TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUY NHƠN:
30 năm xây dựng và trưởng thành
20:56', 6/12/ 2007 (GMT+7)

Tháng 12.2007, Trường Đại học Quy Nhơn (ĐHQN) sẽ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. Đây là mốc thời gian quan trọng để trường tiếp tục khẳng định mình, phấn đấu thực hiện thành công sứ mạng Trường Đại học Quy Nhơn đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.

 

Sinh viên Trường ĐHQN trong lễ tốt nghiệp.

 

* Phát triển vượt bậc

Cơ sở Đại học Sư phạm Quy Nhơn (tên gọi cũ của Trường ĐHQN) cách đây 30 năm về trước được tiếp quản từ cơ sở Trường CĐSP Nghĩa Bình và Trường tư thục Vi Nhân (cũ) chỉ có 10 ha với khoảng 20 phòng học, 10 phòng thí nghiệm thực hành, 2 khu KTX sinh viên… Đội ngũ cán bộ, giáo viên có khoảng 100 người được Bộ GD&ĐT điều động từ các Trường ĐHSP Hà Nội, Vinh về… Nếu ai đã đến Trường ĐHQN những năm về trước hẳn sẽ ngạc nhiên về sự thay đổi vượt bậc của ngôi trường có vị trí tuyệt đẹp nằm bên bãi biển này.

Trước đây, Trường được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên THPT cho các tỉnh miền Trung với quy mô khoảng 1.000 sinh viên/năm với 5 ngành đào tạo là Toán, Văn, Sử - Chính trị, Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp, Lý - Kỹ thuật công nghiệp. Từ giai đoạn 1999 đến nay, cùng với nhiệm kỳ hiệu trưởng mới và tổ chức sắp xếp lại bộ máy quản lý, đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, nhà trường quan tâm hàng đầu đến chất lượng đào tạo. Đây là giai đoạn trường tập trung mọi nỗ lực đổi mới, cải tiến công tác đào tạo một cách toàn diện về nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, hình thức thi, kiểm tra, nề nếp dạy và học, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.

Cũng trong giai đoạn này, trường đặc biệt quan tâm đến phát triển cơ sở vật chất. Trường ĐHQN hiện nay đã được mở rộng về cả diện tích lẫn quy mô xây dựng với nhiều công trình được sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới như KTX C1, Nhà đào tạo trung tâm 15 tầng, các khu giảng đường, các trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm khoa học; trung tâm thí nghiệm thực hành, các sân bóng phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… tất cả đều to đẹp hơn, đàng hoàng hơn, đáp ứng quy mô đào tạo 12.000 sinh viên/năm.

 

Sinh viên Lào đang học ở Trường ĐHQN tham gia các hoạt động giao lưu với cộng đồng nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3.

 

Điểm nổi bật trong công tác đào tạo là chất lượng đào tạo của trường ngày càng có những bước chuyển biến tích cực, rõ nét và thực chất. Trường đã tổ chức kỳ thi chung cho các ngành học, khóa học và xếp số báo danh liền kề không chung ngành học, khóa học đã phát huy được tính chủ động, tích cực của người học, hạn chế tối đa tiêu cực trong thi cử. Tăng cường việc thanh tra, giám sát thi đua, đánh giá kết quả, đảm bảo khách quan, công bằng. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi hàng năm đạt từ 25-30%.

Trong 5 năm vừa qua, trường đã đào tạo gần 15.000 cử nhân thuộc các hệ đào tạo sư phạm, tổng hợp, kinh tế và kỹ sư với 44 ngành đào tạo. Trong đó, có 39 ngành đào tạo đại học do Trường ĐHQN tổ chức và cấp bằng, liên kết tổ chức đào tạo 5 ngành với các trường đại học khác. Ngoài ra, trường còn đào tạo hơn 8.000 sinh viên hệ vừa học vừa làm, chuyên tu, hoàn chỉnh kiến thức thuộc một số ngành sư phạm cho 8 tỉnh Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; đào tạo 370 lưu học sinh cho các tỉnh Chămpasắk, Attapư, Sêkôn của nước CHDCND Lào. Đối với đào tạo sau đại học, năm 2000, trường tuyển sinh ngành đào tạo đầu tiên. Đến nay, Bộ GD&ĐT đã cho phép trường đào tạo 10 ngành, trong đó có 7 chuyên ngành trường được phép cấp bằng.

