Quản lý làng bằng cái hương ước
20:49', 5/12/ 2007 (GMT+7)

Một cách làm nhỏ nhưng đạt hiệu quả cao: Chuyển các quy định pháp luật vào nội dung bản hương ước của làng, Già làng Nguyễn Bum dịch ra tiếng Bana lồng vào các buổi sinh hoạt, lễ hội của làng để phổ biến cho bà con trong làng. Kết quả, nhiều năm liền, làng Hà Văn Trên (Canh Thuận, Vân Canh) có nhiều đổi thay, nhất là không có người sinh con thứ ba.

 

Cấp phát tài liệu hướng dẫn xây dựng và thực hiện hương ước làng. Ảnh: Huỳnh Thanh

\

* Cách làm của Già Bum

Khi chúng tôi hỏi việc xây dựng và thực hiện hương ước ở nơi nào có sáng tạo mới lạ nhất, chị Nguyễn Thị Thu Sen - cán bộ tư pháp xã Canh Thuận, huyện miền núi Vân Canh- không ngần ngại giới thiệu một cách làm vừa sáng tạo, vừa đem lại hiệu quả của già làng Nguyễn Bum. Chị Sen còn bảo tôi, năm nay nữa là 4 năm liền làng Hà Văn Trên không có người sinh con thứ ba, đó là nhờ cái bản hương ước ràng buộc họ.

Từ UBND xã, vượt qua hơn 10 km đường rừng, tôi đến làng Hà Văn Trên. Người tôi tìm gặp là già làng Nguyễn Bum. Với dáng người rắn chắc, từng trải và nói sõi tiếng Kinh, ông cho biết: “Từ năm 2000, ngành Tư pháp có chủ trương xây dựng và thực hiện hương ước, qui ước ở làng, thôn, khu phố. Sau khi tập huấn trên huyện về, ông họp dân làng lại để xây dựng cho làng một bản hương ước. Lúc đó ông thấy dân làng mình vẫn còn nặng quan niệm phải sinh nhiều con, nhất là sinh con trai để có sức phát rừng làm nương rẫy. Không còn cách nào khác, một mặt ông khuyên bà con trong làng không nên phát rừng vì Nhà nước cấm; mặt khác, lý giải cho bà con thấy làng mình nghèo là do sinh con đông. Do vậy, khi xây dựng bản hương ước của làng, ông nhất thiết đưa vào đó các quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, quy định mỗi gia đình chỉ sinh từ một đến hai con. Và, bản hương ước đó được UBND huyện phê duyệt, và đây là “bộ luật của làng”, yêu cầu mọi người dân trong làng phải hiểu, phải thực hiện”. Với những quy định ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ như: Quy định nam trên 20 tuổi, nữ trên 18 tuổi mới được kết hôn; quyền và nghĩa vụ của vợ chồng phải bình đẳng, tôn trọng và chung thủy; vợ chồng chỉ được sinh từ 1 đến 2 con, tránh đẻ dày... Để các quy định trong hương ước nhanh chóng ăn sâu vào tiềm thức, thói quen của người dân, Già Bum còn lồng ghép vào các lễ hội của làng để tuyên truyền. Qua đó, người dân dễ tiếp thu, cảm thấy thích thú hơn, không nhàm chán.

Già Bum còn đem dịch toàn bộ bản hương ước của làng ra tiếng Bana, xin hỗ trợ kinh phí để photo và cấp phát mỗi hộ một bản hương ước bằng tiếng Bana để họ thực hiện. Lựa chọn một số điều khoản trong hương ước thiết thực với bà con, Già Bum phóng to bằng chữ Bana dán giữa nhà Rông của làng, mục đích để mọi người trước khi họp làng cùng đọc, cùng kiểm điểm lại những việc làm được và chưa làm được, cũng như trách nhiệm của mọi người đối với nhau trong sinh hoạt cộng đồng. Trong cuộc họp bàn việc quy hoạch rừng, khoán rừng cho từng hộ chăm sóc, hoặc tại lễ cúng cơm mới cũng được mọi người trong làng đem hương ước ra đọc cho nhau nghe. Như mưa lâu thấm đất, “cái hương ước” thẩm vào trong trí nhớ của bà con lúc nào không hay ! Nếu hộ nào vi phạm các cam kết trong bản hương ước thì đưa ra kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc trước mọi người tại nhà Rông của làng, còn hộ nào thực hiện tốt các quy định trong hương ước thì Già Bum đề nghị cấp trên khen thưởng.

