NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11
Cô giáo Võ Thị Thanh Điệp: Tôi chỉ là một “huấn luyện viên”…
21:2', 6/12/ 2007 (GMT+7)

19 năm đứng trên bục giảng, bảng thành tích đào tạo học sinh giỏi “dày cộp”, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen nhưng cô giáo Võ Thị Thanh Điệp - Tổ trưởng tổ Tiếng Anh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - vẫn lui về phía sau khi tự nhận mình chỉ là một “huấn luyện viên”, còn cầu thủ chính mới là học sinh.

 

Cô Điệp (thứ hai từ trái qua) cùng các giáo viên trong tổ bộ môn. Ảnh: L.Q.Đ

 

* Dạy để... học

Năm 1987, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, cô giáo Võ Thị Thanh Điệp được phân công về dạy ở Trường THPT Trưng Vương (TP Quy Nhơn). Đến năm 2000, “cơ duyên” của cô với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn mới bắt đầu bén rễ…

- Hồi đó, thầy Bắc (thầy Phạm Quang Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - NV) có gợi ý, cộng với sở thích chuyên về mảng học sinh giỏi nên tôi đồng ý về chứ thật ra chưa hề biết khái niệm trường chuyên là thế nào. Tôi chỉ có độc nhất ý nghĩ về trường chuyên để nâng cao thêm chuyên môn vậy thôi.

Nhưng đúng là về rồi thì tôi bị sốc bởi cường độ làm việc rất nặng. Không có giáo trình dạy, cũng không biết thi cử như thế nào. Mấy anh em trong tổ phải tự “mò mẫm” làm. Lúc dạy ở Trưng Vương, một tuần chỉ có 3 tiết theo chương trình giáo án của Bộ GD-ĐT. Đến khi về đây số tiết tăng lên gấp 3 lần, mới một tháng đã hết chương trình kiến thức cơ bản, nên phải tìm tòi cái khác để dạy cho học sinh. Cũng may, nhà trường rất quan tâm, tạo điều kiện để giáo viên mua sách. Vậy là 2 năm đầu về trường, tôi đến các hiệu sách trong thành phố Quy Nhơn, lục tung tất cả những loại sách tiếng Anh, kể cả những loại trước nay chưa từng “sờ” đến. Cũng may, lúc đó tôi vàø thầy Nguyễn Minh Hà đã chọn đúng hướng. Giờ nghĩ lại đúng là những năm đó tôi vừa đi dạy, vừa đi học!

Suốt 2 năm đầu, ngoài thời gian lên lớp, gần như lúc nào cô giáo Điệp cũng ôm “khư khư” đống sách tiếng Anh và cái máy vi tính. Chị nhớ lại: “Mỗi ngày, tôi phải đọc cả chục quyển sách chỉ để soạn được 6-7 tờ giấy bài tập cho các em, đến nỗi con bé con (học lớp 4) cũng càu nhàu: mẹ về trường chuyên làm gì cho khổ!”.

* Tôi chỉ là một “huấn luyện viên”...

* Người ta thường bảo học sinh trường chuyên là “gạo trên sàng” nên giáo viên trường chuyên “sướng” cả về chuyên môn lẫn công tác chủ nhiệm?

- Năm đầu thành lập trường, chuyên Anh có 2 lớp, một lớp chuyên được tách ra từ Trường THPT Quốc Học, một do trường tuyển đầu vào. Tôi phụ trách lớp tuyển đầu vào nên trình độ học sinh không đều, có em học được, có em không biết gì, thậm chí có em hỏi ra mới biết là vào trường theo kiểu “may rủi” (vì trước đó học sinh này đã bị trượt khi thi vào một trường khác). Khi tôi dạy thêm cho một nhóm học sinh Trường Quốc Học có bảo các em học yếu đi theo nhưng các em này cũng theo không nổi.

* Còn bây giờ?

