Thèm thuốc lá - Lợi bất cập hại !
19:49', 6/12/ 2007 (GMT+7)

Thủ phạm chính của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là... thuốc lá.

Hiện nay, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người đã chủ quan, thậm chí chấp nhận sự tồn tại của nó.

* 2/3 số trường hợp là bệnh nặng

Theo giới chuyên môn, hiện nay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 6 và đứng hàng thứ 4 vào năm 2020. Trong số bệnh nhân hiện đang điều trị nội trú tại khoa Nội, BVĐK TP Quy Nhơn, có đến 30% là bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đáng nói hơn, đa phần họ đều là những bệnh nhân bị bệnh rất nặng.

Ông Trần Văn Minh, 79 tuổi, ở TP Quy Nhơn nhập viện trong tình trạng thở nặng khò khè, cộng với chứng ho. Ông cho biết: “Tôi hút thuốc từ năm lên 7 tuổi, sau đó mắc bệnh lao và đã điều trị ổn định. Cách đây 2 tháng, tôi lại thấy trong người mệt mỏi, ho, khó thở, cứ tưởng do trở trời nhưng vào đây khám bệnh mới biết”. Theo kết luận của bác sĩ chuyên khoa, ông Minh bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối.

Cùng một bệnh như ông Minh là trường hợp ông Trần Văn Hớn, 58 tuổi, cũng ở TP Quy Nhơn nhưng trái ngược là ông Hớn thường xuyên hút thuốc lá, đến mức không thể bỏ được. Cho đến khi cổ ông có đờm, khó thở và mệt mỏi, đi khám thì bệnh đã nặng.

Theo thống kê của BVĐK tỉnh, năm 2006, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 710 trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đã có 6 trường hợp tử vong. Đến 9 tháng đầu năm nay, bệnh viện ghi nhận 981 trường hợp và 2 trường hợp bị tử vong. Còn tại BVĐK TP Quy Nhơn, trung bình mỗi năm điều trị khoảng 500 trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhưng riêng năm 2007 con số này đã lên tới 700 bệnh nhân. Những con số nói trên cho thấy, đây thực sự là một căn bệnh nguy hiểm, không chỉ là gánh nặng cho gia đình, ngành Y tế mà còn cho cả xã hội.

* Thủ phạm chính là... thuốc lá!

Không bộc phát, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tiến triển âm thầm qua nhiều năm. Ở giai đoạn đầu, bệnh không có biểu hiện rõ ràng. Đến khi người bệnh có những triệu chứng lâm sàng tổn thương phế quản như: ho, khạc đờm kéo dài, khó thở, mệt mỏi thì bệnh đã nặng và chỉ có thể điều trị triệu chứng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nuôi, Phó trưởng khoa Nội, BVĐK TP Quy Nhơn, cho biết: “Hiện nay, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đang ngày càng gia tăng. Nguyên nhân có rất nhiều, trong đó, 80 - 90% là hút thuốc lá, 10 - 20% do khói bếp, ô nhiễm không khí và ô nhiễm môi trường nghề nghiệp. Nguy hiểm hơn, nếu người bệnh bị phổi tắc nghẽn mãn tính nhập viện trong tình trạng bệnh đã nặng thì rất dễ dẫn đến tử vong do suy hô hấp”.

Bác sĩ Nuôi cũng phân tích thêm: với những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, sau khi điều trị ổn định, nếu vẫn tiếp tục hút thuốc lá sẽ làm cho bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho quá trình điều trị bệnh.

Hiện nay, chi phí cho một đợt điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính từ 3 đến 5 triệu đồng. Song, cũng có những trường hợp bệnh nhân nặng, chi phí này lên đến 10 - 15 triệu đồng. Đó là chưa kể những trường hợp bị tái phát bệnh. Oái ăm, hầu hết những người mắc bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn, nên hiệu quả điều trị không cao.

Do đó, theo bác sĩ Nuôi, để giảm số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ngoài việc đảm bảo môi trường sống lành mạnh, trong sạch, cách tốt nhất là ngưng hút thuốc để tầm soát, phát hiện bệnh sớm và điều trị bệnh.

  • Phương Vy
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thơ  (06/12/2007)
Khi mùa lũ đi qua  (05/12/2007)
Quản lý làng bằng cái hương ước  (05/12/2007)
Có một ngọn hải đăng ở Nhơn Châu  (05/12/2007)
Kết thúc truy lùng tên cướp trên cầu Hà Thanh 4  (05/12/2007)
Cùng Lê Từ Hiển dạo vườn thơ hai-kư (*)  (05/12/2007)
Ngổn ngang trăm nỗi  (05/12/2007)
Chuyện về người mẹ của vua Duy Tân  (05/12/2007)
Ngọc Trản: Bài quyền tiêu biểu của võ Bình Định  (05/12/2007)
Nghịch lý từ Premier League  (05/12/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/12/2007)
Bắt cá đồng  (03/11/2007)
Chuyện ghi từ câu lạc bộ nữ doanh nhân  (03/11/2007)
Những bất cập trong khai thác đất sản xuất gạch, ngói ở Bình Nghi  (03/11/2007)
Tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng  (03/11/2007)