15 đến 50 triệu đồng cho ngôi nhà chống bão
19:54', 6/12/ 2007 (GMT+7)

Với “Giải pháp nhà chống bão” cho những người dân nghèo miền Trung của Th.S Nguyễn Thanh Bình (Phó Giám đốc Công ty Tư vấn Kiến trúc miền Trung - Hội KTS Đà Nẵng), chỉ với 15 đến 50 triệu đồng, người dân đã có thể xây dựng được một ngôi nhà chịu được sức gió từ 100-120km/giờ.

 

Mô hình nhà của Th.S Nguyễn Thanh Bình.

 

* Bất hợp lý của những ngôi nhà bị sập

Giải pháp này là kết quả của quá trình đo đạc, quay phim từng ngôi nhà bị sập trong bão và ghi chép lời kể của dân. Th.S Nguyễn Thanh Bình nhận thấy các ngôi nhà bị sập có móng nhà cạn, tường rất mỏng (chỉ dày 7cm), không có trụ bêtông, bố trí giằng tường không hợp lý, xà gồ không được bắt chặt, mái lợp thừa ra quá nhiều…

Với loại công trình này, hàng loạt điểm yếu bộc lộ, và hậu quả sau bão như đã thấy. Phần thân công trình (vốn chịu lực chính), do thiếu chuyên môn về giải pháp kết cấu cũng như vấn đề thông thoáng nhà (tường dọc cao hơn tường ngang) nên hệ thống kết cấu không ổn định, thiếu liên kết theo hai phương, dễ bị biến hình dưới tác động của các lực xô ngang tác động thẳng góc tường, nhất là dưới tác động của áp lực gió lên đầu hồi (thường dùng tường hồi làm tường chịu lực chính); liên kết giữa tường với khung bêtông cốt thép, giữa tường ngang và tường dọc không đảm bảo; thường sử dụng ximăng kém phẩm chất, cát đúc, cát xây kém chất lượng, nhiều tạp chất, đặc biệt là “chuộng” loại tường 10 (100mm) với loại gạch bé, đặt gạch dọc khi xây để tiết kiệm…

Phần móng, đa số có kết cấu sơ sài, không đủ khả năng chịu tải trọng phần trên nên dẫn đến lún móng, gây nứt vỡ công trình khi có gió bão. Hệ sườn mái và sự liên kết yếu ớt giữa hệ sườn mái với kết cấu chịu lực chính của ngôi nhà kết cấu lỏng lẻo.

* Giải pháp mới

Quan trọng nhất, chính là xử lý an toàn phần thân công trình. Trước hết là gạch, nên sử dụng loại gạch tuynen 6 lỗ và xây gạch nằm, phần phát sinh từ loại gạch này không cao. Theo Th.S Bình, với một căn nhà 30m2, chi phí cho gạch 6 lỗ vào khoảng trên 3,5 triệu đồng, so với gạch thẻ chỉ phát sinh khoảng trên 1 triệu đồng.

Tiếp theo là bố trí tường ngang và dọc hợp lý (bảo đảm liên kết giữa tường ngang - dọc lên đến tận đỉnh tường) đồng thời bố trí hệ thống giằng thích hợp, gồm giằng móng, giằng tường, giằng đỉnh tường (xem sơ đồ kết cấu); bảo đảm liên kết vững giữa cột với tường, khoảng cách giữa các thanh thép neo tường vào cột < 500mm kết hợp bố trí giằng tường; đối với nhà có bố trí hệ thống cột bêtông cốt thép thì đỉnh cột phải được liên kết với xà ngang để tạo thành kết cấu khung cứng, đảm bảo khả năng chịu lực của toàn bộ công trình.

Đối với phần móng, còn tùy thuộc vào khả năng chịu lực của nền đất mỗi nơi, nhưng thường thì diện tích đáy móng cột là khoảng 1m 2 (cho nhà 1 - 2 tầng, lưới cột 3,5m - 4,5m). Độ sâu đáy móng nên chọn lớn hơn kích thước đáy móng để đảm bảo móng ngàm chặt vào nền đất. Về phần mái, để giải quyết tốt mối liên kết tấm mái với hệ sườn mái nhằm chống bị bóc dỡ tấm lợp, một số giải pháp cụ thể là:

- Đối với mái tôn, khi sử dụng xà gồ gỗ nên liên kết bằng đinh vít có tán lớn; còn với xà gồ thép C hoặc thép hộp, nên liên kết bằng móc sắt. Khoảng cách giữa các liên kết đinh vít hoặc móc sắt khoảng  250mm, khoảng cách xà gồ khoảng 1.000 mm. Nên sử dụng tấm lợp có chiều dày khoảng 0,4mm, loại sóng vuông bé. Phần vươn ra của tấm mái khỏi bờ tường khoảng 250mm, tốt nhất không nên để phần mái vươn ra khỏi tường, phía trên tấm mái nên có biện pháp chằng giữ tấm mái.

