Hoa kiểng Bình Định bước ra sân chơi lớn
18:10', 6/2/ 2007 (GMT+7)

Ảnh: Hà Hữu Nết

Hơn 10 năm nay, phong trào sinh vật cảnh (SVC) Bình Định đã phát triển sâu rộng cả về số lượng và chất lượng, cả về yếu tố nghệ thuật lẫn mục đích kinh tế. SVC Bình Định đã đĩnh đạc có mặt tại các lễ hội SVC tầm cỡ quốc tế, tổ chức tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước. SVC Bình Định hiện là một thương hiệu mạnh mà giới kinh doanh hoa kiểng trong cả nước biết đến.

* Tiềm năng và cơ hội phát triển

Thú chơi hoa kiểng, non bộ, chim cảnh, cá cảnh, đá cảnh, vườn cảnh... của người Bình Định có từ lâu đời. Hiện nay còn một số tác phẩm cổ, các nghệ nhân Bình Định đang lưu giữ như những báu vật. Từ những thú chơi tiêu dao, mang đậm tính nghệ thuật, các nghệ nhân đã dần tìm đến những bạn chơi để trao đổi, học tập, dần dần kết thành những nhóm và chính thức có tổ chức Hội SVC từ 10 năm nay. Các cấp hội đã tập hợp các nghệ nhân tham gia Hội ngày một đông hơn, các nghệ nhân được có cơ hội học tập, giao lưu nghệ thuật và trao đổi hàng hóa từ các sản phẩm SVC. Vươn xa hơn là đã hình thành một mặt hàng kinh tế có giá trị cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đã có nhiều người rất giàu nhờ kinh doanh SVC. Đến nay toàn tỉnh có 6.112 hội viên sinh hoạt tại 148 chi hội SVC, chưa có địa phương nào trong cả nước phát triển tổ chức hội mạnh như ở Bình Định. Huân chương Lao động hạng III mà Nhà nước trao tặng (2000-2004) cho Hội SVC Bình Định là phần thưởng xứng đáng. Song song với phong trào Hội, việc sản xuất, kinh doanh SVC cũng phát triển trên diện rộng, như: vùng trồng hoa huệ ở Tuy Phước, An Nhơn; vùng trồng hoa mai ở An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn, Phù Cát, TP Quy Nhơn...; các vùng trồng cúc, thược dược, vạn thọ, quất... được phân bố trên 50 ha đất nông nghiệp trong toàn tỉnh. Doanh thu sản phẩm SVC hàng năm trong toàn tỉnh ước tính khoảng 20 tỉ đồng.

* Tạo được tiếng vang xa

Sản phẩm SVC Bình Định không những mang đến những ích lợi về văn hóa, nghệ thuật, cải thiện môi trường cho các hộ gia đình, cơ quan, nơi công cộng, mà còn mang đến không khí lễ hội ở một tầm cao khác, như hội thi, triển lãm tác phẩm SVC nghệ thuật.

Tại Festival Hoa Đà Lạt (tháng 12-2005), Hội SVC Bình Định là một trong số ít đơn vị vinh dự được mời tham gia. Gian trưng bày sinh vật cảnh Bình Định, rộng chừng 200m2, luôn luôn đầy ắp người tham quan trong thời gian diễn ra lễ hội hoa. Cái độc đáo mà Bình Định đã thể hiện trong Festival Hoa Đà Lạt 2005 là 13 tác phẩm mai xuân nghệ thuật đang đồng loạt nở giữa sương lạnh Đà Lạt, cùng với 50 chậu mai vàng khác mà Lâm Đồng đã sưu tập ở Bình Định, cũng đua nở tưng bừng trong những ngày này. Điều đó chứng tỏ mai xuân có thể nở được ở miền ôn đới, gợi ra cho các nhà khoa học, các nhà đầu tư sự tìm tòi, nghiên cứu để cây mai xuân có thể có mặt và cho hoa ở mọi miền đất nước. Sau TP. HCM, các cây kiểng nghệ thuật ở Bình Định đã chiếm được ưu thế về chủng loại, kiểu dáng và nghệ thuật chăm sóc. Tất cả các tác phẩm SVC của Bình Định tại hội hoa đều đạt từ mức khá đến xuất sắc và phần lớn các tác phẩm mang phong cách dữ dội của một xứ sở miền Trung nắng gắt, mưa dầm, gió lớn.

Ông Đỗ Phượng - Phó Chủ tịch Hội SVC Việt Nam đã đánh giá cao phong trào SVC ở Bình Định, tại Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng III của Hội SVC Bình Định, ông đã nhận xét: “Bình Định có thế mạnh là phong phú về chủng loại hoa kiểng, các nghệ nhân có tay nghề cao, tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Nhưng Bình Định cần có hướng đầu tư bài bản hơn, mở ra những làng hoa kiểng, những vựa hoa kiểng chuyên sâu, và cần phát triển dịch vụ sinh vật cảnh mang tầm cỡ lớn. Biến việc sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế mạnh ở địa phương...”.

