Những bất cập trong khai thác đất sản xuất gạch, ngói ở Bình Nghi
19:37', 3/11/ 2007 (GMT+7)

Bình Nghi là một trong những xã phát triển mạnh nghề làm gạch ngói của huyện Tây Sơn. Nhờ lợi thế về nguồn tài nguyên đất sét, Bình Nghi đã có tới 180 lò gạch ngói trong tổng số hơn 500 lò gạch của huyện.

 

Mật ruộng sâu sũng nước và những ngôi mộ chênh vênh là hậu quả của kiểu tự ý làm quy hoạch ở xã Bình Nghi.

 

* Từ một chủ trương

Số lò gạch ở Bình Nghi càng phát triển thì nguyên liệu để làm gạch là đất sét càng trở thành vấn đề nóng. Gần đây, xã Bình Nghi có chủ trương cho phép những nhà thầu được mua đất sét trên ruộng của dân để làm nguyên liệu sản xuất gạch và sẽ hoàn lại đất màu cho dân tiếp tục trồng lúa.

Để tạo điều kiện cho nhà thầu có đất màu hoàn lại cho ruộng sau khi đã lấy đi đất sét, đồng thời cấp đất cho dân làm thêm ruộng, chính quyền xã Bình Nghi đã quy hoạch một số vùng đồi trước đây trồng mía như vùng Bầu Sen, Gò Duối, Gò An Thẻ... Đây là những vùng đất thổ trồng mía năng suất thấp trước đây.

* Bất cập nảy sinh

Chủ trương này của xã được bà con đồng tình vì đã giúp tạo điều kiện có nguồn nguyên liệu dồi dào cho nghề sản xuất gạch ngói ở địa phương, tạo công ăn việc làm cho con em trong xã.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ trương này lại nảy sinh nhiều bất cập gây bất bình trong nhân dân. Chuyện là sau khi thỏa thuận mua đất ruộng của dân, xúc đất xuống độ sâu khoảng 3m, những nhà thầu phải lấy đất từ những vùng đồi đã cho phép để hoàn cho dân làm ruộng. Thế nhưng, những chiếc “máy xúc” đã lạm dụng xúc ủi quá nhiều đất ở những vùng đồi, khiến mặt bằng của vùng đất này trở nên thấp hơn cả mức có thể. Bác Đinh Văn Lên, một nông dân ở thôn 2, cho biết: “Do nhà thầu lấy đất quá sâu nên mỗi lần mưa to, nước ở đây rút rất chậm, chậm hơn cả những ruộng phía trên”. Tình trạng này không phải xảy ra ở một vùng mà hầu như tất cả những vùng đồi được quy hoạch giờ đây đều thấp hơn những mặt ruộng khác, tạo nguy cơ ngập úng lâu dài trong mùa mưa lũ.

Thêm vào đó, vùng đất đồi này vốn có nhiều ngôi mộ, bên lấy đất đã đào xén nham nhở sát vào chân mộ khiến nhiều mộ có khả năng gây sạt lở sau này. Anh Nguyễn Cảnh, trú tại xóm 2, thôn Thủ Thiện Thượng nói: “Việc quy tập những ngôi mộ của tổ tiên chúng tôi đáng ra phải có trước khi có quy hoạch..., vả lại có những ngôi mộ đã tập kết rồi không chuyển đi được nơi khác mà bị xén cao như thế chúng tôi rất bất bình!”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Xuân Thành, Quyền Chánh văn phòng UBND xã Binh Nghi, cho biết: “Xã đã cho họp dân để bàn về việc hỗ trợ di dời những phần mộ, còn chuyện giải quyết úng ngập thì chưa”. Thế chẳng lẽ chờ đến lúc ruộng của dân bị úng ngập mới xử lý? Ông Thành nói: “Việc đền bù cho dân về những tài sản trên đất đã được lên kế hoạch và đang chuẩn bị gửi lên huyện để duyẹât”. Trong khi đó, việc quy hoạch đất ở những vùng đồi đã diễn ra được gần một năm nay?!. Còn ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng TN-MT huyện Tây Sơn lại cho biết: “Việc quy hoạch đất ở những vùng đồi là do xã Bình Nghi tự ý, không có trong chủ trương của huyện nên không có chuyện đền bù tài sản trên đất”. Nói vậy cũng có nghĩa là những ngôi mộ của dân ở xã Bình Nghi sẽ không thể có sự hỗ trợ di dời hoặc đền bù nào!.

* Sự điều chỉnh muộn màng

Gần đây, khi nhìn thấy những bất cập do việc cho phép khai thác bừa bãi tài nguyên đất ở các xã: Bình Nghi, Bình Tân, Bình Thành..., UBND huyện Tây Sơn đã lập kế hoạch quy hoạch đất cấp phối trên địa bàn và gửi lên Sở TN-MT để quản lý và đưa vào khai thác đất hợp lý. Bản kế hoạch bao gồm cả những thiết kế chi tiết, cả những hình thức đền bù tài sản trên đất cho dân (nếu có) và độ cao mặt bằng hợp lý để có thể tiếp tục sử dụng đất sau khi quy hoạch.

Thiết nghĩ, bài học về khai thác đất và cả công tác quy hoạch đất ở Bình Nghi rất cần được các xã có quy hoạch đất cho nguyên liệu làm gạch ngói quan tâm, rút kinh nghiệm. Bởi giờ đây không những khó di dời được mồ mả mà việc giải quyết tình trạng úng ngập tại các vùng mới được lấy đất trong tương lai cũng rất khó giải quyết. Bên cạnh đó, phần đất đồi đã được lấy đi để san lấp mặt bằng rồi cũng sẽ hết, vậy thì liệu xã còn dám để dân bán đất nguyên liệu làm gạch ngói nữa hay không? Và liệu những phần ruộng cũ với đất mới hoàn trả có đưa lại năng suất được như cũ hay không?

Đã đến lúc xã Bình Nghi cần xem xét lựa chọn giữa chủ trương phát triển nghề thủ công và duy trì năng suất cho sản xuất nông nghiệp.

  • Hòa My
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cương quyết xử lý các đối tượng phá rừng  (03/11/2007)
Hiệu quả và triển vọng  (03/11/2007)
“Bà cô bên chồng”  (03/11/2007)
An Lão với cuộc đấu tranh xóa bỏ những tập quán ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng  (03/11/2007)
Cho thuê xe tự lái ở Quy Nhơn  (03/11/2007)
Bệnh nàng, chàng cũng phải điều trị  (03/11/2007)
Nghe nhạc trên net  (03/11/2007)
Thơ  (03/11/2007)
Như gió như sương  (03/11/2007)
Chuyện giáo Chương sản xuất giống  (03/11/2007)
Nẫu ơi, thương lắm !  (03/11/2007)
Từ rượu chè thành kẻ cướp  (03/11/2007)
Xanh một niềm yêu (*)  (03/11/2007)
Một sưu tập phong phú, đa dạng  (03/11/2007)
Sông Côn: Dòng chuyển lưu văn hóa  (03/11/2007)