Chuyện giáo Chương sản xuất giống
18:1', 3/11/ 2007 (GMT+7)

Trò chuyện với ông Nguyễn Đình Chương, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Nông (thôn Tiên Hòa, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn), thỉnh thoảng, lại thấy đối tác, hay khách hàng, gọi ông bằng thầy, tôi hơi ngạc nhiên. Hỏi mới biết, ngày xưa ông từng là một nhà giáo. Và câu chuyện với ông giáo Chương sản xuất giống được bắt đầu từ thương hiệu công ty: Thuận Nông…

 

Ông Nguyễn Đình Chương (ngồi bên phải) và các cộng sự. Ảnh: V.T

 

* Thuận Nông: trước hết là thuận lòng người

* Đặt tên Công ty là Thuận Nông, ông muốn gửi vào đó điều gì, thưa ông?

- Đó là từ triết lý thiên - địa - nhân hợp nhất của Dịch học phương Đông. Nhưng muốn hợp nhất thì phải thuận. “Mưa thuận gió hòa” là một lẽ, lẽ khác là thuận lòng người. Bởi một nền nông nghiệp muốn phát triển bền vững, thì ngoài việc phải hòa cùng thiên nhiên, bản thân những người nông dân, những người làm nông nghiệp cũng phải biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.

Tháng 3.2007, Thuận Nông đưa vào trồng thử nghiệm ở huyện An Nhơn giống dưa leo CS758 nhập từ Thái Lan. Kết quả thử nghiệm cho thấy, giống dưa leo CS758 cho thu hoạch sau 38 ngày trồng, sản lượng đạt trên 3 tấn quả/sào. Sau hai tháng, trừ chi phí đầu tư, người trồng dưa thực lãi 5,8 triệu đồng/sào. Tháng 6.2007, Thuận Nông phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Nhơn, Trạm Khuyến nông An Nhơn và Công ty Giống cây trồng Nông Hữu, tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình sản xuất giống dưa lê Phụng Tiên. Năng suất dưa đạt 231 tạ/ha, giá bán 6.000đ/kg, lãi trên 78 triệu đồng/ha. Còn về giống lúa, mới đây, Thuận Nông đã làm cầu nối, đưa giống lúa lai B-TE1 vào sản xuất thử tại hai huyện Tuy Phước và An Nhơn với quy mô 10 ha (trong tổng số 19 ha sản xuất thử giống lúa lai này từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận). Giống lúa lai
B-TE1 thể hiện khả năng đẻ nhánh mạnh, lượng giống gieo tối đa 40kg/ha, lúa trỗ tập trung, có tiềm năng năng suất cao, thâm canh đạt 70-90 tạ/ha, chất lượng gạo ngon, mùi thơm nhẹ, chống chịu sâu bệnh tốt…

Tôi nói vui, rằng cách làm của Thuận Nông có phần giống “khuyến nông”. Ông Chương cười, nói: “Đó cũng là một con đường nhằm gầy dựng niềm tin với bà con nông dân”. Rồi ông tâm sự thêm:

- Điều căn bản là tạo niềm tin của bà con. Bà con tin, bởi trước hết, Thuận Nông là một trong những đơn vị sản xuất giống trong hệ thống sản xuất giống chính thống, đã được Trung tâm Khảo và Kiểm nghiệm Giống, Sản phẩm Cây trồng và Phân bón Quốc gia công nhận là đơn vị sản xuất giống đạt tiêu chuẩn ngành. Niềm tin đó còn bởi bà con tận mắt thấy cách làm giống của Thuận Nông là đi theo quy trình nghiêm ngặt. Trong đó, một giống lúa được sản xuất, phải qua quy trình khử lẫn đến ba lần. Cho nên, hồi đầu mới tham gia làm giống, có người sản xuất giống than: Thuận Nông làm giống kỹ quá, phiền quá. Nhưng sau đó, khi tuốt lúa giống, do sơ suất, anh em đem chiếc máy tuốt chưa làm sạch đến, thì chính người đó lại phản đối và nói: “Người ta đã cất công làm giống kỹ như vầy, mà máy tuốt lại không làm sạch”. Nói vậy để thấy, trong lòng bà con mình luôn muốn có những đơn vị làm ăn chân chính. Tất nhiên là con đường để xác lập uy tín, thương hiệu luôn rất gian nan mà đến nay, chúng tôi vẫn tự xác định là mình mới bước được những bước đầu tiên trên con đường này.

