Cùng Lê Từ Hiển dạo vườn thơ hai-kư (*)
20:39', 5/12/ 2007 (GMT+7)

Bìa tập sách “Hai-kư hoa thời gian”.

“Hai-kư hoa thời gian” là tên tập sách của Lê Từ Hiển (Giảng viên Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Quy Nhơn) và GS Lưu Đức Trung (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) vừa được Nxb. Giáo Dục ấn hành tháng 11.2007.

Mục tiêu đầu tiên của cuốn sách là cung cấp một số kiến thức cơ bản về thơ hai-kư (nguồn gốc, cảm thức thẩm mỹ, cấu trúc, thiên nhiên…) và một vài định hướng tiếp cận mang tính gợi ý (tích hợp - so sánh về mặt thể loại, tri thức cửa sổ văn hóa) cho việc tiếp cận thể loại thơ này trong chương trình trung học phổ thông. Bản thân mục tiêu này đã rất đáng quý, bởi có một thực tế là tuy thơ hai-kư đã được đưa vào chương trình ngữ văn THPT và nằm trong phần “những nội dung mới và khó trong sách Ngữ văn 10” nhưng số đầu sách tham khảo mang tính quy phạm, về thể loại thơ này, cho cả giáo viên, sinh viên sư phạm và học sinh, rất ít. Lâu nay, những cuốn sách viết về thơ hai-kư của các tác giả (như “Nhật Bản trong chiếc gương soi” của Nhật Chiêu, “Hoa anh đào và điện tử” của Hữu Ngọc) vẫn dừng ở mức độ giới thiệu hoặc thiên về cảm nhận trong dòng chảy chung văn học Nhật Bản. Bên cạnh đó, cũng có những tác phẩm thơ hai-kư đã được dịch, nhưng mức độ phổ biến hạn chế (chẳng hạn “Con đường thiên lý hẹp” của dịch giả Hàn Thủy Giang).

Tuy nhiên, ngoài việc đáp ứng mục tiêu ban đầu đó, cuốn sách còn cung cấp thêm cái nhìn khám phá vẻ đẹp hồn thơ Nhật Bản qua hai-kư với đông đảo bạn đọc yêu thơ và ngay cả với người làm thơ. Bởi từ giữa thế kỷ XX, sáng tác hai-kư đã vượt khỏi biên giới xứ sở Phù Tang và trở thành một phong trào rộng khắp từ Đông sang Tây, từ những cây bút nghiệp dư đến những nhà thơ lớn như Borges, Paul Eluard… Ngay ở Việt Nam, tuy thơ hai-kư chưa được biết nhiều, nhưng ở TP. Hồ Chí Minh đã có hẳn một câu lạc bộ thơ hai-kư và Bình Định cũng có người đoạt giải cao trong một cuộc thi thơ hai-kư.    

Bốn tác giả tiêu biểu của vườn thơ hai-kư được tập trung phân tích trong cuốn sách Basho, Buson, Issa, Shiki đại diện cho những phong cách chính của thơ hai-kư. Bên cạnh đó, điều đáng quý là từ góc độ văn học so sánh, các tác giả cũng đã đặt hai-kư bên cạnh tứ tuyệt Đường thi (Trung Quốc) và thơ Thiền Lý - Trần (Việt Nam) để rút ra những điểm tương đồng, dị biệt, đặc trưng… từng thể thơ. Hay mối tương hợp về cảm thức thẩm mỹ giữa Huyền Quang (Việt Nam) và Basho (Nhật Bản) trong cảm thức sabi (u tịch) cùng bắt nguồn từ một mùa thu Thiền. Qua đó, giúp người đọc hiểu thêm vẻ đẹp của từng thể loại và tự nhìn ra nét khu biệt của hai-kư, như một “thi đạo”. Phải nói rằng, bên cạnh tính quy phạm trong cách viết của GS Lưu Đức Trung; giọng văn hàm súc, trong sáng mà có chiều sâu của Lê Từ Hiển cũng đã góp phần tạo nên sức hút riêng cho cả tập sách.  

Điều tâm đắc khác, với người yêu thơ hai-kư, còn ở phần “Dạo bước hồn thơ”, tuyển dịch 63 bài thơ hai-kư. Phải nói rằng, những bài thơ được dịch, hầu hết đều đã được chuyển ngữ rải rác đó đây trong các công trình về văn học, văn hóa Nhật Bản. Tuy nhiên, ở đây, tác giả Lê Từ Hiển đã cố gắng chuyển ngữ từ bản tiếng Anh, trên cơ sở bám sát tinh thần hai-kư, tước bỏ mọi trang sức, chỉ còn lại cốt lõi sự thật giản dị của hai-kư.

Chẳng hạn như, bài thơ này của Basho, theo bản dịch của Vĩnh Sính là “Ao xưa bóng rũ trưa hè/ nhái khua nước động/ bốn bề tịch liêu”, còn Nhật Chiêu dịch là “Ao xưa/ con ếch nhảy vào/ vang tiếng nước xao”; thì bản dịch Lê Từ Hiển chỉ giữ lại cái lõi nguyên tác “Ao xưa/ con ếch nhảy/ tiếng nước”. Tuy không du dương, êm ái như những bản dịch khác, nhưng phải nói rằng, bản dịch mới đã bám khá sát tinh thần hai-kư.

Dạo vườn thơ hai-kư với “Hai-kư hoa thời gian”, tưởng chừng như ta đang thưởng “tinh anh một hồn rượu” từ “cả trăm bầu nậm”. Đó là điều đáng quý nhất của tập sách này.

  • Khải Nhân

(*) Đọc “Hai-kư hoa thời gian” của Lê Từ Hiển và Lưu Đức Trung (Nxb. Giáo Dục, 2007).

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngổn ngang trăm nỗi  (05/12/2007)
Chuyện về người mẹ của vua Duy Tân  (05/12/2007)
Ngọc Trản: Bài quyền tiêu biểu của võ Bình Định  (05/12/2007)
Nghịch lý từ Premier League  (05/12/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/12/2007)
Bắt cá đồng  (03/11/2007)
Chuyện ghi từ câu lạc bộ nữ doanh nhân  (03/11/2007)
Những bất cập trong khai thác đất sản xuất gạch, ngói ở Bình Nghi  (03/11/2007)
Tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng  (03/11/2007)
Hiệu quả và triển vọng  (03/11/2007)
“Bà cô bên chồng”  (03/11/2007)
An Lão với cuộc đấu tranh xóa bỏ những tập quán ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng  (03/11/2007)
Cho thuê xe tự lái ở Quy Nhơn  (03/11/2007)
Bệnh nàng, chàng cũng phải điều trị  (03/11/2007)
Nghe nhạc trên net  (03/11/2007)