Người ta nói, bản thân vị võ sư ấy cũng đang gìn giữ một di sản. Đó là tinh hoa của làng võ An Thái mà ông được sư phụ là võ sư Diệp Trường Phát truyền dạy. Ông cũng là người góp vào việc hồi sinh cho những di sản kiến trúc, khi mà những viên ngói âm dương do cơ sở của ông sản xuất, hiện đang được cung cấp, phục vụ cho việc trùng tu các kiến trúc cổ ở di sản văn hóa thế giới Hội An (Quảng Nam). Đó là chuyện ông Nguyễn Thâu (làng An Thái, xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn)...
|
Ông Nguyễn Thâu đang cho đất sét vào máy dập.
|
* Cơ duyên “luyện” ngói âm dương
40 Năm qua, cơ sở sản xuất gạch của gia đình ông Nguyễn Thâu chủ yếu chỉ làm gạch xây dựng. Rồi cách đây 3 năm, ông Thâu nảy ra ý định làm thử ngói âm dương. Nghĩ là làm, ông quan sát các ngôi nhà xưa có lợp mái ngói âm dương ở An Thái, rồi mày mò chế tạo khuôn ngói...
Bắt tay vào làm mẻ ngói đầu tiên, ông Thâu mới nhận ra rằng: làm ngói âm dương hóa ra phức tạp và tốn công tốn sức hơn gạch rất nhiều. Với ngói âm dương, ông phải chọn loại đất sét tốt nhất ở An Thái, rồi đưa vào máy xay cho nhuyễn, xong mới đưa khuôn mê bằng sắt vô máy mới ra được sản phẩm thô. Sản phẩm thô này đem phơi hong cho khô, rồi đưa vào máy dập, dập khuôn ra viên ngói. Viên ngói được dập ra vẫn còn mềm, lại tiếp tục được đưa vào cốt gỗ ép lại. Đến khi sản phẩm có độ đồng đều giống nhau rồi, mới lấy ra bỏ lên rá, mang ra ngoài trời phơi cho cứng. Sau tất cả công đoạn phức tạp kể trên, mới đến công đoạn cuối cùng là nung ngói. Nhưng đây mới là công đoạn khó khăn nhất, vì phải nung liên tục trong ba ngày đêm (nung gạch chỉ mất một ngày), lại phải luôn có người túc trực để lo củi lửa, đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho từng thời điểm để ngói không bị nứt.
Mẻ ngói âm dương đầu tiên loại bằng này đã thực sự gây ngạc nhiên cho ông Tám Hữu - một nghệ nhân chuyên đảm nhận việc trùng tu các ngôi chùa cổ. Ngay lập tức, Tám Hữu từ bỏ ý định mua ngói Hạ Long trước đó, chuyển sang đặt hàng mua loại ngói Âm Dương do ông Nguyễn Thâu sản xuất, về lợp mái cho chùa Minh Tịnh (Quy Nhơn). Tiếp đó, chùa Phổ Tịnh (An Thái) cũng đặt mua mười mấy nghìn viên để làm mái chùa... Phấn khởi trước những thành công ban đầu như vậy, không dừng lại ở việc làm ngói âm dương loại bằng, năm 2006, ông Thâu lại nghiên cứu sản xuất thêm loại ngói âm dương có hoa văn, để dùng làm đường viền trang trí cho mái các kiến trúc cổ. Để làm khuôn loại ngói này, ông Thâu phải “cậy” đến một nghệ nhân đúc đồng ở đất Tây Sơn. Đồng thời, ông nhờ người cháu mua một máy dập nút chai ở TP Hồ Chí Minh về cải tiến thêm, đưa khuôn ngói vào. Vậy là máy dập nút chai thành máy dập ngói... tự động. Nhờ đó, năng suất sản xuất ngói âm dương tăng lên thấy rõ.
* Cho những di sản hồi sinh
Hiện nay, hai loại ngói âm dương do cơ sở gạch ngói của ông Nguyễn Thâu sản xuất là ngói bằng và ngói có hoa văn được nhiều nơi trong cả nước biết tiếng và tìm tới đặt hàng. Ngoài các chùa ở Quy Nhơn như Minh Tịnh, Lộc Uyển, đình làng Nhơn Lý (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn); các ngôi chùa ở Đồng Nai, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng… cũng tìm đến mua. Đặc biệt, mua với số lượng nhiều nhất vẫn là các đình, chùa ở Hội An (Quảng Nam). Tình cờ, chúng tôi gặp Hòa thượng Thích Giác Tràng (Tịnh xá Ngọc Cẩm - Hội An), khi ông đang đi đặt mua 50.000 viên ngói của cơ sở ông Năm Thâu. Hòa thượng cho biết: “Ở Hội An, có rất nhiều ngôi chùa cổ khi trùng tu xây dựng lại đã sử dụng ngói âm dương sản xuất tại An Thái. Ngói âm dương ở đây sản xuất vừa đúng quy cách, vừa đảm bảo về mỹ thuật và có độ bền cao. Do vậy, tôi phải vào tận An Thái để đặt hàng”. Còn như ông Nguyễn Tấn Tài - Chủ DNTN nước mắm Phùng Kỳ - Thủy Tài, sau khi cất công ra tận Hội An, Huế tìm mua ngói về lợp mái cho ngôi nhà cổ của mình tại xã Cát Tân (Phù Cát) đã ngớ người ra vì được giới thiệu là những viên ngói âm dương được mua ở vùng An Thái. Vậy là ông Tài trở ngược về Bình Định, lên An Thái mua ngói.
* Và võ sư luyện... gạch
Điều thú vị là ông Nguyễn Thâu cũng chính là một võ sư vào hàng trưởng lão của làng võ An Thái và là một trong hai môn đệ hiện còn của võ sư Diệp Trường Phát (tức cụ Tàu Sáu) đang sống tại làng võ này. Vốn ham mê võ thuật, năm 14 tuổi, cậu bé Nguyễn Thâu đã theo cụ Tàu Sáu học võ. Nhận thấy cậu đệ tử này vừa có năng khiếu võ thuật, vừa có phẩm hạnh tốt, cụ Tàu Sáu đã hết lòng chỉ dạy cho những tinh hoa võ thuật của môn phái mình. Sau gần 10 năm luyện tập, ngày sư phụ qua đời, Nguyễn Thâu quyết định dừng bước trên con đường võ học. Học võ chỉ để rèn luyện sức khỏe, tu tâm dưỡng tính nên hầu như ông không tranh đấu cùng ai, cũng không hề khoe khoang, nên gặp ông, không được giới thiệu trước, chẳng ai biết ông là một võ sư. Từ đó đến nay, dù không mở võ đường hay tham gia đấu võ đài, chỉ chuyên tâm “luyện”.... gạch, nhưng ông vẫn được trọng vọng như là một bậc võ sư trưởng thượng ở An Thái. Giờ đây, khi đã ở tuổi 66, Nguyễn Thâu vẫn được nhiều người dân An Thái xem là “kho tàng sống” về môn võ Bình Thái Đạo (tức Bình Định - An Thái, do cụ Tàu Sáu sáng lập).
|