“Bà cô bên chồng”
18:28', 3/11/ 2007 (GMT+7)

Theo ví von của người xưa thì một trong những khó khăn của người phụ nữ khi đi làm dâu là phải đối phó với các cô em chồng - vốn được cho là còn khó hơn cả “giặc bên Ngô”. Vậy có cách nào để dung hòa được mối quan hệ này?

 

(Ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: S.T

 

* “Giặc bên Ngô”?

Chuyện xảy ra vài năm trước, của một gia đình sống ở đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn). Anh là con trai một, trên và dưới anh là 6 chị, em gái. Tất cả đều chưa chồng. Vì thế, khi về làm dâu, chị Minh không khỏi “ngán” khi phải sống chung với nhiều “bà cô bên chồng” như vậy. Và điều chị lo ngại đã đến. Các cô em chồng chị thường nạnh nhau từ việc nhỏ đến việc lớn, cãi nhau chí chóe, lại còn cạnh khóe nói xấu chị dâu. Hầu như chị Minh phải “bao” hết công việc trong nhà, ấy vậy mà cũng không yên thân với mấy cô em chồng. Chồng chị thì không nỡ nặng lời với mấy cô em. Những lời than thở của chị với chồng về các “bà cô” cũng chỉ là để nói, vậy là thêm chuyện vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt.

Chị tìm đến người bạn giãi bày, với suy nghĩ về một lối thoát duy nhất là ly hôn. Người bạn, vốn cũng có chút ít kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý, phán ngay: “Vấn đề không nằm ở chuyện vợ chồng mà là giữa chị dâu với các cô em chồng. Sao không ở riêng cho khỏe? Chưa mua được nhà thì thuê, mấy trăm ngàn một tháng để đổi lấy tự do, quá rẻ!”. Mới đầu, chồng chị không muốn ở riêng, vì sợ cha mẹ buồn, nhưng cuối cùng anh cũng xiêu theo lời thuyết phục của chị. Bây giờ, sau mấy năm ở riêng, vợ chồng chị đã mua được nhà. Và không chỉ riêng bản thân chị mà cả chồng và cha mẹ chồng chị đều cho rằng quyết định đó là đúng.

Không may mắn như chị Minh là trường hợp Diễm, một cô gái quê Tuy Phước, xuống Quy Nhơn làm dâu một gia đình buôn bán khá giả theo lời mai mối. Chồng Diễm chỉ có một cô em gái, mà theo nhận xét của nhiều người hàng xóm thì còn hơn cả “giặc bên Ngô”. Sẵn tính kênh kiệu, khó tính, lại thấy chị dâu người ở quê, học hành ít, cô em chồng tỏ thái độ khinh Diễm ra mặt. Cô ta không bao giờ gọi Diễm bằng chị, nói chuyện với chị dâu không thèm nhìn mặt, và lúc nào cũng khinh khỉnh với Diễm. Cha mẹ chồng và chồng Diễm đều thấy điều đó nhưng cho là chuyện chẳng có gì. Qua hai năm, cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, cộng vào đó là cảm giác tủi nhục, bất công khi phải sống trong một gia đình giàu có nhưng thiếu thốn tình cảm, Diễm nói lời chia tay với chồng và về lại quê Tuy Phước làm ruộng với cha mẹ.

Ngoài ra, cũng có một số trường hợp các cô em chồng chưa đến nỗi nào nhưng cũng ít nhiều làm chị dâu khó chịu như hay chê bai, thích “sửa lưng” chị dâu, can thiệp quá sâu vào chuyện gia đình anh trai mình…

* Hướng giải quyết

Theo nhận định của các nhà xã hội học, so với thời trước, mâu thuẫn chị dâu - em chồng ngày nay cũng không quá phức tạp và nhiều bởi lối sống hiện đại, phóng khoáng và mô hình gia đình hạt nhân đang phổ biến. Dù vậy, nếu vào các trang web hôn nhân gia đình, có thể thấy những tâm sự, giãi bày của các bà vợ về em chồng cũng chiếm một phần trong số những vấn đề gặp phải ở gia đình. Nguyên nhân mâu thuẫn chủ yếu là do tính tình khác biệt, chị em dâu không có điều kiện hiểu nhau, dĩ nhiên trong số đó cũng có những cô em chồng quá quắt, đành hanh, nhưng không nhiều.

Kinh nghiệm của một số người trong cuộc cho thấy, trước mắt, người vợ hãy khéo léo lựa lời nói với cha mẹ chồng về những khúc mắc giữa mình với em chồng, nhờ cha mẹ giúp đỡ. Mặt khác, người vợ cũng nên nói chuyện tình cảm với em chồng để tìm sự đồng cảm giữa hai bên.

Và ngoài hai nhân vật chính thì người đóng vai trò quan trọng thứ hai góp phần hóa giải những khúc mắc trong mối quan hệ này chính là người chồng. Đầu tiên, người chồng nên quan sát vợ mình và em gái để tìm hiểu xem họ nhìn nhận mình thế nào, từ đó, trên cơ sở xem xét và hiểu kỹ vấn đề để chỉ ra những điều đúng, điều sai của cả hai chị em. Điều cần làm là tránh đưa ra những nhận xét, hành động có thể khiến vợ hoặc em gái mình nghĩ là anh ta đang quá nghiêng về phía bên kia. Người chồng cũng nên tạo nhiều hoạt động có sự tham gia của hai chị em để giúp họ gần gũi và hiểu nhau hơn.

Sống chung trong một gia đình như vậy, theo các nhà tâm lý, điểm mấu chốt vẫn là tất cả các thành viên cần có ý thức tự nhìn nhận lại mình, biết dung hòa những cái ưu, cái khuyết của bản thân cho phù hợp với mọi thành viên trong gia đình.

  • Nguyễn Bích
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
An Lão với cuộc đấu tranh xóa bỏ những tập quán ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng  (03/11/2007)
Cho thuê xe tự lái ở Quy Nhơn  (03/11/2007)
Bệnh nàng, chàng cũng phải điều trị  (03/11/2007)
Nghe nhạc trên net  (03/11/2007)
Thơ  (03/11/2007)
Như gió như sương  (03/11/2007)
Chuyện giáo Chương sản xuất giống  (03/11/2007)
Nẫu ơi, thương lắm !  (03/11/2007)
Từ rượu chè thành kẻ cướp  (03/11/2007)
Xanh một niềm yêu (*)  (03/11/2007)
Một sưu tập phong phú, đa dạng  (03/11/2007)
Sông Côn: Dòng chuyển lưu văn hóa  (03/11/2007)
Đoạn cuối một đời võ  (03/11/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/11/2007)
Long đong những “đứa con cải thiện”  (07/10/2007)