Bắt cá đồng
20:40', 3/11/ 2007 (GMT+7)

* Bút ký của Huỳnh Kim Bửu

Hồi xưa, cá đồng là nguồn thực phẩm quan trọng của nông dân. “Ăn gạo đồng mình, ăn con cá con cua đồng mình” là câu nói và cũng là cuộc sống của người dân quê tôi. Bây giờ cá đồng ít lắm, nông dân không còn cá mà ăn. Chẳng biết vì lý do gì? Có người bảo, do ảnh hưởng của thuốc trừ sâu dùng nhiều trong nông nghiệp.

 

Sõng câu. Ảnh: Văn Tư

 

Cá đồng là loài cá nước ngọt, sinh sản ở hồ ao, ở mương, ở sông, trong đám ruộng nước … Dân gian có câu nói: “Có nước thì có cá”. Trong ao, đìa nước đầy, cá lóc, cá chép, cá rô… bơi lội tung tăng, từng chặp trồi lên mặt nước đớp bóng; cá trê, lươn, chạch… dụi bùn, sống dưới đáy bùn: “Thân lươn bao quản lấm đầu” (Thơ Kiều - Nguyễn Du). Trong đồng ruộng, mùa có nhiều cá là mùa mưa nguồn, mùa lũ lụt. Cá từ trên nguồn trôi xuống sông, từ sông cái, sông nhánh trôi vào đồng ruộng. Con cá chép, cá tràu (cá lóc), cá rô gặp mưa nguồn, nước lũ thì trắng non, sạch trơn, “bụng mang dạ chửa”. Cá tràu chửa vào đám ruộng nước, cắn ổ, đẻ trứng, trứng nở ra cá con mà dân quê tôi gọi là bầy rồng rồng. Cá tràu dẫn bầy rồng rồng đi ăn, lúc đầu rồng rồng bơi đặc nước, sau ít dần. Người săn cá đi trên bờ ruộng, tay cầm nôm hay chỉa ba, nghe đâu có tiếng “b…ậ…p, b…ậ…p…” thì lần đến, dùng nôm úp hoặc phóng chỉa ba mà bắt cá mẹ, còn bầy rồng rồng thì dùng vợt vớt. Tiếng “bập… bập” là tiếng cá tràu đớp rồng rồng. Cá đồng ăn mồi sanh, ăn cỏ, ăn tạp… Câu cá tràu thì móc mồi nhái, câu cá rô thì móc mồi trùn hoặc cào cào vào lưỡi câu. Ngày bão lụt, tổ kiến trôi trên mặt nước, kiến làm mồi cho cá; nhưng thiên tai đi qua rồi, nước lụt rút rồi mà cá chưa kịp vượt ra sông lớn, còn kẹt lại trên ruộng khô, thì cá làm mồi cho kiến. Từ thực tiễn đó, dân gian tổng kết thành bài học bổ sung cho túi khôn của con người: “Cá ăn kiến, kiến ăn cá”.

Bắt cá đồng, có nhiều cách.

Ở quê tôi, đến mùa mưa lụt người ta thấy ở chợ Phủ, các chợ quê có gian hàng bán dụng cụ bắt cá đồng. Mới tháng năm, người làng An Định đã chặt tre, vót nan, đi chợ Cù Lâm (chợ miền núi, dưới chân Hòn Ông) mua giang, mua mây gánh về để làm nghề phụ: đan dụng cụ bắt cá đồng. Nôm, lờ, đó, dẹp… của làng An Định bện nan tre cật, sợi giang, sợi mây già, gác giàn bếp lâu ngày (từ tháng năm khô hạn đến tháng mười mưa gió), cho khói hun đen bóng, xè mọt cắn “gãy răng” mới đem ra chợ bán, cho nên đắt hàng. Ít nhà không sắm đó, dẹp… để tự túc con cá con cua trong ngày mưa gió.

