HÀNH TRÌNH HỢP TÁC, ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN:
Hiệu quả và triển vọng
19:32', 3/11/ 2007 (GMT+7)

5 năm gần đây, chương trình hợp tác, đầu tư phát triển của tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực. Quá trình hợp tác với các địa phương trong nước và các đối tác nước ngoài, đầu tư trong nước và nước ngoài vào Bình Định đã góp phần thiết thực trong công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh, tạo ra thế và lực mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

 

Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp A - Khu kinh tế Nhơn Hội.

 

* Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế

Thời gian qua, tỉnh ta ưu tiên và coi trọng hợp tác trong nước và hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, bổ sung và phối hợp từ bên ngoài bên cạnh việc phát huy nội lực để phát triển KT-XH. Trong 5 năm qua, đã có nhiều dự án ODA được triển khai trong các lĩnh vực xây dựng hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, vệ sinh môi trường, hạ tầng nông thôn, giao thông, thủy lợi, chăm sóc sức khỏe…, góp phần đáng kể vào việc nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng KT-XH của tỉnh. Tổng vốn ODA thực hiện trong giai đoạn 2003 - 2007 ước đạt gần 50 triệu USD, ngoài ra tỉnh ta đã đóng góp vốn đối ứng hàng trăm tỉ đồng… Hiện nay, nhiều dự án ODA vẫn đang tiếp tục được thực hiện.

Cùng với việc tranh thủ sự giúp đỡ từ quốc tế, việc hợp tác song phương, đa phương với các tỉnh, thành phố trong nước và triển khai hợp tác ra nước ngoài cũng được tỉnh ta thực hiện theo hướng tích cực, chủ động và thiết thực. Nét mới trong quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước là: nhằm phối hợp khai thác, phát huy thế mạnh của từng địa phương và cả vùng; bổ khuyết cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau, cùng chung tiếng nói trong xây dựng quy hoạch, kiến nghị với Trung ương về các giải pháp, dự án liên vùng; phân công lao động và các nguồn lực hợp lý để tránh trùng lắp, gây khó cho nhau trong phát triển KT-XH; đồng thời thực hiện các dự án đầu tư cụ thể theo nhu cầu và khả năng của mỗi địa phương.

Với tinh thần hợp tác như vậy, tư tưởng cục bộ địa phương đã bị đẩy lùi để cùng hướng tới tương lai bằng cái nhìn đầy chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm. Với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bình Định tranh thủ sự hỗ trợ về kinh nghiệm quy hoạch, quản lý, đào tạo và nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật, cùng các nguồn đầu tư từ các DN có tiềm lực lớn. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh với điều kiện riêng của mình đã cùng Bình Định triển khai nhiều chương trình, dự án cụ thể, chẳng hạn như hợp tác tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội chợ Techmart, Hội chợ đồ gỗ, phối hợp xúc tiến đầu tư, triển khai các dự án Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, Khu du lịch Ghềnh Ráng, Công ty CP Bia Sài Gòn Quy Nhơn, đầu tư toàn bộ hạ tầng Khu Công nghiệp A trong Khu Kinh tế Nhơn Hội (KKTNH), thành lập Công ty CP Sài Gòn - Nhơn Hội…

Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế cũng như quan hệ đặc biệt Việt - Lào hiện nay, việc hợp tác và giúp đỡ các bạn Lào vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi của Bình Định và các tỉnh, thành phố ở nước ta. Có thể nói việc hợp tác giữa Bình Định và 4 tỉnh Nam Lào hiện nay đã được nâng lên một tầm cao mới, không phải hợp tác chung chung hoặc chỉ hữu nghị thuần túy mà đã đi vào những chương trình, dự án cụ thể, thiết thực, nhất là sau khi tuyến đường 18B nối thông các tỉnh Nam Lào với Ubon (Thái Lan) ở phía Tây và Quy Nhơn ở phía Đông. Các chuyến công tác tại Lào của đoàn cấp cao tỉnh Bình Định từ năm 2005 đến nay đã khai thông con đường hợp tác, đầu tư, thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ hai chiều, thể hiện nhãn quan chiến lược của lãnh đạo tỉnh chuẩn bị cho sự phát triển của KKT Nhơn Hội và tỉnh Bình Định trong giai đoạn trước mắt và cả tương lai, khẳng định vị thế mới của tỉnh, đồng thời trực tiếp và gián tiếp tác động giúp các tỉnh bạn Lào tích cực và năng động hơn trong hội nhập và phát triển. Các dự án mà các DN Bình Định đầu tư tại Lào trong 4 năm qua đã xấp xỉ 10 triệu USD và sẽ còn tăng lên nhiều trong các năm tới.

