Xanh một niềm yêu (*)
16:38', 3/11/ 2007 (GMT+7)

Bìa tập thơ “Lặng lẽ xanh”.

“Lặng lẽ xanh” là tập thơ thứ năm của Mai Thìn, kể từ “Cổ tích tình yêu” (1991). Không nhiều, không ít, nếu tính số lượng; nhưng dọc theo chuỗi dài mười mấy năm thơ của Mai Thìn, ta sẽ thấy sự nhất quán về cảm xúc, đề tài và phong cách. Tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu con người được chuyển tải một cách hồn hậu, trong trẻo và kiên trì. Hình ảnh thơ ngày mỗi tinh hơn, khơi gợi hơn, nhờ ngôn ngữ chắt lọc và biết kiềm chế hơn. Một tiến trình tự làm mới mình ngay trên những chất liệu quen thuộc.

Đề tài chiến tranh thì nhiều người viết hay, Mai Thìn - người trưởng thành trong hòa bình - vẫn có cách nhìn riêng, mới và xúc động. Đây là viết trong ngày khánh thành tháp chuông kỷ niệm 35 năm Thành cổ Quảng Trị: “Tiếng mẹ gọi các anh về ăn cháo gọi các anh về gội nước lá xông xoa lên mặt mặn nồng 35 năm xanh ngắt chênh chao như tiếng gọi đò/ dòng Thạch Hãn xuôi bo o ng… o o ng… bờ bãi lơ phơ ngô lất phất lục bình. Hạt phù sa nằm lại hạt phù sa đầu sinh ngun ngút gọi tiếng chuông cõi vắng” (Tiếng chuông trong thành cổ). Thực ra, Mai Thìn không viết về chiến tranh mà là sự biết ơn, tưởng vọng xương máu người lớp trước cho cuộc sống hôm nay. Cũng cảm xúc này, sự hàm ơn này, khi đứng trước mười nghìn ngôi mộ ở Nghĩa trang Trường Sơn: “32 năm mưa vẫn lơi rơi/nhang cứ đỏ lên trời nhoe nhớ/… mặt trận… tháng ngày… quê hương xứ sở tuổi tên…/câu ngắn câu dài/ từng khổ/chậm rãi từng khổ/những ngôi mộ vắt dòng/10 nghìn câu thơ/10 nghìn ô chữ/khảm lên trời/bài thơ bất tử” (Ở Nghĩa trang Trường Sơn). Cả đề tài chất độc da cam, Mai Thìn đã có vầng trăng lạ, cứa lòng: “Ôi con tôi!/một trong 70.000 vành môi không nói nữa/một trong 70.000 đôi mắt không còn mi/một trong 70.000 vầng trăng đã chết/lửng lơ treo trên khắp thế gian” (Bài thơ buồn cho một tình yêu)…

Rất khó nói những lạ và mới của anh từ các hình ảnh thơ: tiếng mẹ gọi các anh về ăn cháo, gội nước lá xông, những ngôi mộ như những dòng thơ … là tìm tòi, là kỹ thuật. Đó là sản phẩm của sự “lên đồng” giữa hiện thực và tâm cảm, mà ý thức không can dự vào. Những hình ảnh thơ này cứ trôi miên man trong không khí thơ toàn bài. Không khí thơ, đó là điều quan trọng!

Quê hương trở đi trở lại trong thơ Mai Thìn những địa danh, những huyền tích, những sản vật và con người suốt ngàn năm các vỉa tầng văn hóa, lãng mạn và khí chất, phong trần và thẳm sâu. Và đây là viết về danh nhân văn hóa Đào Tấn, nhà thơ, nhà soạn Tuồng kiệt xuất: “Vàng mai!/ Vàng mai!/ đá cũng khoác hoàng bào như Đế/tuồng tích cũ qua rồi ai ngỡ/Đào Tấn trở mình/câu hát khách/lay/lay…” (Nơi Đào Tấn yên nghỉ). Đã có bài thơ hay của Bế Kiến Quốc viết về Đào Tấn vậy mà mấy câu thơ của Mai Thìn vẫn bất ngờ đến ám ảnh.