Phổ thông nhất trong việc bắt cá là đi đơm: “Trời mưa trời gió/ Xách đó đi đơm/ Chạy về ăn cơm/ Chạy ra mất đó…” (Vè Đơm cá). Người ta cắm đó, dẹp ngoài trổ ruộng hoặc men bờ mương dẫn nước, chờ con cá mát nước rong chơi, rong đi kiếm mồi mà chui vào, rồi mắc toi ở lại đó. Còn chuyện mất đó là do có kẻ gian, kẻ có lòng tham giở trộm đó, dẹp của người khác. Ai chịu được lạnh, ngày trời mưa trời gió ra sông đứng nhá. Nhá có 2 phần: Phần gọng và phần nhá. Gọng gồm 5 cây trảy già: 1 cây thân thẳng làm chân, 4 cây uốn cong làm vó. Nhá là tấm lưới sợi cước hoặc sợi ni lông bốn mối cột vào bốn vó, lưới bung ra rộng bằng hai cái nong. Người đứng nhá phải có sức khỏe và đôi chân vững vàng để đủ sức kéo nhá. Thả được nhá xuống nước, hút chưa tàn điếu thuốc trong cái lạnh lẽo của gió mưa là tới lúc kéo nhá lên và ông ta được một mẻ nhá với những con cá, con tôm giãy đành đạch, búng lách tách trong nhá, nghe vui tai lắm.

Hồi nhỏ, tôi thích được theo chị đi xúc cua ngoài đồng làng ngập lụt trắng lăng. Chị em tôi dậm xúc theo bờ ruộng, được con cua kèm con tôm, con cá. Đám ruộng đang bừa, nước ruộng xăm xắp, anh thợ cày đứng trên bừa lỉa (hoặc bừa bằng) do con trâu kéo, đàng sau có anh theo bừa. Từ đường bừa, thi thoảng bật ra con cá cững (cá lóc còn nhỏ), cá rô bết bùn đen… cho anh theo bừa cầm nôm úp hoặc dùng tay bắt.

Khúc sông Gò Chàm chảy qua làng An Định, qua hai con đập: đầu sông là đập Bờ Hồng, cuối sông là đập Bờ Cùng; làng phân công ông Ba Kệ, chú Sáu Chọi ra sông dựng chòi giữ đập, tấn ván cho phiên nước và đặt sa bắt cá. Mỗi ông “trấn giữ” một nơi. Cá theo sông đổ xuống đập, sa hứng, nằm lại đó… đợi bàn tay rái cá của hai ông. Con rái cá to bằng con mèo, mà dân làng tôi quen gọi là con mèo nước, bơi lội giỏi, kiếm ăn bằng cách săn cá. Ai bắt cá giỏi, được mọi người gọi là anh rái cá. Trên sông, thường có những chiếc sõng câu lờ lững, ngược xuôi. Sõng câu, có chiếc có mái vòm che mưa nắng, làm mái gia đình cho cặp vợ chồng ngư phủ; có chiếc “bé tẻo teo” như chiếc lá tre khô trôi trên mặt nước mà ngư phủ thường là một ông già cô độc, đội nón lá, ngồi khỏa nhẹ mái chèo. Những chiếc sõng câu to nhỏ ấy ban ngày thường núp trong các bụi rù rì, dừa nước mọc um tùm ở hai bên bờ sông để tránh nắng và xuất hiện vào ban đêm với ánh lửa chài đỏ rực và tiếng gõ lưới l…ốc… c…ốc… buồn buồn, đều đều trên sông.

Cũng khúc sông này, đến mùa hè nước cạn, chỉ còn sâu ở những lòng chảo, cho người ta dậy lòng chảo để bắt con cá tránh cạn, nhóm về đây. Chừng chục tay nôm dăng hàng ngang ở đầu bên này, rồi bước đều như lính tập úp nôm sang đầu bên kia, rồi úp quay ngược lại. Khi nghe động trong nôm, tức cá đã dính nôm, người úp một tay ghì nôm, tay kia thò vào trong nôm khoắng nước tìm bắt cá. Lòng chảo nhỏ mà nôm dày úp lui tới mãi, đó là chưa kể những tay rái cá lặn xuống nước mà bắt cá bộ (bắt bằng tay), cá không dính nôm thì cũng bị tay người, cũng đừ mà nổi lên mặt nước, chờ người tới “lượm”. Trước khi lội xuống lòng chảo, các tay nôm, các tay lặn cởi hết quần áo giao cho các bà vợ ở trên bờ giữ, còn mình thì xuống nước sâu tới rốn. Dưới nước, tay nôm, tay lặn đi tới đâu, trên bờ bà vợ đi theo tới đó. Khi được con cá, ông chồng hú một tiếng, ném cá lên bờ cho vợ đón hớt, cho vào đụt. Cuộc dậy lòng chảo thường rất vui, vì có đông người xem.