- Đúng là “gạo trên sàng” nên có khác. Thậm chí bây giờ tôi còn nói với ông xã (cũng là giáo viên - NV), dạy lớp chuyên “sướng”. Trong học tập, giáo viên chỉ cần nói những phần cơ bản, thời gian chính là các em tự học.

Các em rất ngoan, thông minh, năng động và tự giác nên công tác chủ nhiệm của tôi cũng khá dễ dàng. Như năm ngoái, tôi chỉ gợi ý là lớp nên làm một vở kịch bằng tiếng Anh thì các em làm tất tần tật các khâu từ biên dịch, chuyển thể, dàn dựng vở kịch “Cô bé lọ lem” sang tiếng Anh. Tôi rất bất ngờ.

* Vậy có khi nào chị rơi vào tình huống bị “gạo trên sàng” bắt “bí” chuyện bài vở?

- Giáo viên dạy lớp chuyên đòi hỏi phải thường xuyên học tập, trau dồi, cập nhật thêm nhiều kiến thức. Và thật ra, chuyện một giáo viên bị học sinh bắt “bí” là bình thường. Tôi có nói với đồng nghiệp, đối với một số đề bài có khi các em làm còn nhanh, gọn hơn giáo viên nữa ấy chứ. Tôi vẫn quan niệm mình chỉ giống như một “huấn luyện viên”, giúp các em cách luyện tập, chứ “đá” thì không thể bằng.

Tôi còn nhớ rất rõ, hồi học cao học ở Hà Nội, một tiến sĩ dạy Ngữ văn người Anh chính gốc khi viết một từ tiếng Anh mà học viên phải nhắc. Bởi vì trong ngôn ngữ, chuyện giáo viên bị bắt “bí” không có gì lạ. Vấn đề là giáo viên có chịu “học tập” từ chính học trò của mình hay không.

Mỗi học sinh đều có một thế mạnh riêng. Do đó, vai trò “huấn luyện viên” của chị còn có nghĩa là phải biết cách khai thác tiềm năng, thế mạnh đó. Năm học vừa rồi, trường có một cô học sinh học giỏi môn Tiếng Anh nhưng đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh lần nào cũng trượt “vỏ chuối”. Qua một thời gian giảng dạy, chị Điệp nhận ra cô bé này học rất giỏi nhưng lại chậm vì quá trau chuốt ý tứ trong các bài luận. Vậy là, chị giao cho cô bé 2 bài luận và để em luyện tập, giảm dần thời gian làm bài. Kết quả, kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm đó, cô học trò này đã đạt giải.

* 7 năm dạy học ở trường, chị có nhớ mình đã dẫn dắt cho bao nhiêu học sinh đạt giải học sinh giỏi không?

- Thật sự, tôi không nhớ nổi. Nhưng ấn tượng nhiều nhất của tôi là khóa học sinh  đầu tiên. Năm đầu, có 5 em đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh (thi vượt cấp) thì đậu 3 em. Và trong 3 năm thì có 7/8 em đậu giải học sinh giỏi cấp quốc gia. 7 em có thành tích xuất sắc được tuyển thẳng vào các trường đại học.

* Giáo viên là tấm gương của học sinh

* Giáo viên trường chuyên thường chú ý đào tạo học sinh với mục đích đi thi các kỳ thi học sinh giỏi nên kiến thức các em tiếp nhận thường bị lệch?

- Đúng là học sinh các trường chuyên thường được dạy theo dạng đáp ứng yêu cầu các kỳ thi nên đôi lúc bị lệch. Trong 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thì kỹ năng nói là dễ nhất nhưng lại thường bị bỏ qua nhất. Do đó, khi các em ra trường đi làm cũng thiếu tự tin trong giao tiếp, đặc biệt là với người nước ngoài. Nhận ra vấn đề này, trong năm học vừa rồi, chúng tôi đã tăng cường tổ chức 4 câu lạc bộ sinh hoạt bằng tiếng Anh. Học sinh tham gia rất hào hứng. Tôi cũng đã đề nghị trường thuê hẳn một chuyên gia nước ngoài để dạy môn nói cho các em.

