Bao giờ võ Việt thăng hoa ?
21:24', 5/2/ 2007 (GMT+7)

Sau nhiều thập kỷ khát khao mong đợi, một cơ hội cho hàng vạn môn đồ kiên trung của võ cổ truyền Việt Nam đang hành hiệp trên khắp thế gian được dịp hội tụ về “đất Tổ” thiêng liêng, để cùng nhau ôn lại truyền thống thượng võ hào hùng của dân tộc. Đó là Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I diễn ra trong năm 2006 tại Bình Định.

 

Võ sinh làng võ Thuận Truyền đánh roi thất bộ. Ảnh: Huyền Trân

 

* Sức sống võ Việt

Liên hoan đã quy tụ 547 thành viên của 58 đoàn, trong đó có 21 đoàn trong nước, 37 đoàn quốc tế thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trải dài từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Úc xa xôi cùng hành hương về miền đất Võ.

Vượt qua tầm vóc của một sự kiện thể thao thuần túy, Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I đã minh chứng về sức sống của võ Việt, khi vượt qua khỏi biên giới Quốc gia, đến với nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, nếu chúng ta biết “khơi ngòi” đúng nhịp, thì cho dù có muộn, những người con xa xứ, những môn đồ trung thành của võ Việt khắp năm châu, đều một lòng hướng về cội nguồn, chung lưng đấu cật dựng xây, mở mang nền võ học nước nhà. Nói như ông Gajdibbi Lahcen - Chủ tịch Tổng đoàn Quán khí đạo thế giới: “Chúng tôi ngàn lần thán phục và tự hào về đất Việt anh hùng, đã sản sinh môn võ anh hùng để chúng tôi và các đệ tử tôn vinh, học tập. Chúng tôi nguyện đem hết tâm lực để gìn giữ, truyền bá đến bạn bè các nước trên thế giới, góp sức nâng cao vị thế, sớm đưa võ Việt trở thành một trong những môn võ hàng đầu trên các đấu trường quốc tế”.

* Và nguy cơ tự đánh mất mình

Bất ngờ lớn nhất, khiến cho các nhà nghiên cứu võ học và người am hiểu võ cổ truyền Việt Nam phải sửng sốt, thán phục chính là những tiết mục Song luyện quyền của Tổng đoàn Quán khí đạo Romania, Bái tổ xích long đao của môn phái Cửu Long võ đạo Pháp, Hùng kê quyền của đoàn Tráng sĩ đạo Bỉ… Các võ sĩ quốc tế “hút hồn” người xem bằng những miếng đánh tinh túy, uy lực và cực kỳ điệu nghệ, thể hiện đầy đủ thần thái của những bài võ cổ đã lưu truyền cách đây hàng ngàn năm, như đòn thế “bắt chân phản lực”, “bắt chân phá tấn” và các “bộ đội”, “bộ liệng”, “bộ hốt”… Ngược lại, một số võ phái trong nước, vốn mang danh “võ gốc” lại đành tâm bỏ mất những đòn thế bí truyền của võ Việt, hoặc pha trộn nhiều hệ phái khác nhau, làm biến dạng các bài võ đặc thù của dân tộc. Nhiều bài võ nổi tiếng đã và đang có nguy cơ mất dần “cái hồn” tinh túy và ngày một lép vế trước các môn võ ngoại nhập đang phát triển như vũ bão ở nước ta, khiến cho vai trò chủ đạo của môn võ chính thống này có khả năng sẽ “chuyển giao” cho nhánh võ Vovinam (nếu môn này thành công trong việc vận động đưa vào Asian Indoor Games năm 2009).

Đáng quan ngại hơn, chính là sự mờ nhạt của Liên đoàn Võ Cổ truyền Việt Nam, không chỉ trong tiến trình hội nhập, mà ngay cả những hoạt động và tầm ảnh hưởng trong nước, so với các môn võ quốc tế khác. Sau hơn 15 năm hoạt động, tổ chức cao nhất này vẫn cứ loay hoay mỗi việc thi đấu võ thuật, nhưng chưa đồng nhất và còn ở dạng “trăm hoa đua nở” mà bỏ mất các nhiệm vụ chính như: võ lý, võ đạo, võ lễ, võ y, võ nhạc…và cả sứ mệnh “nâng tầm võ Việt”. Các thiết chế của nó, như: sàn đài thi đấu, võ phục, đai đẳng, các động tác “se đài” trước khi 2 võ sĩ giao đấu… đều chỉ là sự chuyển đổi, lắp ghép một cách duy ý chí, không tuân thủ theo quy luật khách quan của thuyết âm - dương. Trong đó, nhiều nội dung của 10 bài giáo trình bắt buộc, được các lão võ sư uy tín chỉnh lý tương đối chuẩn xác (vào cuối năm 2001 tại Nha Trang), nhưng khi xuất bản lại “thay tên, đổi chữ” một cách tùy tiện, làm sai lệch, mâu thuẫn giữa lời thiệu gốc với các động tác kỹ thuật, gây bất bình trong làng võ. Mặt khác, nhiều năm không có người đứng đầu Liên đoàn, nhiều thành viên không hoạt động và đến nay, tuy đã quá nhiệm kỳ gần 4 năm, nhưng vẫn chưa tổ chức được Đại hội, để củng cố bộ máy, bổ sung những người có năng lực, tâm huyết, đủ sức đưa nền võ học nước nhà tiến kịp với các nước trên thế giới.

