác nghiệp tại địa điểm tàu đắm ở cửa biển Hà Ra.

Tháng 7.2006, Bình Định phát hiện tàu cổ đắm tại Hòn Rùa thuộc cửa biển Hà Ra, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ. Qua hai đợt khảo sát (7.2006 và 8.2007), Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã thu về nhiều cổ vật. Ngoài những đồ gia dụng bằng gốm sứ, còn có một số lượng lớn tiền đồng Trung Quốc. Theo PGS-TS Hoàng Văn Khoán - một trong những chuyên gia đầu ngành về tiền cổ, đây là một sưu tập tiền cổ phong phú về số lượng và đa dạng về kiểu loại.

PGS-TS Hoàng Văn Khoán (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội) trong chuyến điều tra, nghiên cứu các loại tiền cổ lưu giữ ở một số bảo tàng, đã về nghiên cứu tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Sau khi giám định, ông đã chia sưu tập tiền cổ vớt được từ tàu đắm tại cửa Hà Ra làm 48 loại, gồm các loại tiền như: Nguyên Phong thông bảo, Nguyên Hựu thông bảo, Khai Hy thông bảo, Tuyên Phù thông bảo, Tuyên Hòa thông bảo, Thánh Tống nguyên bảo, Hy Ninh nguyên bảo, Thiệu Hưng nguyên bảo, Thiệu Thánh nguyên bảo, Tường Phù nguyên bảo, Càn Nguyên Trọng bảo, Sùng Ninh trọng bảo, Hy Ninh trọng bảo,… Có những loại tiền chia làm nhiều kiểu khác nhau như: Khánh Hưng thông bảo mặt lưng có chữ ngũ, Khánh Hưng thông bảo mặt lưng có chữ nhị; Khai Nguyên thông bảo kiểu chữ triện thư, Khai Nguyên thông bảo kiểu chữ chân thư,…

Sưu tập tiền cổ bằng đồng, đúc dày, chữ sắc nét và rõ ràng, hầu hết là những loại tiền lớn, có đường kính trên dưới 30mm. Đồng có đường kính lớn nhất là đồng Sùng Ninh trọng bảo, kiểu chữ triện, đường kính 34,5mm. Đồng có đường kính nhỏ nhất là đồng Thiên Thánh nguyên bảo, kiểu chữ triện, đường kính 20,9mm. Kiểu chữ trên tiền đồng cũng rất đa dạng: chân thư, khai thư, triện thư, thảo thư. Đặc biệt, có những đồng tiền do chính nhà vua ngự bút như hai loại tiền Đại Quan thông bảo, có đường kính 24,8mm và 30mm do Tống Huy Tông (1107-1110, Trung Quốc) ngự bút. Loại tiền này kỹ thuật đúc rất tốt, vành tiền đều, chữ rất đẹp và sắc sảo nhất.

 

Tiền cổ trên tàu đắm tại cửa biển Hà Ra.

 

Một số loại tiền chiếm tỷ lệ lớn như: Nguyên Phong thông bảo, Nguyên Hựu thông bảo, Hoàng thống thông bảo, Chính Hòa thông bảo. Một số loại tiền khác chỉ có một vài đồng trong sưu tập như: Long Hưng nguyên bảo, Thuần Hựu nguyên bảo, Thuần Hóa nguyên bảo, Thiệu Định thông bảo. Loại có niên đại sớm nhất trong sưu tập là Khai Nguyên thông bảo, thời Đường Cao Tổ (Vũ Cốc, 618-626), kiểu chữ triện và kiểu chữ chân, có đường kính 25mm và 30mm, lưng trơn, đúc năm 621. Loại tiền có niên đại muộn nhất trong sưu tập là Hoàng Tống thông bảo, triều vua Tống Lý Tông, đúc năm 1253, viết kiểu khải thư và triện thư, mặt lưng trơn, đường kính 15,5mm và 25,2mm.

Theo PGS-TS Hoàng Văn Khoán, tiền cổ trên tàu đắm tại cửa Hà Ra hiện lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định là một sưu tập phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và kiểu cách. Đây sẽ là nguồn sử liệu quan trọng, một nguồn sử liệu bằng vật thật, giúp chúng ta tìm hiểu các triều đại xa xưa. Từ đó, sẽ đánh giá được tình hình chính trị, văn hóa, kinh tế và nhất là giao thông hàng hóa giữa các quốc gia thời phong kiến.

  • Nguyễn Thanh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sông Côn: Dòng chuyển lưu văn hóa  (03/11/2007)
Đoạn cuối một đời võ  (03/11/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/11/2007)
Long đong những “đứa con cải thiện”  (07/10/2007)
Quyết liệt với cuộc chiến đẩy lùi TNGT  (07/10/2007)
Ngày xưa, nhà tranh vách đất  (07/10/2007)
Triển vọng từ những dự án hậu titan  (07/10/2007)
Cần gắn kết các yếu tố kinh tế và văn hóa  (07/10/2007)
Tăng cường quản lý kiến trúc và xây dựng đô thị ở Quy Nhơn  (07/10/2007)
Lời của con  (07/10/2007)
Cảnh giác với bệnh còi xương trẻ em  (07/10/2007)
Viết trong mùa Trung thu  (07/10/2007)
Về những cổ vật Chăm khai quật tại tháp Dương Long  (07/10/2007)
Thơ  (07/10/2007)
Nhớ Quy Nhơn giữa chiều Attapư  (07/10/2007)