Hệ thống di tích tháp Chăm là di sản vô giá mà Bình Định may mắn vẫn còn lưu giữ được. Nhiều năm qua, các đơn vị chức năng đã có nhiều hoạt động để trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các tháp Chăm. Nhưng hiệu quả thực tế của việc làm này thì vẫn còn nhiều điều phải suy nghĩ…
|
Nhà trưng bày tháp Dương Long đã gần hoàn thành.
|
* Trùng tu tôn tạo tháp Chăm: cần cẩn trọng
Không thể phủ nhận những thành quả đã đạt được trong công tác trùng tu, tôn tạo tháp Chăm ở Bình Định những năm qua. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những sai sót, bất cẩn mà nếu không khắc phục thì chúng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị của di tích.
Ở tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), nơi lần đầu tiên Sở Du lịch Bình Định được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, thì kết quả của việc tôn tạo cảnh quan là một “vết sẹo trắng” chạy dọc theo lưng đồi, vừa tốn kém, vừa phản cảm. Tháp Cánh Tiên, nơi đang tiến hành công tác trùng tu, từng xảy ra việc chi tiết trang trí tháp được tái tạo lại khác hẳn so với nguyên gốc. Đây cũng là điều mà rất nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ khi đến Bình Định đã lên tiếng lưu ý các cơ quan chuyên môn địa phương về việc đảm bảo tính chân thực, chính xác và vẻ đẹp hài hòa của các bộ phận trên tháp khi trùng tu. TS. Hà Văn Phùng (Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam) từng nhận xét: “Công tác trùng tu tháp Chăm ở Bình Định cần phải có sự sửa đổi. Đối với việc phục dựng lại các phù điêu trên tháp, cái nào chúng ta không biết thì để nguyên hiện trạng, nhưng những cái ta đã khai quật khảo cổ và biết được rồi, thì nên phục dựng lại cho đúng với cách trang trí của người Chăm xưa. Một số tháp ở Bình Định việc phục dựng lại các phù điêu chủ yếu mới dừng lại ở việc làm giống về mặt hình dáng, chứ họa tiết hoa văn trang trí không giống nguyên bản trên tháp khi trùng tu”.
Việc trùng tu, tôn tạo khu tháp Dương Long cũng đã nhận được nhiều ý kiến phản đối, khi đi ngược lại quy tắc “khai quật khảo cổ trước, trùng tu tôn tạo sau”. Mặc dù việc “làm ngược” này là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhưng theo thời gian nó đã bộc lộ sự hạn chế. Bởi vừa khởi công dự án trùng tu, tôn tạo khu tháp Dương Long xong chưa được bao lâu, thì hai đợt khai quật khảo cổ học liên tiếp được tiến hành, làm xuất lộ nhiều dấu tích quan trọng ở mặt bằng trước khu tháp và nhiều phát hiện mới trong kiến trúc. Do đó, việc trùng tu, tôn tạo bắt buộc phải có sự điều chỉnh. Vậy mà hiện tại, Nhà trưng bày phía trước khu tháp Dương Long đã chuẩn bị hoàn thành. Điều đáng nói là theo nhận xét của một cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Nhà trưng bày này chỉ có thể trưng bày được các hiện vật nhỏ, còn các hiện vật đá độc đáo tìm được trong các cuộc khai quật tháp Dương Long thì khó có thể đưa vào vì cửa quá nhỏ và diện tích quá hẹp.
|
Hiện vật đá thu được trong khai quật khu tháp Dương Long.
|
* Phát huy giá trị tháp Chăm: điệp khúc “chờ đợi”
Chỉ còn khoảng 9 tháng nữa là Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 sẽ diễn ra. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của Bình Định đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Nhưng với những gì ta đã làm được cho hệ thống tháp Chăm hiện nay, thật khó để hy vọng sẽ tạo ấn tượng tốt đối với du khách. Thử điểm qua một số tháp Chăm được chọn làm trọng điểm để trùng tu, tôn tạo và khai thác phục vụ du lịch, có thể thấy, mọi việc vẫn còn dang dở. Tháp Bánh Ít đang tập trung khắc phục sai sót trong các công trình tôn tạo. Tháp Cánh Tiên ngoài hệ thống cổng và tường bao đã xây dựng xong, thì việc trùng tu hiện vẫn còn đang tiến hành. Tháp Dương Long thì nhiều khả năng năm 2008 sẽ tiếp tục khai quật tiếp để làm rõ thêm khu vực quanh tháp, nên nếu đến tham quan, du khách chỉ có thể được ngắm một “khung cảnh tổng hợp” của việc trùng tu, tôn tạo và khai quật. Còn đối với tháp Đôi, thì tuy đã có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy triển khai…
Như vậy, thật khó để quảng bá hiệu quả về hệ thống tháp Chăm Bình Định trong tình hình hiện nay, khi các tháp vừa nằm rải rác, vừa không thuận tiện cho việc tham quan, trong khi việc trùng tu, tôn tạo lại chưa đâu vào đâu. Các nhà chuyên môn, những người tâm huyết với hệ thống tháp Chăm Bình Định đã đưa ra đề xuất về việc thành lập “Bảo tàng Chăm Bình Định”. Đây là điều hợp lý và cần thiết, khi mà Bình Định hiện vẫn còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật Chăm có giá trị, nhưng vì điều kiện không cho phép, chỉ có một số lượng nhỏ hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
TS. Bùi Chí Hoàng (Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ, thuộc Viện Khoa học Xã hội Nam Bộ) cho rằng: “Hàng nghìn hiện vật thu được qua các cuộc khai quật ở khu tháp Dương Long và các tháp Chăm ở Bình Định đều là những tư liệu quý, có giá trị nghiên cứu cao. Với lượng hiện vật này, hoàn toàn dư điều kiện để thành lập Bảo tàng Chăm mang phong cách riêng của Bình Định. Một bảo tàng đúng tiêu chuẩn về chuyên đề văn hóa Chămpa không chỉ giúp gìn giữ tốt giá trị của các hiện vật, mà còn tạo ra một điểm đến hấp dẫn đối với mọi người. Về địa điểm, theo tôi, Bảo tàng Chăm này cần phải đặt ở Quy Nhơn, một thành phố tuy nhỏ nhưng có nhiều điều kiện phát triển, để thu hút du khách trong tương lai”.
Đây là ý kiến đáng lưu tâm, vì lẽ một Bảo tàng Chăm Bình Định nếu được xây dựng, không nhất thiết phải đặt ở các tháp Chăm, do không gian quanh tháp rất hạn chế và có phần không thuận tiện cho du khách tham quan. Thay vào đó, chúng ta nên chọn một nơi có vị trí đẹp ở Quy Nhơn để xây dựng.
|