* “HTX không xã viên”

Ông Chương tự nói về Công ty mình như vậy. Bởi theo ông, công việc của Thuận Nông hiện nay xem ra cũng chẳng khác mấy một HTX, tức là sản xuất giống cây trồng; mua bán vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...).

* Vậy cái khác của Thuận Nông với một HTX là ở chỗ…?

- Khác trước tiên là Thuận Nông là một “HTX” không có xã viên, không có một mảnh ruộng nào. Vậy thì lấy đâu ra đất, ra xã viên để sản xuất giống? Chúng tôi giải quyết cái khó đó bằng cách hình thành các nhóm hộ nông dân sản xuất giống và sắp tới, đang xây dựng đề án thành lập CLB sản xuất giống. Mục tiêu là quy tụ những anh em có tâm huyết với ngành nông nghiệp lại. Tiêu chuẩn tham gia là những hộ có điều kiện sản xuất nông nghiệp, có máy móc, thiết bị, có diện tích ruộng, có trình độ nông nghiệp tương đối tốt. Một may mắn với Thuận Nông là năm 2003, tỉnh có triển khai chương trình giống nông hộ. Khi kết thúc vào năm 2006, có hàng ngàn hộ nông dân được huấn luyện, tập huấn về làm giống. Chúng tôi kế thừa kết quả này bằng cách tập hợp một số hộ thành từng nhóm hộ, lấy đây làm đầu mối để sản xuất giống. Đến nay, Thuận Nông đã có trên 10 nhóm nông hộ với hàng trăm hộ tham gia sản xuất giống. Nhờ vậy, Công ty có những người sản xuất giống ổn định, có trách nhiệm; mà bản thân các hộ cũng được Công ty tạo điều kiện trong việc tiếp thu giống mới, tiến bộ khoa học - kỹ thuật tốt hơn và giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Cái khác nữa là Thuận Nông có định hướng phát triển rõ ràng và định hướng ấy luôn hướng đến nông dân. Chẳng hạn, lâu nay vòng luẩn quẩn của bà con nông dân mình là do chỉ thấy cái lợi trước mắt, nên cái gì giá lên là lao vào sản xuất; đến khi sản xuất đạt, lại khó khăn về thị trường. Do đó, Thuận Nông phải góp phần xác định cho bà con: sản xuất cái gì, để vừa có năng suất, chất lượng cao; vừa đảm bảo về thị trường. Qua thông tin, khi nhận thấy có những loại cây trồng nào có hiệu quả, có đầu ra, Công ty sẽ định hướng và xây dựng mô hình trình diễn để bà con tin. Cây ớt là một ví dụ. Hiện nay, nhu cầu thu mua ớt xuất khẩu đang rất cao. Trong đó, cây ớt vụ Đông rất có giá, một sào thu hoạch cũng kiếm bạc triệu. Tuy nhiên, lâu nay, bà con không trồng được do thời tiết. Hiện nay, chúng tôi đang thử nghiệm trồng ớt vụ Đông, có phủ bạt ni lông để hạn chế cỏ dại, tránh rửa trôi phân bón, giảm sâu bệnh; có hệ thống chống ngập úng và biện pháp chống cây gãy đổ. Bên cạnh đó, sẽ có những mô hình sản xuất ra những sản phẩm, tuy không xuất khẩu, nhưng đáp ứng được một phần nhu cầu dinh dưỡng của xã hội như trồng đu đủ chẳng hạn.

Nhưng đó vẫn là chuyện của tương lai gần. Còn trong tương lai xa, khi Khu Kinh tế Nhơn Hội phát triển, đời sống đi lên, chắc chắn nhu cầu rau quả sẽ tăng, vậy thì phải chuẩn bị trước. Do đó, chúng tôi đưa ra mô hình rau hoa quả chất lượng cao như trồng dưa lê Phụng Tiên, đu đủ, trồng hoa cúc…

 

Ông Nguyễn Đình Chương (bên phải) trong vườn thực nghiệm trồng ớt vụ Đông của Công ty TNHH Thuận Nông. Ảnh: V.T

 

* “Tận nhân tri thiên mạng”

* Đang làm nghề giáo, vì sao ông lại chuyển hướng vào một lĩnh vực xa lạ là sản xuất giống?