- Đối với mái ngói, nên sử dụng loại tấm ngói có thể neo buộc hoặc vít vào sườn mái (tối thiểu 1/3 số ngói được neo buộc).

Để chống bị bóc dỡ toàn bộ mái, phải giải quyết tốt mối liên kết giữa xà gồ với kết cấu chịu lực chính của công trình. Cụ thể, với kết cấu khung chịu lực: khi thi công khung cần bố trí các chi tiết liên kết xà gồ (thép liên kết, móc liên kết, con bọ...); với tường gạch: nên bố trí giằng đỉnh tường bằng bêtông cốt thép, tạo thành điểm tựa để liên kết xà gồ vào kết cấu chính của ngôi nhà bằng các thanh thép liên kết.

Ngoài ra, việc chọn độ dốc mái và chiều cao nhà cũng rất cần thiết cho sự an toàn của công trình. Chọn độ dốc mái làm sao để hạn chế tối đa áp lực gió và đảm bảo thoát nước mái.

Để giảm áp lực gió tác dụng vào đầu hồi (thường gây sụp đổ nhà kiểu ống), nên chọn độ dốc mái bé để hạn chế chiều cao thu hồi nếu điều kiện thoát nước cho phép.

Đối với nhà bị kẹp giữa hai nhà cao hoặc nhà 4 mái thì độ dốc mái khoảng 300 là phù hợp. Đối với chiều cao nhà, phụ thuộc vào yêu cầu không gian sử dụng, yêu cầu thông gió, tuy nhiên muốn hạn chế áp lực gió ảnh hưởng vào tường thì nhà càng thấp càng tốt.

Một giải pháp bảo vệ tấm mái và phần vươn ra của tấm mái hiệu quả nữa là cấu tạo các sênô có thành chắn nhô cao hoặc tường chắn mái với chiều cao hợp lý.

Đối với các vùng có nguy cơ ngập lụt, các hộ gia đình khi xây nhà cần tận dụng chiều cao để làm gác tránh lũ (trong trường hợp không đủ điều kiện xây nhà kiên cố), cột sàn cao hơn cột ngập lụt và không nhỏ hơn 2,5m so với cột nền nhà. Và không nên xây nhà có gác lửng mà không có móng, trụ, dầm bê tông cốt thép.

“Với thiết kế này thì nhà có thể chịu được sức gió trên cấp 12 mà không cần dùng biện pháp neo chằng. Đồng thời có thể chống cả lũ lụt, vì bên trong còn có một gác lửng” - ông Bình khẳng định.

Giải pháp trên của Th.S Thanh Bình đã được tổ chức Save the Children (Tổ chức Cứu trợ trẻ em) của Vương quốc Anh đón nhận dưới sự tài trợ của ECHO - cơ quan nhân đạo của Ủy ban châu Âu. Và chỉ sau vài công trình theo mô hình này, đã được “chuyển giao công nghệ”, phổ biến đi nhiều nơi, và trở nên “đắt hàng”.

  • K.N (Tổng hợp từ SGTT)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thèm thuốc lá - Lợi bất cập hại !  (06/12/2007)
Thơ  (06/12/2007)
Khi mùa lũ đi qua  (05/12/2007)
Quản lý làng bằng cái hương ước  (05/12/2007)
Có một ngọn hải đăng ở Nhơn Châu  (05/12/2007)
Kết thúc truy lùng tên cướp trên cầu Hà Thanh 4  (05/12/2007)
Cùng Lê Từ Hiển dạo vườn thơ hai-kư (*)  (05/12/2007)
Ngổn ngang trăm nỗi  (05/12/2007)
Chuyện về người mẹ của vua Duy Tân  (05/12/2007)
Ngọc Trản: Bài quyền tiêu biểu của võ Bình Định  (05/12/2007)
Nghịch lý từ Premier League  (05/12/2007)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (05/12/2007)
Bắt cá đồng  (03/11/2007)
Chuyện ghi từ câu lạc bộ nữ doanh nhân  (03/11/2007)
Những bất cập trong khai thác đất sản xuất gạch, ngói ở Bình Nghi  (03/11/2007)