|
Bút tích của thầy sẽ theo em cả chặng đường dài. Ảnh: Hoàng Vân |
Những người mà tôi viết hôm nay là những thầy giáo thật sự, tuy không trực tiếp dạy tôi một giờ nào trên lớp, nhưng tôi mãi coi họ là những người thầy.
Năm 1965, tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh. Sau năm ngày đêm cuốc bộ, tôi về tới Hà Nội, đến Bộ Giáo dục nhận quyết định đi dạy. Tôi bàn với anh bạn Trần Tuấn Khải: “Đã đi dạy thì nên xin về một tỉnh nào có phong trào thật tốt để học nghề”. Anh Khải thống nhất với tôi. Hai anh em đứng đợi. Vừa lúc đó, có một người từ trong phòng lững thững đi ra. Ông khoảng ngoài 50, đầu tóc hoa râm, da mặt hồng hào, dáng cao, mặc áo cánh lụa nâu, tay cầm chiếc quạt giấy phe phẩy. Ông dừng lại trên thềm, lặng lẽ nhìn ra xa dáng suy nghĩ. Rồi thấy hai chúng tôi dưới thềm, ông hỏi: “Hai cậu về đâu sao chưa vào nhận quyết định?”. Tôi trình bày lại chuyện tôi với anh Khải vừa bàn. Ông chăm chú nghe rồi hỏi: “Hai cậu tên gì? Nổi tiếng nhất miền Bắc về giáo dục là tỉnh tớ. Nhưng hai cậu có thực sự yêu nghề, có quyết tâm làm việc không?”. Khải lấy cây bút ghi vội tên, họ hai chúng tôi đưa cho ông. Ông đi vào một lúc lâu, rồi trở ra, cầm hai quyết định đưa cho chúng tôi. Ông hỏi: “Bây giờ hai cậu có theo tôi về Nam Định không?”. Hai chúng tôi theo xe của ông về Nam Định, hướng dẫn đường đến nơi sơ tán của Ty Giáo dục. Khi ông chuẩn bị lên xe, chúng tôi hỏi: “Thưa bác! Bác tên gì cho chúng cháu biết để sau này có dịp cảm ơn”. “Không cần đâu!” - ông nói - “Chỉ cần hai cậu cố gắng làm việc là được”. Rồi ông chậm rãi: “Mình là Hoàng Trung Tích, Phó Ty Giáo dục Nam Hà”.
Tôi được phân về Trường cấp III Nghĩa Hưng, Hiệu trưởng lúc ấy là thầy Lê Văn Trạm. Khi trình quyết định về trường, thầy biết tôi học ở Vinh nên rất vui, như gặp được đồng hương. Tôi được phân công dạy lớp 8C (hệ 10 năm). Học một tuần, có hai em vẫn vắng. Học sinh cho biết hai em này đã đạt giải học sinh giỏi miền Bắc, nhưng gia đình bắt phải ở nhà. Tôi trình bày với anh Trạm. Anh nói: “Trưa mai, ăn cơm xong hai anh em mình đi miền hạ một chuyến” (là miền hạ Nghĩa Hưng, cách trường độ 30-40 km) quê của hai em học sinh đó. Trưa thứ Bảy, hai anh em đạp hai chiếc xe đạp rong ruổi trên con đường xa. Thất bại khi thuyết phục gia đình hai em, anh quay sang cùng tôi tâm sự với hai em. Cuối cùng, hai em nghe theo chúng tôi.
Hai em vừa lên trường, anh đưa ngay vào đội học sinh giỏi để bồi dưỡng. Anh nói với tôi: “Cậu dạy nền, mình dạy mở rộng”. Tôi hỏi anh: “Dạy nền là dạy thế nào?”. Anh giảng giải: “Dạy nền là dạy thật kỹ sách giáo khoa, từng bài phát hiện được những tinh túy, trình bày một cách chắc chắn, dễ hiểu. Dạy xong chương trình, liên kết thêm những đề tài riêng, giúp học sinh có cái nhìn bao quát”. Anh còn dặn: “Cậu không được áp đặt, nói hết. Cho các em đọc, phát hiện rồi mình tổng kết”. Tôi hỏi anh thế còn mở rộng là thế nào?”. Anh nói: “Hướng dẫn các em đọc sách, nhất là những sách liên quan đến chương trình. Hướng dẫn các em từ “nền” mà hiểu rộng ra một cách có lý luận khoa học”.
Bài văn đầu anh đưa ra cho các em làm là “Vẻ đẹp chói sáng của tâm hồn Nguyễn Trãi”. Em học sinh được tôi và anh đưa về, không làm văn, mà làm một bài thơ về đề tài ấy. Tôi thấy bài thơ hay, nên cho điểm ưu. Anh Trạm la hai thầy trò một trận. Anh bảo đây là văn trường qui, theo thể loại, chứ không phải văn tự do. Tôi cãi với anh: “Tài năng thì làm gì có thể loại”. Anh bực lắm, nhưng rồi hai anh em lại làm việc.