Mùa hè nắng lâu, nước ruộng, nước mương cạn mà nước ao đìa còn sâu, cho nên cá dồn lần vào đó. Vì vậy người ta thường tát ao đìa bắt cá. Sáng ngày, thấy vợ chồng chủ đìa mang gàu đi tát đìa, lũ con nít chúng tôi theo bén gót để chực đìa khô mà bắt hôi cá. Tát non một buổi, đìa cạn, chủ đìa đi trước bắt con cá to, bọn bắt hôi chúng tôi đi sau bắt cá nhỏ (cá sặc, cá trắng…) không được lấn ra trước để khỏi bị chủ đìa bắt, vặn vẹo tay, về nhà không bưng được chén cơm ăn.

Sống ở miền quê có đồng, có sông, hiếm người không một lần đi câu. Có người đi câu để kiếm miếng ăn ngày xa chợ búa, có người đi câu như một sinh kế, coi thuyền câu lênh đênh hết sông này đến sông khác là nhà. Có người đi câu để tìm cái thú ngắm cảnh (Ao Thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo - Nguyễn Khuyến), thú điền viên (Một mai một cuốc một cần câu - Nguyễn Bỉnh Khiêm) hoặc để đợi thời, như ông Lã Vọng trên bờ sông Vị… Đi soi cá là nghề của cư dân sống dọc hai bên bờ sông Đập Đá. Sông Đập Đá đến mùa hè có chỗ lội tới nửa ống quyển mà nước sông lại trong leo lẻo. Mới trưa, người ta bó sẵn những cây đèn chai bằng dầu rái, đổ hình ống như ống thổi lửa rồi trét đất sét xung quanh thành những cây đuốc, tối đến họ đốt đuốc cầm ra sông soi cá. Cá thấy ánh đuốc thì đứng sững nhìn, cho người ta chụp nôm hoặc đâm bằng chỉa ba là dính ngay. Sông Đập Đá là một khúc của Sông Côn chảy qua thị trấn Đập Đá. Sông rộng, những đêm có người soi cá đông, cảnh tượng trên sông như một hội hoa đăng. Trong làng An Định có nhiều người sống bằng nghề bắt lươn. Ban ngày, thường là ngày trời nắng chang chang, họ đi dọc bờ ruộng tìm mà lươn mà câu hoặc thò tay vào bắt; ban đêm họ đi đánh trúm. Trúm có hai loại: Loại đan nan tre và loại cắt ống tre. Nó giống như cái đó thu nhỏ, to bằng ống tre, có toi, trong đựng cua giã nhỏ để ươn cho có mùi hôi để làm mồi nhử lươn. Bắt được con cá đồng rồi thì chế biến như thế nào?

 

...Nghe đâu có tiếng “b...ậ...p, b...ậ...p...” thì lần đến, dùng nôm úp... Ảnh: Văn Tư

 

Cá nướng: Cá cững, cá rô bắt được rửa sạch, nướng chín, dằm nước mắm ngon giã ớt tỏi. Ăn cơm gạo thơm nóng kèm rau lang hoặc rau muống luộc chín xanh rờn, nóng hôi hổi với món cá đồng đó sẽ thấy ngon đến ngậm nghe, không muốn nuốt.

Cá chiên: Cá rô chiên dầu phụng thứ thiệt, khép ở các bộng dầu làng Đa Tài, xã Nhơn Phong (An Nhơn) đưa vào bữa cơm là tay sành ăn. Trên Hầm Hô (nay là một điểm du lịch thuộc huyện Tây Sơn) có món cá mương chiên xù. Gọi tên là cá mương, vì cá sinh sản dưới các con mương nước chảy từ vũng Hầm Hô đã đành, nhưng cũng tại con cá đó có thân hình thon dài giống con mương nước chảy, cho người ta xem mặt đặt tên. Đó là cách giải thích của người dân sống trong làng Phú Mỹ, gần Hầm Hô.