Phong trào nghiên cứu khoa học, cải tiến sáng kiến kinh nghiệm trong cán bộ,  giảng viên và sinh viên phát triển mạnh và có hiệu quả. 5 năm gần đây, Trường đã nghiệm thu được 3 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài trọng điểm cấp Bộ, 38 đề tài cấp Bộ, 145 đề tài cấp trường đạt kết quả tốt, 10 đề tài được cấp Bằng Lao động sáng tạo. Trường đã tham gia tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học toàn quốc, biên soạn và xuất bản gần 55 giáo trình, tài liệu phục vụ các ngành đào tạo… Hoàn thành tốt công tác bồi dưỡng giáo viên thường xuyên cho 15.000 lượt giáo viên phổ thông các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng được quan tâm thường xuyên thông qua các hoạt động đào tạo, cộng tác viên các đề tài khoa học của cán bộ, viết khóa luận tốt nghiệp. Trong năm qua, trường đã có 31 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải ở cấp Bộ và Vifotec. Các đoàn sinh viên tham gia Olympic Toán học, Vật lý, Hóa học, Tin học, Mác-Lê nin & Tư tưởng Hồ Chí Minh đạt kết quả cao. Trường cũng đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm khoa học nông lâm và Thực hiện các Dự án Tăng cường năng lực nghiên cứu cho Trung tâm Thí nghiệm thực hành, Dự án phát triển giáo dục phổ thông của Bộ nhằm góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho cán bộ và sinh viên.

* Vai trò mới, nhiệm vụ mới

Kết thúc nhiệm kỳ 1999 - 2003, Trường ĐHSP Quy Nhơn được Thủ tướng Chính phủ cho phép đổi tên trường thành Trường Đại học Quy Nhơn với nhiệm vụ đào tạo đa ngành. Để hoàn thành nhiệm vụ mới, bộ máy tổ chức tiếp tục được sắp xếp lại, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả quản lý. Trường hiện có 15 khoa, 16 phòng, trung tâm, trạm trực thuộc với 758 cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Trong đó, có 457 giảng viên (5 phó giáo sư, 53 tiến sĩ, 200 thạc sĩ, 30 nghiên cứu sinh, 108 giáo viên đang học cao học), trên 70% số giảng viên đã đạt chuẩn quy định.

 

Ký túc xá C1 vừa được khánh thành với trang thiết bị hiện đại.

 

Vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên được coi là quan trọng hàng đầu, là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Trường đã khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên đi học nghiên cứu sinh và cao học, tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp và trung cấp… Nhờ vậy, đến nay đã có 70% số cán bộ, giảng viên đạt chuẩn. Ngoài ra, cán bộ, giảng viên đi học cao học, nghiên cứu sinh được trường khuyến khích bằng cách hỗ trợ 600-700 ngàn đồng/tháng, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, thạc sĩ được thưởng 50-60 triệu đồng. Mỗi năm, trường đã chi khoảng 900 triệu đồng để hỗ trợ cán bộ, giáo viên nâng cao kiến thức, bằng cấp.

Đến nay, cơ sở vật chất ở Trường ĐHQN đã được nâng cấp và hoàn thiện không ngừng. Toàn trường đã được nối mạng cục bộ. Thư viện điện tử đang được khai thác, truy cập thông tin thuận lợi hơn. Trường cũng đã lắp đặt hệ thống điện thoại đến từng phòng ở của sinh viên trong KTX. Trung tâm Thí nghiệm thực hành và Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm khoa học nông lâm được thành lập giúp sinh viên thực hành, thực tập tốt hơn. Chỉ tính trong 5 năm qua, bằng nguồn vốn Nhà nước và vốn tự có, trường đã xây dựng được 6 KTX 6 tầng, 1 trung tâm phục vụ sinh viên, 3 sân vận động phục vụ giảng dạy môn giáo dục thể chất và các hoạt động thể dục thể thao trong trường. Xây dựng các phòng học đa năng và phòng hội thảo…, đáp ứng nhu cầu đào tạo.

Bên cạnh đó, trường thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên và sinh viên, coi đây là động lực trực tiếp tác động tích cực đến mỗi thành viên trong trường. Mỗi tháng, cán bộ, giáo viên, công nhân viên được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Nhiều giáo viên có thu nhập thêm 25-30 triệu đồng/năm từ dạy vượt giờ. Đời sống vật chất của sinh viên cũng đã không ngừng tăng lên qua việc cải thiện nơi ăn, chốn ở, khu vui chơi, sinh hoạt giải trí… Hàng năm, trường đã trao 60 suất học bổng khuyến học (1 triệu đồng/suất) để hỗ trợ sinh viên vượt khó, học giỏi.

  • Minh Quang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bài tình ca mùa Đông  (06/12/2007)
Xế ôm lúc 0 giờ !  (06/12/2007)
Vững bước đi lên  (06/12/2007)
Giữ hồn nghề dệt chiếu  (06/12/2007)
Phong trào xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo ở An Lão  (06/12/2007)
15 đến 50 triệu đồng cho ngôi nhà chống bão  (06/12/2007)
Thèm thuốc lá - Lợi bất cập hại !  (06/12/2007)
Thơ  (06/12/2007)
Khi mùa lũ đi qua  (05/12/2007)
Quản lý làng bằng cái hương ước  (05/12/2007)
Có một ngọn hải đăng ở Nhơn Châu  (05/12/2007)
Kết thúc truy lùng tên cướp trên cầu Hà Thanh 4  (05/12/2007)
Cùng Lê Từ Hiển dạo vườn thơ hai-kư (*)  (05/12/2007)
Ngổn ngang trăm nỗi  (05/12/2007)
Chuyện về người mẹ của vua Duy Tân  (05/12/2007)