* Từ ngày thành lập Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đến nay, chị là người thứ hai của trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Một vinh dự cho những thành tích và đóng góp của chị với nhà trường…

- Quan niệm sống của tôi khá rõ ràng, đã làm cái gì thì phải làm đến cùng và làm thật tốt. Việc tôi được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là niềm vinh dự của bản thân tôi và nhà trường nhưng tôi không dám nhận đó là thành tích của riêng bản thân tôi mà là do môi trường làm việc. Vả lại, trong trường có nhiều giáo viên giỏi hơn tôi nhiều.

* Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, chị nghĩ thế nào về nghề giáo, quan hệ giữa giáo viên và học sinh trong thời đại ngày nay?

- Nghề giáo là nghề thiêng liêng nhưng vất vả. Ở bất cứ thời đại nào, giáo viên là tấm gương để học sinh soi vào. Tôi chấp nhận những học sinh có học lực yếu một chút nhưng không bằng lòng với những học sinh có thái độ học tập “chểnh mảng”, học không ra học, chơi không ra chơi. Có thể trong thời gian đầu mới tiếp cận, các em cho rằng tôi nghiêm khắc, khó tính nhưng học sinh ngày nay khá “nhạy cảm” nên dần dần cũng hiểu.

Có câu chuyện, trong khóa đầu tiên, một học sinh nữ có học lực khá nhưng học hành “chểnh mảng”. Lên lớp, học sinh này thường “ngủ gật” nên thường xuyên bị cô Điệp phê bình và la trước lớp. Thế nhưng, đến khi học Đại học Ngoại thương, ra trường, làm việc tại Ngân hàng Techcombank (TP HCM), mỗi lần về Quy Nhơn thăm cô giáo, cô học trò cũ lại tỉ tê: “Trước đây cô hay la em, bây giờ vào Sài Gòn thèm lắm nhưng cũng chẳng có ai la cả”.

* Cảm ơn chị!

  • Thu Hiền (thực hiện)

Cô Võ Thị Thanh Điệp, sinh năm 1963, ở TP Quy Nhơn. Năm 1983 tốt nghiệp THPT, thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Huế. Năm 1988, được phân công dạy ở Trường THPT Trưng Vương (TP Quy Nhơn). Từ năm 2000 đến nay, giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Hiện là Tổ trưởng tổ Tiếng Anh của trường.

Năm 2003 đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Năm 2004, sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh được xếp loại B.

Năm 2002, 2003 được nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT.

Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do những thành tích trong 5 năm dạy học (2001-2006) và rất nhiều Bằng khen của Sở GD-ĐT, Liên đoàn Lao động.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
30 năm xây dựng và trưởng thành  (06/12/2007)
Bài tình ca mùa Đông  (06/12/2007)
Xế ôm lúc 0 giờ !  (06/12/2007)
Vững bước đi lên  (06/12/2007)
Giữ hồn nghề dệt chiếu  (06/12/2007)
Phong trào xóa nhà ở đơn sơ cho người nghèo ở An Lão  (06/12/2007)
15 đến 50 triệu đồng cho ngôi nhà chống bão  (06/12/2007)
Thèm thuốc lá - Lợi bất cập hại !  (06/12/2007)
Thơ  (06/12/2007)
Khi mùa lũ đi qua  (05/12/2007)
Quản lý làng bằng cái hương ước  (05/12/2007)
Có một ngọn hải đăng ở Nhơn Châu  (05/12/2007)
Kết thúc truy lùng tên cướp trên cầu Hà Thanh 4  (05/12/2007)
Cùng Lê Từ Hiển dạo vườn thơ hai-kư (*)  (05/12/2007)
Ngổn ngang trăm nỗi  (05/12/2007)