Trong thời gian gần đây, tại địa bàn các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn đã xảy ra tình trạng lâm tặc chặt phá, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép với quy mô lớn. Trong khi đó, ở các huyện Vân Canh, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn, nhiều người dân đổ xô đi chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế, gây dư luận bất bình trong nhân dân.
|
Rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Văn Khánh Đức thuộc xã Hoài Đức (Hoài Nhơn) bị người dân phát đốt trái phép.
|
* Diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển các loại gỗ quý hiếm (đặc biệt là gỗ sưa, trắc) diễn ra rất nghiêm trọng, đặc biệt là tại địa bàn các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão giáp ranh với huyện K’Bang (Gia Lai).
Theo ông Nguyễn Hiếu Hòa, Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh: Tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hảo thuộc huyện Vĩnh Thạnh, hàng ngày thường xuyên có từ 20-30 đối tượng chuyên nghiệp ở các địa phương lân cận đến các bản làng nhằm lôi kéo, cấu kết với người dân địa phương để khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép. Từ tháng 6.2007 đến nay, tại các địa phương này thường xuyên có hàng trăm lâm tặc hoạt động với quy mô lớn, với tính chất phức tạp và nhiều thủ đoạn tinh vi. Khi vận chuyển gỗ lậu, phát hiện có lực lượng KL thì chúng rất liều lĩnh, chạy xe với tốc độ cao, hoặc vứt gỗ xuống đường để cản trở và gây nguy hiểm cho lực lượng truy đuổi.
Cũng theo Chi cục KL, trong khi lực lượng KL huyện Vĩnh Thạnh tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, truy quét ráo riết thì lâm tặc lại “mở đường mới” sang địa bàn xã An Toàn vận chuyển gỗ về An Hòa (An Lão). Sau đó, theo tuyến tỉnh lộ 629 để vận chuyển gỗ ra khỏi địa bàn; hoặc tập trung tại xã Bok Tới, Đakmang (Hoài Ân) rồi tìm cách đưa gỗ đi nơi khác tiêu thụ.
Ngoài ra, việc lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn các huyện Vân Canh, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn cũng đang diễn ra khá nghiêm trọng. Tại các địa phương nói trên có hàng trăm hộ dân đã tự ý vào rừng phát đốt thực bì trên diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ để trồng rừng kinh tế, khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Những hành vi vi phạm pháp luật này đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây bất bình trong quần chúng nhân dân…
* Số vụ phá rừng tăng mạnh
Trước nạn phá rừng ngày càng lan rộng với nhiều diễn biến phức tạp, từ đầu năm đến nay, lực lượng KL toàn tỉnh đã phối hợp với chính quyền cơ sở, ngành Công an, Quân đội, các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ… tổ chức trên 120 đợt truy quét tại các khu rừng trọng điểm. Qua đó đã tiến hành phá hủy trên 200 lò than, dỡ bỏ 20 lán trại xây cất trái phép trong rừng. Tiến hành lập biên bản 554 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đã xử lý 444 vụ (trong đó có 3 vụ xử lý hình sự về hành vi phá rừng trái phép để làm rẫy ở huyện Vĩnh Thạnh).
Qua các đợt truy quét, lực lượng chức năng đã tịch thu 261m3 gỗ các loại từ nhóm I đến nhóm VIII và 26,5m3 gỗ quý, hiếm thuộc nhóm IA và IIA, 510kg gỗ huỳnh đàn (sưa), 67kg động vật rừng hoang dã và 204kg sản phẩm của động vật rừng hoang dã; cứu hộ 3 cá thể động vật rừng hoang dã thuộc loài quý, hiếm (nhóm IB); thu giữ 5.540 kg than hầm, 125 mô tô, xe máy, 96 xe đạp…, thu nộp ngân sách hơn 1,45 tỉ đồng.
Huyện Vĩnh Thạnh là địa phương nổi cộm về tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép. Riêng tại địa phương này, lực lượng chức năng đã phát hiện 161 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, thu giữ 1.412 kg gỗ huỳnh đàn (nhóm IA); 7,162 m3 gỗ quý hiếm (nhóm IIA); 16 kg gốc, rễ trắc (nhóm IIA)…
|
Thu giữ lâm sản vận chuyển trái phép tại Hạt Kiểm lâm Tuy Phước.
|
* Tăng cường bảo vệ rừng
Tại cuộc họp bàn biện pháp phối hợp phòng chống phá rừng do UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều ý kiến của lãnh đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã tỏ ra lo ngại trước thực trạng rừng đang bị “chảy máu” ở nhiều nơi. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân của nạn phá rừng ngày càng diễn ra nghiêm trọng là do lợi nhuận từ việc mua bán, vận chuyển các loại gỗ quý hiếm rất lớn, nên bọn lâm tặc đã bất chấp pháp luật; đồng thời lôi kéo người dân địa phương tham gia.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện yêu cầu các cấp, các ngành chức năng phải cấp bách triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Chi cục KL tỉnh nhanh chóng củng cố lại Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng. Các ngành Công an, Quân đội, Quản lý thị trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng KL, phân công trách nhiệm cụ thể trong việc kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm khắc các đối tượng lâm tặc phá rừng.