 

Các công trình hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ.

 

* Mở rộng đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài

Trong 5 năm qua, Bình Định đã huy động vốn đầu tư trên địa bàn đạt bình quân khoảng trên 40% GDP để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, thương mại - du lịch, văn hóa - xã hội với tổng số vốn đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng. Có thể kể ra đây các công trình lớn như:

Đường Quy Nhơn - Sông Cầu; cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội; tuyến đường ven biển Quy Nhơn - Tam Quan;  Quốc lộ 19 (chuẩn bị đầu tư mở rộng đoạn Quy Nhơn - An Khê); hồ chứa nước Định Bình; cải tạo lưới điện đô thị do Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Điển (SIDA) tài trợ; nhà máy Phong điện Phương Mai; nâng cấp Nhà máy nước Quy Nhơn (từ 20.000m3/ngày đêm lên 45.000m3/ngày đêm); Trung tâm Thương mại Quy Nhơn; một số dự án khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 3 - 4 sao; nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 600 giường. Đặc biệt là dự án cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội hoàn thành cuối năm 2006 đã mở ra một không gian phát triển mới cho TP Quy Nhơn và tỉnh Bình Định…

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến nay toàn tỉnh có hơn 20 dự án với tổng vốn đăng ký gần 500 triệu USD. Xét về số dự án và tổng vốn đăng ký đã cấp phép thì tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Mặc dù đầu tư trong nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, nhưng không thể không quan tâm đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, bởi đầu tư nước ngoài đem đến không chỉ vốn bằng tiền hay máy móc, thiết bị mà còn cả công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý và phong cách, lề lối làm việc hiện đại.

Chính vì vậy, thời gian qua Bình Định đã đặc biệt quan tâm thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, chủ động đưa hình ảnh của tỉnh ra thế giới bằng con đường trực tiếp cũng như thông qua các ấn phẩm và qua mạng internet. Thực tế đã ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của nhiều cấp, nhiều ngành, với sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan Trung ương, trong việc quy hoạch, xây dựng hạ tầng, quảng bá hình ảnh của tỉnh và chuẩn bị các điều kiện cho mời gọi đầu tư để có được một Bình Định đang nổi lên như là một trong những tỉnh, thành phố năng động, có môi trường đầu tư và kinh doanh hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và doanh nhân khắp thế giới (năm 2006 Bình Định được xếp thứ 3/64 về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh). Đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký đầu tư với tổng vốn trên 3 tỉ USD vào KKTNH và tỉnh Bình Định.

Theo tiến sĩ Man Ngọc Lý, Trưởng Ban quản lý KKTNH, trong năm 2007 Ban đã và sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án đầu tư vào KKTNH, nâng tổng số dự án được cấp phép lên 15 với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 12.000 tỉû đồng. Đến nay đã có 5 dự án trong số này đã bắt đầu được khởi động.

Thời cơ và vận hội mới trong hợp tác đầu tư của tỉnh đã mở ra, đi cùng đó là những thách thức không nhỏ. Việc tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hoàn chỉnh hạ tầng, tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và chuẩn bị đội ngũ cán bộ đủ tâm và tầm cho hợp tác và đầu tư phát triển hiện vẫn còn đang ở phía trước.

  • Cát Hùng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Bà cô bên chồng”  (03/11/2007)
An Lão với cuộc đấu tranh xóa bỏ những tập quán ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng  (03/11/2007)
Cho thuê xe tự lái ở Quy Nhơn  (03/11/2007)
Bệnh nàng, chàng cũng phải điều trị  (03/11/2007)
Nghe nhạc trên net  (03/11/2007)
Thơ  (03/11/2007)
Như gió như sương  (03/11/2007)
Chuyện giáo Chương sản xuất giống  (03/11/2007)
Nẫu ơi, thương lắm !  (03/11/2007)
Từ rượu chè thành kẻ cướp  (03/11/2007)
Xanh một niềm yêu (*)  (03/11/2007)
Một sưu tập phong phú, đa dạng  (03/11/2007)
Sông Côn: Dòng chuyển lưu văn hóa  (03/11/2007)
Đoạn cuối một đời võ  (03/11/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/11/2007)