 

Thực hiện nếp sống mới, bà con làng Kà Bưng (xã Canh Thuận - Vân Canh) đã quen dùng nước sạch. Ảnh: Trang Xuân Chi

 

* Hương ước không cho sinh nhiều con mà !

Từ khi tỉnh có chủ trương đưa chính sách dân số - gia đình và trẻ em vào hương ước, Già Bum cho bổ sung thêm một số điều trong hương ước, thông qua cuộc họp dân làng, mọi người cùng cam kết gia đình không được sinh con thứ ba. Qua việc đưa các quy định về dân số - gia đình và trẻ em vào bản hương ước để dân làng thực hiện, đã đem lại những kết quả thật đáng ngạc nhiên. Trường hợp chị Đinh Thị Đỏ là một ví dụ. Năm 24 tuổi, chị Đỏ lập gia đình nhưng 3 năm sau mới quyết định sinh đứa con đầu tiên, vì theo chị phải cần làm lụng dành đủ tiền mới dám sinh cháu. Chị Đinh Thị Hà, y tế của làng, tâm sự: “Bà con làng mình không muốn sinh con nhiều đâu, ai cũng thấy sinh nhiều con  khổ lắm, đã không có tiền chăm sóc con, còn phải đi làm”.

Hương ước làng Hà Văn Trên quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 đến 2 con, không được sinh con thứ ba. Chính quy định này, hơn 4 năm qua, 100% số chị em trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ ba, bởi các chị bảo nhau: Cái hương ước của làng không cho sinh đứa thứ ba mà ! Hương ước còn quy định, chị em có trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm phòng; gìn giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; sử dụng các biện pháp tránh thai...; ngoài ra, còn quy định nhiều vấn đề nhằm làm thay đổi hành vi, nhận thức của các ông chồng có tư tưởng muốn sinh nhiều con, sinh dày...

Với sự nhiệt tình, sáng tạo của Già Bum trong việc quản lý làng bằng hương ước, với các biện pháp thiết thực, hiệu quả đưa các quy định của hương ước đi vào cuộc sống, kết quả, đời sống của bà con Bana làng Hà Văn Trên có nhiều thay đổi, không còn những phong tục lạc hậu, an ninh trật tự ổn định, đời sống văn hóa được nâng cao; đặc biệt, nhiều năm liền không có cặp vợ chồng nào trong làng sinh con thứ ba. Đó là cách làm hay trong việc đưa các quy định dân số - gia đình và trẻ em vào việc xây dựng và thực hiện hương ước của làng Hà Văn Trên, thiết nghĩ cần được nhân rộng.

  • Huỳnh Thanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Có một ngọn hải đăng ở Nhơn Châu  (05/12/2007)
Kết thúc truy lùng tên cướp trên cầu Hà Thanh 4  (05/12/2007)
Cùng Lê Từ Hiển dạo vườn thơ hai-kư (*)  (05/12/2007)
Ngổn ngang trăm nỗi  (05/12/2007)
Chuyện về người mẹ của vua Duy Tân  (05/12/2007)
Ngọc Trản: Bài quyền tiêu biểu của võ Bình Định  (05/12/2007)
Nghịch lý từ Premier League  (05/12/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/12/2007)
Bắt cá đồng  (03/11/2007)
Chuyện ghi từ câu lạc bộ nữ doanh nhân  (03/11/2007)
Những bất cập trong khai thác đất sản xuất gạch, ngói ở Bình Nghi  (03/11/2007)
Tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng  (03/11/2007)
Hiệu quả và triển vọng  (03/11/2007)
“Bà cô bên chồng”  (03/11/2007)
An Lão với cuộc đấu tranh xóa bỏ những tập quán ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng  (03/11/2007)