Mảng đồng quê nghìn năm thường gắn với tình yêu trong các tập thơ trước của Mai Thìn, giờ trở lại với những hư thực liên tưởng, làm không gian và thời gian ảo và lung linh hơn: “Em mặc yếm đào/làn nâu/thoảng/cau/trầu/đêm/giã gạo/ trăng/ chiếc gáo/ròng/ ngực đêm/thơm/ tiền kiếp/đường cày ta đi/ví thá/ vắt riệt/miệt mài nhân sinh/lặng lẽ/cháy cuộc/tình/trăng sáng” (Trăng 2). Nguyên bài “Trăng 1” là cuộc giao hoan giữa con người và thiên nhiên. Mai Thìn đang vô thức kế tục cái thiên nhiên siêu thực của Hàn thi sĩ, nhưng anh không bất hạnh như tiền nhân:

“Trăng xuyên vào da thịt em tái sinh ánh sáng

đường cong thẳng đường mềm… những chiếc

rèm đu đưa xoắn xuýt tiếng mèo máng xối  

ngằn ngặt vòng nhau

… những chiếc rèm xinh xinh những chiếc rèm

tâm tưởng cận kề bầu vú em bên má con thơ

thở cũng khẽ việc gì cũng nhẹ thiên đường

thơm rèm cửa nhà mình”

(Thiên đường thơm rèm cửa nhà mình hay là nỗi nhớ)

Xuyên suốt tập thơ là từ khóa “xanh”. Tôi không muốn dùng chữ ẩn ngữ hay nhãn tự gì gì đó, bởi không hẳn đó là chủ ý tác giả. Nhưng “xanh” thật lạ lùng, thường gắn với nỗi đau và tiếc nuối: xanh ngắt chênh chao, căm thù/ngằn ngặt/xanh... và cho dù gắn với tình yêu thì cũng chỉ là: “tôi còn thấy mảnh đất cằn hoang dã run lên mỗi độ xuân về. Tình yêu xanh giấc mơ cuộc chiến hiện về gối chiếc đêm đêm…/tình yêu/rơi/từng giọt/bên đời” (Hoang dã). Dù đau, dù tiếc nuối, tất cả đều được thể hiện bằng sự yêu thương, chia sẻ. Trong veo một tấm lòng.

Vậy đó, Mai Thìn “Lặng lẽ xanh”, kiên trì với một niềm yêu, chắt chiu và trân trọng từng chút đẹp, từng nỗi đau trong đời.

  • Lê Hoài Lương

(*) Đọc tập thơ “Lặng lẽ xanh” của Mai Thìn, NXB Hội Nhà văn, 2007.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một sưu tập phong phú, đa dạng  (03/11/2007)
Sông Côn: Dòng chuyển lưu văn hóa  (03/11/2007)
Đoạn cuối một đời võ  (03/11/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/11/2007)
Long đong những “đứa con cải thiện”  (07/10/2007)
Quyết liệt với cuộc chiến đẩy lùi TNGT  (07/10/2007)
Ngày xưa, nhà tranh vách đất  (07/10/2007)
Triển vọng từ những dự án hậu titan  (07/10/2007)
Cần gắn kết các yếu tố kinh tế và văn hóa  (07/10/2007)
Tăng cường quản lý kiến trúc và xây dựng đô thị ở Quy Nhơn  (07/10/2007)
Lời của con  (07/10/2007)
Cảnh giác với bệnh còi xương trẻ em  (07/10/2007)
Viết trong mùa Trung thu  (07/10/2007)
Về những cổ vật Chăm khai quật tại tháp Dương Long  (07/10/2007)
Thơ  (07/10/2007)