Hội SVC Bình Định đã gây được nhiều tiếng vang trong các kỳ liên hoan, triển lãm SVC khu vực và cả nước. Đến với Festival Aquavina (sinh vật cảnh) tại TP Hồ Chí Minh lần thứ I- 2006, Bình Định được xem là địa phương có nhiều tiềm năng nhất. Tin vui đầu tiên đến với đoàn Bình Định là chiếc Huy chương bạc của Festival dành cho tác phẩm cừa “đại lão”, dáng trực của nghệ nhân Ngô Tế Thế (chủ nhà hàng Quê Hương), sau tác phẩm sanh “đại thụ” bám đá của Hà Nội. Niềm vui lớn nhất cho đoàn Bình Định là đã thu hút hàng chục nghìn khách tham quan, thương gia, nghệ nhân đến khu trưng bày. Ngay trong ngày khai mạc, Cơ sở gỗ lũa Duy Tùng (Bình Định) đã bán tác phẩm “Cửu long quần tụ” với giá 40 triệu đồng, một ngày sau một bộ bàn ghế bằng gỗ lũa cũng được bán với giá 30 triệu đồng. Tiếp đến, tác phẩm kiểng nghệ thuật của nghệ nhân Thanh Trì, Hội SVC huyện Tây Sơn cũng được bán, tổng cộng hơn 150 triệu đồng các sản phẩm SVC Bình Định đã bán ra tại lễ hội. Nhiều tác phẩm khác của gian trưng bày Bình Định được các thương gia dạm giá nhưng không mua được, do... chủ nhân chưa có nhu cầu bán. Bế mạc Festival SVC 2006, Bình Định còn đón nhận một tin vui khác, đó là Cúp bạc tập thể.

Hội SVC Bình Định còn vinh dự được đảm nhận một phần nội dung trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2007- “Hội tụ và phát triển”. Đây sẽ là liên hoan SVC lần thứ V của Bình Định, nhưng khác với các lần trước, quy mô lần này có tầm cỡ cấp quốc gia. Bình Định sẽ mời 10 tỉnh, thành phố có phong trào SVC lớn mạnh và đặc sắc cùng tham gia triển lãm, trưng bày và hội thi, trong đó Bình Định sẽ có 23 gian trưng bày.

Mai xuân Bình Định vẫn nở rộ tại Lễ hội Hoa Đà Lạt giữa mùa đông. Ảnh: Ngọc Diên

* Để bước ra sân chơi lớn

Những cái thiếu của SVC Bình Định khi bước ra “sân chơi” lớn hơn, đó là chưa có tầm vĩ mô trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm SVC. Nhiều nghệ nhân ở Bình Định và các địa phương bạn đã nhận xét: Nguồn nguyên liệu tạo nên tác phẩm SVC ở Bình Định rất phong phú, các nghệ nhân Bình Định biết khai thác tốt cốt cách của từng dáng cây, vân đá, thế gỗ và biết tạo nên những phong cách độc đáo trong nghề chơi. Tuy nhiên, có quá nhiều tác phẩm SVC của Bình Định được chuyển nhượng đi nơi khác theo kiểu “bán giống”; trong đó sanh, sam, phi lao, linh sam và me ở Bình Định là những cây được nhiều đại gia trong làng kiểng biết đến và săn đón. Nhiều tác phẩm có nguồn gốc mua từ Bình Định đã có mặt trong các hội thi quốc gia và quốc tế, nhờ sự chăm sóc khá sắc sảo của các nghệ nhân (ngoài tỉnh), cùng với việc kiên trì bảo dưỡng để đạt đến độ “chín” của tác phẩm.

Bình Định có nhiều nghệ nhân SVC có tay nghề cao, tuy nhiên chưa có cơ sở, hoặc Hội SVC nào của Bình Định có tổ chức chiêu sinh dạy nghề ngắn hạn, hoặc dài hạn. Việc tuyên truyền, khuyến khích để phát triển sản xuất, kinh doanh SVC ở các địa phương trong tỉnh chưa mạnh, còn mang tính tự phát. Thường thì trong các lễ hội SVC, các đơn vị đã kết hợp trưng bày, giới thiệu, quảng bá thương hiệu và sản phẩm, cùng với các dịch vụ bán dụng cụ, vật tư, sách hướng dẫn chăm sóc hoa kiểng... Chúng ta còn thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức các lần triển lãm, hội thi SVC. Hội SVC Bình Định cần có nhiều dịp giao tiếp, thi thố để nhìn nhận lại mình một cách toàn diện hơn, đặc biệt là việc quảng bá thương hiệu và tiếp cận thị trường SVC, một nghề chơi hái ra tiền.

Khâu yếu nhất của SVC Bình Định là chưa có nhiều công trình nghiên cứu và chưa ứng dụng được nhiều các công nghệ sinh học trong sản xuất SVC; việc quy hoạch các vùng sản xuất SVC chưa được chú trọng, phần lớn là sự tự phát nuôi trồng của các hộ cá thể; chưa có nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh SVC tại Bình Định có quy mô lớn, có chức năng xuất khẩu hoa, cây kiểng và các loại hình SVC khác.... Để SVC Bình Định bước ra “sân chơi” lớn cần phải có chính sách phát triển lâu dài và mang tầm vĩ mô.

  • Nguyên Phương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Xuân Đinh Hợi  (05/02/2007)
Bình Định - Trung tâm công nghiệp của khu vực - phục vụ kháng chiến và kiến quốc  (30/12/2006)
Lữ đoàn pháo “ba cùng”  (30/12/2006)
Khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới  (30/12/2006)
Một số hình ảnh về Lễ khánh thành cầu Thị Nại, khởi công KCN Nhơn Hội và các dự án trong KKT Nhơn Hội  (30/12/2006)
Những công trình đầy ấn tượng  (30/12/2006)
Đường ven chân sóng  (30/12/2006)
Thăng hoa từ những mặt hàng mỹ nghệ  (30/12/2006)
Một nhà, bốn mẹ anh hùng  (30/12/2006)
Giáo làng ngày trước  (30/12/2006)
Thơ  (30/12/2006)
Quê nhà  (30/12/2006)
Chuyện về hai người bạn của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm  (30/12/2006)
Kết thúc truy lùng Phạm Văn Hải  (30/12/2006)
“Hãy thắp một ngọn lửa”  (30/12/2006)