Cá kho: Món dân dã nhất là món cá đồng (cá cững, cá rô, cá chạch tre…) kho mắm cua chua, mắm cua tươi (thêm mấy nhánh măng vòi chẻ dọc thả vào). Cá tràu kho tộ ăn cũng rất mặn mà, hợp với ngày đông tháng giá.

Cá um: Muốn nấu món cá tràu um (ám) phải có con cá tràu to (gần bằng chai sen đựng rượu), bắp chuối thái nhỏ, lá lốt, đậu phụng rang, gia vị các loại…Đám giỗ nhà khá giả quê tôi, thường đủ mặt bộ ba: Gà hầm, vịt tiềm, cá ám. Món lươn um cũng nấu với bắp chuối, rắc gia vị hành tiêu và đậu phụng rang.

Canh cá: Món canh cá diếc nấu lá lốt, thêm sợi hành ngò, rắc tiêu, ớt là món húp vào miệng bắt sặc liền, vì nó cay ngon. Canh cá lóc lá giang, lá lốt là món canh chua khá quen thuộc. Canh cá chạch tre nấu hành ngò, lá ngổ, trái chuối chát thái mỏng cũng ngon đáo để.

Cháo cá: Cá chép, cá tràu, lươn nấu cháo đều ngon. Cháo cá phải nấu đặc, hơi nhiều gia vị hành tiêu một chút. Tiếp bạn phương xa đến chơi nhà, chủ - khách thức khuya “trút bầu tâm sự” đến quên ngủ, rồi cùng nhau ăn một bữa cháo cá, do bà xã chủ nhà nấu đãi, là bù lại được sức khỏe và có được một kỷ niệm khó quên.

Mắm cá: Cá đồng, người ta ít làm mắm như cá biển. Bạn tôi ở dưới chân Hòn Ông, làm ruộng đồng gieo (không cấy), đến mùa mưa lụt bắt được cá, lớp ăn, lớp đem ra chợ bán, lớp làm mắm. Nhưng cũng chỉ làm được mắm con cá trắng. Ăn mắm cá trắng thơm, đắng, chấm cà dĩa sống xắt lát là ngon như ăn với mắm cơm, mắm ruột hảo hạng.

Theo kiểu cách, khẩu vị của người Bình Định, ăn gì thì cũng phải kèm bánh tránh nướng, bánh tráng nhúng, rau sống, ly rượu gạo (thường là rượu Bàu Đá)…

Bây giờ, còn nghe nói trong nhiều nhà hàng, không ít thực khách dù là người đi tìm đặc sản tôm biển, thịt rừng… vẫn kết thúc bữa ăn của mình bằng cơm mắm cua kho cá đồng, đĩa rau lang luộc… Ấy, cái hồn quê, cái hương vị đậm đà chân chất ngàn đời của quê ngày xưa mà anh đã có lần được hưởng, nó theo anh đến bây giờ, dẫu cho bây giờ anh có trở thành người sang trọng trong xã hội, bậc đại gia có tên tuổi trong giới làm ăn.

  • H.K.B
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện ghi từ câu lạc bộ nữ doanh nhân  (03/11/2007)
Những bất cập trong khai thác đất sản xuất gạch, ngói ở Bình Nghi  (03/11/2007)
Tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng  (03/11/2007)
Hiệu quả và triển vọng  (03/11/2007)
“Bà cô bên chồng”  (03/11/2007)
An Lão với cuộc đấu tranh xóa bỏ những tập quán ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng  (03/11/2007)
Cho thuê xe tự lái ở Quy Nhơn  (03/11/2007)
Bệnh nàng, chàng cũng phải điều trị  (03/11/2007)
Nghe nhạc trên net  (03/11/2007)
Thơ  (03/11/2007)
Như gió như sương  (03/11/2007)
Chuyện giáo Chương sản xuất giống  (03/11/2007)
Nẫu ơi, thương lắm !  (03/11/2007)
Từ rượu chè thành kẻ cướp  (03/11/2007)
Xanh một niềm yêu (*)  (03/11/2007)