- Trước tôi là giáo viên dạy toán cấp II, một thời gian làm Hiệu trưởng Trường PTCS thị trấn Bình Định, rồi về công tác ở Phòng Giáo dục huyện. Đến năm 1992 thì nghỉ, chuyển sang hướng kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp, rồi sản xuất giống. Tôi cứ nghĩ thế này, mỗi người đã chọn một cuộc sống, thì trước hết phải sống hết mình, làm hết khả năng; còn nếu khả năng của mình chỉ đến đó thì mới đành chịu. Ông cha mình từng nói: “Tận nhân tri thiên mạng” là vậy, không làm hết mình, làm sao biết được mạng mình đến đâu. Có khi, nói chuyện với thằng con trai, nó tâm sự: “Ba phấn đấu quá rồi cũng về với gốc rạ”. Tôi nói: “Gốc rạ thì cũng tốt chứ sao. Có điều, gốc rạ thì phải ra hồn gốc rạ”.

* Khát vọng và trăn trở của ông hiện tại là…?

- Khát vọng lớn nhất là sẽ góp phần tạo ra được những ông chủ trong nghề nông trong tương lai. Nói chung là tôi rất trân trọng những người nông dân làm giàu ngay từ mảnh vườn, mảnh ruộng trên quê hương mình.

Chúng tôi đã xác định, rằng trong tương lai, việc sản xuất giống phải trở thành chuyên nghiệp. Tất nhiên, lao vào làm thì sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng chúng tôi đã rất quyết tâm và tin tưởng vào khả năng, cách làm của mình. Còn trăn trở ư? Nhiều lắm. Trong đó, trăn trở lớn nhất của tôi hiện tại là nâng cao đời sống cho anh em trong công ty. Còn khó khăn nhất hiện nay với Thuận Nông là vốn. Hiện nay, trên lĩnh vực nông nghiệp, có nguồn vốn ODA của Đan Mạch cho vay, với lãi suất khá thấp, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn lại khó khăn. Một vấn đề khác là về cơ chế.

* Xin cảm ơn ông!

  • Lê Viết Thọ (Thực hiện)

Ông Nguyễn Đình Chương sinh năm 1947, tại An Nhơn. Từ năm 1975 đến năm 1992: công tác trong ngành giáo dục của huyện. Sau đó, có 10 năm mở đại lý cho Công ty TNHH Thiên Nông. Năm 2005, ông Chương chính thức thành lập Công ty TNHH Thuận Nông, một trong hai công ty TNHH sản xuất giống hiện nay ở Bình Định.

Hiện tại, Thuận Nông có 21 lao động hợp đồng và hàng chục lao động thời vụ; cùng 10 nhóm nông hộ sản xuất giống. Mỗi vụ, Thuận Nông sản xuất và bán gần 300 tấn giống các loại như giống lúa DB6, DV108, TBR-1…; bán các giống dưa hấu, khổ qua, rau muống, cải xanh... Sắp tới, sẽ cung cấp thêm các giống lúa như  B-TE1…

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nẫu ơi, thương lắm !  (03/11/2007)
Từ rượu chè thành kẻ cướp  (03/11/2007)
Xanh một niềm yêu (*)  (03/11/2007)
Một sưu tập phong phú, đa dạng  (03/11/2007)
Sông Côn: Dòng chuyển lưu văn hóa  (03/11/2007)
Đoạn cuối một đời võ  (03/11/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/11/2007)
Long đong những “đứa con cải thiện”  (07/10/2007)
Quyết liệt với cuộc chiến đẩy lùi TNGT  (07/10/2007)
Ngày xưa, nhà tranh vách đất  (07/10/2007)
Triển vọng từ những dự án hậu titan  (07/10/2007)
Cần gắn kết các yếu tố kinh tế và văn hóa  (07/10/2007)
Tăng cường quản lý kiến trúc và xây dựng đô thị ở Quy Nhơn  (07/10/2007)
Lời của con  (07/10/2007)
Cảnh giác với bệnh còi xương trẻ em  (07/10/2007)