* Làm gì để võ Việt thăng hoa?

Liệu rồi đây con thuyền võ cổ truyền có vượt qua ghềnh thác và đi đến bến bờ vinh quang? Những di sản võ học đồ sộ, được các bậc tiền nhân dày công tạo dựng suốt mấy ngàn năm qua, cùng với nền văn học dân tộc, sẽ đi về đâu? Đây cũng chính là “tâm điểm” được hàng trăm nhà nghiên cứu võ học, sử học, văn hóa, các giáo sư, võ sư đặc biệt quan tâm tại Hội thảo khoa học diễn ra tại TP Quy Nhơn ngay trước ngày kết thúc Liên hoan. Hội thảo này được xem như một “Hội nghị Diên Hồng” về võ học. Nhiều đại biểu đã đồng thanh hiến kế lộ trình khôi phục, bảo tồn, chấn hưng nền võ học nước nhà, sớm mở ra lịch trình hội nhập quốc tế, hướng đến tương lai. Các tham luận của TS Nguyễn Mạnh Hùng, GS Tăng Kim Tây, võ sư  Kozman Csongor (Tổng đoàn Quán khí đạo thế giới)… đều có cùng đề xuất: Để sớm đưa võ Việt Nam sánh vai với các nước trên thế giới và có mặt tại các kỳ Đại hội thể thao khu vực và cao hơn nữa, Nhà nước (thông qua ngành TDTT) sớm xây dựng một chiến lược dài hơi, với các bước đi căn cơ, thích hợp, nhưng rất khẩn trương. Trước hết cần có một Ban nghiên cứu quốc gia, chuyên sưu tầm, khai thác, đúc kết các tư liệu, hiện vật cổ liên quan đến võ học, các bài thiệu võ, bài binh khí chân truyền còn nằm rải rác ở một số địa phương, môn phái võ; đồng thời, tổ chức nhiều Hội thảo khoa học lấy ý kiến trên diện rộng, để sớm quy chuẩn và thống nhất cả về lý luận lẫn thực tiễn. Mặt khác, chọn lọc những tinh hoa bí truyền, những miếng võ đặc sắc của dân tộc, kết hợp với một số đòn thế của các môn võ hiện đại để xây dựng thành những bài quyền, bài binh khí chuẩn mực Quốc gia, theo tiêu chí quốc tế (vừa khoa học, hiện đại, dễ phổ cập, nhưng vẫn giữ sắc diện võ Việt), sớm đưa vào hệ thống thi đấu đỉnh cao. Trước mắt, đưa vào hệ thống giáo dục nhà trường theo một một quy trình thi cử nghiêm ngặt (trước đây, nước ta từng đào tạo Tiến sĩ võ, Cử nhân võ, Tú tài võ). Đồng thời, cần có một Bảo tàng võ học (nên chọn miền đất võ Bình Định) để lưu giữ, truyền bá những giá trị văn hóa đích thực, giáo dục truyền thống, thu hút du khách và nâng cao lòng tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau.

  • Phạm Đình Phong
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vị võ sư “luyện” ngói âm dương  (05/02/2007)
Hoa kiểng Bình Định bước ra sân chơi lớn  (05/02/2007)
Câu lạc bộ Xuân Đinh Hợi  (05/02/2007)
Bình Định - Trung tâm công nghiệp của khu vực - phục vụ kháng chiến và kiến quốc  (30/12/2006)
Lữ đoàn pháo “ba cùng”  (30/12/2006)
Khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới  (30/12/2006)
Một số hình ảnh về Lễ khánh thành cầu Thị Nại, khởi công KCN Nhơn Hội và các dự án trong KKT Nhơn Hội  (30/12/2006)
Những công trình đầy ấn tượng  (30/12/2006)
Đường ven chân sóng  (30/12/2006)
Thăng hoa từ những mặt hàng mỹ nghệ  (30/12/2006)
Một nhà, bốn mẹ anh hùng  (30/12/2006)
Giáo làng ngày trước  (30/12/2006)
Thơ  (30/12/2006)
Quê nhà  (30/12/2006)
Chuyện về hai người bạn của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm  (30/12/2006)