Cuối cùng, anh Trạm đã thành công, người học sinh ấy đứng đầu Cuộc thi Học sinh giỏi toàn miền Bắc năm 1968. Sau đó, tôi xa anh về dạy ở Nam Định. Từ đó đến nay đã gần 40 năm, tôi đã cố gắng bồi dưỡng thành công nhiều học sinh giỏi, nhưng tất cả đều bắt đầu từ chỗ dạy nền và mở rộng, phát triển suy nghĩ độc lập cho các em mà anh Trạm giảng cho ngày ấy. Trên tất cả cách dạy, ấy là lòng nhiệt tình, thương yêu học sinh, tinh thần trách nhiệm mà anh đã thắp cho tôi từ lúc vào nghề.
Tôi về dạy Nam Định, Tổ trưởng Tổ Văn trường Hoàng Văn Thụ lúc bấy giờ là thầy Phạm Thúy - một người thầy thuộc hàng cây đa, cây đề của tỉnh. Ban đầu, tôi gọi anh Thúy bằng thầy vì lúc đó anh đã có bốn cháu, tôi thì mới ngoài đôi mươi. Chị Thúy nói với tôi: “Các chú khác đều có quê ở đây, riêng chú quê ở tận miền Nam, cứ coi anh chị như ruột thịt, gọi anh ấy bằng anh cho thân mật”.
|
Một “thầy giáo làng” gắn niềm vui của mình vào việc dạy cho các em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Ảnh: Hoàng Vân
|
Anh Thúy thường xuyên dự giờ tôi dạy. Lớp sơ tán ở cách nhau có khi hàng cây số. Một hôm, trời mưa đường trơn, đạp xe đạp đi một đoạn phải cạy đất ra mới đi tiếp được. Tôi đến nơi, người ướt như chuột, đã thấy anh Thúy đứng đó người cũng ướt đẫm. Anh cười: “Anh dự giờ nghe?”. Ban đầu tôi thấy hơi khó chịu, nhưng dần rồi quen. Sau mỗi lần dự giờ, anh Thúy góp ý cặn kẽ chỗ này, chỗ kia, anh phân tích lý do vì sao, kỹ lưỡng đến mức anh giúp tôi phân biệt đầu đề tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí”, thì “nhất thống” khác với “thống nhất” thế nào? Qua một năm, tôi thấy mình vững vàng nhiều hơn. Anh nói: “Anh yên trí và vui mừng về chú rồi”. Sau đó anh được điều về Trường Trung học Sư phạm, còn tôi chuyển về Trường cấp III Lý Tự Trọng.
Trường tôi sơ tán rất xa trường anh. Từ ấy đến nay, tôi xa anh hơn 30 năm, nhưng trong lòng tôi, một người anh, một người thầy với cái nhìn nhạy bén, với thái độ trân trọng, vun đắp, còn mãi trong tôi. Tôi không xa anh.
Ở Trường cấp III Lý Tự Trọng, Hiệu trưởng Hà Ngọc Soạn có dáng dấp của một nông dân, nhưng lãnh đạo lại rất trí thức. Một đêm, tôi với thầy Nguyễn Văn Thông, giáo viên cùng trường, đọc sách đến 12 giờ đêm. Đói bụng, định ra nhổ mấy bụi xu hào non về luộc ăn. Đi ngang qua phòng Hiệu trưởng, thấy anh vẫn mải mê làm việc. Thấy chúng tôi, anh gọi vào uống nước, hút thuốc lào. Anh hỏi: “Các cậu chưa nghỉ à?”. Tôi đùa: “Hiệu trưởng chưa nghỉ, giáo viên làm sao nghỉ được! Mà anh làm gì khuya thế?”. “Mình phê nhận xét định kỳ cho các cậu”. Tôi cười: “Nhận xét định kỳ hàng năm thì giống như bọn tôi phê học bạ, chỉ mấy phút thôi, anh làm gì mà lâu thế”. Anh Soạn nói chậm rãi: “Các chú cố gắng thật nhiều, anh thà bỏ sót những khuyết điểm, nhưng không thể bỏ quên những ưu điểm dù rất nhỏ của các anh em”. Tôi giật mình vì những lời tâm sự của anh.
Sau 1975, tôi trở về dạy học ở Quy Nhơn. Không hiểu bây giờ các anh ở đâu, nhưng những năm tháng sống với các anh và những lời tâm sự ấy vẫn sống vẫn soi sáng cho tôi trong thái độ, cách sống đối với mọi người. Có biết bao nhiêu những con người như thế trên mảnh đất Nam Hà ngày ấy.
|