Ngọc Trản: Bài quyền tiêu biểu của võ Bình Định
20:29', 5/12/ 2007 (GMT+7)

Võ sư Phi Long Vịnh biểu diễn bài quyền Ngọc Trản. Ảnh: H.T

Bài quyền Ngọc Trản đã được võ sư Phi Long Vịnh (Tuy Phước) mang sang Châu Âu biểu diễn trước bạn bè quốc tế. Vì sao Ngọc Trản quyền được xem là hội đủ các yếu tố có tính cơ bản và là một trong những bài mang tính chính thống, tiêu biểu của võ Bình Định?

* “Chén ngọc” tìm lại

Bài quyền Ngọc Trản có tự bao giờ, xuất xứ ở đâu, chưa rõ. Tuy nhiên, theo lưu truyền trong dân gian, bài quyền này là gia phả của võ phái An Vinh (Tây Vinh - Tây Sơn), trong môn phái của võ sư Hương Mục Ngạc truyền lại. Trong quá trình tìm tư liệu để nghiên cứu về nguồn gốc và đặc trưng võ cổ truyền Bình Định, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bài thiệu quyền Ngọc Trản trong gia phả họ Trương ở Phù Mỹ.

Ông tổ dòng họ Trương là Trương Đức Thường người xứ Thanh Hà, tỉnh Hải Dương vào định cư ở vùng núi Ngạch (nay thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) vào đầu thế kỷ thứ XVII (khoảng năm 1605). Sau đó, định cư ở thôn Phú Thiện (xã Mỹ Hòa, Phù Mỹ) cho đến ngày nay. Trong gia phả của dòng tộc để lại, dòng họ Trương có nhiều người học giỏi, thi đỗ cử nhân, cả văn lẫn võ và hầu như đều theo nghiệp văn chương và nghiệp võ, như Trương Đức Giai, Trương Đức Lân, Trương Trạch... Trong đó, Trương Trạch chính là thầy dạy võ cho ông Trương Thanh Đăng, sau này làm chưởng môn phái Sa Long Cương (một trong những môn phái có ảnh hưởng lớn ở Nam Bộ). Còn căn cứ vào bài vị thờ ông Trương Đức Giai tại từ đường họ Trương, thì ông Giai là người biên soạn tập sách võ hiện vẫn còn lưu truyền trong dòng họ Trương.

Với việc phát hiện ra bài thiệu, các nhà nghiên cứu mới nhận thức được tính liên hoàn âm - dương xuyên suốt cả bài quyền và chỉnh lý được những sai lầm do việc lưu truyền “tam sao thất bổn” trước đây.

* “Chén ngọc trên đài bạc”- ẩn ý người xưa

Ngọc Trản là chén ngọc. Vậy ẩn ý của người xưa khi đặt tên bài quyền và lời thiệu của bài quyền này như thế nào, hiện vẫn có những giải thích khác nhau. Võ sư Nguyễn Anh Dũng (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Võ công và chén rượu, hình như có sự gắn bó ngàn đời. Trước khi lên đường ra chiến trận, được vua ban ngự tửu chúc kỳ khai đắc thắng, lúc ca khúc khải hoàn cũng được vua đón tận cổng thành, tự tay rót rượu mừng mã đáo thành công. Hoặc việc chinh chiến, không về cũng thường tình như uống chén rượu vậy thôi”.

Tuy nhiên, võ sư Hồ Bửu (Giám đốc Võ đường Tây Sơn - Bình Định tại Mỹ), học trò của võ sư Diệp Bảo Sanh (Chưởng môn nhân đời thứ hai của Bình Thái Đạo, làng võ An Thái) và Hồ Nhu (tức Hồ Ngạnh, làng võ An Vinh), thì tìm ý nghĩa của bài quyền này từ liên tưởng khác.

Võ sư Hồ Bửu cho rằng: “Bài Ngọc Trản, có câu mở đầu Ngọc Trản ngân đài, tả hữu tấn khai. Ngọc trản (chén ngọc, chén nhỏ uống rượu hay trà), ngân đài (đĩa bạc có chân dùng để đặt trái cây cúng). Nhà của người Việt, hầu hết đều có một bàn thờ tổ tiên ông bà. Trên bàn thờ ấy, phía trước là cặp chân đèn cầy, chính giữa là một cái lư hương. Kế đến phía trong, và trước bài vị là lục bình cắm hoa, một đĩa bằng bạc có chân, người Bình Định gọi là cổ bồng, đặt trái cây, và bộ tách trà hay một nậm rượu với những chén ngọc nhỏ nhắn xinh xinh. Gia đình giàu có thì chén ngọc đũa ngà, cổ bồng bằng bạc; còn nhà nghèo khó cũng cố gắng lựa một bộ chén và cái đĩa đựng trái cây đẹp nhất, mà với họ quý như ngọc như ngà, để cúng kiến ông bà.

Chén ngọc và đĩa bạc là hai vật thể làm sao có thể khai mở tiến ra bên trái bên phải? À! Thì ra câu thiệu này ngụ ý nói tổ tiên đã bỏ công sức, mồ hôi nước mắt và cả xương máu để xây đắp ngôi nhà và đất nước Việt Nam.... Vậy điều đầu tiên của người học võ là phải biết tri ân các bậc tiền nhân và phải noi gương dấn thân bảo vệ non sông để Tổ quốc này mãi mãi trường tồn”.

Quyền Ngọc Trản hiện được lưu truyền và phổ biến rộng rãi ở Bình Định với luyện tập công phu, tấn công toàn diện, kết hợp cương nhu, lại có những thế né tránh, phản đòn lợi hại; khi di chuyển thì linh hoạt, nhẹ nhàng, nhưng khi ra đòn thì nhanh và mạnh. Người biểu diễn bài quyền này có thần nhất hiện nay là võ sư Phi Long Vịnh. Võ sư Vịnh có thể biểu diễn bài quyền này chỉ trong phạm vi một chiếc chiếu (rộng 1,2m, dài 1,6m đến 1,7m). Điều thú vị nữa là võ sư Phi Long Vịnh cũng mang họ Trương. Võ sư Phi Long Vịnh được học võ từ người cha là võ sư Trương Văn Cần và bác ruột là võ sư Trương Ninh. 18 tuổi, võ sư Vịnh đã bắt đầu thượng đài và cả thời trai trẻ của ông gắn liền với những trận so găng khắp Trung, Nam. 

Ngọc Trản quyền đã được Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần thứ 3 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 15 đến 26.4 .1995, bình chọn, thống nhất đưa vào chương trình quy định chung của tất cả các võ phái cổ truyền trên toàn quốc.

  • Khải Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghịch lý từ Premier League  (05/12/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/12/2007)
Bắt cá đồng  (03/11/2007)
Chuyện ghi từ câu lạc bộ nữ doanh nhân  (03/11/2007)
Những bất cập trong khai thác đất sản xuất gạch, ngói ở Bình Nghi  (03/11/2007)
Tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng  (03/11/2007)
Hiệu quả và triển vọng  (03/11/2007)
“Bà cô bên chồng”  (03/11/2007)
An Lão với cuộc đấu tranh xóa bỏ những tập quán ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng  (03/11/2007)
Cho thuê xe tự lái ở Quy Nhơn  (03/11/2007)
Bệnh nàng, chàng cũng phải điều trị  (03/11/2007)
Nghe nhạc trên net  (03/11/2007)
Thơ  (03/11/2007)
Như gió như sương  (03/11/2007)
Chuyện giáo Chương sản xuất giống  (03/11/2007)