Mặt khác, các hội-đoàn thể phối hợp chính quyền các địa phương tăng cường vận động, tuyên truyền về ý thức quản lý, bảo vệ rừng đến người dân. Ngành Lâm nghiệp tiến hành rà soát phân cấp 3 loại rừng để giao cho dân quản lý, bảo vệ… Nếu địa phương nào còn để xảy ra tình trạng phá rừng, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
ÔNG NGUYỄN HIẾU HÒA, CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC KL TỈNH:
Cương quyết xử lý các đối tượng phá rừng
|
Ông Nguyễn Hiếu Hòa |
Trước những diễn biến phức tạp về tình hình khai thác, mua bán, vận chuyển, chặt phát rừng trái phép, vừa qua, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành Nông nghiệp phối hợp với các ban ngành chức năng của tỉnh tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Hiếu Hòa - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh (ảnh) về vấn đề này.
* Xin ông cho biết nguyên nhân nào dẫn đến tình hình phá rừng ở tỉnh ta ngày càng “leo thang”?
- Nguyên nhân của việc khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép, chặt phá rừng phòng hộ, đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua diễn biến phức tạp là do lợi nhuận mang lại của một số loại lâm sản quý như gỗ huỳnh đàn, trắc, sưa… rất lớn nên thu hút nhiều người tham gia. Nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng nguyên liệu giấy, gỗ của người dân hiện nay rất lớn và đang bộc phát, tạo thành phong trào “người người tham gia trồng rừng” ở nhiều địa phương.
Trong khi đó, việc quản lý đất lâm nghiệp của chính quyền các cấp còn yếu, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, phương án giao đất lâm nghiệp của ngành chức năng chưa đáp ứng với tình hình thực tế. Việc xử lý vi phạm của chính quyền cấp xã đối với việc lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp không kiên quyết, lực lượng KL quá mỏng lại thực hiện nhiều nhiệm vụ, kinh phí cho việc truy quét lâm tặc còn hạn hẹp không đủ để thực hiện thường xuyên, liên tục…
* Trong thời gian qua nhiều người dân ở các địa phương tham gia phát đốt, lấn chiếm rừng phòng hộ, đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế, ngành KL đã có điều tra, xử lý?
- Tình trạng phát đốt, xâm lấn đất lâm nghiệp trái phép để lấy đất trồng rừng kinh tế xảy ra từ một vài năm trở lại đây và thật sự nóng lên từ tháng 6.2007 đến nay. Chi cục KL tỉnh đã trực tiếp làm việc với các Hạt KL huyện, chính quyền địa phương để bàn biện pháp ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền.
Qua đó, đã thống kê được số đất rừng, đất lâm nghiệp phát đốt trái phép tại các huyện Vân Canh với diện tích 93,18ha, xảy ra tại địa bàn các xã: Canh Hiệp, Canh Vinh, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh. Tại TP Quy Nhơn, số diện tích đã đo đếm được 185,5ha, trạng thái rừng Ia, Ib, Ic; huyện Hoài Nhơn phát hiện 74 hộ dân lấn chiếm đất lâm nghiệp diện tích 50,4ha. Trạng thái rừng bị phát đốt Ia, Ib, Ic xảy ra trên địa bàn các xã Hoài Sơn, Hoài Mỹ và Hoài Đức. Toàn bộ diện tích này là do UBND các xã và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý. Tại Phù Mỹ, có 47 vụ vi phạm phát, đốt rừng có trạng thái IIb, Ib, Ic diện tích trên 18ha. Còn ở Phù Cát, lực lượng KL đã lập biên bản 103 vụ vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn các xã: Cát Khánh, Cát Tường, Cát Thành, Cát Hiệp, Cát Hải, Cát Lâm, Cát Sơn với diện tích 21,3 ha.
* Ngành KL có biện pháp gì để ngăn chặn có hiệu quả tình hình phá rừng trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai khẩn cấp các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, hiện nay chúng tôi đang phối hợp với ngành Công an, Quân đội, Quản lý thị trường, chính quyền các địa phương tiến hành điều tra, nhanh chóng củng cố hồ sơ các vụ phá rừng để xử lý cương quyết.
Ngoài ra, thường xuyên mở các đợt truy quét các đối tượng phá rừng và ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép địa bàn các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân,Vân Canh... Xử lý nghiêm đúng pháp luật các trường hợp mua, bán lâm sản trái phép. Chi cục sẽ thành lập các chốt kiểm tra lâm sản tại địa bàn trọng điểm và các trục đường các đối tượng thường xuyên vận chuyển lâm sản trái phép để ngăn chặn đảm bảo hiệu quả.
Ngành KL cũng sẽ tổ chức rà soát lại biên chế, tăng cường, bổ sung lực lượng cho Hạt KL các huyện trọng điểm về phá rừng, mua, bán lâm sản trái phép; huy động lực lượng đủ mạnh để trấn áp lâm tặc. Tiếp tục thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, đưa KL về cơ sở, nắm địa bàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng lực lượng KL trong sạch, vững mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
* Xin cảm ơn ông!
| |