Chuyện về người mẹ của vua Duy Tân
20:32', 5/12/ 2007 (GMT+7)

Lễ lên ngôi của vua Duy Tân. Ảnh: TL

Ở thị trấn Bình Định (huyện An Nhơn), có ngôi làng mang tên Kim Châu, nổi tiếng với nghề đúc đồng. Điều thú vị nữa, đây là nơi sinh thành của vương phi Nguyễn Thị Định, từng là vợ của vua Thành Thái và là mẹ của vua Duy Tân - hai ông vua yêu nước triều Nguyễn.

Bà Nguyễn Thị Định sinh năm 1880 tại làng Kim Châu, tổng Nhơn Nghĩa Hạ, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân sinh bà là ông Nguyễn Văn Phương, một nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng. Ngôi nhà của nghệ nhân Nguyễn Văn Phương ở xóm Kim Nam, thôn Kim Châu, nhà tranh, vách đất, nhà quay về hướng Đông, cách sông Trường Thi khoảng 50m.

Ông Nguyễn Văn Phương là một nghệ nhân nổi tiếng với nghề đúc đồng. Đồ thờ bằng đồng do ông làm ra rất đắt hàng, các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi cũng đến mua. Vua Thành Thái đã ra chiếu chỉ mời ông về triều để đúc đồ đồng, đồ thờ các lăng tẩm và đồ trang trí các cung điện. Ra Huế ba tháng, bà Nguyễn Thị Định- con ông - được tiến cung làm vương phi thứ sáu. Bà sinh ra được một hoàng tử là Vĩnh San, sau ba năm lại sinh một con gái là công chúa Mệ Cưởi.

Làm vua được 18 năm (1889-1907), Thành Thái do có những tư tưởng và hoạt động chống Pháp, nên bị truất ngôi, bị bắt. Vua Thành Thái có nhiều con trai, đáng lẽ phải chọn người con trưởng kế vị, nhưng người Pháp sợ một vị vua trưởng thành khó sai khiến nên họ muốn tìm chọn một người nhỏ tuổi. Khi Khâm sứ Fernand Ernest Lévecque cầm danh sách các hoàng tử con vua Thành Thái vào hoàng cung chọn vua, lúc điểm danh thì thiếu mất Vĩnh San. Triều đình cho người đi tìm thì thấy Vĩnh San đang chơi đùa, mặt mày lem luốc. Người Pháp trông thấy đồng ý ngay vì họ thấy Vĩnh San có vẻ nhút nhát và đần độn. Triều đình thấy vua quá nhỏ nên xin tăng thêm một tuổi thành 8. Họ cũng đặt niên hiệu cho Vĩnh San là Duy Tân, như muốn hướng tới sự nghiệp không thành của vua Thành Thái. Ngày 5 tháng 9 năm 1907, Vĩnh San lên ngôi lấy niên hiệu là Duy Tân. Và chỉ một ngày sau lễ Tôn vương, Duy Tân đã đổi khác. Một nhà báo Pháp đã thuật lại: “...Un jour de trône a complètement changé la figure d’un enfant de 8 ans” (Một ngày lên ngai vàng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cậu bé lên tám).

Vua Duy Tân lên ngôi, triều đình lập Hoàng Thái hậu, định đưa một người vợ khác của vua Thành Thái lên ngôi vị này. Một số quan đại thần không chịu, chuyện dằng dai đến ba tháng. Trong cuộc họp triều đình lần cuối, vua Duy Tân nói: “Ai sinh ra tôi, người đó là mẫu hậu của tôi. Nếu triều đình không chịu, tôi xin giao lại ngai vua”. Thế là bà Nguyễn Thị Định được phong làm Hoàng Thái hậu.

Năm 1915, vua Duy Tân tham gia Việt Nam Phục quốc Hội. Việc bại lộ, vua bỏ ngai, ra thành, lên núi. Sáng ngày 6 tháng 5 năm 1916, theo lệnh của Toàn quyền Pháp, tên Lefon, Đổng lý Văn phòng Tòa sứ Pháp cùng 4 tên lính đã bắt vua Duy Tân trở về triều. Pháp đưa vua về quản chế cùng với vua cha Thành Thái. Đến năm 1919, Chính phủ Bảo hộ và Nam triều đã đày hai ông vua yêu nước Thành Thái, Duy Tân sang đảo Réunion với án lưu đày biệt xứ.

Theo hai vua đi đày, ngoài bà Nguyễn Thị Định, còn có vợ vua Duy Tân là Mai Thị Vàng và em ruột vua Duy Tân là Mệ Cưởi, năm đó mới 12 tuổi. Ngày 3 tháng 11 năm 1916, gia đình hai vua Thành Thái và Duy Tân lên tàu Guadiana ở Cap Saint-Jacques. Đến ngày 20 tháng 11, họ tới bến Pointe de Galets đảo La Réunion lúc 7 giờ rưỡi sáng. Tại đây, từ chối một biệt thự sang trọng người Pháp dành cho, gia đình Cựu hoàng sống trong một căn nhà thuê lại của một người dân ở thành phố Saint-Denis. Sau hai năm ở đảo Réunion, do không hợp thủy thổ, khí hậu, con dâu bị đau ốm luôn, nên bà Nguyễn Thị Định và con dâu Mai Thị Vàng cùng con gái Mệ Cưởi về nước.

