Khi mùa lũ đi qua
20:52', 5/12/ 2007 (GMT+7)

Minh họa của Chơn Hiền

Khi những cơn mưa dầm dề bắt đầu ngớt hạt, ấy cũng là lúc nước lũ quê tôi rút dần. Quê tôi không nằm ngay cạnh sông Kôn, vậy mà vẫn lụt. Ngày nhỏ, khi nước lũ xâm xấp trắng đồng, chị em tôi đến trường bằng những chiếc xuồng be bé. Còn giờ, nước lũ không còn ngấp nghé ngoài ruộng, mà xông thẳng vào nhà nghênh ngang “chơi đùa” cùng bao nhiêu nồi niêu soong chảo. Người dân quê tôi chỉ biết kêu trời và đợi ngày nước lũ đi qua…

Và rồi cũng đến ngày đó... Nước rút gần hết, mọi thứ rõ ràng đến kỳ lạ.

1. Trong nhà, mẹ lúi cúi nhặt mấy chiếc soong chỏng chơ, thở dài thườn thượt. Những vật dụng kia tự nhiên trở nên vô duyên, bởi rồi đây, chẳng biết lấy gì bỏ vô, không lẽ là mì tôm. Chúng tôi cũng lặng lẽ nhặt nhạnh những gì còn sót, mà ngậm ngùi...

2. Ngoài vườn, ba đứng trân trân nhìn đám ớt mới trồng. Không biết phải làm gì với cây cuốc và khoảng xanh xiêu vẹo đó. Tôi còn nhớ, ngày gieo hạt, ba phấn khởi tuyên bố: Tết này nếu trúng mùa, nhà mình sẽ ăn Tết đậm. Mấy mẹ con cũng phải sắm sửa đàng hoàng hơn… Vẫn biết nước lũ và những hậu quả của nó không phải chỉ nhà tôi gánh chịu. Vẫn biết không riêng ba mẹ tôi có tiếng thở dài não ruột và cái nhìn chết trân. Vẫn biết… Nhưng bữa cơm cứ đắng ngắt một cảm giác xót xa.

3. Đến lớp, nhìn quanh chỉ thấy lác đác những gương mặt phờ phạc sau bao ngày chống chọi với lũ. Ngôi trường như già hẳn đi. Những bức tường ngấm nước đen sì rồi mốc meo, lem luốc. Bàn ghế cũng rục rịch kêu cót két. Tấm áo học trò không còn “trắng tinh nguyên” mà chuyển sang một màu nhợt nhạt khó tả, chúng tôi vẫn thường gọi đùa đó là “màu của lũ”. Những cơn mưa có ngớt hạt nhưng với cả thầy và trò ở một trường huyện xa xôi, bài giảng và những trang vở vẫn cứ ướt...

Cứ sau một mùa lũ, dân quê vốn nghèo lại càng nghèo hơn. Giá như bao nhọc nhằn, lo toan cũng trôi theo cùng lũ. Nhưng chỉ có dòng nước vô tình ra đi, để lại bao khó khăn bộn bề ở lại.

Trong bếp, mẹ bắc lên soong mắm kho quẹt, tuy có mặn thật nhưng thơm đến nhức mũi. Mẹ hiền lành động viên chúng tôi bằng câu chuyện “Thời buổi này…”. Ngoài vườn, ba dựng lại những luống cây, ươm mầm cho luống mới. Ba chắn lại hàng rào. Gà qué chẳng con bao nhiêu để xông vào phá nhưng ba vẫn tỉ mẩn và chép miệng: “Thời buổi này…”. Trên lớp, thầy trò nhìn nhau trìu mến, cảm thông. Dù không ai nói gì nhưng đều tự nhủ: “Thời buổi này… Phải gắng thôi!”.

Năm nào cũng vậy, dù mùa lũ đi qua và càn quét mọi thứ, nhưng vẫn không quật ngã được tinh thần những người dân quê chất phác, hiền lành. Con người ta vẫn dìu nhau đứng dậy và hy vọng vào những điều tốt đẹp hơn. Chân lý bao đời của ông cha vẫn được gìn giữ và lưu truyền như một vật báu: “Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”.

  • Trần Thị Duyên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quản lý làng bằng cái hương ước  (05/12/2007)
Có một ngọn hải đăng ở Nhơn Châu  (05/12/2007)
Kết thúc truy lùng tên cướp trên cầu Hà Thanh 4  (05/12/2007)
Cùng Lê Từ Hiển dạo vườn thơ hai-kư (*)  (05/12/2007)
Ngổn ngang trăm nỗi  (05/12/2007)
Chuyện về người mẹ của vua Duy Tân  (05/12/2007)
Ngọc Trản: Bài quyền tiêu biểu của võ Bình Định  (05/12/2007)
Nghịch lý từ Premier League  (05/12/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/12/2007)
Bắt cá đồng  (03/11/2007)
Chuyện ghi từ câu lạc bộ nữ doanh nhân  (03/11/2007)
Những bất cập trong khai thác đất sản xuất gạch, ngói ở Bình Nghi  (03/11/2007)
Tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng  (03/11/2007)
Hiệu quả và triển vọng  (03/11/2007)
“Bà cô bên chồng”  (03/11/2007)