An Lão với cuộc đấu tranh xóa bỏ những tập quán ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng
18:22', 3/11/ 2007 (GMT+7)

Trong những năm gần đây, huyện An Lão đã tổ chức thực hiện mạnh mẽ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, 100% số thôn làng đều xây dựng quy ước, hương ước, ký cam kết thực hiện xây dựng quê hương giàu đẹp, có nếp sống văn minh, lành mạnh. Tuy nhiên, trên bước đường phát triển, trong nỗ lực nâng cao chất lượng sống, An Lão còn vấp nhiều trở lực.

 

Một góc bản làng ngày nay của người Hre ở thôn 3, xã An Nghĩa, huyện An Lão.

 

Huyện An Lão có 10 xã, thị trấn với gần 26 ngàn nhân khẩu thì tại 39 thôn thuộc 8 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó gồm 8.014 người Hre, 948 người Ba na. Mỗi dân tộc có những tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống riêng biệt, song phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số ở An Lão có nguồn gốc lịch sử lâu đời, gắn bó mật thiết với bản làng, tộc họ, mang tính cộng đồng cao. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, người Hre, Ba na ở An Lão son sắt một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, bám trụ quê hương “một tấc không đi, một ly không rời”, là địa phương được giải phóng sớm nhất tỉnh Bình Định (7.12.1964)… Ngày nay, người Hre, Ba na ở An Lão đang cùng với nhân dân cả nước chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đặc biệt là nỗ lực thực hiện thắng lợi cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tuy vậy, trong hành trình đấu tranh loại bỏ những tập quán lạc hậu, những thói quen xấu trong đời sống cộng đồng để xây dựng cuộc sống mới văn minh, ấm no, hạnh phúc, ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện An Lão vẫn tồn tại một số tập quán, thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khỏe mỗi người dân và cộng đồng, cần xóa bỏ.

Trước hết phải nói đến tập quán sống quần cư. Xuất phát từ lối sống du canh du cư ngày xưa, cứ sau vài mùa rẫy dân làng lại rủ nhau đi tìm cái rẫy mới có đất tốt để sản xuất; và, để chống chọi với thú dữ, dân làng lại cất nhà sàn san sát nhau để sinh sống. Ngày nay lối sống này vẫn còn duy trì trong mỗi bản làng ở An Lão. Thế nhưng, do chưa nâng cao được ý thức giữ gìn vệ sinh chung nên mạnh nhà ai nấy xả nước bẩn, vứt rác thải xuống gầm nhà sàn, tạo điều kiện cho mầm mống dịch bệnh phát triển. Một khi bệnh tật xuất hiện thì dễ lây lan thành dịch bởi các hộ sống quá gần nhau nhưng ít am hiểu về biện pháp phòng bệnh. Thêm nữa, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông đã trở thành một tập quán lâu đời của người dân miền núi. Ngày nay, tại một số bản làng ở An Lão, đồng bào chăn nuôi đã có chuồng trại, tuy nhiên việc chăn nuôi gia súc thả rông vẫn tồn tại, phân gia súc, gia cầm rơi vãi khắp bản làng bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường sống. Đặc biệt là gia súc thường được bà con thả rông quanh năm, suốt tháng trên những đồi núi đầu nguồn con nước nên chỉ cần một cơn mưa giông đổ xuống thì lập tức bao nhiêu phân, rác sẽ cuốn theo dòng nước chảy ra suối, mà con suối là nguồn nước hàng ngày dân làng dùng để ăn uống và sinh hoạt, thì bệnh tật xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Nguy hiểm hơn, ở mỗi bản làng người dân tộc thiểu số thường thiết lập một khu “rừng ma” để chôn người chết. Người Hre, Ba na ở An Lão có quan niệm “người sống sao thì người chết cũng vậy” nên họ thường chọn vị trí “rừng ma” cạnh bờ sông, bờ suối để người chết có nước mà sinh hoạt. Thế là xác chết lâu ngày thối rữa ngấm vào lòng đất theo mạch nước ra sông, ra suối và rồi người dân miền núi lại dùng cái thứ nước đó trong sinh hoạt hàng ngày. Và, chỉ riêng về chuyện “uống” thôi của người Hre, Ba na ở An Lão cũng còn nhiều điều đáng nói. Đó là do thói quen, khi lên rừng, lên rẫy mọi người đều vô tư sử dụng nước lã ngay tại sông, suối để uống mà không cần phải đun nấu, thế là bao nhiêu con vi khuẩn, vi trùng theo đó gieo rắc mầm bệnh khó lường. Còn việc uống rượu đã trở thành phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người ta có thể uống rượu bất cứ lúc nào và uống ít có điểm dừng, khi nào say (vùh) mới thôi. Ngay những đứa trẻ khi còn địu trên lưng đã được người lớn thoa lên môi một tí rượu “làm phép” trước khi mọi người chính thức hòa nhập vào cuộc rượu. Có lẽ vì vậy mà hầu hết người dân tộc thiểu số ở An Lão đều biết uống rượu, họ uống rượu vô tư mà chẳng cần hiểu rượu là thứ có hại cho sức khỏe.

Một khi đã mang bệnh vào người, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số ở An Lão vẫn còn giữ cái tục giết mổ súc vật cúng tế “thần linh” để xua đuổi bệnh tật trước khi đưa bệnh nhân đến trạm xá hay bệnh viện để điều trị. Đây là một phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan, gây lãng phí tiền của và rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh vì không được điều trị kịp thời… Bác sĩ Dương Văn Tiếp, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Lão, cho biết: “Hàng năm người dân miền núi, vùng cao ở địa phương mắc các bệnh về đường ruột, hô hấp, tim mạch và kể cả ung thư chiếm tỷ lệ khá cao. Phần lớn nguyên nhân đều xuất phát từ những tập quán, thói quen lạc hậu còn tồn tại trong đời sống sinh hoạt của dân làng, đã ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi người”.

Việc đấu tranh loại bỏ những tập quán, thói quen lạc hậu để xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp phù hợp với truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc là một hành trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của mỗi người dân địa phương. Hiện nay huyện An Lão đã và đang phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để loại bỏ những tập quán, thói quen còn tồn tại trong đời sống cộng đồng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân miền núi.

  • Hoàng Nam Quốc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cho thuê xe tự lái ở Quy Nhơn  (03/11/2007)
Bệnh nàng, chàng cũng phải điều trị  (03/11/2007)
Nghe nhạc trên net  (03/11/2007)
Thơ  (03/11/2007)
Như gió như sương  (03/11/2007)
Chuyện giáo Chương sản xuất giống  (03/11/2007)
Nẫu ơi, thương lắm !  (03/11/2007)
Từ rượu chè thành kẻ cướp  (03/11/2007)
Xanh một niềm yêu (*)  (03/11/2007)
Một sưu tập phong phú, đa dạng  (03/11/2007)
Sông Côn: Dòng chuyển lưu văn hóa  (03/11/2007)
Đoạn cuối một đời võ  (03/11/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/11/2007)
Long đong những “đứa con cải thiện”  (07/10/2007)
Quyết liệt với cuộc chiến đẩy lùi TNGT  (07/10/2007)