Năm 1942, bà Nguyễn Thị Định về thăm quê. Trước khi đi, bà báo vua Bảo Đại là bà về thăm gia đình. Bảo Đại ra chiếu cho Tổng đốc Bình Định đến tận làng Kim Châu đón. Làng Kim Châu cắm cờ hai bên đường xe lửa, trước sân ga. Khi xe lửa dừng, bà xuống ga. Hương lý trong làng đến chào, rồi mời bà lên võng, đưa về. Bà nói: “Làng không nên đón rước tôi như thế nữa. Tôi cũng như các con gái khác trong làng, có chồng xa về thăm cha mẹ”. Có người hỏi: “Thưa Hoàng sanh, bà ở cung chắc sướng lắm?”. Bà nói: “Sướng gì các ông. Nhà vua của Tây. Còn tôi là vợ và mẹ của vua bị đày, đâu có gì mà sướng”.

Bà luôn nhớ đến tổ tiên, quê hương. Bà làm ba tấm hoành thiếp vàng, một tấm đặt tại từ đường, một tấm tặng đình làng Kim Châu và một tấm tặng đình làng An Ngãi (quê ngoại của bà). Ba tấm hoành này, nay lưu lạc nơi đâu không rõ. Một buổi trưa, bà nghỉ ở nhà chị dâu của bà (là cô ruột của ông Võ Nhân). Bà đến nhà dưới, thấy cháu nội gái của chị dâu đang ngủ, nằm ngửa. Bà nói với chị: “Cháu khỏe, đẹp gái, nhưng chị bảo mẹ nó cho cháu ngủ nghiêng, lật đổi phía khi cháu mỏi. Con gái khi ngủ phải kín đáo. Phải tập cho cháu quen từ nhỏ”.

 

Cụ Võ Nhân với những trang hồi ức về Thành Bình Định. Ảnh:  V.T

 

Một bữa cơm trưa, ông Võ Nhân đứng quạt hầu bà. Bà mời người chị dâu lên cùng ăn, nhưng người chị nói: “Thưa! Mời bà! Tôi ăn với các cháu”. Trên mâm đồng lúc này chỉ có một chiếc chén và một đôi đũa. Bà nói lấy thêm cho bà một chiếc chén, một đôi đũa nữa, rồi đặt đối diện với bà. Bà lật chén, lấy đũa so để bên cạnh rồi nói: “Mời bệ hạ dùng cơm”. Bà lấy muỗng xới cơm vào chén, sau mới xới cơm cho mình. Bà ăn thong thả, kể cả khi gác đũa lên mâm đồng cũng không khua tiếng. Bà rất quý họ hàng. Lâu lâu mới có dịp về quê, nhưng mỗi lần về, bà thăm hỏi họ hàng ai còn ai mất? Con cháu làm ăn ra sao?   

Bà dặn con cháu: dòng họ nhà mình nghèo, nhưng phải trong sạch, đừng để người khác chê trách. Bà nói: “Bà con mình rất khổ, hai sương một nắng để có tiền, có lúa nạp thuế cho vua, nhưng đâu phải vua mà là Tây”.

Đến mùa đông năm 1959, ông Võ Nhân lại có dịp gặp bà. Ấy là khi bà về quê, bán hai sào 11 thước ruộng của cha để lại. Bà lấy tiền cất lại căn nhà từ đường thờ ông bà, cha mẹ. Ông Võ Nhân chính là người lập khế ước.

Sửa sang xong từ đường, bà giao cho người cháu kêu bà bằng cô, lo hương khói thờ phụng ông bà. Khoảng ba năm sau, bà có về lần nữa, nhưng lần này, ông Võ Nhân không được gặp. Đến năm 1972, bà già yếu và mất tại Huế. 

Hiện nay, mộ của bà nằm phía sau điện Long Ân, trong khu vực An Lăng (lăng vua Dục Đức, cha của vua Thành Thái). Đây cũng là khu lăng mộ của ba thế hệ làm vua Dục Đức (cha), Thành Thái (con) và Duy Tân (cháu).

  • Lê Viết Thọ

(Ghi theo lời kể của cụ Võ Nhân, 86 tuổi, ở thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn).

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngọc Trản: Bài quyền tiêu biểu của võ Bình Định  (05/12/2007)
Nghịch lý từ Premier League  (05/12/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/12/2007)
Bắt cá đồng  (03/11/2007)
Chuyện ghi từ câu lạc bộ nữ doanh nhân  (03/11/2007)
Những bất cập trong khai thác đất sản xuất gạch, ngói ở Bình Nghi  (03/11/2007)
Tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng  (03/11/2007)
Hiệu quả và triển vọng  (03/11/2007)
“Bà cô bên chồng”  (03/11/2007)
An Lão với cuộc đấu tranh xóa bỏ những tập quán ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng  (03/11/2007)
Cho thuê xe tự lái ở Quy Nhơn  (03/11/2007)
Bệnh nàng, chàng cũng phải điều trị  (03/11/2007)
Nghe nhạc trên net  (03/11/2007)
Thơ  (03/11/2007)
Như gió như sương  (03/11/2007)